Kỳ 4: Vì trò, cô có thể làm tất cả!

GD&TĐ - Lớp 1 cần nhiều đồ dùng, mua mới thì tốn kém, nên cô Trịnh Thị Liên (Trường PTCS Xã Đàn, Hà Nội) dành thời gian trong hè để tự chuẩn bị từ bộ đồ dùng tiếng Việt, các hình để học toán, làm bảng thi đua trong lớp… 

Cô Trịnh Thị Liên cùng học trò chuẩn bị sách vở trước năm học mới
Cô Trịnh Thị Liên cùng học trò chuẩn bị sách vở trước năm học mới

Trước ngày đầu tiên học sinh đến trường, cô đến sơn sửa, vệ sinh lớp, chuẩn bị nào bóng, nào hoa, đồ chơi… khiến học sinh mới gặp cô giáo lần đầu mà hết giờ cứ ôm riết lấy cô không muốn về.

Những thứ có thể tự làm, mình sẽ làm cho các em."
Cô Trịnh Thị Liên

Nói đến việc chuẩn bị cho năm học mới, cô Liên nói mê say: Mình thích tự làm nhiều thứ, trong khi có thể mua được cho học sinh. Ví dụ, bộ đồ dùng Tiếng Việt rất hay bị mất chữ, mất dấu. Mình thống kê lại bao nhiêu chữ cái rồi lấy bìa cứng đo cắt theo độ dài của chữ trong hộp, tô màu, dán để có 2 mặt chữ, rồi dùng băng dính trong cố định lại.

Rồi bảng thi đua trên tường, lúc đầu nghĩ chỉ cần thiết kế theo ý tưởng rồi mang đi in; nhưng nhờ người thiết kế rồi in ra, tốn kém mà chỉ hình thức đẹp, không hướng được tới sự tương tác của học sinh. Thế là mình tận dụng bảng biểu không dùng đến trong trường, làm sạch đi, lấy mặt còn trắng, để từ từ vào năm học cô trò làm đầy nó. Học sinh tự tay dán, tự tay treo sản phẩm của mình lên,… thích hơn nhiều hình in sẵn.

“Khi làm, mình cảm thấy vui, thích, có ý nghĩa. Học sinh rất thần tượng thầy cô biết làm và dám làm được nhiều việc. Đó là một trong những cách mình thu hút học sinh. Muốn dạy được, phải được chúng yêu, chúng thần tượng” – cô Liên chia sẻ.

2 buổi gặp ở trường, cô Trịnh Thị Liên đã nắm được rất nhiều về học trò: 23 học sinh thì có 8 em khiếm thính, 1 có tật vận động; ngoài ra một số có biểu hiện không chú ý vào người nói chuyện, phản ứng chậm chạp. Có học sinh sống với bà; em thì chỉ sống với mẹ, mẹ bán nước chè vỉa hè và không biết viết. Có bạn nhà nghèo, bố mẹ làm thuê làm mướn nuôi 2 con sinh đôi đi học; trường hợp 1 học sinh khiếm thính hơn các bạn cùng lớp 4 tuổi, mẹ đơn thân - một nhân viên bình thường, một mình chạy chữa nuôi dạy con, vất vả vô cùng.

Khai giảng của trẻ khuyết tật
 Khai giảng của trẻ khuyết tật

Việc nhiều học sinh hoàn cảnh éo le với cô Liên không lạ, vì năm trước, học sinh của cô có bạn không có mẹ; bạn bố bệnh nặng mất, mẹ làm giúp việc mấy nhà trả nợ tiền thuốc cho bố, ở nhờ nhà người ta để làm nuôi con; có bạn thiếu cả bố và mẹ; có bạn bố không việc làm ổn định, mẹ bệnh hiểm nghèo,…

“Với những hoàn cảnh ấy, đầu năm học với bao thứ phải lo, họ lấy đâu ra. Bởi vậy, những thứ có thể tự làm, mình sẽ làm cho các em” – cô Liên tâm sự.

