Giao lưu trực tuyến “Nhà giáo và sứ mệnh đại biểu dân cử”

“Nhà giáo và sứ mệnh đại biểu dân cử” là chủ đề của chương trình giao lưu trực tuyến diễn ra trên Báo Giáo dục và Thời đại từ 14h00 – 15h00, thứ Tư ngày 20/10/2021.

Giao lưu trực tuyến “Nhà giáo và sứ mệnh đại biểu dân cử”

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

Cô Nguyễn Thị Hà - Đại biểu Quốc hội khóa XV, giáo viên Trường THPT Lương Tài, huyện Lương Tài, Bắc Ninh;

Cô Nàng Xô Vi - Đại biểu Quốc hội khóa XV, giáo viên Trường phổ thông dân tộc nội trú tại huyện la H’Drai, Kon Tum

Trong số 499 trường hợp trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XV, có 25 người là cán bộ, giáo viên, giảng viên công tác trong lĩnh vực giáo dục.

Trở thành Đại biểu quốc hội khóa XV, các cô giáo đều bày tỏ sự ưu tiên hàng đầu trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; đồng thời đều có chung mối quan tâm đến quyền lợi nhà giáo và cơ hội học tập của học sinh.

Nhận thức rõ được vai trò và vị trí là cầu nối mang tiếng nói của người dân, của nhà trường cũng như học sinh tới nghị trường, góp phần đổi thay tích cực cho ngành Giáo dục và cuộc sống của nhiều người nên những nhà giáo mang sứ mệnh đại biểu dân cử đã không ngừng cố gắng, ngày một hoàn thiện để hoàn thành tốt trọng trách của mình.

Tại chương trình giao lưu trực tuyến do Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức, những trao đổi giữa khách mời và bạn đọc sẽ xoay quanh vai trò của nhà giáo và sứ mệnh đại biểu dân cử cũng như những khó khăn, thử thách mà họ đã vượt qua.

Bạn đọc có thể gửi câu hỏi tới các khách mời tại đây, hoặc gửi email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com, hoặc tương tác qua facebook: www.fb.com/giaoducthoidai.

Cô Nàng Xô Vi

Cô Nàng Xô Vi

Đại biểu Quốc hội khóa XV, giáo viên Trường phổ thông dân tộc nội trú tại huyện la H’Drai, Kon Tum

Cô Nguyễn Thị Hà

Cô Nguyễn Thị Hà

Đại biểu Quốc hội khóa XV, giáo viên trường THPT Lương Tài, huyện Lương Tài, Bắc Ninh

Bạn đọc

Bạn Hải Đăng – Bạc Liêu:

Bên cạnh việc truyền dạy kiến thức, cô triển khai giáo dục đạo đức lối sống cho các em thông qua những hoạt động nào, đặc biệt với những học sinh cấp THPT đang ở độ tuổi dậy thì, muốn chứng minh bản thân?
Cô Nàng Xô Vi

Cô Nàng Xô Vi

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Chính vì vậy giáo dục tri thức và nhân cách là hai nhân tố rất cần thiết cho học sinh trong thời đại mới.

Để triển khai giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, đặc biệt là học sinh ở các trường PTDTNT, hội đồng giáo dục nhà trường chúng tôi triển khai đến từng học sinh các chủ đề, nhiệm vụ năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Ngoài ra nhà trường cũng có những chương trình hoạt động riêng phù hợp với đặc trưng của địa phương như: tổ chức diễn đàn “Chúng tôi nói về chúng tôi” để các em bày tỏ tâm tư, tình cảm của mình trước bạn bè, thầy cô. Qua đó giáo viên nắm bắt và định hướng tư tưởng cho học sinh. Bên cạnh đó, tổ chức những buổi ngoại khóa tư vấn về sức khỏe sinh sản, vị thành niên, tác hại của ma túy, bạo lực học đường… Đặc biệt là tổ chức phiên chợ vùng cao để các em có sân chơi và phát huy được năng khiếu kinh doanh của bản thân.

Ngoài ra, mỗi khi học sinh vi phạm, giáo viên nhà trường gặp riêng từng em và góp ý trên tinh thần giúp đỡ để các em nhận ra hạn chế của mình. Đặc biệt không bao giờ để cơ hội cho cái “tôi” của các em trỗi dậy.

Bạn đọc

Bạn Bình Minh – Gia Lai:

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Trường phổ thông dân tộc nội trú tại huyện la H’Drai gặp những thuận lợi, khó khăn gì, thưa cô?
Cô Nàng Xô Vi

Cô Nàng Xô Vi

Kon Tum chúng tôi may mắn hơn một số tỉnh khác là trong đợt dịch vừa qua không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, thế nhưng cũng có những ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học trong nhà trường.

Trong mùa dịch trường chúng tôi vừa dạy trực tiếp, vừa dạy trực tuyến. Số học sinh ở nội trú chúng tôi thực hiện 3 cùng với nhau là “cùng ăn, cùng ở, cùng học”.

Số học sinh ngoại trú chúng tôi dạy trực tuyến. Ngoài kiểm tra trực tuyến, hàng tuần giáo viên thường xuyên đến các điểm làng để hỗ trợ và bổ túc thêm kiến thức cho các em. Do đó, mùa dịch đối với giáo viên nơi đây nói chung là khó khăn nhiều chứ thuận lợi hầu như là con số không.

