Kỳ II: “Căng thẳng” lo cho trò trước năm học mới

GD&TĐ - Tháng 8, việc được cô Lê Thị Thúy Nga - giáo viên dạy hòa nhập của Trường tiểu học Bình Minh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) – dành nhiều thời gian và tâm huyết là tìm hiểu về gia đình, nắm hoàn cảnh, điều tra mức độ kiến thức, kĩ năng từng học sinh trong lớp để cân nhắc học sinh nào có thể tiếp tục học hòa nhập, học sinh nào phải chuyển sang khối chuyên biệt.

Cô Lê Thị Thúy Nga cùng các học sinh trong một hoạt động trải nghiệm
Cô Lê Thị Thúy Nga cùng các học sinh trong một hoạt động trải nghiệm

Năm nay, số học sinh hòa nhập trong lớp nhiều hơn, đồng nghĩa với sự vất vả và khó khăn của cô Nga khi dạy học tăng lên; công việc phải làm trong hè cũng vì thế mà nhiều thêm.

Không giống các giáo viên dạy chuyên biệt, khó khăn của người dạy lớp hòa nhập như cô Nga nằm nhiều ở mối quan hệ giữa học sinh khuyết tật với các bạn bè và cả gia đình những học sinh bình thường trong lớp. Đó luôn là điều “cân não” mà giáo viên chỉ có thể giải quyết được bằng rất nhiều thời gian và sự kiên trì, nhẫn nại, bền bỉ.

Cô Thúy Nga kể: đầu năm học với các bạn học hòa nhập luôn có nước mắt, nhiều bố mẹ chia sẻ, trình bày hoàn cảnh khó khăn, vì kinh tế hay cuộc sống gia đình không hạnh phúc; có cháu chỉ ở với bố hoặc mẹ, cháu thì ở với ông bà…

Phụ huynh thì ai cũng muốn cho con được học lớp hòa nhập, được học cùng các bạn “lành”. Do đó, nếu con không đạt yêu cầu ở lại lớp hòa nhập, cô giáo sẽ gặp vô vàn khó khăn để thuyết phục phụ huynh.

“Có phụ huynh dùng sức ép từ cấp trên; có người tha thiết nói chỉ cần con được ở lớp hòa nhập, kể cả con không học được gì cũng chấp nhận, về nhà gia đình sẽ thuê gia sư kèm thêm cho con.

Tuy nhiên, bản thân tôi nghĩ rằng, giáo viên không thể buông xuôi theo nguyện vọng của gia đình mà phải vì đứa trẻ, làm sao để trẻ có môi trường phù hợp nhất. Nhưng để làm được như vậy, chúng tôi cần phải có những thông tin theo dõi học sinh chi tiết để phụ huynh bị thuyết phục. Công tác vận động cũng phải mưa dầm thấm lâu, không thể mong chỉ trong ngày một ngày hai” – cô Nga chia sẻ.

Không chỉ vậy, giáo viên còn gặp khó khăn từ phía phụ huynh của những trẻ bình thường trong lớp vì có người đồng cảm, sẻ chia, nhưng cũng không ít lo lắng, không muốn con học cùng các bạn học sinh có khác biệt:

“Dạy trẻ nhỏ tuổi đã khó, dạy lớp có trẻ khuyết tật còn khó hơn nhiều lần; nhưng đó chưa phải là tất cả thách thức. Điều mà tôi và đồng nghiệp đau đáu, trăn trở và cũng mất rất nhiều tâm sức, đó chính là giúp trẻ khuyết tật có môi trường hòa nhập thực sự, được đồng cảm, yêu thương”.

Những học trò đáng yêu của cô Lê Thị Thúy Nga
 Những học trò đáng yêu của cô Lê Thị Thúy Nga

Theo lời kể của cô giáo 21 năm gắn bó với công tác dạy hòa nhập, đầu năm học nào cô cũng phải đối mặt với những tình huống như phụ huynh yêu cầu cô cho con ngồi xa bạn học sinh khuyết tật với lý do con còn nhỏ, dễ bị ảnh hưởng bởi hành vi của bạn; có người sau khi cho con vào thời gian thì chuyển trường; thậm chí có người dặn con không được chơi cùng và tránh xa bạn…

Việc vận động phụ huynh chia sẻ, hợp tác và thấu hiểu không hề dễ, và đây cũng là thách thức với bất kỳ giáo viên hòa nhập nào trong năm học mới. Một “chiêu” của cô Nga là dùng chính học sinh, tình cảm chân thành, trong sáng của các em với bạn để “cảm hóa” bố mẹ.

“Năm học trước, lớp tôi có 1 học sinh chậm phát triển trí tuệ dạng tự kỷ, 1 em chậm ngôn ngữ, không biết cách thể hiện mong muốn của mình bằng lời nói.

Tôi nói với các học sinh trong lớp: Sinh ra các bạn đã không may mắn và thuốc bác sĩ chỉ là hỗ trợ; các bạn sẽ dần khỏi bệnh bằng chính tình cảm yêu thương của các con.

Thật hạnh phúc, năm đó chúng tôi đã thực sự có được một tập thể biết chia sẻ và tình cảm các con dành cho nhau thật tuyệt vời. Ví dụ, không cần cô nhắc, thậm chí không có mặt cô, các bạn cũng chủ động giúp 2 học sinh đặt biệt của lớp sắp xếp đồ dùng, sách vở, mũ… cho bạn về; hỗ trợ bạn khi gặp khó khăn trong học tập; dắt bạn, che chắn cho bạn khi lên xuống cầu thang…

Khi bố mẹ đưa đón, chứng kiến tình cảm đặc biệt đó nên cũng bị tác động. Điều đó giúp tôi thêm động lực và niềm tin cho lớp học năm nay, dù số học sinh hòa nhập tăng lên, đồng nghĩa khó khăn hơn’ ” – cô Lê Thị Thúy Nga chia sẻ.

“Nhiều người thắc mắc vì sao tôi lại chọn nghề này. Tôi thì thấy rằng công việc đến như mối duyên. Trong năm học, nhiều khi áp lực nhiều quá muốn được nghỉ ngơi, nhưng mỗi dịp hè đến lại thấy chống chếnh, nhớ trường, nhớ lớp, nhớ học trò. Dẫu biết vất vả, nhưng chắc chắn tôi sẽ gắn bó mãi với nghề này” – cô Lê Thị Thúy Nga.

->Kỳ 3: Các con đi học  là quý lắm rồi!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