Giao lưu trực tuyến “Trường hạnh phúc: Kiến tạo và lan toả”

Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Trường hạnh phúc: Kiến tạo và lan toả” diễn ra trên Báo Giáo dục & Thời đại điện tử từ 9h30 đến 10h30 ngày 6/10.

Giao lưu trực tuyến “Trường hạnh phúc: Kiến tạo và lan toả”

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

- TS Ngô Xuân Hiếu - Phó Trưởng bộ môn Quản lý Giáo dục, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội

- Thầy Nguyễn Hữu Định - Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai (TP Cần Thơ).

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đặt ra những yêu cầu mới đối với giáo viên. Mỗi thầy, cô phải là người truyền cảm hứng để mang đến cho học trò những giờ học hạnh phúc.

Hạnh phúc là một hành trình không có điểm đến - ngày hôm nay hạnh phúc hơn hôm qua… Hạnh phúc trên từng chặng đường. Trên hành chính đó, thầy, cô sẽ lắng nghe học sinh bằng cả trái tim.

Tuy nhiên, để xây dựng Trường học hạnh phúc, giáo viên và hiệu trưởng phải thay đổi, trước hết hiệu trưởng phải là người tiên phong. Các chuyên gia cho rằng, tiêu chí xây dựng lớp học hạnh phúc là: Yêu thương, an toàn, tôn trọng, được hiểu, được có giá trị và sáng tạo.

Trong chương trình giao lưu trực tuyến, các khách mời sẽ trao đổi cùng bạn đọc xoay quanh chủ đề trên.

Ngay bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi tới các vị khách mời qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com hoặc tương tác qua facebook của Báo.

TS Ngô Xuân Hiếu

TS Ngô Xuân Hiếu

Phó Trưởng bộ môn Quản lý Giáo dục, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội

Thầy Nguyễn Hữu Định

Thầy Nguyễn Hữu Định

Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ

Bạn đọc

Bạn Lê Thanh Tâm, tỉnh Bến Tre:

Hạnh phúc và chất lượng giáo dục là điều mà bất kỳ ai cũng mong muốn ở một lớp học, rộng hơn là trường học. Nhưng làm thế nào để hài hoà hai chỉ số này, thưa tiến sĩ?
TS Ngô Xuân Hiếu

TS Ngô Xuân Hiếu

Chất lượng giáo dục tốt chưa chắc giáo viên và học sinh đã hạnh phúc, nhưng ngược lại nếu giáo viên và học sinh hạnh phúc thì gần như 90% có cảm hứng trong dạy và học và có kết quả tốt.

Chúng ta thấy rằng, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là văn bản thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông, quy định các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục, làm căn cứ quản lí chất lượng giáo dục phổ thông; đồng thời là cam kết của Nhà nước nhằm bảo đảm chất lượng của cả hệ thống và từng cơ sở giáo dục phổ thông.

Trong các tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc có tôn trọng sự khác biệt, tạo điều kiện tốt nhất cho mỗi học sinh, sinh viên và cán bộ giáo viên có cơ hội phát triển và khẳng định năng lực và giá trị bản thân….

Qua hai dẫn chứng này chúng ta hoàn toàn khẳng định kết hợp giữa xây dụng trường học hạnh phúc và chất lượng giáo dục hoàn toàn có sự liên kết với nhau.

Trong quá trình triển khai chương trình và mục tiêu giáo dục, lãnh đạo nhà trường cần nhấn mạnh sự liên kết chặt chẽ trong xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, chỉ đạo thực hiện và kiểm tra đánh giá giữa hai chỉ số hạnh phúc và chất lượng giáo dục.

Bạn đọc

Bạn haphuong…@gmail.com.:

Có thể xây dựng lớp học online hạnh phúc không, thưa tiến sĩ. Mong chuyên gia tư vấn giúp tôi để xây dựng lớp học trực tuyến hạnh phúc?
TS Ngô Xuân Hiếu

TS Ngô Xuân Hiếu

Với sự thay đổi chóng mặt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và ảnh hưởng của bệnh dịch Covid – 19, việc sử dựng nền tảng online không còn xa lạ với hầu hết người dân trên thế giới và ở các tầng lớp, lứa tuổi khác nhau.

 

Việc dạy học online đã trở thành việc làm bắt buộc và cũng được công nhận kết quả như học trực tiếp, qua đó mọi hành động, cử chỉ, lời nói… của giáo viên và học sinh đều được đánh giá theo tiểu chuẩn của lớp học offline. Qua đó khẳng định rằng xây dựng lớp học hạnh phúc online là hoàn toàn có thể và cũng áp dụng được các tiêu chí của xây dựng trường học hạnh phúc:

TS Ngô Xuân Hiếu và các thầy cô giáo tham gia Chương trình tập huấn Kiến tạo ngôi trường hạnh phúc tại trường THCS Đại Mỗ. Ảnh tư liệu
TS Ngô Xuân Hiếu và các thầy cô giáo tham gia Chương trình tập huấn Kiến tạo ngôi trường hạnh phúc tại trường THCS Đại Mỗ. Ảnh tư liệu

 

Tiêu chí 1: Về môi trường nhà trường và phát triển cá nhân: duy trì bầu không khí học tập, lao động ấm áp và thân thiện. Lớp học online thì giáo viên cũng phải duy trì lớp học thân thiện vui vẻ, truyền cảm hứng, tránh để học sinh căng thẳng…

Tiêu chí 2: Về dạy và học. Bài tập về nhà và thi cử vừa sức. Giáo viên giao bài tập cho các em vừa sức, không nên cứ coi môn dạy của mình là quan trọng nhất, giao thật nhiều bài cho học sinh… Ngoài ra, nội dung học tập hữu ích, hấp dẫn và lôi cuốn. Giáo viên phải chuẩn bị kỹ và thực tế theo khung thời gian, theo lớp học, theo năng lực của học sinh…

Qua ví dụ nội dung của hai tiêu chí đó, chúng ta hoàn toàn có thể thấy rằng việc xây dựng lớp học hạnh phúc qua dạy học online là cần phải làm đối với mỗi giờ giảng.

Bạn đọc

Bạn Trương Thị Thuỷ, tỉnh Quảng Bình.:

Xây dựng Trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc - nói thì dễ, nhưng để kiến tạo và lan toả mới khó. Tiến sĩ “mách nước” giúp tôi, làm thế nào để có thể kiến tạo và lan toả?
TS Ngô Xuân Hiếu

TS Ngô Xuân Hiếu

Có câu nói rất hay “Nếu bạn tin điều gì, bạn sẽ chia sẻ điều đó”. Trước tiên mỗi giáo viên chúng ta phải nhận thức rõ tầm quan trọng của trường học hạnh phúc và tin vào việc làm của chúng ta là thật sự có ích cho nhà trường, cho học sinh, cho phụ huynh và cho toàn xã hội.

Những việc làm không còn là phong trào, không còn là những yếu tố ngoại cảnh tác động mà là chính từ trái tim mỗi giáo viên chúng phải khát khao làm những điều tốt đẹp trong chính từng giây phút giảng dạy để học sinh được trọn vẹn được yêu thương, được tôn trọng, được an toàn, được hiểu và được có giá trị.

Để kiến tọa và lan tỏa không cần làm gì to tát cả chỉ cần chia sẻ ngay với những đồng nghiệp trong chính ngôi trường mà ta đang dạy, truyền cảm hứng trên các trang mạng xã hội, ngày này qua ngày khác, từng việc nhỏ thôi cũng đủ để ta có những dấu ấn đẹp trên cá nhân của ta, trước tiên là truyền cảm hứng chính cho ta rồi sẽ lan rộng ra những người xung quanh.

Mỗi giáo viên nên tâm niệm một điều “những gì ta có thể làm là làm những gì ta có thể, dù nhỏ thôi nhưng với tình yêu lớn, ta đã góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp, qua các tiết học của chúng ta”.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Bích Ngọc, tỉnh Lào Cai.:

Theo ông, nhà trường phải làm gì để giáo viên, học sinh và phụ huynh chung tay xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc. Làm thế nào để thầy cô giáo không bị áp lực khi xây Trường học hạnh phúc?
TS Ngô Xuân Hiếu

TS Ngô Xuân Hiếu

Chúng ta phải xác định rõ nhà trường đây chính là Hiệu trưởng hay còn gọi là Ban Giám hiệu. Như tôi đã nói, Hiệu trường là người quan trọng và nhân tố quyết định đầu tiên trong xây dựng trường học học phúc, rồi lan tỏa cấp số nhân tới các giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Hiệu trưởng phải thực hiện các bước cơ bản sau:

- Chia sẻ tầm quan trọng đối với việc xây dựng trường học hạnh phúc tới giáo viên, học sinh và phụ huynh.

- Căn cứ vào thực trạng của trường (cơ sở vật chất, địa lý, dân trí, nhận thức, thuận lợi, khó khăn…) để đưa ra các tiêu chí xây dựng trường học phúc (thực hiện theo học kỳ, theo năm học….).

- Tổ chức tập huấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm đến giáo viên và đại diện các phụ huynh về xây dựng tiết học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc

- Tổ chức thực hiện và đánh giá thường xuyên.

- Lựa chọn các tiết học, lớp học điền hình để tiếp tục nhân rộng và truyền cảm hứng tới các giáo viên và học sinh.

Vậy, làm thế nào để thầy cô giáo không bị áp lực khi xây Trường học hạnh phúc? Bản chất của trường học hạnh phúc là không có áp lực trong dạy - học, trong thi cử cũng nhưng trong các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường. Nếu phải xây dựng trường học hạnh phúc mà giáo viên có áp lực thì không còn là trường học hạnh phúc nữa.

Thực chất của trường học hạnh phúc là mỗi ngày đến trường là một ngày vui, là một ngày dạy học có ý nghĩa đối với giáo viên, một ngày đi học vui trọn vẹn đúng nghĩa là trường lớp và bạn học của mỗi học sinh. 

Nếu việc coi xây dựng trường học là thi đua, là cái “ngoại cảnh” phải cố thì thật sự không đúng bản chất của nội dung công văn hướng dẫn của ngành giáo dục. Thay vì đó, chính mỗi nhà quản lý giáo dục, các hiệu trưởng và giáo viên thấy tự chúng ta phải cần thiết xây dựng các tiết học, các lớp học, các trường học hạnh phúc để mang lại cả xã hội hạnh phúc, đó là điều vinh quang, tự hào của mỗi nhà giáo chúng ta.

Khi hiểu được vậy thì chúng ta – những giáo viên – sẽ hoàn toàn không có chút áp lực gì khi thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc.

Bạn đọc

Bạn Phan Thị Minh Trang, tỉnh Đồng Nai.:

Tôi là giáo viên chủ nhiệm và mong muốn xây dựng lớp học hạnh phúc. Nhưng ở lứa tuổi THPT, nhiều học sinh thích khẳng định mình và tạo sự khác biệt khiến nhiều kế hoạch, dự định của tôi bị “phá sản”. Tôi nên làm gì để lớp tôi chủ nhiệm thực sự hạnh phúc?
TS Ngô Xuân Hiếu

TS Ngô Xuân Hiếu

Thứ nhất, chúng ta phải thừa nhận một thực tế là trên thế giới này có bao nhiêu con người thì sẽ có chừng ấy nhân cách, và sẽ không có 2 con người giống nhau hoàn toàn.

Đối với học sinh, người ta cũng tạm thời chia ra 7 loại hình thông minh, và mỗi em cũng sở hữu những loại hình thông minh khác nhau. Ví dụ: có những em có Trí thông minh nội tâm. Những em này luôn hiểu rõ mình muốn gì, thích suy ngẫm trong im lặng, tự đánh giá về những gì đã hoàn thành, từ đó lập ra kế hoạch và mục tiêu cho chính mình. Các em sẽ thích học tập qua các trải nghiệm tình cảm. Những em người thuộc loại hình trí thông minh ngôn ngữ thì thường có khả năng đọc viết tốt, khả năng hiểu và giải thích ý tưởng dễ dàng thông qua ngôn ngữ.

Các em sở hữu trí thông minh tự nhiên thì thường rất yêu thích thiên nhiên và các hoạt động ngoài trời. Những em này có khả năng nhận biết nhiều loại động thực vật, nhận biết các hiện tượng thiên nhiên và biết áp dụng các phương pháp khoa học vào thực tiễn.

Những em có trí thông minh âm nhạc thì rất nhạy cảm với âm thanh, độ thẩm âm tốt, có khả năng sáng tác âm nhạc, sử dụng nhạc cụ hoặc ca hát tốt hơn những người khác. Các em có thiên hướng học tập cùng âm nhạc, thích chơi nhạc cụ, hát…

Các em có trí thông minh không gian thì lại sở hữu khả năng cảm nhận về hình ảnh và nhận thức không gian rất nhanh nhạy. Những em này có trí tưởng tượng vô cùng phong phú, thường nắm bắt ý nghĩa sự việc thông qua hình ảnh, thích diễn đạt bằng mô hình, phác họa, sử dụng tốt bản đồ và định hướng tốt trong không gian…

Những em có trí thông minh thể chất thì có khả năng kiểm soát cơ thể tốt nhất. Các em có khả năng vận động thân thể khéo léo để giải quyết vấn đề, xây dựng vật thể hoặc trình bày ý tưởng; Thích thú trải nghiệm thông qua vận động cơ thể, chơi thể thao, nhảy múa…

Những em có trí thông minh tương tác và giao tiếp thì lại có khả năng nhận thức rất nhạy bén về cảm xúc của người khác, nhanh nhạy trong thiết lập mối quan hệ. Các em cũng làm việc nhóm hiệu quả, biết thông cảm, thấu hiểu và truyền cảm hứng. Những em này có khả năng giao tiếp rất tốt đồng thời với việc vận dụng nhiều kỹ năng xã hội.

Qua 7 loại hình thông minh này thôi đã thấy, mỗi học sinh đều có khả năng, thế mạnh riêng, không ai giống ai. Thông qua việc xác định các em thuộc loại hình thông minh nào, thầy cô sẽ có phương pháp giáo dục phù hợp với từng em.

Thứ 2, muốn khẳng định cái tôi cá nhân, muốn là chính mình, vượt qua những áp đặt của cha mẹ, của thầy cô là tâm sinh lý thường thấy của lứa tuổi từ 14 – 17. Việc các em học sinh muốn khẳng định mình, đó là 1 trong những nhu cầu chính đáng của bất cứ ai, đặc biệt lứa tuổi học sinh THPT.

Ở giai đoạn này, các em có nhiều thay đổi về thể chất, tinh thần nên nếu không hiểu rõ về tâm sinh lý lứa tuổi, hoàn toàn có thể khiến các thầy cô khó tiếp cận được với các em.

Thầy cô cần phải học cách “làm bạn” với học trò. Lúc này, vai trò của giáo viên chủ nhiệm cũng hết sức quan trọng, cần nắm bắt diễn biến tâm tư tình cảm của học sinh để có những điều chỉnh khéo léo, kịp thời.