Bạn đọc

Bạn Thái Khang – Bình Định:

Từ khi bắt đầu đứng trên bục giảng, đưa con chữ đến gần hơn với học trò... điều gì khiến cô hạnh phúc, thưa cô?
Cô Nàng Xô Vi

Cô Nàng Xô Vi

Từ những ngày đầu đứng trên bục giảng để mang con chữ đến với các em, tôi xác định trường là nhà, học sinh là con. Điều hạnh phúc nhất của người làm cha mẹ là con cái trưởng thành, vượt qua rào cản bản thân, của buôn làng đồng thời, giúp các em tin tưởng bản thân có thể trở thành người có ích cho xã hội và là nguồn lực của đất nước.

Bạn đọc

Bạn Mỹ Linh – Kon Tum:

Để các em có động lực và cố gắng vươn lên trong học tập, bản thân cô có những giải pháp gì để khơi dậy nguồn cảm hứng cho học sinh?
Cô Nàng Xô Vi

Cô Nàng Xô Vi

Cô Nàng Xô Vi và các em học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú tại huyện la H’Drai. Ảnh tư liệu
Cô Nàng Xô Vi và các em học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú tại huyện la H’Drai. Ảnh tư liệu

 

Để học sinh có động lực và cố gắng vươn lên trong học tập, trước tiên mỗi giáo viên phải công bằng với tất cả các em. Chỉ như thế học sinh mới thấy mình không phải là người bị bỏ lại phía sau.

Đồng thời giáo viên phải thấu hiểu và cảm thông từng hoàn cảnh của học sinh để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp. Bên cạnh đó, phân hóa học sinh theo đúng năng lực để có phương pháp truyền đạt phù hợp nhằm khuyến khích, động viên kịp thời để học sinh có thêm động lực phấn đấu.

Ngoài ra, phát hiện năng khiếu của từng học sinh để động viên các em phát triển thế mạnh của mình vì mỗi người đều có một khả năng riêng.

Đó là một số ý kiến theo ý chủ quan của bản thân tôi. Theo tôi nghĩ, còn có rất nhiều giải pháp khác do đó, tôi cũng đang cố gắng trau dồi, học hỏi để ngày càng hoàn thiện hơn.

Bạn đọc

Bạn Hạnh Phúc – Lào Cai:

Tôi cũng là giáo viên trẻ giảng dạy học sinh dân tộc thiểu số ở vùng cao, tuy nhiên trong quá trình mang con chữ đến cho các em thì một số phụ huynh không hợp tác, không cho con em đến trường học tập. Mong cô chia sẻ kinh nghiệm để phụ huynh cảm thông, hiểu được tầm quan trọng của việc học để phối hợp với nhà trường, giáo viên cho các em ra lớp...
Cô Nàng Xô Vi

Cô Nàng Xô Vi

Việc một số phụ huynh không hợp tác, không cho con em đến trường học tập đều là nỗi băn khoăn của rất nhiều giáo viên dạy vùng cao, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số. Tôi nghĩ rằng, khi gặp những trường hợp như thế, trước hết phải tìm hiểu gia cảnh của từng em học sinh. Qua đó, chia sẻ với phụ huynh về việc học của các em và nhấn mạnh về tầm quan trọng của tri thức.

Bên cạnh đó cần sự hỗ trợ, phối hợp của chính quyền địa phương nơi các em đang sinh sống. Tuy nhiên trong quá trình vận động phải linh hoạt bởi mỗi dân tộc có một phong tục riêng, mỗi gia đình có một hoàn cảnh riêng. Vì vậy không thể đem hoàn cảnh này áp dụng cho hoàn cảnh khác.

Bạn đọc

Bạn hoathienly@....:

Theo cô, ngành giáo dục địa phương hiện có những khó khăn, thách thức gì? Với cương vị là Đại biểu Quốc hội, cô sẽ làm gì để xây dựng và phát triển ngành giáo dục địa phương?
Cô Nàng Xô Vi

Cô Nàng Xô Vi

Theo tôi, vấn đề khó khăn luôn gặp phải của ngành giáo dục ở Kon Tum và các khu vực vùng sâu vùng xa khác đó là cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và trang thiết bị học tập còn thiếu thốn. Do đó, đây là một trong những thách thức đối với giáo viên khi truyền dạy kiến thức cho học sinh.

Chính vì vậy, việc đầu tư thiết bị dạy học rất cần thiết để tạo điều kiện cho giáo viên có thể thực hiện các phương pháp giảng dạy hiện đại triệt để hơn.

Sở GD&ĐT Kon Tum tổ chức gặp mặt chúc mừng cô Nàng Xô Vi trúng cử Đại biểu Quốc hội khoá XV.
Sở GD&ĐT Kon Tum tổ chức gặp mặt chúc mừng cô Nàng Xô Vi trúng cử Đại biểu Quốc hội khoá XV.

 

Từ khi trở thành đại biểu của dân cử, tôi cố gắng thực hiện trách nhiệm giám sát, truyền đạt nguyện vọng và trách nhiệm của mình đến với cử tri thông qua các buổi tiếp xúc cử tri. Trong tương lai tôi rất mong nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri để bản thân hoàn thiện hơn.

Về vấn đề khó khăn tại địa phương cũng là trăn trở của bản thân, tôi mong muốn Bộ GD&ĐT sẽ quan tâm hơn nữa về giáo dục trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói riêng và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung để phát triển ngành giáo dục, đặc biệt là phát triển giáo dục dân tộc.

Bản thân tôi cũng mong muốn các nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều hơn để cùng sẻ chia với ngành Giáo dục.

Bạn đọc

Bạn thienthinh@....:

Trong những năm gieo chữ cho học trò vùng sâu vùng xa, có kỉ niệm nào khiến cô nhớ mãi không quên?
Cô Nàng Xô Vi

Cô Nàng Xô Vi

Trên hành trình gieo chữ cho học trò có rất nhiều kỉ niệm khiến tôi ấn tượng và nhớ mãi.

