Các con đi học là quý lắm rồi!

GD&TĐ - Trước khai giảng, cô Nguyễn Thị Kim Dung - giáo viên lớp 3a, Trường PTCS Xã Đàn (Hà Nội) - đi 10 cây số đến trường, tự trang bị “đồ nghề”, tỷ mẩn sơn lại lớp học, từng cánh cửa. Công việc hoàn thành trong khoảng 1 tuần, trong đó 4 ngày làm trọn từ 8 giờ 30 sáng đến 6 giờ chiều.

Cô Nguyễn Thị Kim Dung và học trò chuẩn bị sách vở, đồ dùng dạy học. Những tấm kê tay cô giáo mua tặng khiến các học trò rất thích thú.
Cô Nguyễn Thị Kim Dung và học trò chuẩn bị sách vở, đồ dùng dạy học. Những tấm kê tay cô giáo mua tặng khiến các học trò rất thích thú.

Cô tự nguyện làm việc này với niềm vui giản dị là học sinh chắc chắn sẽ thích thú và hào hứng đến trường khi lớp học tinh tươm, sạch đẹp hơn.

Một lý do nữa là gia đình học sinh hầu hết khó khăn. Nếu đi thuê người sơn cả cửa và tường, sẽ mất tầm 3 – 4 triệu; nhưng nếu tự làm, bỏ ra khoảng một tuần ngày công, chi phí chưa đến 1 triệu đồng. May là nhà cũng vừa xây, trong thời gian đó, cô Dung đã kịp quan sát thợ và bắt chước làm cho lớp.

Gặp cô giáo trẻ trong ngày đầu tiên nhận lớp vào cuối tháng 8, cô trò ríu rít với sách vở mới trong lớp học còn gọn gàng, ngăn nắp. Việc dọn lớp cũng tự tay cô làm. Cô thậm chí còn cẩn thận kiểm tra từng ốc vít bàn ghế, cái nào lỏng thì vặn lại cho chặt.

Học trò của cô Dung đáng yêu & dễ thương
 Học trò của cô Dung đáng yêu & dễ thương

Trìu mến nói về học trò mới, cô Dung giới thiệu tên 20 thành viên trong lớp, trong đó có 3 bạn khiếm thính, 4 học sinh chậm phát triển và 6 em tự kỷ. Học sinh lớp 3, nhưng độ tuổi các em từ 9 đến 14 tuổi. Một số bạn ở với ông bà đã già yếu vì bố mẹ li hôn. Những em còn lại, gia đình khó khăn vì việc chữa bệnh, chăm sóc cho các em vô cùng tốn kém.

Vừa nói chuyện, cô Dung vừa hướng dẫn học sinh ghi nhãn vở. Đó là những bộ sách giáo khoa cô tự mua. Cô cũng bỏ tiền mua bìa kê tay tặng học sinh để có những cuốn vở đẹp mắt và bền hơn.

“Nhiều em khó khăn lắm, còn không có tiền để mua sách vở, đồ dùng học tập cho con chị à. Có học sinh thì ở với ông bà nên không biết cháu cần mua gì. Tôi đã hỏi từng học sinh xem các em đã đủ sách vở chưa, còn thiếu những gì, em nào chưa có thì em tạm mua. Nếu gia đình có tiền thì gửi, nếu không cô tặng. Nhiều năm nay đều vậy. Chỉ cần các con đi học đã là quý lắm!” – cô Dung tâm sự.

Còn với cô Dung, nhiều năm dạy hòa nhập, mỗi học sinh đều mang đến cho cô rất nhiều cảm xúc. Cô kể nghẹn ngào về một học sinh của mình cách đây khoảng chục năm. Đó là một học sinh nữ học khá giỏi nhưng nhà lại rất nghèo, ở với mẹ nhưng không được quan tâm. Cả năm em không có nổi bộ quần áo mới, sáng đến trường thường xuyên nhịn nên có hôm bị xỉu vì đói quá. Giáo viên trong trường thường tặng em quần áo, mua cho con đồ ăn sáng.

“Năm ngoái khai giảng, dù đang học THPT ở trường khác, học sinh này vẫn tranh thủ đến trường chỉ để “xin cô cho con ôm một chút”. Gia đình muốn tôi chuyển trường để về gần nhà đã lâu nhưng chính tình cảm của các em đã níu tôi lại. Tôi biết, ngôi trường mới đó chắc chắn không cần tôi như học sinh ở đây cần tôi. Bởi vậy, tôi vững tâm ở lại” – cô Dung tâm tình.

 Năm trước, một em là học sinh cũ của trường, vì chữa bỏng thực quản nên gián đoạn việc học, nay xin vào học lại. Mới về tiếp nhận công tác quản lý, chưa biết đây là học sinh cũ, thầy Hiệu trưởng Phạm Hoan cân nhắc vì đây không phải học sinh khiếm thính. “Lúc đó, cô Dung đến gặp tôi, nước mắt rơm rớm xin được nhận học sinh đó. Với bệnh của em, ăn uống rất khó và phải ăn nhiều bữa, thường xuyên nôn trớ, giáo viên chăm sóc em sẽ vất vả vô cùng, nhưng cô Dung vẫn không ngại. Tấm lòng ấy khiến tôi lay động tận tâm can” – thầy Phạm Văn Hoan xúc động kể lại.

->Kỳ 4: Vì trò, cô có thể làm tất cả!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thông báo tuyển dụng

Thông báo tuyển dụng

GD&TĐ - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo tuyển dụng viên chức (diện xét tuyển viên chức) năm 2024 như sau: