Giáo dục thể chất tại các quốc gia châu Á

GD&TĐ - Nhận thức được tầm quan trọng của thể dục thể thao đối với trẻ, nhiều quốc gia châu Á chú trọng phát triển môn Giáo dục thể chất.

Học sinh Trung Quốc luyện tập Thái cực quyền.
Học sinh Trung Quốc luyện tập Thái cực quyền.

Tại Trung Quốc, môn học này được đưa vào kì thi chuyển cấp trong khi học sinh Nhật Bản được tham gia câu lạc bộ thể thao cổ truyền.

Trung Quốc

Giáo dục thể chất trong trường học Trung Quốc là một vấn đề được chính phủ nước này quan tâm từ rất sớm. Năm 1950, cố Chủ tịch Mao Trạch Đông, khuyến khích giáo dục trường học phải “sức khỏe là trên hết, học hành là thứ hai”.

Tuy nhiên, đến những năm 1990, dữ liệu từ Cơ quan điều tra Sức khỏe thể chất học sinh quốc gia chỉ ra, thể chất của học sinh nước này có xu hướng giảm, nguy cơ mắc các bệnh như béo phì, cận thị tăng cao. Do đó, Trung Quốc đã quyết định cải cách chương trình giáo dục thể chất quốc gia để đáp ứng mục tiêu “sức khỏe là trên hết”.

Chương trình cải cách diễn ra theo hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên, từ năm 2001 đến năm 2011, Bộ Giáo dục Trung Quốc ban hành “Tiêu chuẩn Chương trình Giáo dục Thể chất bắt buộc và Giáo dục THPT (lớp 1 - 6) và “Tiêu chuẩn Chương trình Giáo dục Thể chất và Sức khỏe” (lớp 7 - 12). Các nội dung này yêu cầu tăng cường tích hợp giữa lĩnh vực giáo dục và y tế. Môn Thể dục trong trường học tập trung phát triển thể lực cho học sinh, đồng thời nâng cao kỹ năng quốc phòng và chất lượng lao động.

Giai đoạn thứ hai, từ năm 2011 đến nay, nhằm cải tiến chương trình giảng dạy và triển khai đồng bộ trên toàn quốc. Giáo viên môn Thể dục phải giúp học sinh phát triển lối sống lành mạnh thông qua dạy kiến thức, kỹ năng thể thao và phát huy năng lực thể chất của học sinh.

Đồng thời, giáo viên bộ môn giúp các em nâng cao nhận thức về giáo dục sức khỏe, về các loại bệnh nguy hiểm và bệnh phổ biến ở học sinh. Từ đó, giáo dục thể chất trong nhà trường là sự phối hợp giữa giáo dục sức khỏe và giáo dục thể thao.

Học sinh phổ thông Trung Quốc được khuyến khích tham gia các bài tập thể dục ngoài trời hoặc các hoạt động thể thao ngoài trời. Nhà trường chỉ tổ chức học thể dục trong nhà nếu điều kiện thời tiết không thuận lợi. Các môn thể thao chính được dạy trong chương trình phổ thông là cầu lông, bóng đá, bóng rổ, chạy…

Bên cạnh môn Thể dục, trường phổ thông tại Trung Quốc thường yêu cầu trước khi bước vào giờ học, học sinh sẽ tập trung tại sân trường tập thể dục 30 phút. Vào các giờ ra chơi, học sinh có thể tập nhảy flashmob (nhảy tập thể) hoặc học thể dục nhịp điệu. Đây là những hoạt động yêu cầu học sinh toàn trường hoặc học sinh trong cùng khối tham gia nhằm mục tiêu khuyến khích hoạt động thể thao và tăng cường kết nối học sinh.

Tuy nhiên, giáo dục thể chất tại Trung Quốc vẫn bị xem là môn phụ do học sinh dành nhiều thời gian hơn cho các môn thi đại học. Tại nhiều trường, giáo viên môn Toán học, Tiếng Trung và Tiếng Anh “mượn” giờ Thể dục để dạy thêm.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã yêu cầu học sinh phổ thông phải học đủ số tiết Thể dục theo quy định trong chương trình, nghiêm cấm tình trạng mượn giờ Thể dục cho các môn học khác. Một số địa phương đưa môn Thể dục vào nội dung tuyển sinh vào THPT công lập để khuyến khích học sinh tăng cường hoạt động thể dục thể thao.

Trong năm học, các trường tổ chức nhiều hội thi thể thao giữa trường, cụm trường hoặc giữa các địa phương. Trường thành lập các câu lạc bộ bóng đá, bóng rổ, cầu lông… khuyến khích học sinh đăng ký tham gia. Học sinh phổ thông đạt thành tích thể dục thể thao xuất sắc có thể được tuyển thẳng vào các trường đại học giáo dục thể chất hoặc cộng điểm thi đại học.

Nhật Bản

Rèn luyện sức khỏe thể chất cho học sinh phổ thông là một trong những mục tiêu hàng đầu trong chương trình giáo dục tại Nhật Bản. Đối với hệ thống giáo dục Nhật Bản, thể dục không chỉ là các hoạt động thể thao mà là bộ môn Khoa học về sức khỏe. Do đó, môn học này có tên là Giáo dục Thể chất và Sức khỏe, có sách giáo khoa giảng dạy từ cấp THCS trở lên.