Trong mắt học sinh, cô Liên luôn là người đặc biệt, một cô giáo “cái gì cũng biết” bởi cô luôn có gắng làm mọi thứ có thể. Vẽ không đẹp nhưng có ý tưởng, cô Liên tìm nguyên vật liệu và hướng dẫn để học sinh sáng tác trên mọi phế liệu thu thập được, từ chai nhựa, vỏ hộp sữa, bìa các-tông. Giờ hoạt động tập thể, học sinh ngại không dám nhảy, thế là cô trò cùng bật máy lên nhảy múa…

Cách cô tạo nên một tập thể đoàn kết, biết chia sẻ yêu thương cũng rất tuyệt vời. Cô Liên kể: mình thường để một bạn nghe tốt, hiểu tốt hơn kèm một bạn yếu hơn. Trong lúc cô giảng, con vừa nghe vừa hướng dẫn bạn, hoặc giúp bạn khi làm bài xong. Trong năm các con nuôi lợn nhựa, đến ngày cần dùng mổ ra, tổ nào nhiều được cô thưởng. Tiền đó để mua đồ dùng, sách vở tặng các bạn khuyết tật. Ngược lại, khi các bạn khuyết có quà của trường hay các cơ quan tổ chức, mình hỏi ý kiến các con có chia quà cho các bạn không, vì sao… Thế là tất cả cùng có quà.

Xảy ra trường hợp đôi lúc bạn không khuyết tật không có quà, cô giáo sẽ thưởng sau mỗi đợt thi đua. Có đợt cô hết sạch tiền vì thưởng vẫn vui.

Rồi những ngày lễ trong năm, cô giáo cũng dốc hết “vốn liếng” để nghĩ đủ trò cho học sinh được xả hơi. Ngày thì tô tượng tặng mẹ, tặng bà; ngày thì làm thiệp, làm hoa; ngày thì làm bánh trôi, bánh chay; ngày làm bánh dẻo; ngày thi tái chế phế liệu,… rồi làm một số món ăn đơn giản, tự đi chợ, tự làm, tự ăn cùng nhau; cũng có hôm lớp tổ chức đi xem phim ngoài rạp, đi khu vui chơi hiện đại,…

“Nghe thì thấy bình thường, vì trẻ em thường được bố mẹ cho đi chơi thường xuyên. Nhưng ở trường mình, đa số gia đình nghèo, vất vả quanh năm làm sao được đi đâu. Mình nhớ có lần đi ăn buffe (cô phải tìm ngày 1 tặng 1), có học sinh ăn đến 3 đĩa cơm rang rồi khen nức nở: con chưa bao giờ được ăn cơm rang ngon thế” – cô Liên chia sẻ.

Niềm vui giản dị như vậy rất nhiều, nhưng cũng có lúc, cô Liên cho biết bị áp lực tột độ nhưng không dám quát nạt học sinh mà chỉ lao ra khỏi lớp, đập tay vào lan can để giải tỏa; đợi bình tĩnh mới quay trở lại lớp. Rồi khó khăn, vất vả, chỉ cần nghĩ đến tình cảm của học trò là mọi thứ lại tan biến.

“Nhớ năm đó, học trò lớp 5 của mình ra trường, khi cô giáo phát kỉ yếu, các con ôm nhau khóc trên lớp, không chịu về nhà. Lớp ấy, nhiều bạn đã lên lớp 9 vẫn thỉnh thoảng lại xuống lớp mình xin ở lại chơi hay làm cùng các em. Sau này học lớp 10, tự mò mẫm đến nhà thăm cô bị ốm. Một học sinh khiếm thính là Linh Đan, hiện học CĐSP khoa Hội họa vẫn vẽ tranh và sáng tác truyện kiểu anime tặng mình. Hành phúc, thế cũng đủ!” – cô Liên trải lòng.

mình thường để một bạn nghe tốt, hiểu tốt hơn kèm một bạn yếu hơn. Trong lúc cô giảng, con vừa nghe vừa hướng dẫn bạn, hoặc giúp bạn khi làm bài xong. Trong năm các con nuôi lợn nhựa, đến ngày cần dùng mổ ra, tổ nào nhiều được cô thưởng. Tiền đó để mua đồ dùng, sách vở tặng các bạn khuyết tật. 

-> Kỳ 5: Những câu chuyện xúc động của thầy Hiệu trưởng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