Giáo dục Việt Nam - Nắng soi qua nóc (2)

GD&TĐ - Ngành giáo dục đang nỗ lực định hướng nghề nghiệp và phân luồng cho học sinh, các bậc phụ huynh không nên vẽ bức tranh rực rỡ sắc màu về con đường duy nhất vào đại học.

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN

Xem kỳ 1 tại đây

Tính hợp pháp của các kiến nghị

Vì các cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý nên việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được “tham gia giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông và chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông” sẽ đưa đến hệ quả là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được quyền tham gia quản lý về mặt nhà nước giáo dục phổ thông cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cần lưu ý là khoản 2, 3 điều 105, Luật Giáo dục 2019 quy định:

“2. Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục thường xuyên.

3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, trừ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm”.

Không có bất kỳ từ ngữ nào trong luật cho phép Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham gia quản lý nhà nước khối giáo dục phổ thông.

Một văn bản dưới luật do Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ ban hành có thể bổ sung, giải thích luật nhưng không thể phủ định các điều luật.

Nói cách khác, không một văn bản dưới luật nào có thể quy định lại, rằng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội “Chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông”.

Cũng không văn bản dưới luật nào có thể quy định lại, rằng không có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn có thể theo học đại học.

Về chất lượng đào tạo nghề và văn hóa trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Khoản 2, điều 33, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định:

“Thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên là từ 01 đến 02 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo,… Người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở (sau khi có bằng trung cấp – NV), nếu có nguyện vọng tiếp tục học lên trình độ cao đẳng thì phải học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng văn hóa trung học phổ thông”.

Mặc dù Luật Giáo dục nghề nghiệp không đề cập đến chuyện người tốt nghiệp trung cấp được phép “liên thông lên đại học” nhưng một văn bản dưới luật đã sửa chữa “thiếu sót” này.

Mục a, khoản 2, điều 4, Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện liên thông từ trung cấp lên đại học như sau:

“Người có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp phải bảo đảm đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Ngôn từ không rõ ràng của điều khoản này “thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông” đã trở thành chiếc phao cứu sinh để người ta vận dụng, rằng cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức cho học viên thi kiến thức văn hóa trung học phổ thông và cấp giấy chứng nhận là đủ điều kiện theo học đại học.

Hiểu đúng thì từ “thi” trong quyết định 18/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phải là “thi” trong kỳ thi quốc gia tốt nghiệp trung học phổ thông.

Các kỳ thi biến tướng và “Giấy chứng nhận” do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp không thể thay thế “Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông” do ngành Giáo dục cấp.

Mặt khác, cả Luật Giáo dục nghề nghiệp và Quyết định của Thủ tướng đều không quy định trong thời gian 02 năm học nghề (trình độ trung cấp) tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, người học phải “đạt yêu cầu đủ khối lượng văn hóa trung học phổ thông” để sau đó liên thông lên đại học. 

Nói cách khác, luật không hề quy định việc “học đủ khối lượng văn hóa trung học phổ thông” phải được thực hiện tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, học viên có thể hoàn thành chương trình tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên sau khi đã nhận bằng trung cấp.

Việc cố lèo lái đưa chương trình trung học phổ thông vào cùng với học nghề tuy đáp ứng tiêu chí “phân luồng” sau trung học cơ sở nhưng không thể làm tăng chất lượng đào tạo nghề mà chỉ vẽ lên một viễn cảnh đầy màu sắc nhằm thu hút người tốt nghiệp trung học cơ sở vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Vậy nếu quy định “học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng văn hóa trung học phổ thông” được Thủ tướng chỉ thị Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì điều gì sẽ xảy ra?

Một là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ thêm vai trò như trung tâm giáo dục thường xuyên, nghĩa là phải được bổ sung thêm giáo viên dạy văn hóa và cơ sở vật chất tương đương một trường trung học phổ thông;

Hai là được quyền dạy chương trình trung học phổ thông, được quyền tổ chức thi đánh giá và cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình (số môn học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo). 

Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định thời gian học trung cấp tối đa là 02 năm, trong thời gian hai năm đó, học viên vừa học nghề, vừa học văn hóa (kiến thức ba năm trung học phổ thông), không cần thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng vẫn đủ năng lực học liên thông lên đại học.

Báo Nhandan.com.vn trích ý kiến một học sinh “hệ 9+” về học văn hóa trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp như sau:

“Qua thời gian học tập, em nhận thấy chương trình học văn hóa không khác chương trình học phổ thông, thậm chí còn thấy thoải mái hơn rất nhiều, vì không bị áp lực nhiều bài vở như các bạn cùng trang lứa theo học trung học phổ thông”. [5]

Học nghề là để ra trường kiếm sống nên chắc phải đầu tư nhiều sức lực, trí tuệ, học thêm văn hóa (ba năm trung học phổ thông) trong trạng thái “thấy thoải mái hơn rất nhiều, vì không bị áp lực nhiều bài vở” nhưng vẫn bảo đảm chất lượng để có thể học tiếp đại học.

Khi đó Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nên quản lý chương trình đào tạo cử nhân (kỹ sư) thạc sĩ, tiến sĩ, cả nước cứ lấy hình mẫu đào tạo 9+ của giáo dục nghề nghiệp làm mô hình chính. 

Chính sách giáo dục, đào tạo kiểu này nếu được thực thi có phải là vì tương lai đất nước?

Dựa vào cơ sở khoa học nào hoặc dựa vào các kiểm định đã được công nhận nào những người soạn thảo văn bản dưới luật và những người nêu kiến nghị (thuộc các hiệp hội nêu trên) khẳng định một học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trong thời gian 02 năm học nghề có thể tiếp thụ tốt khối lượng kiến thức văn hóa của cả ba năm trung học phổ thông và kiến thức nghề?

Năm 2020 đã từng xuất hiện bài báo với tiêu đề “Không được tuyển người chưa tốt nghiệp trung học phổ thông vào đại học” [3], ngày nay có phải có ai đó đang “cố đấm” để hy vọng được “ăn xôi”?   

Bằng cách kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nói rõ hơn là kiến nghị Thủ tướng ban hành các văn bản dưới luật mà Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt buộc phải thực hiện, thực chất đây là cách luật hóa lợi ích của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm thu hút học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học các trường nghề chứ không đơn giản nhằm “phân luồng” sau trung học cơ sở.

Thiết nghĩ nền giáo dục Việt Nam ngày nay hãy phấn đấu làm sao để cho con em chúng ta sống với thực tại, rằng phải học lấy một nghề để nuôi sống bản thân và gia đình chứ đừng vội vẽ nên bức tranh rực rỡ sắc màu về con đường  duy nhất vào học đại học.

(còn nữa)

Tài liệu tham khảo:

[3] http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?ItemID=47293

[5] https://nhandan.com.vn/baothoinay-xahoi/huong-mo-cho-giao-duc-nghe-nghiep-627815/

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.