Giao lưu trực tuyến "Giáo dục học sinh qua các di tích lịch sử, văn hóa"

“Giáo dục học sinh qua các di tích lịch sử, văn hóa ” là chủ đề giao lưu trực tuyến diễn ra trên Báo Giáo dục và Thời đại điện tử từ 9h00 đến 10h00 thứ Năm ngày 28/10.

Giao lưu trực tuyến "Giáo dục học sinh qua các di tích lịch sử, văn hóa"

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

Bà Phạm Thị Thảo, Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích Điện Biên Phủ;

Cô Đặng Thị Mai Thanh, Giáo viên văn – sử, Trường THCS Him Lam (TP. Điện Biên Phủ).

Trong những năm qua, công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ, học sinh, thanh thiếu nhi luôn được các cấp, ngành quan tâm, đổi mới phương phức đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện thực tế tại từng đơn vị, địa phương.

Việc tổ chức tham quan, trải nghiệm các di tích lịch sử  là cách làm hay giúp cho học sinh hiểu sâu hơn về truyền thống cách mạng, vun đắp tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ.

Bằng việc tham quan, trải nghiệm đã góp phần nâng cao ý thức cho học sinh, tạo điểm nhấn và những bước đột phá góp phần tích cực vào việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho các em. Thông qua hoạt động, góp phần  phát triển những phẩm chất, nhân cách, kỹ năng sống giúp học sinh có thể thích nghi, thích ứng với xã hội, làm chủ bản thân, sống tích cực... có ý nghĩa với xã hội, có ích với cộng đồng.

Tại buổi giao lưu, các khách mời sẽ cùng chia sẻ những góc nhìn, quan điểm và cách thức phối hợp giữa các ngành để việc giáo dục học sinh qua các di tích lịch sử, văn hóa trở nên thường xuyên và hiệu quả hơn.

Ngay bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi tới các vị khách mời  tại đây, hoặc qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com hoặc tương tác qua facebook của Báo.

Bà Phạm Thị Thảo

Bà Phạm Thị Thảo

Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích Điện Biên Phủ

Cô Đặng Thị Mai Thanh

Cô Đặng Thị Mai Thanh

Giáo viên Văn – Sử, Trường THCS Him Lam (TP. Điện Biên Phủ)

Bạn đọc

Bạn Binhnguyen@...:

Tại Trường THCS Him Lam, nơi cô giáo đang công tác, nội dung giáo dục truyền thống đang được triển khai thực hiện như thế nào?
Cô Đặng Thị Mai Thanh

Cô Đặng Thị Mai Thanh

Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của giáo dục truyền thống trong các nhà trường, không phải bây giờ, mà từ trước đến nay trường THCS Him Lam đã quan tâm thực hiện với nhiều cách thức phong phú, hiệu quả, như: Giáo dục trực tiếp hoặc lồng ghép qua các môn học như Lịch sử, Ngữ văn, Âm nhạc, Mĩ thuật...

Thông qua các tiết hoạt động giáo dục tập thể, HS được trải nghiệm bằng nhiều hình thức: Đóng kịch; múa hát; tiểu phẩm, thi tìm hiểu về truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc (tìm hiểu về Ngày 22/12, chiến dịch Điện Biên Phủ, lễ hội phong tục của dân tộc Thái, Mông, Hà Nhì...); giới thiệu sách về những anh hùng lực lượng vũ trang trong chiến dịch Điện Biên Phủ; tham gia các cuộc thi vẽ tranh về biển đảo quê hương, viết bài tri ân thầy cô…

Mỗi năm học, giáo viên được chủ động xây dựng kế hoạch, trên cơ sở đó, nhà trường lên kịch bàn, kết hợp cùng Ban quản lý di tích Điện Biên, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ tổ chức hoạt động trải nghiệm lịch sử; tham quan tranh ảnh; mời các cựu chiến binh đến nói chuyện; tổ chức cho học sinh thăm đơn vị bộ đội kết nghĩa nhân ngày 22/12...

Học sinh Trường THCS Him Lam tri ân anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang A1
Học sinh Trường THCS Him Lam tri ân anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang A1

 

Mỗi dịp như vậy, giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu về truyền thống văn hóa, lịch sử quê hương Điện Biên và khuyến khích các em làm sản phâm video, PowerPoint...