Đặc biệt, trong đợt ôn thi tốt nghiệp THPT vừa qua, bản thân tôi cũng mới về trường sau khi nghỉ sinh em bé và đảm nhận dạy lớp 12. Do đó, về kinh nghiệm ôn thi tôi chưa có nhiều nên tôi đã tham khảo đồng nghiệp, những thầy cô đã từng dạy tôi ngày xưa. Qua đó, những giáo viên có bề dạy kinh nghiệm đã chia sẻ và động viên để tôi có thể hỗ trợ tốt nhất cho học sinh hoàn thành kì thi quan trọng.

Trong quá trình ôn thi, tôi cũng có một số phần quà nho nhỏ để tạo động lực cho các em ôn tập tốt hơn. Sau khi có kết quả, tôi rất vui mừng và hạnh phúc khi tất cả các em đều hoàn thành tốt kì thi.

Các em đã tâm sự rằng, “chúng em rất quý cô, coi cô như người chị và khi biết về những câu chuyện của cô ngày xưa chúng em rất thương và ngưỡng mộ nghị lực của cô”. Điều đó khiến tôi hạnh phúc và ngày càng yêu nghề của mình hơn.

Bạn đọc

Bạn hoanhao@....:

Thưa cô, để các em học sinh có điều kiện tốt nhất khi học tập thì sự phối hợp, hỗ trợ của phụ huynh đóng vai trò thế nào?
Cô Nàng Xô Vi

Cô Nàng Xô Vi

Phụ huynh đóng vai trò rất quan trọng trong việc trau dồi kiến thức cũng như hình thành nhân cách, kĩ năng sống cho học sinh. Vì thế để học sinh trưởng thành, mỗi phụ huynh phải xem con là một người bạn. Bên cạnh đó, lắng nghe tâm tư tình cảm của con em mình từ đó phân tích những điều tốt - xấu cho con hiểu và động viên kịp thời.

Ngoài ra, phụ huynh cần thẳng thắn trao đổi những điều còn khúc mắc với giáo viên chủ nhiệm, nhà trường để tìm giải pháp tốt nhất nhằm giúp các em phát triển. Vì những “mầm xanh” chỉ phát triển tốt nhất trong một môi trường hoàn hảo nhất.

Bạn đọc

Bạn hoatien@....:

Nhiều học sinh dân tộc thiểu số thường “ngại” đến trường học chữ. Bên cạnh đó, các em còn phải chia sẻ gánh nặng “cơm áo gạo tiền” với gia đình. Vậy mỗi dịp nghỉ lễ, nghỉ hè… giáo viên và nhà trường có những biện pháp gì để vận động, kéo học trò ra lớp, thưa cô?
Cô Nàng Xô Vi

Cô Nàng Xô Vi

Theo cô Nàng Xô Vi, cần linh hoạt trong việc vận động học sinh đến lớp. Ảnh tư liệu.
Theo cô Nàng Xô Vi, cần linh hoạt trong việc vận động học sinh đến lớp. Ảnh tư liệu.

 

Cảm ơn hoatien@.... đã quan tâm đến những điều mà giáo viên dạy các trường có người đồng bào dân tộc thiểu số đều trăn trở.

Sau mỗi dịp nghỉ lễ, nghỉ hè học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số nghỉ học rất nhiều, điều đó làm cho bao giáo viên phải trăn trở. Tôi cũng không ngoại lệ.

Khi gặp những trường hợp như thế, trước hết tôi tìm hiểu gia cảnh của từng học sinh. Nếu nguyên nhân xuất phát từ bản thân các em, tôi sẽ phối hợp với gia đình để vận động các em đến lớp. Còn nếu nguyên nhân xuất phát từ gia đình, bên cạnh việc vận động cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương nơi học sinh đó sinh sống.

Tuy nhiên trong quá trình vận động phải linh hoạt bởi mỗi dân tộc đều có một phong tục riêng, từng gia đình có một hoàn cảnh riêng vì vậy không thể đem hoàn cảnh này áp dụng cho hoàn cảnh khác. Tôi luôn tâm niệm rằng nếu ta cố gắng từ tấm lòng sẽ đến với tấm lòng.

Bạn đọc

Bạn khanhha@....:

Với kinh nghiệm là giáo viên vùng sâu vùng xa, cô thấy khó khăn nhất đối với học sinh dân tộc thiểu số khi học tập, sinh hoạt trong trường nội trú là gì?
Cô Nàng Xô Vi

Cô Nàng Xô Vi

Chúng ta đều thấy, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến rất nhiều ngành nghề và ngành Giáo dục cũng không ngoại lệ. Kèm theo đó là giá cả thị trường cũng biến động vì một số vùng bị đứt gãy cung ứng hàng hóa nên các cô nuôi tại trường phải lên kế hoạch nấu ăn để vừa đủ chất dinh dưỡng cho các em và tính toán giá cả hợp lý. Chính vì vậy, đây là một bài toán nan giải.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất cũng thiếu thốn nhiều, đặc biệt là các dụng cụ để học sinh tham gia hoạt động thể dục thể thao. Đây cũng là một trong những hạn chế và khó khăn của nhà trường cũng như học sinh.