Muốn xây dựng một lớp học hạnh phúc, mỗi giáo viên phải giúp học sinh cảm thấy mình được tôn trọng, được khẳng định và có giá trị. Một lớp học không thể hạnh phúc, một Nhà trường ko thể là nhà trường học hạnh phúc nếu giá trị mà nhà trường đó, lớp học đó xây dựng lại khác với giá trị mà học sinh mong cầu.

Chính vì vậy, trong nhà trường, các thầy cô cần tôn trọng tất cả ý kiến của học sinh, tôn trọng sự khác biệt. Trong từng kế hoạch của mỗi giáo viên hoặc nhà trường nếu có thể hãy trao đổi với các em.

Điều này khiến chúng ta thêm hiểu tâm tư suy nghĩ của học trò. Nếu có giá trị nào mà các em chưa hiểu hoặc xác định chưa được tốt thì thầy cô hãy bằng lòng bao dung và kỹ năng sư phạm để giúp các em hiểu và điều chỉnh.

Bạn đọc

Bạn Bùi Thị Mỹ Lan, tỉnh Hà Nam.:

Theo thầy, khó khăn lớn nhất để xây dựng trường học hạnh phúc là gì?
TS Ngô Xuân Hiếu

TS Ngô Xuân Hiếu

Mọi cuộc cách mạnh hay sự thay đổi điều cần sự đồng lòng và quyết tâm của cả tập thể cán bộ, giáo viên (ở tất cả các vị trí). Mỗi người có một vai trò và chức năng khác nhau nhưng đều hướng về một mục tiêu chung của tổ chức.

Ví dụ: Lãnh đạo nhà trường có vai trò là người truyền cảm hứng, thu hút và động viên mọi người tham gia, đồng hành và trợ giúp…, giáo viên là người trực tiếp và gián tiếp thực thi nhiệm vụ…, học sinh vừa là người thụ hưởng cũng là người cộng hưởng…

Qua đó cho thấy, khó nhất là sự đồng lòng, quyết tâm – khẳng định quyết tâm ở đây không phải là áp lực, mà là quyết tâm trong tâm thế cởi mở và thấy cần phải làm – của tất cả các thành viên trong nhà trường.

Sau đó là xây dựng tiêu chí phù hợp, kiên trì và từng bước thực hiện các tiêu chí để xây dựng Trường học hạnh phúc. Phải khẳng định rằng, xây dựng trường học hạnh phúc không phải một sớm một chiều và cố gắng làm cho xong, mà là cả một quá trình, từng bước và không nóng vội.

Bạn đọc

Bạn minhphuong@gmail.com:

Chỉ khi thầy, cô thay đổi thì mới có những lớp học hạnh phúc. Điều này có đúng không, thưa tiến sĩ? Theo ông, giáo viên phải thay đổi như thế nào?
TS Ngô Xuân Hiếu

TS Ngô Xuân Hiếu

Chúng ta thấy rằng, xã hội thay đổi hàng ngày thì tất nhiên mọi ngành nghề nói riêng và con người nói chung đều phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạnh công nghệ lần thứ 4 và đại dịch Covid-19. Qua đó nghề giáo không ngoại lệ.

Trước đây, học sinh chỉ có thể tiếp thu kiến thức từ thầy cô; thậm chí, sách vở còn phải dùng chung, nhưng ngày nay chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là các em có cả một thế giới kiến thức.

Các em có thể phản biện và so sánh kiến thức tự học với kiến thức cô dạy trên lớp, thậm chí những nền tảng công nghệ đôi khi giáo viên còn không theo kịp. Giáo viên phải nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thay đổi nếu tiếp tục muốn đứng vững trên bục giảng.

Sự thay đổi của thầy cô không chỉ là thay đổi về kiến thức mà còn cả phương pháp giảng dạy, tư duy trong cách tiếp cận bài giảng, giao tiếp và ứng xử với học sinh… Giáo viên không chỉ dạy kiến thức mà còn là người truyền cảm hứng, chia sẻ kỹ năng sống, lan tỏa những giá trị tốt đẹp... đến học sinh thân yêu.

Để có tiết học hạnh phúc, công nghệ không thể làm thay giáo viên. Do vậy, giáo viên hoàn toàn là người quyết định việc xây dựng lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc.

Giáo viên thay đổi thông qua tự học, tự phát triển bản thân bằng việc đọc sách, học hỏi từ những đồng nghiệp, người thầy tốt. Chúng tôi thường hay nói vui với các giáo viên là mỗi ngày chúng ta phải ăn 3 loại “thức ăn”: loại thứ nhất cho thân thể (ăn uống hàng ngày); loại thứ hai cho kiến thức (các kiến thức chuyên môn); loại thứ ba cho tâm hồn (những lời hay ý đẹp, những việc làm tốt..).

Bạn đọc

Bạn nhatminh….@gmail.com:

Giáo viên phải hạnh phúc trong công việc mới lan toả và nhân lên hạnh phúc cho học trò. Vậy, theo ông, hạnh phúc thầy cô có được ở trường học được cấu thành từ những điều gì?
TS Ngô Xuân Hiếu

TS Ngô Xuân Hiếu

TS Ngô Xuân Hiếu: Muốn học sinh hạnh phúc thì trước tiên giáo viên phải là người hạnh phúc
TS Ngô Xuân Hiếu: Muốn học sinh hạnh phúc thì trước tiên giáo viên phải là người hạnh phúc

Thứ nhất, phải khẳng định rằng trong nhà trường, hiệu trưởng là người cần phải thay đổi đầu tiên. Hiệu trưởng hạnh phúc sẽ nhân lên số giáo viên hạnh phúc. Số giáo viên hạnh phúc sẽ nhân lên số học sinh hạnh phúc. Vì vậy, đây chính là cấp số nhân. Người giáo viên phải nhận thức rõ giá trị nghề nghiệp của mình.

Việc thứ hai là giáo viên phải yêu nghề của mình. Yêu nghề là tiêu chuẩn số một, quyết định mọi thành công của nghề dạy học. Cũng là một trong trăm nghìn nghề trong xã hội, nhưng đặc trưng của nghề dạy học là kiến tạo nên nhân cách thế hệ trẻ, vì vậy giáo viên phải có một tấm lòng cao thượng, một nhân cách đẹp đẽ để thiết kế, dựng xây nên những tâm hồn đẹp.

Nếu so đo, tính toán, ai dám dành trọn cả cuộc đời dạy học của mình cho sự nghiệp giáo dục ở vùng cao. Có người ra trường, đến với bản vùng cao xa xôi khi cả bản chưa có một người nói sõi tiếng phổ thông.

Vậy mà bằng sự yêu nghề, say nghề của mình, khi người thầy người cô đó về hưu, bản vùng cao ấy đã là một điểm sáng văn hóa. Yêu nghề, say mê với nghề thật sự là phẩm chất “vàng” của đội ngũ nhà giáo Việt Nam.

Việc thứ ba là giáo viên phải thấy rằng đây là trách nhiệm để lan tỏa những điều tốt đẹp cho xã hội thông qua việc giảng dạy trực tiếp và gián tiếp cho các em học sinh. Chúng ta vẫn thường nói rằng chúng ta không thể cho ai thứ mà chúng ta không có.

Vì vậy, muốn học sinh hạnh phúc thì trước tiên giáo viên phải là người hạnh phúc. Sứ mệnh của người thầy không chỉ là việc chúng ta hằng ngày đến trường để dạy chuyên môn, mà người thầy phải truyền được cảm hứng cho học sinh trong học tập.

Trong cuốn sách Đúng việc của Giản Tư Trung có đưa ra bốn cấp độ của giáo viên. Chúng có thể tham khảo để xem mình đang ở cấp độ nào, để chúng ta hiểu được giá trị nghề nghiệp, yêu nghề và có trách nhiệm với nghề. Điều đó là cực kỳ quan trọng, để chúng ta lan tỏa hạnh phúc của mình.