Hiện tại, trường đang tham gia thi Kho học Kỹ thuật cấp Thành phố với chủ đề: “Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, trang phục và âm nhạc của dân tộc Hà Nhì tỉnh Điện Biên".

Bạn đọc

Bạn Quang Nguyễn, Hòa Bình:

Với vai trò là một giáo viên dạy bộ môn Văn – Sử, cô giáo đã phát huy lợi thế này như thế nào để giáo dục truyền thống cho các em?
Cô Đặng Thị Mai Thanh

Cô Đặng Thị Mai Thanh

Tôi nghiên cứu bài dạy và xác định kiến thức nào liên quan đến lịch sử, văn hóa địa phương mà có thể tích hợp vào bài giảng thì tìm tư liệu, nếu có thể dạy ngoài thực địa thì lên kế hoạch báo cáo với nhà trường để thực hiện.

Hướng dẫn học sinh về nhà tìm hiểu tư liệu liên quan đến kiến thức bài học mà địa phương có (sưu tầm, ghi chép, gặp gỡ, chụp ảnh...), để thực hiện nhiệm vụ học tập. Thông qua những tư liệu mà mình tìm hiểu được để góp phần làm rõ hơn kiến thức. Đồng thời cũng là thể hiện sự trải nghiệm, hiểu biết của bản thân khi thực hiện nhiệm vụ học tập

Trên lớp học, tôi lồng ghép giáo dục qua nội dung kiến thức liên quan đến bài học (lấy những dẫn chứng cụ thể, chân thực từ tài liệu tìm được) để kể, để làm minh chứng cho tiết học sinh động.

Hoạt động trải nghiệm "Chúng em làm chiến sĩ"
Hoạt động trải nghiệm "Chúng em làm chiến sĩ"

 

Trong các tiêt ngoại khóa, tôi thường cố gắng tổ chức hoạt động trải nghiệm cho các em. Cho học sinh tham quan di tích lịch sử, tổ chức các hoạt động tình nguyện, văn nghệ, tìm hiểu văn hóa, ẩm thực... của các dân tộc, tìm hiểu về lịch sử địa phương... Khuyến khích học sinh thực hiện video, PowerPoint… trong quá trình trải nghiệm.

Ví dụ như tìm hiểu về Đền Hoàng Công Chất, cộng đồng các dân tộc Điện Biên... Hướng dẫn học sinh tích cực tham gia các cuộc thi liên quan đến văn hóa, lịch sử địa phương, dân tộc.

Bạn đọc

Bạn Tiendat57…@gmail.com:

Cô đánh giá thế nào về việc hiệu quả giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua các di tích lịch sử, văn hóa?
Cô Đặng Thị Mai Thanh

Cô Đặng Thị Mai Thanh

Việc giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua các di tích lịch sử của địa phương là hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương. Từ đó, các em biết trân trọng những giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực hơn.

Học sinh Trường THCS Him Lam tri ân anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang A1
Học sinh Trường THCS Him Lam tri ân anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang A1

 

Bạn đọc

Bạn Phương Thảo, Sơn La:

Điện Biên là mảnh đất lịch sử và đa dạng về văn hóa, theo cô giáo có lợi thế như thế nào trong việc giáo dục truyền thống cho học sinh?
Cô Đặng Thị Mai Thanh

Cô Đặng Thị Mai Thanh

Tỉnh Điện Biên là mảnh đất lịch sử, hiện nay có 19 dân tộc anh em cùng chung sống đã tạo nên sự đa dạng về văn hóa. Điều đó tạo nhiều thuận lợi trong giáo dục truyền thống cho học sinh.

Khi giảng dạy hoặc tổ chức cho các em tìm hiểu về lịch sử, văn hóa địa phương thì có thể cho học sinh tham quan trực tiếp di tích Lịch sử, văn hóa đó. GV có thể giảng dạy ngay trên thực địa, học sinh sẽ hào hứng hơn tiết học trên lớp rất nhiều.

Giáo viên, học sinh có thể tìm gặp được những già làng, trưởng bản hay những người hiểu biết về lịch sử, văn hóa các dân tộc mà mình cần tìm hiểu dễ dàng hơn khi họ cùng sống trên mảnh đất này. Hoặc dễ dàng tổ chức cho học sinh trực tiếp đến các bản làng để tìm hiểu, khám phá, tham gia trải nghiệm nhiều nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc đang cư trú tại đây, như: Múa xòe, nghề hệt, ẩm thực của dân tộc Thái; múa khèn của dân tộc Mông...