Bạn đọc

Bạn thuytien@....:

Tôi là giáo viên trẻ vừa ra trường. Hiện nay tôi mới được phân công giảng dạy cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, các em dân tộc thiểu số. Mong cô chia sẻ kinh nghiệm dạy học để tôi có thể bắt nhịp vào công tác dạy học.
Cô Nàng Xô Vi

Cô Nàng Xô Vi

Cô Nàng Xô Vi và học trò. Ảnh tư liệu
Cô Nàng Xô Vi và học trò. Ảnh tư liệu

Tôi cũng là một giáo viên trẻ công tác ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chính vì thế tôi cũng đang cố gắng trau dồi thêm kinh nghiệm để có thể dạy học cho các em một cách tốt nhất.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng để công tác giảng dạy trở nên thuận lợi trước hết cô phải thực sự yêu nghề mà cô đã lựa chọn. Bên cạnh đó, thấu cảm và lắng nghe tâm tư tình cảm, nguyện vọng của học sinh đồng thời, phân hóa đối tượng học sinh để có phương pháp dạy học phù hợp.

Ngoài ra, dạy những điều học sinh cần chứ không phải những gì mình đang có. Đặc biệt phải công bằng với tất cả học sinh và đừng bao giờ để các em có cảm giác mình là người bị bỏ lại phía sau.

Đó là những điều tôi đã làm để giúp học sinh của mình học tập tốt và hoàn thiện bản thân. Tôi nghĩ rằng, còn nhiều đồng nghiệp của cô cũng rất giàu kinh nghiệm và cô là người năng động nên tôi tin rằng cô sẽ thành công trong sự nghiệp trồng người.

Bạn đọc

Bạn khanhchi@....:

Được biết, nhà cô ở huyện Ngọc Hồi cách ngôi trường cô đang giảng dạy khá xa. Vậy cô sắp xếp việc dạy học và chăm sóc gia đình, con nhỏ như thế nào?
Cô Nàng Xô Vi

Cô Nàng Xô Vi

Từ nhà đến nơi tôi công tác gần 150 km. Tuy nhiên ngay từ đầu tôi đã xác định trường học là nhà, giáo viên là cha mẹ của học sinh, do đó tôi và gia đình nhỏ đã thuê một phòng trọ gần nơi công tác để thuận lợi trong công việc giảng dạy. May mắn chồng cũng rất cảm thông và chia sẻ với tôi nên khó khăn trước mắt chỉ là tạm thời.

Còn đối với gia đình lớn, những ngày trọng đại hoặc dịp lễ Tết tôi cũng tranh thủ việc hiếu nghĩa như bao gia đình khác và đặc biệt phía lãnh đạo nhà trường cũng tạo điều kiện để chúng tôi về thăm gia đình.

Bạn đọc

Bạn nguyennhattankt@....:

Là một giáo viên, lại vừa là nữ Đại biểu Quốc hội khóa XV, điều quan tâm đặc biệt của cô trên cương vị thứ hai này là gì?
Cô Nàng Xô Vi

Cô Nàng Xô Vi

Bên cạnh là nữ Đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi còn là một giáo viên chính vì vậy tôi muốn đem tiếng nói, tâm tư tình cảm của người giáo viên tỉnh Kon Tum đến với Quốc hội. Qua đó tìm ra những giải pháp phù hợp nhất nhằm giúp nền giáo dục nước nhà nói chung và Giáo dục tỉnh Kon Tum nói riêng đạt những điều tốt đẹp nhất.

Cô Nàng Xô Vi - Đại biểu Quốc hội khóa XV, giáo viên Trường phổ thông dân tộc nội trú tại huyện la H’Drai, Kon Tum
Cô Nàng Xô Vi - Đại biểu Quốc hội khóa XV, giáo viên Trường phổ thông dân tộc nội trú tại huyện la H’Drai, Kon Tum

 

Bạn đọc

Bạn myhanh@....:

Hiện nay, điều kiện sống của nhiều em học sinh dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn, thiếu thốn, là giáo viên cô đã hỗ trợ, giúp đỡ các em như thế nào trong học tập cũng như cuộc sống?
Cô Nàng Xô Vi

Cô Nàng Xô Vi

Cô Nàng Xô Vi và các em học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú tại huyện la H’Drai. Ảnh tư liệu
Cô Nàng Xô Vi và các em học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú tại huyện la H’Drai. Ảnh tư liệu

 

Tôi rất vui khi có nhiều người quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số vì hơn ai hết tôi cũng là người đồng bào dân tộc thiểu số. Do cùng cảnh ngộ nên tôi rất đồng cảm với học sinh của tôi. Chính vì thế tôi thường xuyên gần gũi để bảo ban, phân tích cho các em biết tầm quan trọng của tri thức. Bên cạnh đó, lí giải cho học sinh biết vì sao cha ông chúng ta sống trên mảnh đất trù phú màu mỡ nhưng ngàn đời nay vẫn nghèo. Đồng thời tôi cũng lấy những tấm gương người đồng bào dân tộc thiểu số thành đạt để truyền cảm hứng, lan toả nguồn năng lượng tích cực để các em cố gắng hơn trong học tập.

Bản thân tôi cũng là người con của dân tộc thiểu số nên trong quá trình giáo dục bên cạnh tiếng phổ thông, tôi có thể giao tiếp với học sinh bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số khác và ngôn ngữ của giới trẻ. Do đó, giữa tôi với các em sẽ không còn khoảng cách. Đây là điều kiện thuận lợi để tôi thấu hiểu học sinh cũng như gia đình các em. Từ đó tôi dễ dàng truyền dạy kiến thức và vận động các em cố gắng vươn lên trong học tập cũng như cuộc sống.

Còn về vật chất, tôi cố gắng giúp đỡ cho các em trong khả năng có thể. Bởi nhà giáo chúng tôi cũng có những khó khăn nhất định và cần “tái đầu tư” trong việc bồi dưỡng tri thức.