Bạn đọc

Bạn thuhong@gmail.com:

Để xây dựng Trường học hạnh phúc, khó nhất là công tác tư tưởng. Xin ông chia sẻ cách làm để các hiệu trưởng thay đổi nhận thức và quyết tâm xây dựng Trường học hạnh phúc?
TS Ngô Xuân Hiếu

TS Ngô Xuân Hiếu

GS Peck Cho, chuyên gia Hàn Quốc - người thiết kế chương trình "Thầy cô chúng ta đã thay đổi" phân tích, nhiều trường học Việt Nam đang "tạo ra sự giận dữ" bằng cách chơi chữ: MAD (Giận dữ) được tạo thành từ ba yếu tố Memorizing (Ghi nhớ), Anlyzing (Phân tích) và Data processing (Xử lý dữ liệu). GS Peck Cho muốn ám chỉ cách dạy học nhồi nhét kiến thức khiến học sinh áp lực, không hạnh phúc khi đến trường.

Theo GS. Peck Cho, các hiệu trưởng cần xác định trong tương lai, môi trường giáo dục chứa đựng sự giận dữ không được chấp nhận. Thầy cô nếu muốn tạo ra trường học hạnh phúc cần tập trung giáo dục cảm xúc cho học sinh, thay vì chỉ dạy kiến thức như trước đây.

Hiệu trưởng có vai trò rất đặc biệt, đó là tạo ra môi trường hạnh phúc, gợi mở cho học sinh, với những cảm xúc tích cực, giáo viên, học sinh được sáng tạo, được tôn trọng. Chỉ khi các hiệu trưởng hạnh phúc mới có sự cảm thông, chia sẻ, vị tha, tạo được môi trường mọi người thương yêu nhau.

Nói về quy định pháp lý: Hiện nay, đã có các văn bản và quy định cụ thể của Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam về xây dựng trường học hạnh phúc. Căn cứ vào những văn bản này, các UBND các tỉnh, thành phố đã có các văn bản chỉ đạo các sở, phòng giáo dục hướng dẫn các nhà trường xây dựng trường học hạnh phúc. Đây còn được coi là các tiêu chí đánh giá thi đua của các nhà trường theo năm học.

Nói về nhà quản lý giáo dục (lãnh đạo sở, phòng và các nhà trường): Nhà quản lý phải nhận thức rõ tầm quan trọng của trường học hạnh phúc đối với xã hội. Chúng ta vẫn biết rằng, trường học không chỉ dạy cho học sinh kiến thức, mà còn giúp học sinh có những cảm nhận, cảm xúc về tình yêu quê hương đất nước và con người, những giá trị tốt đẹp …

Qua đó, mỗi giáo viên và học sinh có những giây phút hạnh phúc tại trường là điều vô cùng quan trọng, là cấp số nhân sau các giờ lên lớp tới các gia đình Việt Nam.

Bạn đọc

Bạn Dương Thị Thanh Hoa, tỉnh Bắc Kạn.:

Tôi là giáo viên cắm bản, học sinh 100% là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi cũng muốn xây dựng lớp học hạnh phúc, với những giờ học hạnh phúc. TS tư vấn giúp tôi cách làm đơn giản nhất mà không tốn kinh phí, vì ở đây phụ huynh toàn là gia đình hộ nghèo và cận nghèo?
TS Ngô Xuân Hiếu

TS Ngô Xuân Hiếu

TS Ngô Xuân Hiếu - Phó Trưởng bộ môn Quản lý Giáo dục, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội
TS Ngô Xuân Hiếu - Phó Trưởng bộ môn Quản lý Giáo dục, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội

Trường học hạnh phúc là khi mỗi học sinh cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương từ thầy cô, bạn bè với niềm vui được nhân lên và nỗi buồn được san sẻ. Hạnh phúc với người học đôi khi rất giản dị, một lời hỏi thăm, nhắn nhủ, động viên; một lời phê, nhận xét chính xác, chân tình; một giờ giảng hay, hấp dẫn; một phong cách giản dị, trong sáng, mực thước với trí tuệ uyên bác của thầy cô đều để lại những ấn tượng, hình ảnh đẹp sẽ theo người học suốt cuộc đời.

Hạnh phúc còn là khi nỗ lực, cố gắng của người học được đền đáp, ghi nhận qua những điểm số chính xác, bằng những phần thưởng nho nhỏ động viên; là sự chân thành, hồn nhiên, trong sáng của tình bạn; là những vấn vương, rung động đầu đời của tuổi mới lớn; là khung cảnh nên thơ, trữ tình của hàng cây, ghế đá,…

Những hành động đẹp, lời nói đẹp, cảnh quan đẹp của thầy cô, bè bạn, mái trường đều góp phần dệt nên xúc cảm hạnh phúc, hân hoan trong trái tim, suy nghĩ tuổi học trò.

Qua đó cho thấy, xây dựng tiết học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc đâu có thể nói kinh tế là nhân tố quyết định hoàn toàn, việc cảm xúc và thăng hoa trong mỗi tiết học phụ thuộc mỗi giáo viên và tập thể học sinh.

Trong cuộc sống gia đình cũng vậy, nhiều người ở trong ngôi nhà sang trọng và rất nhiều đồ đắt tiền, nhưng chắc gì họ đã là gia đình hạnh phúc. Ngược lại, những gia đình ở trong ngôi nhà bình thường nhưng họ vẫn hạnh phúc bên nhau.

Lớp học thành phố, lớp học nông thôn, lớp học vùng cao… điều đó chỉ là thể hiện về mặt địa lý hành chính và cơ sở vất chất, còn bản chất của tiết học hạnh phúc là chính giáo viên và học sinh cùng tôn trọng, yêu thương nhau.

Giáo viên tôn trọng học sinh, yêu nghề, biết lắng nghe, biết cống hiến…, còn học sinh  yêu trường, yêu lớp, quý mến cô… thì tiết học đó chắc chắn sẽ hạnh phúc. Chúng ta có thể thấy rất nhiều trường ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa thực hiện xây dựng lớp học hạnh phúc rất tốt. Ví dụ: Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Lao Chảo (Vị Xuyên, Lào Cai) và rất nhiều trường khác.

Bạn đọc

Bạn nganquynh…@gmail.com.:

Làm thế nào để kiến tạo Trường học hạnh phúc khi mà nhiều giáo viên còn bảo thủ và ngại thay đổi, thưa ông?
TS Ngô Xuân Hiếu

TS Ngô Xuân Hiếu

Thực tế, đâu đó vẫn còn một số giáo viên ngại thay đổi, bảo thủ. Điều này không chỉ trong xây dựng Trường học hạnh phúc, mà còn hiện hữu trong việc khác như: chuyên môn, quản lý, phương pháp giảng dạy…

Đây không chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nhà trường mà thực sự cũng là vấn đề khiến các nhà quản lý đau đầu. Trước hết, cán bộ quản lý nhà trường phải có các biện pháp động viên, khuyến khích giáo viên cùng chung tay phát triển nhà trường.

Để làm việc này, mỗi cán bộ quản lý có các phương pháp riêng, dựa trên năng lực của mình cũng như dựa vào sự phát triển chiến lược của mỗi nhà trường để thực hiện.

Tôi có thể gợi ý chung như thế này: việc giáo viên ngại thay đổi, còn bảo thủ thì chúng ta cũng phải “cắt lớp”. Những giáo viên nào rất ngại thay đổi,  có thể là nguyên nhân tuổi tác, hoặc chuyên môn, cũng có thể là do sức ì,  hoặc chưa hiểu rõ vấn đề….