Cô giáo Đặng Thị Mai Thanh và học sinh Trường THCS Him Lam
Cô giáo Đặng Thị Mai Thanh và học sinh Trường THCS Him Lam
Bạn đọc

Bạn Bích Ngọc, Điện Biên:

Cô nhận xét thế nào về sự quan tâm của học sinh khi tham gia tìm hiểu truyền thống qua các di tích lịch sử, văn hóa?
Cô Đặng Thị Mai Thanh

Cô Đặng Thị Mai Thanh

Học sinh rất thích thú nếu được đi tham quan di tích lịch sử hoặc tham gia tìm hiểu thực tế về văn hóa các dân tộc khi được trải nghiệm trực tiếp. Khi được giao tìm hiểu về lịch sử, văn hóa địa phương các em hào hứng tham gia, và thực hiện nhiều sản phẩm về hình ảnh, bài viết giới thiệu, cảm nhận về những trải nghiệm đó.

Học sinh hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ.

Học sinh hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ.

Hiện nay do tình hình dịch bệnh phức tạp nên tạm thời hoạt động trải nghiệm cho các em chưa được tổ chức. Nhưng năm học trước, vào tháng 4, nhà trường cũng đã phối hợp cùng Trường THCS Mường Thanh tổ chức cho 90 em trải nghiệm tại các điểm di tích.

Ngay từ đầu giờ sáng các em đã có mặt đông đủ để dâng hoa, thắp hương các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang A1; rồi có cuộc gặp gỡ, nghe lời nhắn từ Chiến Sĩ Điện Biên Phạm Đức Cư. Nhiều em sau đó về chia sẻ là rất xúc động.

Rồi những cô cậu học sinh thành phố lần đầu tự tay chằng buộc bao tải hàng và đẩy xe thồ lên những con dốc quanh co. Mặc dù còn lóng ngóng, chưa biết cách điều khiển xe, nhưng khi được hướng dẫn thì các em đẩy xe chạy phăm phăm. Xe nào về đích là các em ai nấy mồ hôi ướt đẫm, mà vì các bạn hò reo, cổ vũ nhiều nên đều phấn khởi.

Sau buổi đó, các em chia sẻ khám phá và học hỏi được rất nhiều. Vì trước nay các em chỉ biết đến xe đạp thồ, biết đến những vất vả của chiến sĩ Điện Biên qua sách, báo. Nhưng khi trải nghiệm thực tế, dù mới chỉ là một phần rất nhỏ song đã thấm thía những hy sinh của cha ông. Tôi cho rằng, đó là bài học thành công nhất.

Bạn đọc

Bạn Phunganhthao…@:

Cô cho biết, hiện nay việc kết nối, tổ chức các hoạt động tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm trực tiếp tại các điểm di tích có thuận lợi và khó khăn gì?
Cô Đặng Thị Mai Thanh

Cô Đặng Thị Mai Thanh

Việc kết nối, tổ chức các hoạt động tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm trực tiếp tại các điểm di tích có nhiều thuận lợi, như: Trường THCS Him Lam nằm trong lòng thành phố, nên rất gần các di tích lịch sử, gần bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ. Ban giám hiệu Nhà trường cũng rất quan tâm tạo điều kiện để các em học sinh học tập trong điều kiện tốt nhất. Cả giáo viên và học sinh đều hào hứng tham gia.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số khó khăn nhất định, như: Số lượng học sinh mỗi khối đông nên tổ chức tham quan, tìm hiểu trải nghiệm trực tiếp tại các điểm di tích còn bất cập (thời gian, đi lại, đảm bảo an toàn...).

