Giáo dục Việt Nam - Nắng soi qua nóc (3)

GD&TĐ - Muốn giáo dục phát triển, cần tập trung chỉ đạo về một đầu mối, đó là trở lại mô hình Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý cả bốn cấp học quy định trong Luật Giáo dục 2019.

Đào tạo nghề. Ảnh minh họa: TTXVN
Đào tạo nghề. Ảnh minh họa: TTXVN

Xem kỳ 1 tại đây

Xem kỳ 2 tại đây

Thứ hai, có hay không cuộc chiến quyền lực trong quản lý giáo dục?

Ngoài chuyện giáo dục nghề nghiệp nêu trên thì chuyện không ít bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội khư khư giữ quyền “chủ quản” các cơ sở giáo dục đại học không chỉ là do “lịch sử” để lại mà còn vì lợi ích của chính các “chủ quản” đó.

Với quyền “chủ quản”, gần đây, một Hiệu trưởng trường đại học được Thủ tướng cho phép “tự chủ” bị cách chức đã cho thấy quyền lực điều hành giáo dục ở Việt Nam không chỉ do những cơ quan quản lý nhà nước theo luật định (Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) mà còn có thể do bất kỳ cơ quan, tổ chức nào, miễn là có quyền “chủ quản” và tìm được cách “lách luật”.

Ngày 05/01/2021, Tạp chí Quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu và ngôn luận của Học viện Hành chính Quốc gia đăng bài viết về giáo dục nghề nghiệp với tiêu đề “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập”. 

Mặc dù bài viết đăng vào đầu năm 2021 nhưng không hiểu vì sao phần tài liệu tham khảo được liệt kê cuối bài, tác giả lại trích dẫn Luật Giáo dục 2005 trong khi Luật Giáo dục 2005 đã bị thay thế bởi Luật Giáo dục 2019.

Ba đạo luật chi phối hoạt động giáo dục Việt Nam là Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp, trong đó Luật Giáo dục (2019) là luật chính, hai luật còn lại là luật chuyên ngành.

Với cách hiểu như vậy, các điều khoản của luật ngành không được phép phủ nhận điều khoản của luật chính.

Điều 35, Luật Giáo dục 2019 về “Các trình độ đào tạo giáo dục nghề nghiệp” quy định:

“Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người học, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ”.

Với quy định này, giáo dục nghề nghiệp không bao gồm “giáo dục phổ thông”.

Khoản 1, điều 5 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 ghi:

1. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm:

a) Trung tâm giáo dục nghề nghiệp;

b) Trường trung cấp;

c) Trường cao đẳng.

Với quy định này, các đại học không thuộc về “cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.

Luật Giáo dục 2019 đã quy định, rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước” hai mảng “giáo dục phổ thông” và “giáo dục đại học” còn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ việc quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Vậy thì vì sao lại có những tiếng nói đòi xem lại “thẩm quyền” cấp phép (của Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về việc giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông?

Kiến nghị nêu trên động chạm đến hai vấn đề:

Thứ nhất, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được phép dạy chương trình trung học phổ thông và

Thứ hai, phải quy định lại “thẩm quyền cấp phép” cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông. 

Nói cách khác đang có đòi hỏi phải xem lại quy định việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý chuyện “cấp phép” dạy chương trình trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. 

Nếu đòi hỏi trái luật này được chấp nhận thì cơ quan nào sẽ đủ tư cách tiếp nhận chuyện “cấp phép” này ngoài Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội?

Hệ thống pháp luật Việt Nam không cho phép các tổ chức xã hội nghề nghiệp thực hiện chức năng quản lý nhà nước, do đó nếu Thủ tướng chấp nhận những kiến nghị nêu trên của hai Hiệp hội thì “thẩm quyền cấp phép” cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được dạy chương trình trung học phổ thông sẽ chuyền về các cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.

Nói cách khác, lợi ích không trực tiếp chuyển về Hiệp hội mà về các hội viên, các thành viên trong nhóm có cùng quyền lợi mang tên Hiệp hội. 

Chắc chắn những kiến nghị (trái luật) được gửi tới Thủ tướng Chính phủ không phải chỉ là kiến nghị cho vui, cho mọi người thấy họ đang bảo vệ quyền lợi của các thành viên Hiệp hội mà hàm chứa mong muốn sửa đổi Luật Giáo dục, nếu Chính phủ (hoặc Thủ tướng Chính phủ) không thể ban hành một văn bản dưới luật chuyển quyền “cấp phép” khỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo thì ít nhất – theo mong muốn trong kiến nghị - cũng bắt Bộ Giáo dục và Đào tạo chuyển một phần quyền này sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thứ ba, các lát cắt giáo dục hay vai trò “chủ quản” và quản lý nhà nước

Tạm hình dung giáo dục công lập như chiếc bánh, chỉ với hai lát cắt dọc, chiếc bánh giáo dục công lập đã bị chia thành bốn góc, góc thứ nhất do chính quyền địa phương quản lý, góc thứ hai do các bộ, ngành quản lý, góc thứ ba do các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội quản lý và góc cuối cùng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.

Giáo dục không chỉ bị cắt theo chiều dọc mà còn bị cắt theo chiều ngang.

Với hai lát cắt theo chiều ngang, chiếc bánh giáo dục tiếp tục bị chia thành ba tầng mà tầng giữa do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.

Theo Luật Giáo dục 2019, giáo dục Việt Nam có 04 bậc học gồm: giáo dục Mầm non, giáo dục Phổ thông, giáo dục Nghề nghiệp và giáo dục Đại học.

Bậc mầm non có 02 cấp là Mẫu giáo và Nhà trẻ, bậc phổ thông có 03 cấp là Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, bậc giáo dục nghề nghiệp có ba cấp là Sơ cấp, Trung cấp và Cao đẳng, bậc đại học gồm ba trình độ là Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ.

Trong các bậc thang trình độ giáo dục, khúc giữa “sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề” được chia cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, sinh viên tốt nghiệp trường cao đẳng được cấp bằng “Cử nhân thực hành” hoặc “Kỹ sư thực hành” trong khi những người tốt nghiệp cao đẳng sư phạm (do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý) thì không được gọi là “cử nhân cao đẳng” nữa bởi danh xưng “cử nhân” là dành cho người tốt nghiệp đại học.

Bằng cách ban hành Luật Giáo dục nghề nghiệp, vai trò của giáo dục chuyên nghiệp trình độ cao đẳng đã hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng.

Nói cách khác, bằng cách chuyển “giáo dục nghề nghiệp” về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam đã chính thức xóa bỏ đào tạo trình độ cao đẳng chuyên nghiệp khỏi hệ thống giáo dục quốc dân. 

Đây chính là hệ lụy làm sinh ra chuyện “liên thông” kỳ lạ giữa học nghề và đại học.

Các nghiên cứu quốc tế chỉ ra rằng “Giáo dục cao đẳng, bậc cao đẳng, hệ cao đẳng, hay cao đẳng là một hệ đào tạo trong giáo dục đại học của nhiều nước trên thế giới; phân biệt với "bậc đại học" và "bậc sau đại học" vốn cũng thuộc giáo dục đại học. 

Giáo dục cao đẳng thường diễn ra trong các trường cao đẳng, tuy vậy, các đại học và trường đại học cũng thường có cả hệ cao đẳng”.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc - Unesco đã công bố  “Tiêu chuẩn quốc tế về phân loại giáo dục - International Standard Classification of Education” viết tắt là ISCED. 

Phiên bản mới nhất có hiệu lực từ năm 2014 là ISCED-2011.

Theo tiêu chuẩn này, giáo dục được chia thành 09 cấp độ, từ cấp 0 đến cấp 3 dành cho giáo dục mầm non và phổ thông, cấp 4 là giáo dục sau trung học nhưng chưa phải đại học, cấp 5 là giáo dục cao đẳng, cấp 7-9 dành cho đào tạo trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ.

Giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam không nằm trong bảng phân loại của Unesco, nếu cần phải so sánh thì cấp đào tạo này nằm đâu đó giữa cấp độ 3 và 5 theo ISCED-2011.

Có thể thấy nét đặc sắc không giống với hầu hết các nước trên thế giới là giáo dục đại học của Việt Nam không bao gồm trình cao đẳng (kể cả cao đẳng sư phạm).

Tại Mỹ, Canada và một số nước khác, các trường cao đẳng cộng đồng (Community College) chỉ tiếp nhận học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông – hệ 12 năm (trừ tiểu bang Washington – Hoa Kỳ tiếp nhận học sinh lớp 11). 

Sinh viên cao đẳng học trong hai năm để nhận bằng Associate’s Degree (Tạm dịch là “Bằng liên thông” hoặc “Bằng liên kết”). Sau đó họ có thể học tiếp 02 năm tại các trường đại học để nhận bằng cử nhân (Bachelor Degree).

Bằng cách bố trí chương trình hai năm cao đẳng tương đương với hai năm đầu của chương trình đại học, với số tín chỉ đã tích lũy được, sinh viên có thể đi làm hoặc bảo lưu để theo học tại các đại học đa ngành sau này.

Tại Việt Nam, phải chăng để bù đắp các khiếm khuyết, những người làm luật đã sáng tạo ra “quyền” được học liên thông lên đại học với học sinh học hết lớp 9 khi có bằng trung cấp nghề và giấy chứng nhận của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về việc học viên đã học đủ một số môn văn hóa theo chương trình trung học phổ thông?

Cụ thể thì các khiếm khuyết được bù đắp như thế nào?

Khoản 3, điều 9, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định:

“Liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo quy định của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương; liên thông giữa các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp với các trình độ đào tạo của giáo dục đại học được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ”.

Như vậy, theo quy định trong luật, Thủ tướng Chính phủ được quyền ban hành một văn bản dưới luật tạo điều kiện để người học nghề được “liên thông giữa các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp với các trình độ đào tạo của giáo dục đại học”.

Việc xuất hiện thêm một văn bản quy phạm pháp luật là khoa học hơn, thuận lợi hơn hay rối rắm, thêm việc, gây khó khăn không chỉ cho người học mà cả cơ quan quản lý giáo dục?

Vậy giáo dục Việt Nam cần phát triển theo hướng nào?

Muốn giáo dục phát triển, cần tập trung chỉ đạo về một đầu mối, đó là trở lại mô hình Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý cả bốn cấp học (mầm non, phổ thông, nghề nghiệp, đại học) quy định trong Luật Giáo dục 2019.

Muốn thống nhất chỉ đạo, cần biên soạn lại một bộ luật duy nhất dành cho giáo dục thay vì ba bộ luật như hiện tại. 

Muốn giáo dục đúng là quốc sách hàng đầu, cần công khai, minh bạch chuyện phân bổ ngân sách cho giáo dục và quyền của các cơ quan quản lý giáo dục với nguồn ngân sách đó.

Muốn nâng cao chất lượng giảng dạy trong trường học, hãy đặt nhà giáo vào vị trí xứng đáng và ban hành chính sách sao cho nhà giáo sống được bằng lương. 

Ngành Giáo dục phải được trao quyền quyết định trong việc tuyển dụng, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật, nâng bậc lương nhà giáo tất cả các cấp học chứ không phải chuyện riêng của ngành Nội vụ.

Muốn giáo dục đại học Việt Nam tương đương trình độ quốc tế, cần thay đổi cơ chế “chủ quản” của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể đối với các cơ sở giáo dục đại học. 

Ở những nhà trường đại học đã tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên, cơ quan quản lý trực tiếp không can thiệp vào tổ chức và chuyên môn của nhà trường. 

Những khiếm khuyết trong Giáo dục và Đào tạo Việt Nam không ít trường hợp bắt nguồn từ đội ngũ những người hoạch định chủ trương, chính sách.

 Điểm yếu lớn nhất nằm ở chỗ nói rất hay nhưng làm chưa tương xứng.

Có một thực tại không phải ai cũng dũng cảm thừa nhận là không ít thành viên đội ngũ được cho là tinh hoa, là nguyên khí quốc gia đang giữ nhiệm vụ hoạch định chính sách thực ra chưa hẳn đã là người tài. 

Bằng chứng mà truyền thông đề cập là trình độ thực sự của cả đội ngũ biên soạn sách giáo khoa và thành viên Hội đồng thẩm định sách.

Vấn đề là giáo dục phổ thông chủ yếu có nhiệm vụ xóa nạn mù chữ và chúng ta đã làm rất tốt, giáo dục đại học là để mở mang dân trí vì sao chất lượng lại bị thế giới đánh giá thấp?

Vấn đề là có cần giũ bỏ tư duy xem giáo dục chỉ như mảnh ruộng phần trăm chống đói chứ không phải động lực phát triển?

Vấn đề là nên để giáo dục như đoàn tàu chạy trên đường ray hay biến nó thành thiết bị bay được vận hành bởi trí tuệ nhân tạo? 

Vấn đề cuối cùng là có người đủ tâm và tầm xem sự thay đổi tư duy giáo dục ở thượng tầng giữ vai trò quyết định, cùng với đó là việc bắt buộc phải xây dựng đội ngũ cán bộ chỉ đạo, điều hành đủ năng lực và dám làm và dám chịu trách nhiệm. 

Không thực hiện được những “vấn đề” nêu trên, khó có thể đưa giáo dục Việt Nam ngang bằng với thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