Mỗi cán bộ nhà trường phải tìm hiểu sâu sắc đẻ xem lý do của từng người để biết được thực trạng ngại thay đổi và tại sao giáo viên đó bảo thủ; từ đó lãnh đạo nhà trường tìm các giải pháp phù hợp như tâm sự, chia sẻ, hỗ trợ … để cùng họ vượt qua những khó khăn.

Nếu cán bộ quản lý chỉ nhìn bề nổi hoặc đánh giá bề ngoài, rồi khẳng định ngay là: giáo viên lười thay đổi, ngại thay đổi - là điều rất nguy hiểm. Đây hoàn toàn là nhận xét cảm tính, khó có thể hiểu rõ để tìm ra các giải pháp phù hợp.

Vì vậy, cán bộ quản lý nhà trường phải xem lý do tại sao mà các giáo viên đó ngại thay đổi để tìm ra nguyên nhân. Từ đó sẽ dùng các biện pháp phù hợp để giúp họ cùng thay đổi để đạt được mục tiêu quản lý. Ví dụ: khuyến khích, động viên, chia sẻ với để giáo viên biết được tầm quan trọng của việc thay đổi, giúp ích cho nhà trường, giúp ích cho chính bản thân giáo viên đó.

Trong trường hợp giáo viên không có khả năng thì hiệu trưởng phải đồng hành, giúp đỡ giáo viên vượt qua những khó khăn đó.

Bạn đọc

Bạn thuychi…@gmail.com.:

Theo tiến sĩ, tiêu chí quan trọng nhất để xây dựng trường học hạnh phúc là gì?
TS Ngô Xuân Hiếu

TS Ngô Xuân Hiếu

Lấy cảm hứng từ mô hình “Happy School” của UNESCO, mô hình "Trường học hạnh phúc" bắt đầu triển khai thí điểm ở nước ta vào tháng 4/2018 và nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều cơ sở giáo dục đào tạo các cấp - khi người đứng đầu ngành Giáo dục phát động phong trào "Triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một môi trường hạnh phúc" (ngày 22/4/2019) nhằm lan tỏa những giá trị: yêu thương, an toàn và tôn trọng trong các nhà trường.

TS Ngô Xuân Hiếu và các học viên Chương trình tập huấn Kiến tạo ngôi trường hạnh phúc tại Nghệ An. Ảnh tư liệu
TS Ngô Xuân Hiếu và các học viên Chương trình tập huấn Kiến tạo ngôi trường hạnh phúc tại Nghệ An. Ảnh tư liệu

 

UNESCO xác định 22 tiêu chí để tạo ra những gì họ xem là Trường học hạnh phúc. 22 tiêu chí này xoay quanh 3 chữ P.

Chữ P đầu tiên là People (con người), gồm các tiêu chí: tình bạn và các mối quan hệ trong cộng đồng nhà trường, thái độ tích cực của giáo viên, tôn trọng sự đa dạng và khác biệt của các cá nhân, sự tích cực và hợp tác giữa các thành viên trong nhà trường, điều kiện làm việc của giáo viên, kỹ năng và năng lực của giáo viên. Để có một Trường học hạnh phúc, cần chú trọng xây dựng những giá trị nhân văn và những chuẩn mực hành xử tích cực giữa người với người. Cụ thể là giữa giáo viên với học sinh, giữa giáo viên với giáo viên, giữa giáo viên với ban giám hiệu nhà trường, giữa giáo viên với phụ huynh.

Chữ P thứ hai là Process (Hệ thống): tức là các quy trình, chính sách, hoạt động... được thiết kế để vận hành ngôi trường ấy có hợp lý hay không. Thật khó để học trò hạnh phúc khi mà ngày ngày các em phải đối mặt với khối lượng bài vở khổng lồ, thời gian chơi đùa gần như không có. Cũng như thật khó để giáo viên kiến tạo Lớp học hạnh phúc cho học trò của mình với một chương trình quá tải, áp lực thành tích đè nặng trên vai, các công cụ hỗ trợ thì ít ỏi mà đồng lương lại bèo bọt.

Chữ P thứ ba là Place (Môi trường): tức là những không gian vật chất lẫn không gian văn hóa giúp cho trường học là một môi trường an toàn, thân thiện với học sinh. Trong đó sẽ không có nhà vệ sinh bẩn, bạo lực học đường, không có cảnh cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng...

Từ những tiêu chí của UNESCO, với thực thế của Việt Nam, Bộ GD&ĐT đã đưa ra 3 yếu tố (tiêu chí) cốt lõi trong xây dựng trường học hạnh phúc đó là: Yêu thương, an toàn và tôn trọng. Chúng ta có thể khẳng định rằng, để thực hiện được một nhiệm vụ nào đó một cách thành công thì cần phải có sự đồng bộ, tuy có những thứ ưu tiên hơn, nhưng không có nghĩa là có thể thực hiện độc lập được, do vậy có thể nói 3 tiêu chí trên là quan trọng và cần phải cùng thực hiện song song để xây dựng trường học hạnh phúc.

Bạn đọc

Bạn Minh Phú, phụ huynh huyện Thới Lai, TP Cần Thơ:

Xin thầy chia sẻ những hoạt động chủ yếu khi xây dựng Trường học hạnh phúc, Lớp học hạnh phúc tại trường? Nhà trường đã sử dụng phương thức gì để lan toả ý nghĩa và giá trị của trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc?
Thầy Nguyễn Hữu Định

Thầy Nguyễn Hữu Định

Những hoạt động chủ yếu khi xây dựng trường học hanh phúc ở Trường THPT Thới Lai:

Xây dựng phương châm giáo dục: “Dạy người, dạy chữ, dạy nghề”. Từ phương châm cốt lõi đó, nhà trường đặt ra phương châm hành động của nhà trường là “Xây dựng trường học văn minh, thân thiện, hạnh phúc".

Để cụ thể hóa các phương châm nêu trên, hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc, nhà trường thực hiện các nội dung sau đây:

- Xây dựng các quy chế chặt chẽ: Quy chế làm việc, Quy chế dân chủ trong nhà trường, Quy chế thi đua, Quy ước ứng xử văn hóa trong nhà trường.

- Xây dựng văn hóa nhà trường lành mạnh giúp học sinh và giáo viên cảm thấy thoải mái trong học tập, vui chơi.

- Không gian trường học được bố trí hợp lý, xanh, sạch đẹp, có tác dụng giáo dục đối với học sinh. Mỗi bảng biểu trang trí đều mang một thông điệp mà nhà trường muốn mỗi ngày đến trường tất cả các em học sinh đọc, hiểu và làm theo.

- Tổ chức nhiều hoạt động cho giáo viên và học sinh tham gia: Nhà trường thành lập 12 câu lạc bộ sở thích (CLB khéo tay, CLB Hoa Kiểng, CLB Cờ vua - Cờ tướng, CLB ảo thuật, CLB bóng bàn, CLB bóng đá, CLB bóng rổ, CLB, tiếng Anh, CLB Sinh học, CLB KHKT, CLB Ảo thuật, CLB Âm nhạc). Rất nhiều học sinh tham gia trong các giờ ra chơi. Ngoài ra, nhà trường tổ chức trồng rau sạch, giáo viên và học sinh cùng tham gia tạo môi trường rất thân thiện.

- Nhiều phong trào, nhiều cuộc thi hướng đến mục tiêu làm cho học sinh có nhiều niềm vui, hạnh phúc: Ngày hội sắc màu, Đại hội thể dục thể thao, Hội xuân...