Thi vẽ tranh tặng chiến sĩ là một trong những hoạt động thiết thực để giáo dục đạo lí "uống nước nhớ nguồn" cho học sinh
Thi vẽ tranh tặng chiến sĩ là một trong những hoạt động thiết thực để giáo dục đạo lí "uống nước nhớ nguồn" cho học sinh

 

Bạn đọc

Bạn Binhnguyentran@...:

Sự hợp tác và hứng thú của học sinh ra sao đối với mỗi hoạt động tìm hiểu, trải nghiệm tại các điểm di tích thưa cô?
Cô Đặng Thị Mai Thanh

Cô Đặng Thị Mai Thanh

Các em tham gia rất tích cực trong các hoạt động trải nghiệm. Mỗi dịp nhà trường tổ chức, các em đều đăng ký rất nhiều, song thường phải giới hạn về số lượng trong một lần tổ chức. Trong suốt quá trình tham gia, các em rất hứng khởi, thích thú. Nhất là trong hoạt động trải nghiệm “Chúng em làm chiến sĩ”, nhiều em xung phong đảm nhận các nhiệm vụ quan trọng, hoặc không nề hà các phần việc nặng, như: Vác tải đạn, đẩy xe thồ…

Nữ sinh hứng khởi trải nghiệm Dân công tải đạn
Nữ sinh hứng khởi trải nghiệm Dân công tải đạn

 

Bạn đọc

Bạn Phuongvu…@gmail.com:

Theo cô, để tổ chức các hoạt động tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm trực tiếp hiệu quả, giáo viên cần làm gì?
Cô Đặng Thị Mai Thanh

Cô Đặng Thị Mai Thanh

Trong các tiết học, giáo viên lồng ghép kiến thức, sáng tạo phương pháp chuyển tải để học sinh hứng thú, tự giác tìm hiểu, trân trọng giữ gìn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá của địa phương. Khi tiến hành tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm trực tiếp thì giáo viên phải báo cáo nhà trường, lên kế hoạch cụ thể, báo cho các bộ phận liên quan phối hợp cùng tham gia để thực hiện cho học sinh một cách an toàn, hiệu quả.

Giáo viên làm tốt công tác chuyển giao nhiệm vụ cho học sinh để học sinh nắm được mục đích của hoạt động đó và biết mình cần phải làm gì? Thực hiện như thế nào? và sau mỗi lần như thế, học sinh phải hoàn thiện bằng sản phẩm học tập. học sinh có thể báo cáo sản phẩm đó trước lớp hoặc nộp cho giáo viên. Giáo viên lựa chọn những sản phẩm chất lượng để giới thiệu trước lớp, trước trường trong các hoạt động giáo dục tập trung.

Bạn đọc

Bạn kimthanh72@...:

Theo cô, ý thức học sinh đóng vai trò như thế nào trong hoạt động tìm hiểu, trải nghiệm tại các điểm di tích?
Cô Đặng Thị Mai Thanh

Cô Đặng Thị Mai Thanh

Nếu muốn tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống tốt, ý thức của học sinh đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì nếu học sinh không có ý thức thực hiện nhiệm vụ học tập thì hoạt động sẽ không đạt kết quả.

Bạn đọc

Bạn Hoàng Oanh, Sơn La:

Từ kinh nghiệm của bản thân, theo cô những hạn chế hiện nay trong tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế là gì? Nguyên nhân do đâu?
Cô Đặng Thị Mai Thanh

Cô Đặng Thị Mai Thanh

Hạn chế nhất trong tổ chức các hoạt động trải nghiệm lịch sử, văn hóa đó là về thời gian tổ chức. Nếu muốn tổ chức một hoạt động trải nghiệm bổ trợ cho môn học, chương trình học thì rất khó bố trí vào khoảng thời gian giữa các tiết học, buổi học. Không thể tiến hành một hoạt động trải nghiệm trong vòng một tiết học khi phải lấy quỹ thời gian của tiết học khác. Vì vậy, việc sắp xếp quỹ thời gian hợp lý cho hoạt động trải nghiệm cần được nghiên cứu và phân bố hợp lý.

Hoạt động trải nghiệm "Chúng em làm chiến sĩ"
Hoạt động trải nghiệm "Chúng em làm chiến sĩ"

 

Thông thường, các địa điểm như khu di tích, bảo tàng, các địa danh khá xa nhiều trường học. Không phải trường học nào cũng có sự thuận lợi về khoảng cách khi tổ chức các hoạt động trải nghiệm vì vậy, sẽ rất khó khăn khi tổ chức cho học sinh đến học tập.

Một vướng mắc nữa là kinh phí thực hiện. Việc tổ chức học tập trải nghiệm dù ở đâu cũng cần có khoản kinh phí nhất định để phục vụ cho hoạt động như tiền thuê xe đưa đón, nước uống… Tuy nhiên, kinh phí dành cho hoạt động học tập trải nghiệm ở các trường phổ thông hiện nay khá eo hẹp.

