Giao lưu trực tuyến “Bồi đắp tình yêu văn hóa dân tộc trong học sinh, sinh viên”

“Bồi đắp tình yêu văn hóa dân tộc trong học sinh, sinh viên” là chủ đề giao lưu trực tuyến diễn ra trên Báo Giáo dục và Thời đại điện tử từ 09h00 đến 10h00 thứ Sáu ngày 29/10.

Giao lưu trực tuyến “Bồi đắp tình yêu văn hóa dân tộc trong học sinh, sinh viên”

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

Thầy Phạm Văn Quang – Nghệ nhân Ưu tú, Giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc;

Em Hoàng Thị Diễm Kiều, sinh viên khoa Nghiệp vụ văn hóa – du lịch, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc.

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là chiến lược phát triển bền vững quốc gia, là nhiệm vụ chung của toàn xã hội trong đó giáo dục giữ vai trò quan trọng nhất, bằng con đường giáo dục và thông qua giáo dục, các giá trị về vật chất và tinh thần, các kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, kinh nghiệm ứng xử, lối sống, ngôn ngữ, phong tục, tập quán… của các dân tộc được lưu truyền, tồn tích, vận hành nối liền các thế hệ.

Tăng cường giáo dục văn hóa, giáo dục kỹ năng sống kết hợp đưa những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vào từng hoạt động của nhà trường đã góp phần nâng cao ý thức cho học sinh, sinh viên trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Việc giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nói chung, đặc biệt đối với các em học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số nói riêng là rất cần thiết. Công việc này có thể được tổ chức bằng nhiều hình thức khác nhau. Mỗi nhà trường ở mỗi địa phương phải vận dụng một cách mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với từng thời điểm và điều kiện cụ thể.

Nhà báo Ngô Tiến Nha, Phó phụ trách Văn phòng thường trú Báo GD&TĐ khu vực Việt Bắc tặng hoa cảm ơn khách mời.
Nhà báo Ngô Tiến Nha, Phó phụ trách Văn phòng thường trú Báo GD&TĐ khu vực Việt Bắc tặng hoa cảm ơn khách mời.

Các khách mời của cuộc giao lưu trực tuyến sẽ cùng trao đổi để làm rõ thêm về những nội dung trên. Ngay bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi tới các vị khách mời  tại đây, hoặc qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com hoặc tương tác qua facebook của Báo.

Thầy Phạm Văn Quang

Thầy Phạm Văn Quang

Nghệ nhân Ưu tú, Giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc

Em Hoàng Thị Diễm Kiều

Em Hoàng Thị Diễm Kiều

Sinh viên Khoa Nghiệp vụ văn hóa - du lịch, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc

Bạn đọc

Bạn hanhngoc…@gmail.com:

Nếu có điều kiện trở về quê và làm điều gì đó cho quê nhà của mình, em sẽ thích được làm điều gì? Em sẽ làm gì để mang những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình đến với mọi người?
Em Hoàng Thị Diễm Kiều

Em Hoàng Thị Diễm Kiều

Em thực sự mong muốn sau khi hoàn thành học tập và trau dồi ở trường sẽ được làm những công việc trong môi trường văn hóa nghệ thuật, theo đúng sở trường và chuyên môn mà mình được học. Được như vậy thì em vừa được theo đuổi niềm đam mê, vừa có điều kiện lan tỏa nghệ thuật biểu diễn dân ca đến cho nhiều người hơn. 

Bạn đọc

Bạn Duynguyentrinh@...:

Em nghĩ thế nào khi hiện nay không ít bạn trẻ ở các vùng quê lại chưa thật sự có hiểu biết và sự trân trọng đối với văn hóa dân tộc mình. Theo em, điều gì sẽ góp phần đánh thức tình yêu văn hóa dân tộc trong mỗi bạn trẻ?
Em Hoàng Thị Diễm Kiều

Em Hoàng Thị Diễm Kiều

Nếu theo quan sát, em cũng thấy có một số bạn thế hệ trẻ chúng em bây giờ chưa quan tâm lắm đến những loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc. Nhưng có thể đó chỉ là biểu hiện thế thôi, nhiều bạn trong lòng vẫn rất trân trọng những gì là cái hay cái đẹp mà ông bà truyền lại, nhưng tất nhiên nhịp sống hiện đại có thêm nhiều loại hình khác khiến các bạn cũng quan tâm yêu thích.