Học sinh tham gia gói bánh tại Hội xuân của trường. Ảnh tư liệu.
Học sinh tham gia gói bánh tại Hội xuân của trường. Ảnh tư liệu.
Bạn đọc

Bạn Đỗ Thị Tươi, tỉnh Hà Giang.:

Theo ông, liệu có thể xây dựng Trường học hạnh phúc ở những vùng đặc biệt khó khăn không?
TS Ngô Xuân Hiếu

TS Ngô Xuân Hiếu

Chào bạn! Bạn yên tâm nhé, chúng ta hoàn toàn có thể có thể xây dựng Trường học hạnh phúc ở những vùng đặc biệt khó khăn. Bởi thực tế, tại nhiều trường vùng cao, dù còn không ít  khó khăn, song tại những nhà trường này, ý thức đổi mới giáo dục, xây dựng trường học vì học sinh đã được thể hiện rõ nét trong từng hành động, việc làm

Tôi lấy ví dụ, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Lùng Tám (Quản Bạ, Hà Giang). Đây là trường vùng cao khó khăn, điều kiện địa lý phức tạp, học sinh dân tộc thiểu số chiếm đa số, chủ yếu là dân tộc H’Mông. Nhưng nhà trường đã xây dựng được cơ sở hạ tầng, trường lớp khang trang.

Từ phòng học, phòng ăn của học sinh bán trú, sân trường… đều sạch sẽ gọn gàng. Qua đó, thể hiện sự quan tâm, chăm lo tận tình của đội ngũ cán bộ giáo viên và nhân viên nhà trường.

Nhà trường cũng đã có các mô hình, cách làm hay để thu hút học sinh như: Xây dựng thư viện xanh ngoài trời phục vụ đọc sách, trang trí khuôn viên ghế đá, các vị trí thuận tiện dễ tìm, dễ đọc.

Các thầy cô giáo tích cực sưu tầm và trưng bày góc văn hóa truyền thống, xây dựng lò đốt rác để bảo vệ môi trường…. Học sinh được quan tâm, tạo điều kiện và trở thành trung tâm của sự đổi mới giáo dục.

Cũng ở địa phương này, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nghĩa Thuận – một trong những trường nằm trên vùng khó, với 100% học sinh thuộc thành phần dân tộc khác nhau (Nùng, H’Mông…).

Bằng chính công sức và sự sáng tạo của mình, sau một thời gian thầy-  trò nhà trường bắt tay vào xây dựng Trường học hạnh phúc, khuôn viên học đường đẹp lên mỗi ngày.

Học sinh có thư viện ngoài trời sạch đẹp để đọc sách, đọc truyện giờ giải lao. Góc văn hóa được khai thác hiệu quả cho những tiết học thực tế; vườn hoa cây cảnh không chỉ tạo cảnh quan đẹp cho trường mà học sinh còn được thầy cô dạy thêm các kiến thức về cây hoa, cây cảnh, cây thuốc… Việc cải tạo môi trường học đường đã thực sự giúp chất lượng dạy và học của nhà trường được nâng lên; học sinh yêu trường, lớp hơn.

Bạn đọc

Bạn minhhieu7x@...:

Ngành Giáo dục triển khai Chương trình GDPT 2018. Giáo viên cùng thực hiện song hành với xây dựng trường học hạnh phúc có áp lực không? Hai hoạt động này tương hỗ nhau ra sao?
Thầy Nguyễn Hữu Định

Thầy Nguyễn Hữu Định

Chương trình GDPT 2018 sẽ hình thành và phát triển cho học sinh 5 phẩm chất là yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Ngoài ra, chương trình cũng hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực cốt lõi.

Như vậy, việc triển khai song hành với xây dựng trường học hạnh không có áp lực đối với giáo viên và học sinh, ngược lại hai hoạt động này có sự tương đồng và hỗ cho nhau: Thực hiện tốt việc Xây dựng trường học hạnh phúc sẽ là tiền căn bản để chúng ta hình thành cho học sinh các phẩm chất mà mục tiêu của chương trình GDPT 2018 đã đề ra và ngược lại.

Bạn đọc

Bạn Một giáo viên tỉnh Trà Vinh:

Những năm gần đây tình trạng bạo lực học đường vẫn còn diễn ra nhiều nơi. Theo thầy, giải pháp nào để hạn chế tình trạng này?
Thầy Nguyễn Hữu Định

Thầy Nguyễn Hữu Định

Thầy cô, xã hội đánh giá như vậy cũng có nghĩa là tình trạng bạo lực học đường không còn phổ biến như trước đây. Điều đó cho thấy được hiệu quả của các cuộc vận động chúng ta đang thực hiện: “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, “Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực”, “Trường học hạnh phúc”...

Bên cạnh đó nhà trường cũng cần đưa ra các giải pháp sát với tình hình thực tế: Xây dựng nội quy nhà trường chặt chẽ, có sự phối hợp chặt chẽ với gia đình và chính quyền địa phương, nâng cao vai trò của Tổ tư vấn học đường, tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp đa dạng, phong phú, hấp dẫn, sinh động thu hút học sinh tham gia...

Trường học hạnh phúc là cả một quá trình, được tích tụ, bồi đắp. Trong đó, có sự lan tỏa yêu thương, lan tỏa giá trị được tạo ra từ chính cái tâm của người Thầy đến với đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh và xã hội.
Trường học hạnh phúc là cả một quá trình, được tích tụ, bồi đắp. Trong đó, có sự lan tỏa yêu thương, lan tỏa giá trị được tạo ra từ chính cái tâm của người Thầy đến với đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh và xã hội.
Bạn đọc

Bạn thaygiaolang@gmail.com:

Có người cho rằng “xây dựng trường học hạnh phúc không phải là phong trào, mà phải xuất phát từ tâm, và cái gì từ tâm mới bền vững”. Với vai trò là Hiệu trưởng, xin thầy cho ý kiến về vấn đề này?
Thầy Nguyễn Hữu Định

Thầy Nguyễn Hữu Định

Tôi hoàn toàn thống nhất với ý kiến trên, hạnh phúc bắt nguồn từ tâm hồn, chúng ta cảm thấy tâm hồn, suy nghĩ của mình thoải mái thì bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn hết.

Như tôi đã chia sẻ ở trên, xây dựng trường học hạnh phúc là cả một quá trình dài, được tích tụ, bồi đắp từ từ. Trong đó, có sự lan tỏa yêu thương, lan tỏa giá trị được tạo ra từ chính cái tâm của người Thầy đến với đồng nghiệp, đến với học sinh, phụ huynh và xã hội.

Bạn đọc

Bạn Lý Mỹ An, huyện Châu Phú, An Giang:

Xây dựng trường hạnh phúc mang tính bắt buộc hay tự nguyện? Khi xây dựng trường học theo mô hình này, nhà trường có phải đầu tư thêm về cơ sở vật chất, nhân lực hay không?
Thầy Nguyễn Hữu Định

Thầy Nguyễn Hữu Định

Xây dựng trường học hạnh phúc là việc làm tự nguyện của mỗi nhà trường. Trước khi có khái niệm “Trường học hạnh phúc” thì trong các nhà trường đã thực hiện nhiều mục tiêu, phương châm và các cuộc vận động mang nội hàm như “Trường học hạnh phúc”, chẳng hạn cuộc vận động "Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” hay cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”...

Trên cơ sở của các cuộc vận động đã thực hiện thì nhà trường không nhất thiết phải đầu tư thêm cơ sở vật chất, nhân lực..., cần nhất là thay đổi về nhận thức tạo ra giá trị bền vững cho sự phát triển của nhà trường.