Bạn đọc

Bạn Baobinhnguyen@gmail.com?:

Việc trúng cử ĐBQH khóa XV cũng chính là bắt đầu chặng đường đại biểu thực hiện lời hứa của mình với cử tri đã nêu trong chương trình hành động. Trọng tâm trong chương trình hành động của cô là gì và cô có kế hoạch thế nào để thực hiện chương trình hành động đó?
Cô Nguyễn Thị Hà

Cô Nguyễn Thị Hà

Ba trọng tâm trong chương trình hành động của tôi là hướng tới:

- Phát huy chất xám của những trí thức trẻ để đóng góp cho sự phát triển của đất nước;

- Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho các em học sinh đặc biệt học sinh vùng kinh tế khó khăn, chú trọng phát triển kỹ năng sống, khả năng sử dụng ngoại ngữ để làm chủ cuộc sống;

- Hoạt động bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em.

Để thực hiện được những lời hứa của mình với cử tri đòi hỏi sự học hỏi và không ngừng rèn luyện bản thân trong 5 năm tới.

Cô Nguyễn Thị Hà - giáo viên Trường THPT Lương Tài, Bắc Ninh- Đại biểu Quốc hội khóa XV.

Cô Nguyễn Thị Hà - giáo viên Trường THPT Lương Tài, Bắc Ninh- Đại biểu Quốc hội khóa XV.

 

Điều đầu tiên tôi đang và sẽ luôn làm là tự bồi dưỡng kỹ năng hoạt động của đại biểu, nâng cao kiến thức về lập pháp và kỹ năng thẩm tra, giám sát. Tôi cho rằng, hiểu biết chính là kim chỉ nam cho việc hiện thực hóa lời hứa trước cử tri.

Thứ hai, tôi sẽ gương mẫu đi đầu trong các hoạt động xung kích của thanh niên, lan tỏa tinh thần cống hiến tới thế hệ trẻ.

Thứ ba, tôi sẽ tiếp tục phát triển các mô hình học tập kết nối các quốc gia, phát triển văn hóa đọc và văn hóa học đường để giúp các em học sinh có nhiều cơ hội trao đổi, học tập từ bạn bè trong trường và trên thế giới.

Thứ tư, tôi sẽ tích cực tham gia xây dựng các chương trình bảo vệ quyền lợi trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới; đặc biệt là người già neo đơn, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, khuyết tật, người cao tuổi và những người có công với cách mạng.

Trên chặng đường của một đại biểu dân cử, tôi còn rất nhiều điều phải học hỏi và sẽ gặp không ít gian nan nhưng tôi chắc chắn sẽ luôn luôn tự rèn mình như lời Bác Hồ dạy “tu thân chính tâm” hằng ngày và suốt đời để xứng đáng với niềm tin của các cử tri.

Bạn đọc

Bạn Trang Thi – Bắc Kạn:

Thưa cô, là một giáo viên trẻ lại giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa, cô gặp những thuận lợi và khó khăn gì?
Cô Nàng Xô Vi

Cô Nàng Xô Vi

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường tôi đã ước mơ được trở thành giáo viên để đem con chữ đến với học sinh vùng sâu vùng xa.

Khi ước mơ trở thành hiện thực tôi rất vui mừng và hạnh phúc. Bên cạnh đó, hiện nay ngôi trường tôi đang công tác được Đảng - nhà nước và chính quyền các cấp ở địa phương rất quan tâm. Đồng thời, tập thể hội đồng giáo dục nhà trường rất đoàn kết. Đặc biệt nhiều em học sinh chăm ngoan hiếu học, đó là động lực cũng như thuận lợi trên hành trình tôi mang con chữ đến với học sinh, đặc biệt các em người dân tộc thiểu số.

Bên cạnh những thuận lợi, chúng tôi cũng có những khó khăn riêng khi trường vừa mới thành lập năm 2017 nên cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn.

Địa bàn huyện Ia H’Drai rất rộng, có những học sinh từ nhà đến trường phải đi khoảng 60km đường rừng. Đặc biệt trên 80% học sinh đều là đồng bào các dân tộc phía Bắc theo bố mẹ di cư vào khai hoang ở vùng đất mới.

Cùng với đó, phong tục tập quán các dân tộc rất đa dạng, tư tưởng gắn bó miền đất mới chưa ổn định nên vẫn còn tình trạng học sinh bỏ học. Tuy nhiên tập thể hội đồng giáo dục chúng tôi vẫn vững tay chèo để đưa những chuyến đò tri thức cập bến tương lai.

Bạn đọc

Bạn Quynhtrang20@...:

Là một đại biểu của ngành giáo dục, cô đặc biệt quan tâm tới vấn gì của ngành? Từ thực tiễn địa phương, cô sẽ có những kiến nghị, tham góp gì để xây dựng và phát triển giáo dục?
Cô Nguyễn Thị Hà

Cô Nguyễn Thị Hà

Là “con đẻ” của ngành Giáo dục, tôi đặc biệt quan tâm tới những tâm tư, nguyện vọng của các em học sinh và các thầy cô giáo, làm sao để mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui.

Cô Nguyễn Thị Hà kết nối học sinh trường THPT Lương Tài với lớp học Singapore trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Cô Nguyễn Thị Hà kết nối học sinh trường THPT Lương Tài với lớp học Singapore trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. 

 

Để có được niềm vui trọn vẹn cho thầy cô và học sinh, tôi nghĩ các cơ quan hữu quan cần tăng cường hơn nữa việc xây dựng trường học thân thiện cho học sinh yên tâm học tập, phát triển các kỹ năng sống và cải thiện nhiều hơn các chính sách về chế độ cho nhà giáo.  

