Nhưng khi tình yêu thương đó diễn ra thường xuyên, phổ biến thì việc tưởng như phi thường trở thành bình thường. Đó chính là nền giáo dục nhân văn trong một xã hội văn minh.
Ba năm chỉ chở một học sinh
Câu chuyện này bắt đầu từ fanpage của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV). Trang này đăng tin: Cách đây ba năm, số lượng hành khách đến nhà ga Kami-Shirataki (trên đảo Hokkaido, phía bắc lạnh giá nhất ở Nhật Bản) giảm đáng kể vì nơi này xa và có ít cư dân sinh sống, không thuận tiện cho việc đi lại. Cơ quan quản lý Đường sắt của Nhật (JR) đã quyết định đóng cửa nhà ga này. Nhưng rồi khi biết một nữ sinh thường xuyên có mặt tại nhà ga để đi học, họ đã thay đổi quyết định. JR tiếp tục duy trì hoạt động của nhà ga cho đến khi cô bé tốt nghiệp (vào ngày 26/3/2016).
Qua câu chuyện trên, chúng ta có lẽ đều rất ngạc nhiên và xúc động bởi cách hành xử nhân văn như thế ít xảy ra. Nhưng thực tế ở Nhật Bản, những việc làm như vậy lại rất bình thường. Một người lái tàu có thể bất chấp thiệt hại dừng cả đoàn tàu để nhặt khoai tây giúp người già. Hay một nhà ga cử nguyên một đoàn tàu chỉ để đến đón hai hành khách bị bỏ quên. Những câu chuyện ấy, chắc chắn sẽ đem đến cho mỗi chúng ta những suy ngẫm sâu sắc về sự đa chiều của giáo dục mang ý nghĩa nhân văn. Hóa ra, cốt lõi của giáo dục ở một con người chính là tình yêu thương chứ không phải ở những điều to tát khác.
Cách hành xử nhân văn trong đời sống xã hội ở Nhật Bản có lẽ cũng xuất phát từ việc người ta giáo dục trẻ từ khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Theo anh Nguyễn Quốc Vương (nghiên cứu sinh), những câu chuyện như trên nếu ở nước khác là phi thường thì ở Nhật Bản là bình thường vì giáo dục trong nhà trường luôn hướng trẻ đến trách nhiệm, bổn phận với cộng đồng.
Dư luận trong nước gần đây xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau về cách giáo dục trẻ em trong trường học bằng các hình phạt… bất bình thường. Trong giáo dục, hình phạt là cần thiết nhưng hình phạt như thế nào để HS nhận thấy cái sai để sửa, tiến bộ mới là quan trọng.
Xuất phát từ tình thương yêu học sinh
Trường nơi tôi dạy gần đây có một HS rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đó là em Nguyễn Văn Toản năm học trước (năm em đang học lớp 11) bị tai nạn giao thông. Em hôn mê bất tỉnh trong mấy tuần liền. Gia đình kinh tế vốn đã túng quẫn nay càng túng quẫn hơn. Tập thể hội đồng sư phạm nhà trường cùng với các bạn học trong trường đã phát động quyên góp ủng hộ gia đình em vượt qua hoàn cảnh khó khăn ấy. Sau một năm vật lộn với cái chết, nay sức khỏe em đang được phục hồi.
Tuy nhiên, di chứng của vụ tai nạn vẫn khiến em có lúc mất trí nhớ. Mẹ em tâm sự, ngày nào em cũng dậy từ 4 giờ sáng và khao khát được đến trường. Biết sức khỏe của con vẫn còn yếu, đặc biệt trí nhớ lúc nhớ lúc quên nên gia đình muốn giữ em ở nhà. Song vì thương con, ngày nào con cũng đòi được đi học nên gia đình đã đến gặp ban giám hiệu nhà trường để xin cho em được đến lớp. Thấu hiểu hoàn cảnh đó của gia đình, nhà trường đã đồng ý cho em đi học trở lại. Sau một thời gian ngắn, được sự quan tâm đặc biệt của cô giáo chủ nhiệm và các bạn học trong lớp, trí nhớ của em Toản đang dần được hồi phục. Tin rằng trong thời gian tới, trí nhớ của em sẽ còn được hồi phục tốt hơn nữa. Thiết nghĩ, việc làm ấy của tập thể nhà trường cũng xuất phát từ tình yêu thương học trò.
Một xã hội muốn phát triển văn minh, rõ ràng phụ thuộc rất lớn vào một nền giáo dục nhân văn, nhân bản. Để làm sao những đối xử tốt đẹp giữa con người với nhau, giữa các tổ chức đối với cá nhân, giữa cá nhân đối với tập thể trở thành việc làm bình thường trong xã hội rất cần sự quan tâm giáo dục từ gia đình, đặc biệt là hệ thống các cấp học. Và điều cốt lõi của giáo dục ở gia đình cũng như trường học phải xuất phát từ tình yêu thương. Có như vậy, tin rằng trong tương lai không xa, ở đất nước chúng ta những câu chuyện đẹp về lòng tốt của con người sẽ là điều rất đỗi bình thường trong cuộc sống.
Con cái, học trò vi phạm, mắc lỗi thì bố mẹ, thầy cô sẽ có hình thức phạt. Thế nhưng, mỗi bậc cha mẹ hay mỗi thầy cô giáo cần phải cân nhắc trước khi đưa ra “hình thức và mức án” đối với con cái cũng như với học trò. Muốn vậy, chúng ta cố gắng là người thầy, người bạn của con, trước khi là “chú cảnh sát” oai vệ hay một “vị quan toà” đạo mạo...