Giáo dục thường xuyên chuyển mình

GD&TĐ - Những năm gần đây, giáo dục thường xuyên ghi nhận sự chuyển mình khá rõ nét.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Với nhiều phụ huynh, trung tâm giáo dục thường xuyên được nhìn nhận giống như trường “chiếu dưới”, chỉ cho con vào học khi không thi đỗ trường công lập, không vào được trường tư hoặc không có điều kiện theo học khối trường này.

Tuy nhiên, những năm gần đây, giáo dục thường xuyên ghi nhận sự chuyển mình khá rõ nét. Nhận thức của người học về giáo dục thường xuyên dần thay đổi, thể hiện ở việc chủ động chọn ngay từ đầu, thậm chí có học sinh chuyển sang học trung tâm giáo dục thường xuyên từ trường THPT công lập.

Gia tăng người học là minh chứng sống động nhất cho sự cải thiện uy tín, thương hiệu của các trung tâm giáo dục thường xuyên. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT đến hết năm học 2022 - 2023, cả nước có 18.557 trung tâm giáo dục thường xuyên (tăng 1.036 so với năm học 2021 - 2022). Số người học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT là 383.147 học viên, tăng đến hơn 47.429 so với năm học 2021 - 2022.

Có nhiều lý do người học lựa chọn giáo dục thường xuyên. Trước hết là phương thức xét tuyển đầu vào, không phải trải qua kỳ thi vào lớp 10 đầy căng thẳng, áp lực. Như Hà Nội, giáo dục thường xuyên xét tuyển học sinh toàn thành phố, không phân biệt khu vực tuyển sinh, có hoặc không hộ khẩu thường trú tại Hà Nội đều có thể nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển. Học chương trình giáo dục thường xuyên cũng nhẹ nhàng hơn, số môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc ít hơn.

Thông tư số 12/2022/TT-BGDĐT ngày 26/7/2022 của Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT quy định 7 môn học; trong đó: Ngữ văn, Toán, Lịch sử là 3 môn học bắt buộc và 4 môn học lựa chọn trong số các môn: Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ.

Để xét tốt nghiệp THPT học viên giáo dục thường xuyên chỉ phải thi 3 bài (Toán, Ngữ văn, 1 bài tổ hợp), thay vì 4 bài (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, 1 bài tổ hợp) như thí sinh THPT. Bài tổ hợp Khoa học xã hội dành cho học viên giáo dục thường xuyên chỉ có 2 môn thành phần (Lịch sử, Địa lý) thay vì 3 môn thành phần (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) như thí sinh THPT.

Ngoài nguyên nhân khách quan như trên, yếu tố vô cùng quan trọng đến từ nỗ lực tự chuyển mình của trung tâm giáo dục thường xuyên với việc đầu tư nghiêm túc các giải pháp nâng cao chất lượng, đặc biệt cơ sở vật chất, đội ngũ, chương trình hoạt động rèn luyện kỹ năng…, từ đó thu hút người học.

Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng khách quan đánh giá, khoảng cách giữa các trường THPT công lập và trung tâm giáo dục thường xuyên còn khá xa. Nhiều nơi, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thiếu, ít được quan tâm đầu tư xây dựng, mua sắm.

Đội ngũ giáo viên biên chế dạy văn hóa tại các trung tâm còn ít, chưa đủ về số lượng và cơ cấu theo các môn học. Mặt khác, cơ chế chính sách cho đội ngũ nhà giáo chưa đồng bộ, công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ tại các địa phương chưa được chú trọng.

Chất lượng giáo dục thường xuyên còn hạn chế do đầu vào thấp, học viên cùng một lúc học hai chương trình (chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp trung cấp nghề) nên có khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng…

Nhận thức hạn chế để dần khắc phục, tiếp tục phát huy lợi thế của riêng mình, các trung tâm giáo dục thường xuyên sẽ dần trở thành lựa chọn tin cậy của học sinh tốt nghiệp THCS, giảm áp lực cho tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả công tác phân luồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.