Bạn đọc

Bạn quanglocphu@...:

Là đại biểu Quốc hội thế hệ 9X, cô có từng gặp khó khăn khi tiếp xúc cử tri, khi tranh luận tại nghị trường không?
Cô Nguyễn Thị Hà

Cô Nguyễn Thị Hà

Là một đại biểu trẻ, tôi nghĩ ban đầu chắc chắn sẽ có sự hoài nghi từ phía một số cử tri khi tham gia tiếp xúc cử tri nhưng tôi đã nhận được sự phản hồi tích cực từ phía các cử tri sau khi nghe tôi trình bày chương trình hành động, báo cáo các thông tin liên quan đến kỳ họp...

Cô Nguyễn Thị Hà cùng Đoàn Đại biểu tiếp xúc cử tri tại huyện Gia Bình.

Cô Nguyễn Thị Hà cùng Đoàn Đại biểu tiếp xúc cử tri tại huyện Gia Bình.

Các cử tri tin tưởng vào sức trẻ và nỗ lực của tôi nên rất ủng hộ tôi, chưa hề có rắc rối nào.

Trên Nghị trường, tôi nhận thấy các Đại biểu rất tôn trọng quan điểm, ý kiến của nhau nên không tạo khó khăn gì cho các đại biểu trẻ như tôi.

Bạn đọc

Bạn Duy Trinh – Thái Bình:

Ở môi trường THPT, việc định hướng giáo dục nghề nghiệp rất quan trọng. Công tác này được triển khai như thế nào tại trường THPT Lương Tài? Cô nhận thấy các phụ huynh đồng thời cũng là cử tri, có tâm tư, nguyện vọng thế nào trong vấn đề này?
Cô Nguyễn Thị Hà

Cô Nguyễn Thị Hà

Công tác định hướng, giáo dục nghề nghiệp cho học sinh được Ban giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm và đã tổ chức nhiều chương trình tư vấn hướng nghiệp, hoạt động ngoại khóa để bổ sung kiến thức và kỹ năng cho các em học sinh trong việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai.

Các chương trình tư vấn hướng nghiệp được tổ chức chất lượng và hấp dẫn các em học sinh với sự tham gia của các diễn giả nổi tiếng, đại diện các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp với các chia sẻ thực tiễn, ngôn ngữ hợp tuổi teen nên tạo hiệu ứng rất tốt với các em học sinh.

Các bậc phụ huynh rất quan tâm đến việc hướng nghiệp cho con cái nhưng vẫn còn nhiều phụ huynh bị hạn chế về việc tìm kiếm những thông tin đáng tin cậy về các ngành nghề phù hợp với con mình.

Vì thế, các bậc phụ huynh cũng là những cử tri của ngành giáo dục mong muốn các cơ quan hữu quan sẽ có thêm các kênh thông tin chính thống, dễ tiếp cận, đầy đủ và sinh động các thông tin về việc định hướng nghề nghiệp để họ có cái nhìn đa chiều, sâu rộng và từ đó có thể đưa ra những lời khuyên hữu ích cho con cái.

Bạn đọc

Bạn Binhnguyen@gmail.com:

Vừa là giáo viên, vừa là Ủy viên Ban chấp hành Đoàn trường, cô có thể thông tin về hoạt động Đoàn của Trường THPT Lương Tài. Các hoạt động đó có lợi ích thiết thực như thế nào đến các em học sinh?
Cô Nguyễn Thị Hà

Cô Nguyễn Thị Hà

Đoàn trường THPT Lương Tài tổ chức đa dạng các hoạt động để phát triển toàn diện cho các đoàn viên, thanh niên trong trường như: Tổ chức cho đoàn viên, thanh niên nhà trường học tập các nghị quyết đại hội Đoàn các cấp thường diễn ra vào đầu năm học mới, giúp các em hiểu biết về chính sách, pháp luật của nhà nước;

Cô Nguyễn Thị Hà trong giờ lên lớp. Ảnh tư liệu

Cô Nguyễn Thị Hà trong giờ lên lớp. Ảnh tư liệu

 

Tổ chức hội nghị đổi mới phương pháp học tập cho học sinh đầu cấp dành cho học sinh lớp 10 vào đầu năm học giúp các em bớt bỡ ngỡ, nhanh chóng hòa nhập với môi trường học tập tích cực mới;

Đồng thời, chỉ đạo tổ chức đại hội các chi Đoàn, đại hội Đoàn trường giúp các em có kỹ năng tổ chức hoạt động, sự kiện tập thể như:

Tổ chức tuyên truyền pháp luật cho đoàn viên thanh niên (luật giao thông, luật phòng chống tác hại thuốc lá, luật phòng chống ma tuý.v.v.) giúp các em trở thành những công dân tuân thủ pháp luật;

Tổ chức hội nghị tập huấn sức khoẻ sinh sản vị thành niên giúp trang bị cho các các kiến thức, kỹ năng bảo vệ sức khỏe và tương lai của bản thân;

Tổ chức các cuộc thi văn nghệ, thể dục thể thao linh động hình thức tùy vào diễn biến của dịch Covid-19 giúp các em phát triển kỹ năng mềm;

Tổ chức phát động thi đua tuần học tốt, giờ học tốt giúp các em nghiêm túc với nhiệm vụ quan trọng nhất của người học sinh;

Tham gia các cuộc thi do Trung ương Đoàn, Tỉnh đoàn, Bộ GD&ĐT phát động;

Phối hợp với nhà trường, các trường đại học, cao đẳng tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh khối 12;

Tổ chức phát động hiến máu tình nguyện;

Tổ chức các câu lạc bộ để các em phát huy năng khiếu bản thân. 