Giáo viên, học sinh Trường THPT Thới Lai tặng quà gia đình hoàn cảnh khó khăn dịp Tết. Ảnh tư liệu.
Giáo viên, học sinh Trường THPT Thới Lai tặng quà gia đình hoàn cảnh khó khăn dịp Tết. Ảnh tư liệu.
Bạn đọc

Bạn dangtuan@gmail.com:

Nhà trường phải làm gì để giáo viên, học sinh và phụ huynh chung tay xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc. Làm thế nào để thầy cô giáo không bị áp lực khi xây Trường học hạnh phúc?
Thầy Nguyễn Hữu Định

Thầy Nguyễn Hữu Định

Xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc không phải một sớm một chiều mà cần phải có một quá trình. Trước tiên nhà trường cần tạo sự nhận thức đối với giáo viên, học sinh và phụ huynh, đây là quá trình tác động lâu dài bằng nhiều biện pháp, phương thức khác nhau.

Chúng ta không thể tuyên bố “năm học này xây dựng trường học hạnh phúc” mà phải trải qua lộ trình xây dựng tổ chức nhà trường, xây dựng văn hóa nhà trường, xây dựng các quy chế ứng xử, quy chế làm việc... trong nhà trường để làm cơ sở pháp lý cho giáo viên, học sinh và phụ huynh tham gia.

Làm thế nào để thầy cô giáo không bị áp lực khi xây Trường học hạnh phúc: Không nên nóng vội, làm sao những giải pháp đưa ra của nhà trường để xây dựng trường học hạnh phúc đến với giáo viên, học sinh và phụ huynh một cách nhẹ nhàng. Đôi khi họ không biết đó là cách mà nhà trường đang thực hiện để xây dựng trường học hạnh phúc bởi vì nếu triển khai rầm rộ sẽ trở thành việc làm mang tính phong trào, hình thức.

HS Trường THPT Thới Lai tham gia hoạt động xuân tại trường. Ảnh tư liệu.
HS Trường THPT Thới Lai tham gia hoạt động xuân tại trường. Ảnh tư liệu.
Bạn đọc

Bạn Lâm Thiện, phụ huynh huyện Trà Cú, Trà Vinh:

Vì sao phải xây Trường học hạnh phúc? Có phải đây là phong trào, thi đua trong trường học? Thầy đánh giá ra sao về kết quả giáo dục trước và sau xây dựng trường học hạnh phúc?
Thầy Nguyễn Hữu Định

Thầy Nguyễn Hữu Định

Ngày 4/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường đạo đức, lối sống cho học sinh sinh viên nhằm chấn chỉnh, khắc phục các mặt tồn tại, hạn chế như biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống; tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật…

Cùng với thời gian này, Công đoàn GD Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT phát động phong trào "Triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một môi trường hạnh phúc" vào ngày 22/4/2019 nhằm lan tỏa những giá trị: yêu thương, an toàn và tôn trọng trong nhà trường.

Có thể thấy rằng xây dựng trường học hạnh phúc để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tiếp nối cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã mang lại nhiều kết quả về mặt giáo dục đáng khích lệ trong nhà trường thì “Trường học hạnh phúc” có nội hàm giáo dục toàn diện và tạo ra giá trị bền vững và rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Như vậy, “Trường học hạnh phúc” không phải là phong trào thi đua mang tính thời vụ, mà nó được coi là cuộc vận động để mỗi nhà trường thực hiện một cách bền vững.

HS Trường THPT Thới Lai tham gia hoạt động văn nghệ. Ảnh tư liệu.
HS Trường THPT Thới Lai tham gia hoạt động văn nghệ. Ảnh tư liệu.
Bạn đọc

Bạn anhnguyet@gmail.com:

Theo thầy, học sinh và phụ huynh cần làm những gì để góp phần cùng nhà trường xây dựng Trường hạnh phúc?
Thầy Nguyễn Hữu Định

Thầy Nguyễn Hữu Định

Phụ huynh cần có sự phối hợp tốt với nhà trường trong việc giáo dục con em, quan tâm đến các em, biết chia sẻ cùng nhà trường để vượt qua những khó khăn…

Đối với học sinh: học tập và rèn luyện chăm chỉ, vui chơi lành mạnh, thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy.

Bạn đọc

Bạn Ngọc Võ, Bạc Liêu:

Đối với học sinh cá biệt, việc giáo dục, uốn nắn các em trong việc xây dựng Trường học hạnh phúc, Lớp học hạnh phúc chắc chắn phải linh hoạt. Kinh nghiệm của thầy trong việc này?
Thầy Nguyễn Hữu Định

Thầy Nguyễn Hữu Định

Chúng tôi rất hạn chế sử dụng cụm từ “học sinh cá biệt”, thay vào đó là “học sinh có tính cách đặc biệt…” và đây cũng chính là một trong những biện pháp tâm lý để nhà trường giáo dục học sinh sao cho các em cảm nhận được sự tôn trọng từ người lớn.

Để uốn nắn những học sinh nêu trên thì nhà trường tìm hiểu kỹ đặc điểm, hoàn cảnh của học sinh rồi mới đưa ra các biện pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng học sinh. Cho dù dùng biện pháp nào đi nữa thì điều quan trọng vẫn là giáo dục, uốn nắn các em bằng chính tình thương yêu chân thành của người Thầy.

Bạn đọc

Bạn Thanh Tâm, phụ huynh Vĩnh Long:

Trường học hạnh phúc có đánh giá theo chỉ tiêu, thành tích học tập như trường bình thường hay không? Xin thầy cho biết, những tiêu chí cốt lõi nào được dùng để đánh giá một trường học hạnh phúc?
Thầy Nguyễn Hữu Định

Thầy Nguyễn Hữu Định

Trường học hạnh phúc là khi mỗi học sinh cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương tỏa ra từ thầy cô, bạn bè với niềm vui được nhân lên và nỗi buồn được san sẻ.

Trường học hạnh phúc là nơi học sinh được học tập và rèn luyện trong môi trường an toàn, lành mạnh, không có bạo lực học đường.

Trường học hạnh phúc là nơi mỗi thầy cô giáo và học sinh đón nhận được sự tôn trọng.

Kết quả hai mặt giáo dục trong nhà trường (Hạnh kiểm học sinh, Thành tích học tập) phản ánh rõ chất lượng giáo dục tổng thể của nhà trường. Tuy nhiên, nếu một ngôi trường có thành tích học tập rất cao nhưng ở đó không có tình yêu thương học trò, ở đó luôn có xung đột giữa giáo viên với giáo viên, giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh, thậm chí giữa phụ huynh với nhà trường… thì chắc chắn ngôi trường đó không được gọi là Trường học hạnh phúc.

Bạn đọc

Bạn thanhvu1963@...:

Là một Hiệu trưởng, theo thầy, giáo viên có thể gặp phải những khó khăn nào trong quá trình kiến tạo Trường học hạnh phúc?
Thầy Nguyễn Hữu Định

Thầy Nguyễn Hữu Định

Giáo viên có thể gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình kiến tạo Trường học hạnh phúc, nếu không có sự quan tâm hỗ trợ kịp thời từ Ban giám hiệu, từ đồng nghiệp thì sẽ không đạt được mục tiêu đề ra:

Thứ nhất là thầy cô không vượt qua được những áp lực, những yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với giáo dục. Theo tôi nghĩ đây cũng là điều tất nhiên của quy luật phát triển, ở mỗi giai đoạn luôn có bước tiến mới yêu cầu người Thầy phải có tư duy đổi mới, mà khi đổi mới luôn gặp khó khăn: Từ việc dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học thì yêu cầu đặt ra là giáo viên phải nghiên cứu, tìm tòi quá trình thay đổi đó như thế nào.