Cá nhân em nghĩ rằng, càng tìm hiểu kĩ về cái gì ta càng yêu thích hơn, say mê hơn. Em tin rằng khi đã say mê với một loại hình nghệ thuật rồi, trong mỗi người chúng ta sẽ nhen lên tình yêu với văn hóa dân tộc. Cho nên, chúng em rất muốn được tạo điều kiện để có môi trường học tập, biểu diễn, lan tỏa các giá trị độc đáo trong văn hóa dân tộc.  

Bạn đọc

Bạn thuyduongvu...@gmail.com:

Việc truyền dạy nghệ thuật biểu diễn dân ca dân tộc thiểu số có ý nghĩa như thế nào trong việc đánh thức tình yêu văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ hôm nay, thưa thầy?
Thầy Phạm Văn Quang

Thầy Phạm Văn Quang

Lời ca, tiếng đàn, những âm hưởng này đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, những sẽ đọng lại một cách sâu lắng. Nó là con đường thật tự nhiên để những người trẻ hôm nay “trở về” với văn hóa cha ông, khơi dậy nguồn cảm hứng và đánh thức tình yêu văn hóa dân tộc trong sâu thẳm mỗi người.

Lời ca, tiếng đàn là con đường thật tự nhiên để những người trẻ hôm nay “trở về” với văn hóa cha ông
Lời ca, tiếng đàn là con đường thật tự nhiên để những người trẻ hôm nay “trở về” với văn hóa cha ông
Bạn đọc

Bạn vanhaibich@...:

Điều mà thầy mong mỏi nhất, trăn trở nhất trong việc gìn giữ, trao truyền, bồi đắp tình yêu văn hóa dân tộc cho các em học sinh sinh viên là gì, thưa thầy?
Thầy Phạm Văn Quang

Thầy Phạm Văn Quang

Tôi có một mong ước, giá mà việc truyền dạy nghệ thuật dân gian nói riêng cũng như văn hóa nói chung của các dân tộc thiểu số được thực hiện trong nhà trường phổ thông một cách mạnh mẽ hơn, như một môn học hoặc một phần nội dung môn học. Chỉ có như thế thì các bạn trẻ mới được hiểu thêm, biết yêu hơn những giá trị của ông cha mình.

Bạn đọc

Bạn haihachau...@gmail.com:

Thầy có thể chia sẻ những điều thú vị về hoạt động biểu diễn dân ca dân tộc thiểu số của các CLB ngay tại thủ đô Hà Nội? Thầy nghĩ gì về ý nghĩa các hoạt động này?
Thầy Phạm Văn Quang

Thầy Phạm Văn Quang

Có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng có CLB ngay tại thủ đô Hà Nội lại biểu diễn dân ca dân tộc thiểu số. Thậm chí họ còn lên các tỉnh miền núi hát giao lưu, thật thú vị. Điều đó cho thấy, rõ ràng là người ở miền xuôi, vùng đô thị cũng vẫn quan tâm, yêu thích các loại hình này. Như thế, càng thấy rằng hát then, đàn tính nó hấp dẫn, đi vào lòng người đến thế nào.

Bạn đọc

Bạn phongphu...@gmail.com:

Được biết ngoài công việc giảng dạy thì thầy đã vận động thành lập, giúp đỡ và hướng dẫn nhiều CLB nghệ thuật biểu diễn dân ca. Thầy có thể chia sẻ thêm về công việc thú vị này không?
Thầy Phạm Văn Quang

Thầy Phạm Văn Quang

Tôi biết có rất nhiều người thích các loại hình nghệ thuật biểu diễn dân ca, nhưng họ chưa có môi trường, không có điều kiện để học, tập luyện, biểu diễn.

Với mong muốn giúp những người cùng sở thích, cùng lĩnh vực với mình, tôi đã vận động thành lập, hướng dẫn được khoảng 20 câu lạc bộ rồi. Mọi thành viên tham gia đều rất nhiệt tình phấn khởi, CLB hoạt động rất hiệu quả.

Cũng phải nói thật là tôi mất thêm khá nhiều thời gian cho công việc này, nhưng quan trọng là thấy vui khi mình lan tỏa được đến người khác.