Bạn đọc

Bạn Vân Hà – Bắc Giang:

Là giáo viên trẻ tham gia công tác Đoàn, cô đánh giá thế nào về vai trò nữ giới trong các hoạt động Đoàn, Hội tại các nhà trường hiện nay? Theo cô, để thu hút nữ giới tham gia tích cực hơn cho các phong trào, cần những chính sách hỗ trợ gì?
Cô Nguyễn Thị Hà

Cô Nguyễn Thị Hà

Thực tế hiện nay, nữ giới tham gia và đóng góp đáng kể trong các hoạt động Đoàn, Hội tại các nhà trường.

Tuy nhiên, ở một chừng mực nhất định, sự nhiệt huyết và sự cống hiến cho các hoạt động phong trào chưa hẳn đã được phát huy hết ở các nữ cán bộ do những khó khăn nhất định thuộc về giới.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà phát biểu tiếp xúc cử tri.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà phát biểu tiếp xúc cử tri.

 

Vì vậy, theo tôi để thu hút nữ giới tham gia tích cực hơn cho các phong trào, cần có sự ưu tiên, khuyến khích, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cán bộ nữ trong quá trình phấn đấu và những chính sách hỗ trợ kịp thời từ phía các cấp lãnh đạo như: Tạo điều kiện về mọi mặt cho các nữ cán bộ tham gia các cuộc tập huấn nâng cao năng lực lãnh đạo trong đoàn thể;

Đồng thời, ủng hộ phụ nữ, ưu tiên lấy cán bộ nữ trưởng thành từ công tác Đoàn, Hội tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo gắn với phê phán, ngăn chặn các hành vi phân biệt đối xử về giới.

Bạn đọc

Bạn Lehaianh@...:

Từ khi trở thành Đại biểu Quốc hội, công tác giảng dạy của cô tại trường có gì thay đổi không? Cô sắp xếp thời gian ra sao để cùng hoàn thành nhiệm vụ của một đại biểu dân bầu và của một nhà giáo?
Cô Nguyễn Thị Hà

Cô Nguyễn Thị Hà

Công việc của tôi hiện nay không chỉ là tập trung chuyên môn giảng dạy Tiếng Anh mà còn có công tác của một Đại biểu Quốc hội. Vì vậy, để đảm bảo được chất lượng công việc của cả hai bên, nhà trường và đồng nghiệp cũng đã tạo điều kiện hết mức cho tôi trong công tác giảng dạy.

Tôi dạy ít lớp hơn để các em không bị gián đoạn việc học và mỗi lần có công tác xa thì các đồng nghiệp lại sẵn sàng hỗ trợ lên lớp một cách trách nhiệm giúp tôi. Còn lại, các hoạt động khác của tôi tại trường hầu như không thay đổi nhiều.

Để vừa hoàn thành nhiệm vụ của một đại biểu dân bầu và của một nhà giáo, quan trọng nhất là sự sắp xếp thời gian.

Cô Nguyễn Thị Hà cùng các học sinh của mình (Ảnh tư liệu).

Cô Nguyễn Thị Hà cùng các học sinh của mình (Ảnh tư liệu). 

Tôi vẫn đầu tư nâng cao chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy. Với tôi, mỗi giờ lên lớp là tâm huyết với học trò. Tôi luôn tranh thủ những giờ giải lao với đồng nghiệp, những cuộc gặp gỡ với phụ huynh, với người dân quanh tôi để vừa trò chuyện đời thường vừa nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ, bổ sung vào những tham luận, kiến nghị tại Nghị trường.

Trong những đợt xa học trò để tham dự kỳ họp của Quốc hội, tôi tận dụng thời gian còn lại sau khi nghiên cứu tài liệu kỳ họp để thiết kế một số hoạt động online cho các em học sinh ở nhà thực hiện thêm, vì thế công việc Quốc hội và Giáo dục vẫn được tôi thực hiện song song.

Bạn đọc

Bạn Bình Minh – Hải Dương:

Theo cô, trong điều kiện hiện nay, vấn đề cần quan tâm nhất tới lao động nữ trong ngành giáo dục là gì? Công đoàn Trường THPT Lương Tài có những hoạt động thiết thực nào quan tâm đời sống nữ cán bộ, giáo viên?
Cô Nguyễn Thị Hà

Cô Nguyễn Thị Hà

Trên thực tế, nữ giới chiếm đa số trong ngành Giáo dục nên việc quan tâm đến lao động nữ là quan trọng và cần thiết.

Trong điều kiện hiện nay, đặc biệt do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng rất lớn đối với việc dạy và học nên giáo viên nói chung và nữ giáo viên nói riêng cần có những chuyển biến kịp thời để thích ứng với hoàn cảnh thực tế như: Được hỗ trợ về mặt công nghệ thông tin, những thiết bị dạy học hiện đại, được quan tâm, động viên kịp thời trước những ảnh hưởng của đại dịch.

Những thay đổi tích cực và kịp thời về phương pháp dạy học cũng cần được đưa ra để giúp đội ngũ nữ giáo viên đạt được những mục tiêu đã đặt ra.

Cô Nguyễn Thị Hà sau khi chuẩn bị xong bài giảng.

Cô Nguyễn Thị Hà sau khi chuẩn bị xong bài giảng.

 

Tại trường THPT Lương Tài, chúng tôi tự hào về một tập thể đoàn kết, lãnh đạo quan tâm, chỉ đạo sát sao. Nữ cán bộ, giáo viên chiếm 70% nhân sự toàn trường và cũng là đội ngũ góp phần rất lớn vào những thành tích của nhà trường.

Đại dịch có sự ảnh hưởng không nhỏ đến nhà trường, có lúc chúng tôi phải tạm dừng việc đến trường nhưng không dừng học, tạm xa mặt nhưng không cách lòng.