Khó khăn còn xuất phát từ phía người học. Lâu nay chúng ta vẫn chú trọng những tiết học trên lớp, qua kênh sách giáo khoa và kênh hình bằng các phương tiện hỗ trợ. Vì vậy, nếu tổ chức các hoạt động trải nghiệm mà không có sự chuẩn bị về tâm lý và phương pháp, chắc chắn học sinh sẽ bị rơi vào trạng thái thụ động khi tiếp cận đối tượng trải nghiệm hoặc sẽ biến buổi học trải nghiệm thành một chuyến tham quan.

Ngoài ra, còn có khó khăn trong việc bảo đảm an toàn trong quá trình tổ chức hoạt động học tập trải nghiệm.

Bạn đọc

Bạn Phuongthuvu…@gmail.com:

Theo cô giáo, việc “làm mới” các hoạt động tại các điểm di tích để tạo sức hút cho đối tượng học sinh có cần thiết?
Cô Đặng Thị Mai Thanh

Cô Đặng Thị Mai Thanh

Theo tôi, nên "làm mới" các hoạt động tại các điểm di tích để tạo sức hút cho đối tượng học sinh. Tuy nhiên phải đảm bảo tốt mục tiêu giáo dục.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Xuân, Lai Châu:

Để giáo dục truyền thống cho học sinh hiệu quả, theo cô giáo, cần những yếu tố nào?
Cô Đặng Thị Mai Thanh

Cô Đặng Thị Mai Thanh

Theo tôi, nhà trường xây dựng chương trình cần chú ý sắp xếp và tổ chức xen kẽ với hoạt động học tập trải nghiệm sao cho vừa hợp lý vừa hiệu quả.

Giáo viên cần vận dụng linh hoạt các phương pháp trong dạy học để truyền tải kiến thức đến học sinh mà không bị nhàm chán, khô cứng.

Về phía học sinh phải tích cực tham gia học tập, tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm. Ngoài ra, sự phối hợp các môi trường giáo dục để cùng giáo dục học sinh cũng không kém phần quan trọng. Nên có các video phục vụ bài học. Ví dụ, về diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh… Những video này giúp học sinh hứng thú và nhớ kiến thức hơn rất nhiều.

Bạn đọc

Bạn Lưu Ly - Hải Phòng:

Điện Biên được xem là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử, xin bà có thể khái quát cho độc giả biết về hệ thống các di tích mà chúng ta đang sở hữu?
Bà Phạm Thị Thảo

Bà Phạm Thị Thảo

“Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là những gì gợi lại khi nhắc đến chiến dịch Điện Biên Phủ đầy tự hào nhưng cũng không ít xót xa của dân tộc Việt Nam. Trải qua bao nhiêu thăng trầm Di tích lịch sử Điện Biên Phủ đã trở thành một địa điểm du lịch không những hấp dẫn du khách mà còn mang ý nghĩa giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau này.

Trong đó, đặc biệt nhất là quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ được hình thành từ những địa điểm gắn liền với chiến dịch 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ rừng” của quân và dân ta như tên núi, tên sông, tên vùng đất,… Là một trong số hơn 100 di tích quốc gia của cả nước.

Bạn đọc

Bạn Thảo Nguyên:

Điện Biên là vùng đất giàu truyền thống, với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa hết sức đa dạng và phong phú. Xin bà cho biết về thực trạng và hiện nay các di tích đó đang được quan tâm, phát huy giá trị như thế nào?
Bà Phạm Thị Thảo

Bà Phạm Thị Thảo

Bà Phạm Thị Thảo, Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích Điện Biên Phủ
Bà Phạm Thị Thảo, Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích Điện Biên Phủ

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới thuộc vùng Tây Bắc Việt Nam. Vị trí chiến lược rất quan trọng, là nơi hội tụ của tinh hoa văn hóa và thiên nhiên kỳ vĩ, qua trường kỳ lịch sử và là địa danh ghi dấu ấn thời đại đã tạo nên cho Điện Biên hệ thống di tích đa dạng, đặc sắc, có giá trị to lớn về mọi mặt, với 27 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng.

Trong đó, nổi bật nhất là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ gắn với Chiến thắng “ lừng lẫy năm châu, chấn động đại cầu”.

