Tấm lòng những cô giáo dạy trẻ khuyết tật

GD&TĐ - Năm học mới sắp bắt đầu, nhưng rất nhiều thầy cô ở các trường chuyên biệt đã bận bịu từ trong hè. Có cô giáo mua sơn rồi cặm cụi lên lớp tự sơn tường, cửa sổ mong lớp học khang trang hơn sẽ đem lại niềm vui cho HS trong năm học mới; người cẩn thận tự mua đồ dùng học tập, tự làm vở viết để phù hợp với mỗi học sinh đặc biệt của mình… Không ai bắt các thầy cô làm việc đó mà chỉ là thôi thúc từ tình yêu thương! 

Mỗi ngày đến trường là một ngày vui
Mỗi ngày đến trường là một ngày vui

Kỳ 1: Gia tài của cô giáo dạy trẻ khuyết tật

Tôi biết ở nhà bố mẹ em khó khăn, nên nếu không đi học ở trường, em sẽ không có cơ hội được đi đâu cả.
Cô Nguyễn Thanh Thủy

Năm học này, cô Nguyễn Thanh Thủy (giáo viên dạy lớp chuyên biệt, Trường tiểu học Bình Minh, Hoàn Kiếm, Hà Nội) tiếp nhận 22 học sinh khuyết tật. Thời gian nghỉ hè cũng là lúc cô Thủy cặm cụi bổ sung thêm đồ dùng học tập, mua cho học sinh từng cuốn vở, bút chì, cục tẩy... Không ai bắt buộc, nhưng đó là việc năm nào cô cũng làm, vì chính những học sinh đặc biệt của mình.

Giới thiệu về "gia tài" trên lớp học chuẩn bị cho năm học mới, cô Thủy say mê giở từng trang tài liệu đặc biệt tự làm. Rất nhiều cuốn vở với hàng trăm con chữ, số, hình ảnh được chọn, cắt, ép plastic vô cùng công phu, không thể tìm được trong các gian hàng sách và đồ dùng học tập, cũng không thể làm được chỉ trong một hai năm.

“Các con thiệt thòi nhiều, nhận thức không được như các bạn. Có thể làm được gì giúp các con học tốt hơn, hứng thú học hơn, tôi sẽ làm. Những việc này làm quanh năm, cứ khi có ý tưởng là làm, không phải chỉ tranh thủ lúc nghỉ hè. Có những lúc phải mang việc về nhà làm đến khuya” – cô Thủy tâm sự.

Nói về học trò của mình, cô giáo đã gắn bó với hàng trăm học sinh thiệt thòi rớm nước mắt. 22 học sinh do cô phụ trách năm nay hoặc tự kỷ, hoặc down, chậm phát triển trí tuệ. Có cháu yếu phải dắt đi, cháu thì không tự chủ được vệ sinh cá nhân... Đáng thương hơn, những học sinh này phần nhiều gia đình khó khăn hoặc hoàn cảnh éo le.

“Có phụ huynh nói với tôi, tôi nuôi cháu cao bằng từng này thì đồng tiền mệnh giá 50 nghìn chồng lên cũng phải cao bằng bạn ấy” – cô Thủy xót xa kể.

Học sinh đặc biệt như vậy nên chuẩn bị sách vở đầu năm học mới cũng không đơn giản như chúng bạn. Lo cha mẹ không chọn đúng sách vở, cô Thủy cẩn thận mua cho các học sinh từng cuốn sách, quyển vở, bút viết… Mỗi học sinh một kiểu, nên từ cái bút chì cô cũng phải lựa chọn vô cùng cẩn thận, tỉ mỉ, chi li để phù hợp với học trò của mình.

“Học sinh nào tay yếu, tô không được đậm nét, tôi sẽ mua bút chì nét đậm; bạn nào viết hay ấn lại phải dùng bút chì nét nhạt. Đồ gì cũng phải chuẩn bị nhiều hơn bình thường vì có em vừa dùng vừa bẻ, cắn nên nhanh hỏng” – cô Thủy kể.

Nhưng vất vả nhất là chuẩn bị vở viết, vở tập tô. Cái này cô giáo phải tự làm chứ không thể mua sẵn; bởi mỗi học sinh một đặc điểm, nhận thức cũng không giống nhau. Với một giáo viên dày dặn kinh nghiệm như cô Thủy, để chuẩn bị xong những cuốn vở này cho học sinh cũng phải làm trong cả tháng 8.

Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy chuẩn bị đồ dùng trên lớp học trước năm học mới.
 Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy chuẩn bị đồ dùng trên lớp học trước năm học mới.

“Nếu học sinh tiểu học bình thường học một bài một ngày thì các cháu ở đây kéo dài đến cả tuần, thậm chí có cháu cả tháng cũng không xong. Với bộ sách lớp 1, chúng tôi chia 3 – 5 năm mới xong nên giáo viên phải tự làm để phù hợp với học sinh của mình. Bởi vậy không chỉ tôi mà sự chuẩn bị của các giáo viên trường chuyên biệt là vô cùng vất vả”- cô Thủy chia sẻ.

Ở một môi trường đặc biệt, những nỗi vất vả, gian khó không thể nói hết bằng lời thì các thầy cô giáo gắn bó với nơi đây cũng cần cái tâm và tình yêu trẻ đặc biệt. Thế nên, việc các cô giáo dùng đồng lương ít ỏi của mình giúp đỡ học sinh không là chuyện lạ.

Những lứa học sinh trước của cô Thủy có trường hợp hoàn cảnh khó khăn nên thường xuyên đóng tiền ăn muộn; có em dồn 2, 3 tháng mới đóng được 1 lần. Khi học sinh muộn nộp tiền, giáo viên ứng trước để đóng giúp, thậm chí giúp đỡ luôn, không lấy lại.

Cô Thủy kể trường hợp một học sinh tên Minh Quân. Khi nhà trường tổ chức cho học sinh đi thăm quan, nhà Quân khó khăn nên không đăng ký. Cô giáo động viên, nói sẽ hỗ trợ em kinh phí, dù rất thích nhưng Quân ngại nên từ chối. Cô phải nghĩ ra một cách là báo tháng này Quân nghỉ vài ngày nên tiền ăn thừa đủ nộp đi thăm quan, khi đó em mới đồng ý đi. Tuy nhiên, trên thực tế, kinh phí thăm quan vẫn do cô hỗ trợ.

“Tôi biết ở nhà bố mẹ em khó khăn, nên nếu không đi cùng trường, em sẽ không có cơ hội được đi đâu cả” – cô Thủy ngậm ngùi.

24 năm ở Bình Mình, cô Thủy cho biết cũng có lúc mệt mỏi. Nhưng tâm sự của một phụ huynh khiến chị quyết tâm gắn bó cả đời với ngôi trường này.

“Đó là chị trưởng ban phụ huynh. Khi có trường hợp giáo viên xin ra khỏi trường, chị ấy rơm rớm nước mắt, nói mừng cho cô giáo đó. Tôi cảm thấy mình thực sự có lỗi khi để cho những người như chị phải khóc một lần nữa” – cô Thủy chia sẻ.

Cô Thủy dỗ dành trò khuyết tật trong giờ ăn trưa
 Cô Thủy dỗ dành trò khuyết tật trong giờ ăn trưa
“Giữa tháng 8 các học sinh mới đến trường và chúng tôi chỉ tập trung rèn nền nếp, vệ sinh cá nhân. Trước lễ khai giảng, cô dạy các con cách xếp hàng ngay trong lớp; cách đứng lên, ngồi xuống, vỗ tay… Chỉ những việc đơn giản như vậy nhưng cũng phải làm rất thường xuyên vì nếu không các con sẽ quên ngay. Việc rèn nền nếp ngày khai giảng cũng là cách giúp các em học thêm về kỹ năng” – cô Nguyễn Thanh Thủy.

->Kỳ 2: "Căng thẳng" lo cho trò trước năm học mới

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