Công đoàn nhà trường đã có những hành động thiết thực với tập thể nữ công đoàn viên như hỗ trợ về vật chất, luôn động viên tinh thần và tạo điều kiện tốt nhất cho các nữ cán bộ, giáo viên yên tâm công tác.

Bạn đọc

Bạn Lethuyan@....:

Cô có thể cho biết quan điểm về việc nữ giới tham gia công tác lãnh đạo các cấp và tham gia nghị trường? Việc này có thuận lợi và khó khăn gì?
Cô Nguyễn Thị Hà

Cô Nguyễn Thị Hà

Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự thống nhất hành động trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ trong hệ thống chính trị các cấp tăng cả về số lượng và chất lượng.

Tôi xin dẫn lời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc để nói về thuận lợi của việc nữ giới tham gia công tác lãnh đạo và Nghị trường: "Người ta nói phụ nữ là phái yếu, nhưng tôi nghĩ phụ nữ Việt Nam lại đặc biệt là những người nhẫn nại, can đảm, giàu trí tuệ cảm xúc, đức hy sinh và rất mạnh mẽ, nhất là mỗi khi đối diện với khó khăn, nghịch cảnh; thậm chí nhiều người trở thành tấm gương sáng cho nam giới học tập… Như thế, phụ nữ là những người rất nghị lực và mạnh mẽ".

Cô Nguyễn Thị Hà tiếp xúc cử tri tại huyện Lương Tài.
Cô Nguyễn Thị Hà tiếp xúc cử tri tại huyện Lương Tài.

 

Tuy nhiên, nữ giới gặp không ít khó khăn khi tham gia công tác chính trị có thể kể đến như: Trên thực tế, nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng, nên phụ nữ vẫn gặp phải nhiều rào cản, định kiến khi tham gia hoạt động xã hội.

Ngoài ra, phụ nữ còn gắn với thiên chức làm mẹ, chăm sóc con cái, gia đình nên sẽ cần nhiều nỗ lực để có thể cân bằng giữa việc nước và việc nhà.

Thiên chức ấy cũng khiến phụ nữ có thời gian gián đoạn công tác, ảnh hưởng tới việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt đứng đầu cơ quan, đơn vị. 

Bạn đọc

Bạn truongthuy@...:

Là đại biểu của nhân dân, trước hết là đại diện cho tiếng nói của nhà giáo và phụ nữ, cô muốn gửi những thông điệp gì tới nghị trường ngay lần tham gia họp Quốc hội đầu tiên với tư cách đại biểu chính thức?
Cô Nguyễn Thị Hà

Cô Nguyễn Thị Hà

Không những là đại biểu dân cử, tôi còn đại diện cho tiếng nói của giáo viên và phụ nữ vì vậy, có rất nhiều tâm tư, nguyện vọng tôi muốn được bày tỏ và kiến nghị tại Nghị trường.

Cô Nguyễn Thị Hà (bên trái ngoài cùng) và học sinnh Trường THPT Lương Tài trong giờ học ngoại khóa.

Cô Nguyễn Thị Hà (bên trái ngoài cùng) và học sinnh Trường THPT Lương Tài trong giờ học ngoại khóa.

Với lần tham gia đầu tiên với tư cách là đại biểu chính thức, tôi muốn được gửi tới Nghị trường sự quan tâm tới các chính sách liên quan đến vấn đề quyền lợi của giáo viên, giúp giáo viên chuyên tâm với nghề dạy học; cùng với giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho các em học sinh.

Đặc biệt là học sinh vùng kinh tế khó khăn, chú trọng đến việc phát triển kỹ năng sống và khả năng sử dụng ngoại ngữ để làm chủ cuộc sống.

Thêm nữa, tôi quan tâm đặc biệt tới các chính sách đảm bảo quyền lợi cho nữ giới, mong muốn sẽ sớm có cơ chế, chính sách và những quy định chung cần thiết điều chỉnh các mối quan hệ xã hội liên quan đến phụ nữ dưới góc nhìn luật pháp một cách cụ thể, riêng biệt.

Bạn đọc

Bạn Minhhoa_tb8@...:

Động lực nào khiến cô quyết định ứng cử Đại biểu Quốc hội dù tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ?
Cô Nguyễn Thị Hà

Cô Nguyễn Thị Hà

Trong quá trình trưởng thành, công tác và rèn luyện, tôi vẫn trăn trở trước những khó khăn, bức xúc, nỗi lòng của người dân quanh tôi; những khó khăn, vướng mắc của các đồng nghiệp tôi; những vấn nạn đang xảy ra trong học đường như bạo lực học đường, văn hóa học đường; sự thiệt thòi của nhiều trẻ em và phụ nữ trong gia đình như tình trạng bị xâm hại, bạo hành...

Cô Nguyễn Thị Hà, Giáo viên Trường THPT Lương Tài (huyện Lương Tài, Bắc Ninh) - Đại biểu Quốc hội khóa XV.

Cô Nguyễn Thị Hà, Giáo viên Trường THPT Lương Tài (huyện Lương Tài, Bắc Ninh) - Đại biểu Quốc hội khóa XV.

 

Tôi luôn tâm niệm, đã là người trẻ thì cần mang sức khỏe, trí tuệ và nhiệt huyết của tuổi trẻ để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, xã hội dân chủ hơn, để xứng đáng là người con đất Việt.

Những suy nghĩ đó đã thôi thúc tôi quyết định ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV.

Tôi mong muốn sẽ trở thành cầu nối mang tiếng nói của người dân, đặc biệt là người trẻ tới nghị trường, góp phần tạo nên những đổi thay tích cực cho ngành giáo dục cũng như cho cuộc sống của nhân dân. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.