Bạn đọc

Bạn Quangduc…@yahoo.com:

Em đã dự kiến thế nào về công việc, con đường đi tiếp theo của mình chưa? Em cảm thấy tự tin nhiều hơn hay nhận thấy khó khăn nhiều hơn khi nghĩ về con đường đó?
Em Hoàng Thị Diễm Kiều

Em Hoàng Thị Diễm Kiều

Em cũng chưa dự tính được nhiều về lâu dài, nhưng trước mắt em muốn sau khi hoàn thành hệ trung cấp sẽ tiếp tục theo học nâng lên cao đẳng, hoàn thiện lên đại học. Phải học tập theo quá trình như vậy thì chúng em mới trang bị đủ kiến thức kĩ năng cần thiết để tiếp tục theo đuổi quyết tâm đi đường dài.

Bạn đọc

Bạn dangquanghieu...@gmail.com:

Ở các trường phổ thông, việc truyền dạy nghệ thuật dân gian nói riêng cũng như văn hóa nói chung của các dân tộc thiểu số dường như vẫn còn hạn chế. Theo thầy, cần làm gì để tạo cho các em sự hào hứng, tự nguyện tham gia thực hành then, đàn tính?
Thầy Phạm Văn Quang

Thầy Phạm Văn Quang

Tuyển sinh đào tạo tài năng tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc
Tuyển sinh đào tạo tài năng tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc

 

Đúng là rất tiếc khi việc truyền dạy nghệ thuật dân gian nói riêng cũng như văn hóa nói chung của các dân tộc thiểu số ở các trường phổ thông hiện nay dường như vẫn còn hạn chế. Có lẽ cũng là do chúng ta chưa thể có đủ đội ngũ những giáo viên giảng dạy, người hướng dẫn.

Trong bối cảnh như vậy, tôi nghĩ rằng mỗi nhà trường, mỗi địa phương nên quan tâm nhiều hơn đến việc tạo ra các hoạt động văn hóa nghệ thuật để học sinh được cảm nhận nhiều hơn các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian. Được nghe, được hát rồi các em sẽ dần dần thấy hứng thú.

Tôi biết đã có thầy giáo hiệu trưởng trường phổ thông thành lập CLB hát then, đàn tính cho học sinh, sau đó phong trào lan tỏa cả vùng địa phương đó, rất thành công.

Bạn đọc

Bạn haidangvu@...:

Theo thầy, cần phải có những yếu tố gì để giúp các bạn trẻ có thể theo đuổi được lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn dân ca dân tộc thiểu số? Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc có những chính sách gì để động viên, khích lệ các bạn trẻ trên con đường này không?
Thầy Phạm Văn Quang

Thầy Phạm Văn Quang

Theo tôi thì có hai điều rất cơ bản, rất quan trọng để giúp các bạn trẻ có thể theo đuổi được lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn dân ca dân tộc thiểu số. Trước hết, các bạn phải biết yêu quý trân trọng tiếng nói dân tộc mình. Biết tiếng nói thì sẽ hiểu tâm tư, suy nghĩ của một con người, hiểu văn hóa của một cộng đồng.

Sau nữa, là phải có lòng đam mê, phải có sự say sưa. Không thể ép buộc ai làm gì nếu tự bản thân không yêu thích, với nghệ thuật biểu diễn dân ca lại càng như thế. Cứ phải yêu đã, thì mới bền lâu được.

Giao lưu trực tuyến “Bồi đắp tình yêu văn hóa dân tộc trong học sinh, sinh viên” ảnh 24
Bạn đọc

Bạn Bình Nguyên, Hà Nội:

Em muốn nói điều gì với các bạn trẻ, các em nhỏ ở quê nhà của mình về việc bản thân được theo học Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc?
Em Hoàng Thị Diễm Kiều

Em Hoàng Thị Diễm Kiều

Với sinh hoạt phong trào đàn hát cùng mọi người ở quê nhà, em thấy số lượng các bạn tham gia khá đông. Nhưng cho đến bây giờ, để vào học theo ngành văn hóa nghệ thuật thì ít lắm. Em rất mong muốn có thêm nhiều các bạn, các em nhỏ ở quê mình cũng sẽ quan tâm, theo học để có thể cùng nhau làm điều gì đó gìn giữ, lan tỏa văn hóa ông cha mình.

Tất nhiên còn trẻ ai cũng có lựa chọn và lựa chọn nào cũng có cái hay riêng, em chỉ muốn nói với các bạn rằng lựa chọn đi theo con đường văn hóa nghệ thuật dân tộc có nhiều điều độc đáo, thú vị lắm, cứ khám phá biết đâu ta sẽ thấy yêu thích.