Ban Quản lý di tích được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2020. Trong đó, được giao trực tiếp quản lý và phát huy giá trị Di tích lịch  sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Chúng tôi thường xuyên tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phục vụ, hướng dẫn khách tham quan tại di tích; tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, đăng bài trên trang thông tin điện tử của đơn vị, xây dựng fanpage và kênh Youtube; xây dựng tập gấp, sách ảnh, file thu âm và video tuyên truyền giới thiệu về di tích, trưng bày, triển lãm ảnh giới thiệu về di tích. Đồng thời tiếp nhận và tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm tại đây. 

Bạn đọc

Bạn Hoàng Thanh:

Trung bình hàng năm, đơn vị đón bao nhiêu lượt khách đến tham quan, tìm hiểu tại các điểm di tích. Trong đó, sự quan tâm của đối tượng là học sinh như thế nào?
Bà Phạm Thị Thảo

Bà Phạm Thị Thảo

Năm 2020, 2021 do ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, lượng khách tham quan giảm chỉ  bằng 1/4 so với lượng khách trung bình những năm trước. Đơn cử như năm 2020, đơn vị đón khoảng 118 nghìn lượt khách tới tham quan tìm hiểu các điểm Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ. Trong đó, Khách Việt Nam là hơn 116.000 lượt; khách nước ngoài gần 2.000 lượt.

Đối tượng khách là học sinh đang có dấu hiệu tăng lên so với những năm trước, tập trung vào việc học sinh được giáo dục truyền thống, học lịch sử thông qua việc tham quan, nghe Cựu chiến sỹ Điện Biên kể chuyện, tham gia các hoạt động trải nghiệm tại các điểm di tích.

Học sinh tham gia tìm hiểu lịch sử tại điểm di tích Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Học sinh tham gia tìm hiểu lịch sử tại điểm di tích Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

 

Bạn đọc

Bạn lamtuong@...:

Bà có thể cho biết các đối tượng thuộc lứa tuổi học sinh đến tham quan, tìm hiểu tại di tích đa phần theo hình thức nào?
Bà Phạm Thị Thảo

Bà Phạm Thị Thảo

Hiện nay, đối tượng khách lứa tuổi học sinh đến tham quan, tìm hiểu tại di tích thường đi theo tổ chức của nhà trường, các lớp, tổ chức đoàn thể. Ngoài ra, trong các dịp lễ, tết, ngày giải phóng Điện Biên Phủ (7/5) cũng có nhiều em ở nhiều lứa tuổi khác nhau đi theo gia đình.

Khi trải nghiệm Đồi A1 là nơi thu hút nhiều học sinh tham gia, với hoạt động trải nghiệm "Chúng em làm chiến sĩ".
Khi trải nghiệm Đồi A1 là nơi thu hút nhiều học sinh tham gia, với hoạt động trải nghiệm "Chúng em làm chiến sĩ".

 

Bạn đọc

Bạn Khánh Thương:

Những năm qua, đơn vị đã triển khai hoạt động gì để phát huy giá trị các di tích, gắn với giáo dục truyền thống cho đối tượng học sinh?
Bà Phạm Thị Thảo

Bà Phạm Thị Thảo

Với mong muốn khơi dậy tinh thầm trách nhiệm, niềm tự  hào và trân trọng truyền thống lịch sử quý báu của dân tộc cho thế hệ trẻ, những năm qua Ban Quản lý di tích đã phối hợp các trường học trên địa bàn thành phố, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: hoạt động trải nghiệm “Chúng em là chiến sĩ”, triển lãm ảnh tại trường học, tổ chức cho học sinh tham quan các di tích vào các tiết học ngoại khóa. 

Bạn đọc

Bạn Trung Phạm:

Bà có thể cho biết, hiện nay sự phối hợp giữa đơn vị và các cơ sở giáo dục trong vấn đề giáo dục truyền thống được quan tâm thực hiện ra sao?
Bà Phạm Thị Thảo

Bà Phạm Thị Thảo

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký với Sở Giáo dục & Đào tạo Chương trình phối hợp về “Phát huy giá trị di sản văn hoá gắn với hoạt động giáo dục và xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học” giao đoạn 2020-2025. Đây chính là tiền để để chúng tôi phối hợp với các nhà trường, tổ chức các hoạt động tham quan, tìm hiểu thực tế cho học sinh trên địa bàn.