Sẽ mất nhiều thời gian, công sức và trong thực tế cho thấy, cũng có giáo viên còn thiếu kĩ năng sống, chuyên môn, nghiệp vụ chưa tốt, họ không theo kịp với sự phát triển khiến họ lúng túng trong thực hiện nhiệm vụ. Ở trường hợp đó, họ khó có thể cảm nhận được hạnh phúc, cùng tạo ra hạnh phúc cho nhà trường. Vì thế, giúp cho họ có chuyên môn, có hiểu biết chính là một trong những việc quan trọng mà Ban giám hiệu nhà trường cần phải làm ngay.

Thứ hai là môi trường làm việc: nếu làm việc trong một môi trường thường xuyên có sự xung đột, mất đoàn kết… sẽ tạo ra ức chế tâm lý cho người Thầy và như vậy chắc chắn người Thầy sẽ không có niềm vui lan tỏa đến học sinh để hình thành trường học hạnh phúc.

Thầy, trò Trường THPT Thới Lai.
Thầy, trò Trường THPT Thới Lai.
Bạn đọc

Bạn Thùy Linh, Hậu Giang:

Nhiều quan điểm cho rằng, giáo viên phải hạnh phúc trong công việc mới lan toả và nhân lên hạnh phúc cho học trò. Vậy, theo thầy, hạnh phúc thầy cô có được ở trường học được cấu thành từ những điều gì?
Thầy Nguyễn Hữu Định

Thầy Nguyễn Hữu Định

Đúng vậy, giáo viên phải là người hạnh phúc trong công việc mới lan toả và nhân lên hạnh phúc cho học trò, thì mới tạo nên trường học hạnh phúc.

Để thầy cô có được hạnh phúc, nhà trường phải xây dựng môi trường làm việc dân chủ, minh bạch và thân thiện. Mỗi giáo viên được tạo cơ hội để sáng tạo, được bày tỏ quan điểm và nhất là được sự tôn trọng từ ban giám hiệu, phụ huynh và được sự kính trọng từ học sinh và xã hội.

Thực tế ở trường THPT Thới Lai, với 2.000 giáo viên và học sinh là 2.000 trạng thái, cảm xúc khác nhau thì việc dung hòa các mối quan hệ để tạo ra môi trường không có xung đột là không hề dễ. Tuy nhiên, bằng chính sự quyết tâm của Ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên luôn hướng về một mục tiêu tất cả vì học sinh thân yêu, chúng tôi luôn luôn giữ được trạng thái tâm lý làm việc trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đặt lợi ích tập thể lên trên hết, tạo không gian làm việc của nhà trường như không gian của một gia đình. Từ đó, thầy cô luôn có được tâm lý thoải mái trong công tác, cảm thấy hạnh phúc và điều này đã lan tỏa đến học sinh và phụ huynh.

Thầy Nguyễn Hữu Định trả lời câu hỏi giao lưu của độc giả.
Thầy Nguyễn Hữu Định trả lời câu hỏi giao lưu của độc giả.
Bạn đọc

Bạn Hữu Nhân, phụ huynh TP Cần Thơ:

Trong việc kiến tạo trường học hạnh phúc, theo thầy vai trò, trách nhiệm cao nhất thuộc về ai? Phụ huynh học sinh có vai trò gì trong quá trình xây dựng trường học hạnh phúc không?
Thầy Nguyễn Hữu Định

Thầy Nguyễn Hữu Định

Để xây dựng trường học hạnh phúc, hiệu trưởng có vai trò kiến tạo, thúc đẩy, giáo viên là người có vai trò quyết định. Vì vậy, theo tôi, Ban Giám hiệu, giáo viên là những người có vai trò, trách nhiệm cao nhất, là những người đưa ra các giải pháp tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, mang niềm vui hạnh phúc, yêu thương đến các em học sinh.

Để làm được điều đó thì chính thầy cô cũng là người đón nhận được hạnh phúc, và sự tôn trọng từ Ban Giám hiệu nhà trường, từ phụ huynh học sinh và toàn xã hội. Do vậy, phụ huynh học sinh có vai trò quan trọng trong việc phối hợp với nhà trường để xây dựng trường học hạnh phúc, thể hiện bằng việc giữ mối liên hệ và quan tâm thường xuyên với nhà trường trong việc giáo dục con em.

Bạn đọc

Bạn huuthanh@gmail.com:

Theo thầy, hiệu trưởng, giáo viên có vai trò cụ thể như thế nào trong việc xây dựng Trường học hạnh phúc, Lớp học hạnh phúc?
Thầy Nguyễn Hữu Định

Thầy Nguyễn Hữu Định

Thầy Nguyễn Hữu Định - Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai (TP Cần Thơ).
Thầy Nguyễn Hữu Định - Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai (TP Cần Thơ).

Để xây dựng nên Trường học hạnh phúc, Lớp học hạnh phúc, hiệu trưởng nhà trường là người đóng vai trò kiến tạo, thúc đẩy và lan tỏa mục tiêu đến đội ngũ thầy cô giáo và các em học sinh bằng chính những giải pháp cụ thể của mình.

Thầy cô giáo là người tiếp xúc với các em học sinh hàng ngày, dạy học sinh bằng chính nhân cách của mình, bằng sự nêu gương. Vì vậy, thầy cô giáo là người đóng vai trò quyết định để xây dựng nên Trường học hạnh phúc, Lớp học hạnh phúc.

Trước hết, mỗi thầy cô giáo trong nhà trường phải thể hiện sự đoàn kết, thống nhất giúp đỡ lẫn nhau. Đối với học sinh, thầy cô thể hiện vai trò là người hướng dẫn, chỉ bảo các em bằng chính tình thương yêu chân thành của mình. Như vậy, các em sẽ cảm thấy được tình thương của người Thầy dành cho các em, điều đó sẽ mang lại hạnh phúc cho các em học sinh.

Bạn đọc

Bạn Minh Hoàng, phụ huynh:

Với vai trò một Hiệu trưởng, thầy có những giải pháp nào để lan tỏa ý nghĩa Trường học hạnh phúc, Lớp học hạnh phúc?
Thầy Nguyễn Hữu Định

Thầy Nguyễn Hữu Định

Để lan tỏa ý nghĩa của Trường học hạnh phúc, Lớp học hạnh phúc, trước hết phải phải đưa ra những mục tiêu để xây dựng trường học hạnh phúc phù hợp với đặc điểm, văn hóa địa phương. Người đứng đầu đơn vị phải có sự quyết tâm trong hành động, tạo sự thống nhất về nhận thức trong đội ngũ về xây dựng trường học hạnh phúc. Đưa ra các giải pháp xây dựng văn hóa nhà trường lành mạnh, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ cho hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh.

Thứ hai là phải xây dựng cho được thương hiệu của nhà trường ở một hoặc một số mặt cụ thể. Tạo được niềm tin trong đội ngũ, học sinh và cha mẹ học sinh. Từ đó sẽ lan tỏa được ý nghĩa cũng như những giá trị của Trường học hạnh phúc, Lớp học hạnh phúc.

Thực tế ở Trường THPT Thới Lai, nhà trường xác định mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc bắt đầu từ việc hình thành cho các em học sinh những thói quen: biết chào hỏi, biết cảm ơn, xin lỗi… Qua thời gian, những thói quen đó trở thành văn hóa ứng xử đặc trưng của nhà trường để mỗi lần thầy cô ở các trường bạn hoặc phụ huynh đến trường khi ra về đều cảm thấy hài lòng về sự chăm ngoan, lễ phép của học sinh. Điều đó đã giúp cho nhà trường lan tỏa được những giá trị tích cực đến mọi người và cũng chính là lan tỏa ý nghĩa của trường học hạnh phúc.

HS Trường THPT Thới Lai trong giờ hoạt động ngoại khóa. Ảnh tư liệu.
HS Trường THPT Thới Lai trong giờ hoạt động ngoại khóa. Ảnh tư liệu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.