Bạn đọc

Bạn Ý Thơ, Thái Nguyên:

Em cảm nhận thế nào về ngôi trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc mình đang theo học - một môi trường văn hóa nghệ thuật theo hướng chuyên sâu và đặc thù?
Em Hoàng Thị Diễm Kiều

Em Hoàng Thị Diễm Kiều

Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc là môi trường rất thuận lợi cho chúng em, bởi khá đông các bạn sinh viên cũng là người dân tộc thiểu số như mình, cho nên bạn bè sinh hoạt hoạt học tập có thể chia sẻ giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau rất thân thiện, thoải mái.

Không chỉ thế, các thầy cô giáo ở đây cũng là những người rất tâm huyết với văn hóa nghệ thuật dân tộc nên chúng em như được tiếp thêm nhiều cảm hứng cũng như sự quyết tâm để “học nghề”.

Bạn đọc

Bạn bichthuydo...@gmail.com:

Theo thầy, trong công việc truyền dạy các loại hình nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số cho các bạn trẻ thì vấn đề gì trở ngại nhất?
Thầy Phạm Văn Quang

Thầy Phạm Văn Quang

Thật lòng mà nói, đã đam mê đã say sưa rồi thì cứ làm thôi, không quản đến khó khăn đâu. Tuy vậy, đúng là cũng vẫn có những trở ngại nhất định trong công việc truyền dạy các loại hình nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số cho các bạn trẻ. Làm thế nào để có môi trường, có điều kiện cho các bạn trẻ được phát huy những chuyên ngành mình sau khi được đào tạo, đó là điều không dễ.

Bạn đọc

Bạn Phuonganhnguyen…@gmail.com:

Việc học tập ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc của em diễn ra như thế nào? Quá trình học tập, rèn luyện đã đem lại cho em những điều gì? Em có gặp khó khăn gì không?
Em Hoàng Thị Diễm Kiều

Em Hoàng Thị Diễm Kiều

Ngày trước còn nhỏ em chỉ biết gọi là yêu thích thôi, nhưng giờ vào học ở đây em được trang bị thêm nhiều điều.

Đầu tiên chúng em được tìm hiểu về nhạc cụ, về đàn, từ cấu tạo cho đến cách làm chủ nó, rồi tỉ mỉ tập về từng kĩ thuật, dần dần tay mình đã thành thạo nhuần nhuyễn hơn.

Diễm Kiều tập luyện hát then, đàn tính cùng các bạn.

Diễm Kiều tập luyện hát then, đàn tính cùng các bạn.

 

Về hát, chúng em được học và luyện về tiết tấu, về âm, cho nên kĩ năng ngày càng tốt hơn. Vui hơn nữa là ngoài đàn tính, hát then, chúng em còn được tìm hiểu nhiều loại hình dân ca khác, kể cả như múa, trang phục, phong tục tập quán các dân tộc nữa. 

Tất nhiên, khó khăn cũng có, bởi ban đầu mới bước vào học tập, em thấy khá bỡ ngỡ với nhiều kĩ thuật, nên phải tập đi tập lại rất nhiều.

Bạn đọc

Bạn Lộc Quang, Hòa Bình:

Gia đình đã ủng hộ và đồng hành cùng em như thế nào trong con đường em lựa chọn “trở về” với văn hóa truyền thống bản làng?
Em Hoàng Thị Diễm Kiều

Em Hoàng Thị Diễm Kiều

Em rất vui vì lựa chọn của mình đã được bố mẹ, người thân trong gia đình ủng hộ. Mọi người còn động viên em cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt để sau này nếu có thể được sẽ quay trở về quê hương, truyền lại cho các em tiếp theo, lan tỏa bộ môn nghệ thuật này cho mọi người. Nghĩ như vậy em thấy rất vui, có động lực cố gắng.

Bạn đọc

Bạn Thunguyenbao@...:

Em có băn khoăn hay lo ngại điều gì không khi lựa chọn theo học nghệ thuật biểu diễn dân ca dân tộc thiểu số? Em có nghĩ rằng nó khác biệt so với xu thế trẻ hiện nay không?
Em Hoàng Thị Diễm Kiều

Em Hoàng Thị Diễm Kiều

Giao lưu trực tuyến “Bồi đắp tình yêu văn hóa dân tộc trong học sinh, sinh viên” ảnh 38

Khi lựa chọn thuật biểu diễn dân ca dân tộc thiểu số, em thấy rất thoải mái và yên tâm chứ không băn khoăn lo ngại gì đâu. Bây giờ đúng là nhiều bạn trẻ có xu thế lựa chọn khác như kinh tế, kĩ thuật..., vì đó là khả năng sở trường cũng như sở thích của các bạn, em thấy lựa chọn theo mỗi người như thế cũng là hợp lí. 