Thời gian qua, chúng tôi cũng đã nhận được sự phối hợp, tham gia của nhiều đơn vị trường học trong công tác giáo dục truyền thống, lịch sử cho học sinh theo hình thức tham quan, trải nghiệm, học tập tại thực tế các điểm di tích.

Nhiều trường học phối hợp với Bảo tàng lịch sử Điện Biên Phủ để triển lãm tranh về lịch sử cho học sinh.
Nhiều trường học phối hợp với Bảo tàng lịch sử Điện Biên Phủ để triển lãm tranh về lịch sử cho học sinh.

 

Bạn đọc

Bạn lalann...gmail.com:

Đơn vị đã làm gì để tạo sức hút cho các điểm di tích, đặc biệt là với đối tượng học sinh, thưa bà?
Bà Phạm Thị Thảo

Bà Phạm Thị Thảo

Để tạo sức hút cho di tích, nhất là đối tượng học sinh, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu trên các trang mạng xã hội, fanpage, trang thông tin điện tử của đơn vị… Tổ chức triển lãm tại các trường, giới thiệu di tích đến thầy cô và học sinh.

Đơn vị cũng phải thay đổi, linh hoạt hình thức tham quan bằng hoạt động trải nghiệm cho phù hợp với đối tượng học sinh. Từ đó, mời các Trường tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động học tập lịch sử, giáo dục truyền thống tại di tích.

Học sinh hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ.
Học sinh hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ.

 

Bạn đọc

Bạn Lienhoa:

Được biết, những năm gần đây, đơn vị có phối hợp, mời các cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tham gia kể chuyện lịch sử tại các điểm di tích, xin bà cho biết thêm về hoạt động này và ý nghĩa ra sao trong việc giáo dục truyền thống cho các em?
Bà Phạm Thị Thảo

Bà Phạm Thị Thảo

Đơn vị đã mời các bác cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tới trò chuyện với các em học sinh khi các em tham gia hoạt động trải nghiệm “Chúng em là chiến sĩ”. Thông qua những cuộc giao lưu, nói chuyện như thế, các cựu chiến binh “nhân chứng sống” của lịch sử luôn có sức thuyết phục và lan tỏa lớn đối với học sinh.

Cựu chiến binh Điện Biên Phủ là "nhân chứng sống" giúp học sinh hiểu sâu hơn về những câu chuyện lịch sử và sự hy sinh của cha ông.
Cựu chiến binh Điện Biên Phủ là "nhân chứng sống" giúp học sinh hiểu sâu hơn về những câu chuyện lịch sử và sự hy sinh của cha ông.

 

Bạn đọc

Bạn Danh Tùng:

Cùng với việc tham quan, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, thì tại các điểm di tích học sinh sẽ được tham gia các hoạt động gì? Mục tiêu hướng đến là gì, thưa bà?
Bà Phạm Thị Thảo

Bà Phạm Thị Thảo

Cùng với việc tham quan, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa... Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên còn tổ chức các Chương trình trải nghiệm “chúng em làm chiến sỹ Điện Biên”, tham gia quét dọn bảo vệ di tích, tham gia các hoạt động báo công, kết nạp Đoàn tại di tích...

Mục đích để các em hiểu về lịch sử, tự hào dân tộc và truyền thống đấu tranh bảo vệ tổ quốc của cho ông, rèn luyện cho các em ý thức tham gia bảo vệ di tích, tinh thần đoàn kết, tham gia các hoạt động mang tính tập thể…

Bạn đọc

Bạn Tấn Tài (Điện Biên):

Bà đánh giá như thế nào về “sức hút” của những hoạt động trải nghiệm lịch sử đối với đối tượng học sinh mà đơn vị tổ chức những năm gần đây?
Bà Phạm Thị Thảo

Bà Phạm Thị Thảo

Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy các em học sinh rất hứng thú, quan tâm tìm hiểu, cho thấy sự hấp dẫn của các di tích, đặc biệt là các di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ đối với các em học sinh.

Các hoạt động lịch sử do đơn vị tổ chức tạo “sức hút” rất lớn đối với học sinh vì ở đó các em vừa được chơi vừa được học thông qua các hoạt động gắn liền với lịch sử. Qua đó các kiến thức đến với các em một cách tự nhiên nhẹ nhàng không gò bó, khơi dậy niềm yêu thích với môn lịch sử.

Bạn đọc

Bạn Thảo Mộc (Lai Châu):

Được biết, hiện nay, việc khai thác giá trị các điểm di tích trong giáo dục truyền thống cho học sinh mới chỉ “bó hẹp” đối với một số đơn vị trường học khu vực thành phố. Vậy, để mở rộng đối tượng tham gia, các hoạt động truyền thông đang được đơn vị triển khai thực hiện như thế nào, thưa bà?
Bà Phạm Thị Thảo

Bà Phạm Thị Thảo

Học sinh tham gia thi tìm hiểu lịch sử tại Đồi A1
Học sinh tham gia thi tìm hiểu lịch sử tại Đồi A1

 

Để mở rộng đối tượng học sinh tham gia các hoạt động giáo dục truyền thống tại các điểm di tích, Ban Quản lý di tích đã ban hành Kế hoạch số 158, ngày 9/6/2020 về việc Triển khai chương trình “Phát huy giá trị di sản gắn với các hoạt động giáo dục và xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học” năm 2020 và giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở này, đơn vị gửi thư mời tới các trường để các cơ sở nắm bắt, đăng ký, tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động tại di tích ngày càng nhiều hơn.

Bạn đọc

Bạn thanhthao...@gmail...:

Để tiếp tục phát huy giá trị các di tích trong giáo dục tuyền thống cho đối tượng học sinh trên địa bàn, theo bà cần những yếu tố gì? Hai ngành Văn hóa và Giáo dục & Đào tạo cần phối hợp thế nào?
Bà Phạm Thị Thảo

Bà Phạm Thị Thảo

Qua các lần tổ chức Chương trình trải nghiệm tại các điểm di tích cho các em học sinh, các em rất hào hứng, nhiệt tình, thích thú tham gia. Vậy theo tôi, trong thời gian tới để tiếp tục phát huy giá trị các di tích trong giáo dục tuyền thống cho đối tượng học sinh trên địa bàn thì rất cần có sự phối hợp, quan tâm, tạo điều kiện của Ban Giám hiệu các nhà trường và cả phụ huynh, tăng cường tổ chức các buổi tham quan, học tập và tham gia các hoạt động trải nghiệm tại các điểm di tích.

Bạn đọc

Bạn Trí Tuệ (Lai Châu):

Sắp tới đơn vị đã có định hướng, giải pháp gì để thu hút và phát huy hơn nữa giá trị di tích trong phát triển du lịch, gắn với giáo dục truyền thống không, thưa bà?
Bà Phạm Thị Thảo

Bà Phạm Thị Thảo

Về phía đơn vị, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, hiện nay cũng đã và đang triển khai các phần việc nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, như: Tu sửa hệ thống cảnh quan di tích; trồng thêm nhiều cây xanh, vườn hoa.

Đặc biệt, tranh thủ thời gian nghỉ dịch, đơn vị đang cho biên tập lại toàn bộ bài thuyết minh, xin ý kiến chuyên gia, các nhà lịch sử, cựu chiến binh... để hấp dẫn, thu hút và sát lịch sử hơn.

Chúng tôi cũng xác định, việc tuyên truyền, giáo dục đối với cán bộ, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên hiểu được giá trị, ý nghĩa của các khu, điểm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, qua đó góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ giá trị di tích lịch sử, văn hóa cũng rất quan trọng. Nên thời gian tới sẽ quan tâm tổ chức nhiều hoạt động hơn.

Bên cạnh đó, phát huy cao độ các giá trị của di tích bằng việc tổ chức nhiều hoạt động tại khu di tích, kết hợp giữa nhà trường với bảo tàng và di tích, gắn việc học tập tại trường với học tập ngoại khóa tại khu di tích cho học sinh trên địa bàn tỉnh. Có như vậy mới khơi dậy lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa của địa phương.

"Làm mới" diện mạo, cảnh quan cho di tích để vừa đảm bảo các yếu tố về lịch sử, vừa tạo sức hút là cần thiết. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn chế nên hiện nay chúng tôi đang nỗ lực huy động các nguồn vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là kinh phí từ xã hội hóa, nguồn lực từ nhân dân cũng như việc gây quỹ và tìm các nguồn tài trợ khác nhằm đảm bảo nguồn kinh phí để thực hiện tốt công tác bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa của địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