Về phần mình, em thấy bản thân có niềm yêu thích và tự tin rằng nghệ thuật dân ca dân tộc thiểu số sẽ được lan tỏa nên em sẽ theo đuổi. 

Bạn đọc

Bạn Ngocbich…@gmail.com:

Vì sao em chọn ngành Nghiệp vụ văn hóa - du lịch Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc? Vì sở thích hay còn vì điều gì hơn nữa?
Em Hoàng Thị Diễm Kiều

Em Hoàng Thị Diễm Kiều

Quyết định của em khi lựa chọn Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, theo học khoa Nghiệp vụ văn hóa - du lịch trước hết là vì bản thân em thấy đam mê lĩnh vực này. Nó ngấm vào mình từ nhỏ một cách tự nhiên nên mình muốn theo đuổi, giữ nó đồng hành bên mình.

Nhưng thêm nữa, em lựa chọn như vậy vì em còn nghĩ rằng mình theo học ngành này thì sẽ được trang bị một cách đầy đủ hơn, bài bản hơn, giúp mình có được kiến thức kĩ năng cần thiết để sau này có thể có thể đi “đường dài” hơn nữa với niềm yêu thích. 

Bạn đọc

Bạn Thảo Nguyên, Lai Châu:

Diễm Kiều bắt đầu đến với nghệ thuật biểu diễn dân ca dân tộc thiểu số từ khi nào? Ai đã hướng dẫn, dạy bảo em hát then, đàn tính?
Em Hoàng Thị Diễm Kiều

Em Hoàng Thị Diễm Kiều

Lúc còn học ở trường cấp tiểu học - THCS, em nhớ là thầy hiệu trưởng thành lập cả một câu lạc bộ đàn hát, rồi thầy mời các ông, bà lớn tuổi đến dạy, hướng dẫn cho học sinh.

Có lẽ cũng từ đó mà em yêu thích hát then, đàn tính, và đến giờ càng vui hơn khi được học theo lĩnh vực này.

Em Hoàng Thị Diễm Kiều, sinh viên Khoa Nghiệp vụ văn hóa - du lịch, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc.

Em Hoàng Thị Diễm Kiều, sinh viên Khoa Nghiệp vụ văn hóa - du lịch, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc.
Bạn đọc

Bạn anhtu@...:

Có thể nói hát then, đàn tính là “đặc sản” độc đáo của vùng Việt Bắc mà nhiều du khách đến đây rất say mê, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc có những hướng đi nào để gắn bộ môn này vào việc quảng bá du lịch không, thưa thầy?
Thầy Phạm Văn Quang

Thầy Phạm Văn Quang

Tôi nghĩ gắn bộ môn này vào việc quảng bá du lịch là một hướng làm rất đúng đắn, cần thiết. Vấn đề chính sách và tổ chức triển khai, tôi thấy lãnh đạo nhà trường hết sức quan tâm.

Về phần mình, tôi cũng thường xuyên đưa các em sinh viên đi biểu diễn tại các chương trình văn hóa nghệ thuật, một số cụm điểm du lịch, vừa là để rèn luyện và khơi gợi cảm hứng cho học trò, vừa là để quảng bá.

Sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc thường xuyên được tham gia biểu diễn tại các chương trình văn hóa nghệ thuật.

Sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc thường xuyên được tham gia biểu diễn tại các chương trình văn hóa nghệ thuật.
Bạn đọc

Bạn Quynhhuong...@gmail.com:

Công việc giảng dạy hát then và đàn tính cho các học viên, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc diễn ra thế nào? Điều gì khiến thầy cảm thấy hạnh phúc nhất khi được giảng dạy bộ môn nghệ thuật này?
Thầy Phạm Văn Quang

Thầy Phạm Văn Quang

Mỗi một công việc đều có đặc thù của nó, việc giảng dạy hát then và đàn tính cho các học viên, sinh viên ở đây cũng vậy. Thầy trò đều chung một đam mê nên dễ thấu hiểu, chia sẻ.

Các em đã có sở thích là rất tốt rồi, thầy cô giáo sẽ cung cấp thêm cho các em kiến thức, hiểu biết, kĩ năng, kĩ thuật về thanh nhạc để các em phát triển vững vàng.

Điều khiến tôi vui mừng và hạnh phúc nhất là khi thấy sinh viên biết trân trọng cái hay cái đẹp trong văn hóa cha ông, dám lựa chọn đi theo con đường mình đam mê. Còn gì tuyệt vời hơn nữa khi thấy các bạn trẻ cầm trên tay chiếc đàn tính, miệng ngân nga câu hát then.

SV Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc luyện tập đàn tính, hát then
SV Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc luyện tập đàn tính, hát then

 

Bạn đọc

Bạn Lehai72...@gmail.com:

Thầy có thể cho biết, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc đã có những thành tựu gì trong việc bảo tồn, truyền dạy bộ môn nghệ thuật hát then, đàn tính?
Thầy Phạm Văn Quang

Thầy Phạm Văn Quang

Thật tự hào khi tôi được công tác ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc - một cái nôi văn hóa nghệ thuật của biết bao lớp lớp thế hệ con em đồng bào các dân tộc của các tỉnh vùng Việt Bắc chúng ta. Đây là nơi truyền dạy, đào tạo, qua đó bảo tồn quảng bá nhiều loại hình nghệ thuật, các giá trị văn hóa vùng miền.

Riêng về hát then, đàn tính, trường chúng tôi đã đào tạo qua rất nhiều lớp học sinh, sinh viên, để các em lĩnh hội, tiếp nhận và tiếp tục lan tỏa thăng hoa nó về mỗi cơ quan, đơn vị, trường học, vùng quê.

Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc là nơi đào tạo văn hóa nghệ thuật nhiều lớp thế hệ con em đồng bào các dân tộc của các tỉnh vùng Việt Bắc.

Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc là nơi đào tạo văn hóa nghệ thuật nhiều lớp thế hệ con em đồng bào các dân tộc của các tỉnh vùng Việt Bắc.

 

Đặc biệt, để tiếp tục nâng tầm chất lượng và quy mô đào tạo, bắt đầu từ năm 2019 thì môn học này đã được lập thành một mã ngành đào tạo riêng. Tôi tin rằng với sự phát triển đó, việc truyền dạy hát then, đàn tính sẽ còn hiệu quả cao hơn nữa.

Bạn đọc

Bạn Tường Vy, Lạng Sơn:

Người Tày có câu: “Đêm khuya nghe tính, nghe then/Tóc mây bỗng hóa thành đen mượt mà”. Thầy có thể nói rõ hơn cái độc đáo, sức hấp dẫn quyến rũ, làm đắm say lòng người của hát then, đàn tính qua câu nói trên không?
Thầy Phạm Văn Quang

Thầy Phạm Văn Quang

Có lẽ những ai đã “trót” nghe và yêu hát then, đàn tính sẽ rất thấm thía và tâm đắc với câu thơ này. Đúng là rất mê, nó như có khả năng làm cho ta luôn có một nguồn năng lượng tươi trẻ trong người.

Tay thì đàn, miệng thì hát, ít có loại hình nào mà nhạc với ca hòa quyện nhuần nhuyễn với nhau đến như thế. Nội dung thì gần gũi với cuộc sống con người, âm hưởng thì bổng trầm ngân nga. Nó như một người bạn tri âm, tri kỉ ở bên cạnh để ta thủ thỉ, tâm tình, gửi gắm nỗi niềm, xua tan mệt nhọc. 

Bạn đọc

Bạn Anh Đức, Lạng Sơn:

Thầy đã biết và đến với hát then, đàn tính cũng như nghệ thuật biểu diễn dân ca từ bao giờ và gắn bó với nó như thế nào?
Thầy Phạm Văn Quang

Thầy Phạm Văn Quang

Thầy Phạm Văn Quang, Nghệ nhân Ưu tú, Giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc.

Thầy Phạm Văn Quang, Nghệ nhân Ưu tú, Giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc.

Hình như cuộc sống mỗi người thường có những cơ duyên của riêng mình thì phải. Ngay từ những từ ngày còn nhỏ, âm hưởng đầu tiên tôi được nghe chính là tiếng hát then, đàn tính, tiếng nói bật ra đầu tiên của tôi khi tập nói cũng là tiếng Tày. Có lẽ vì thế, những ấn tượng đầu đời ấy đã ăn sâu vào tiềm thức, nuôi tôi lớn lên, đi theo tôi đến bây giờ. Dù đi học, đi làm ở đâu, tôi cũng vẫn thấy tiếng hát then, đàn tính rầm rì réo rắt bên mình.

Năm 1997, tôi bắt đầu giảng dạy ở trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc. Suốt từ đó đến nay, thật hạnh phúc khi tôi được gắn bó với lĩnh vực mà mình yêu thích, say sưa. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.