Giáo dục Thể chất và Sức khỏe tại Nhật Bản gồm hai hoạt động. Đầu tiên, học sinh sẽ được dạy về lý thuyết thể thao, sức khỏe; số liệu phân tích hoạt động thể dục thể thao trong giới trẻ hay tỷ lệ mắc các bệnh phổ biến trong học đường. Sách giáo khoa có nội dung, hình ảnh sắc nét, chi tiết, giới thiệu về các môn thể thao phổ biến tại Nhật Bản, về Thế vận hội Olympic…

Sau khi hoàn thành khóa học lý thuyết, học sinh sẽ phải làm bài kiểm tra trên giấy theo hình thức tự luận. Nội dung thi xoay quanh các chủ đề như khía cạnh văn hóa, xã hội của thể thao; ý nghĩa của việc kết hợp học tập và hoạt động thể chất…

Nhiều phụ huynh đánh giá việc học thể thao như vậy là khô khan. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, lý thuyết giúp học sinh nâng cao nhận thức, hiểu được tầm quan trọng của việc rèn luyện thể thao. Đến khi thực hành, các em sẽ nghiêm túc và nỗ lực phấn đấu.

Song song học về lý thuyết, học sinh Nhật Bản sẽ tham gia các giờ “taiku”, nghĩa là hoạt động thể thao. Hoạt động này gồm hai mục tiêu là tăng cường sức khỏe và nâng cao chỉ số cảm xúc cho học sinh nên trẻ em quốc gia này luôn cảm thấy hào hứng khi học “taiku”.

Giáo dục Thể chất và Sức khỏe tại Nhật Bản có nhiều điểm đặc biệt thú vị khi so sánh với các quốc gia khác trên thế giới. Đầu tiên, học sinh được dạy khiêu vũ trong trường phổ thông. Ngoài ra, một số trường dạy múa dân gian, múa sáng tạo hoặc thể dục nhịp điệu.

Không chỉ rèn luyện thể thao, giáo viên thể dục tại Nhật Bản thường xuyên tổ chức trò chơi mang tính đồng đội như cướp cờ, chuyền bóng… để học sinh trong lớp cùng tham gia. Những hoạt động này không chỉ giúp rèn luyện sức khỏe, mà còn là cơ hội giáo dục học sinh về tinh thần đoàn kết, kỹ năng làm việc nhóm hay tư duy phản biện.

Giáo dục Thể chất và Sức khỏe tại Nhật Bản không bắt buộc tập ngoài trời mà có thể linh hoạt học trong nhà thi đấu hoặc ngoài sân tập tùy thuộc vào nội dung bài học. Sau giờ học, học sinh có thể đăng ký các câu lạc bộ thể thao để luyện tập ngoài giờ.

Một số trường còn có câu lạc bộ đấu kiếm, câu lạc bộ đấu vật (sumo). Học sinh có thể tự chọn đăng ký tham gia để hiểu thêm về những hoạt động thể thao mang tính cổ truyền.

Hàn Quốc

Giáo dục thể chất tại Hàn Quốc còn hạn chế.
Giáo dục thể chất tại Hàn Quốc còn hạn chế.

Bộ Giáo dục Hàn Quốc nhìn nhận trường học là môi trường tối ưu để nuôi dưỡng kiến thức, kỹ năng và thái độ của học sinh về chủ đề sức khỏe. Mục tiêu cuối cùng của giáo dục thể chất là thúc đẩy “lối sống lành mạnh và năng động” và rèn luyện tính cách cho học sinh.

Trong chương trình phổ thông, môn Giáo dục thể chất kéo dài 180 - 204 giờ trong một năm học đối với học sinh lớp 1, 2. Học sinh lớp 3 - 7 học khoảng 68 giờ thể dục một năm còn học sinh lớp 8 trở lên là ít nhất 34 giờ. Chương trình học xoay quanh bài tập thể dục, môn thể thao giúp rèn luyện sức khỏe như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông…

Cuối năm học, học sinh phổ thông đều phải tham gia bài kiểm tra thể lực quốc gia theo thang điểm 5. Bài thi gồm 6 phần: Chạy 50m, chống đẩy, gập bụng, nhảy xa và chạy đường dài.

Tuy nhiên, giống như Trung Quốc, môn Giáo dục thể chất tại Hàn Quốc được xem như môn học phụ, thường được thế chỗ bởi môn Toán học, Tiếng Anh và Tiếng Hàn. Càng học lên cao, học sinh nước này càng ít tham gia các hoạt động thể dục thể thao và phải chú tâm ôn tập cho các kỳ thi. Do đó, trong những năm gần đây, thể lực của học sinh phổ thông Hàn Quốc có sự suy giảm. Số học sinh mắc bệnh cận thị, béo phì tăng cao.

Ngoài ra, phần lớn trường học tại Hàn Quốc không cung cấp đủ chương trình giáo dục thể chất, thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ môn học này. Nhiều trường không có sân chơi bãi tập cho học sinh học thể dục.

Vì vậy, từ năm 2019, giáo dục sức khỏe đã được lồng ghép trong chương trình phổ thông các cấp tại Hàn Quốc. Đơn cử, các chương trình phòng chống béo phì sẽ được phân phát về trường học. Băng rôn, áp phích về giảm cận thị, béo phì được dán xung quanh khuôn viên trường học. Nhà trường mời chuyên gia dinh dưỡng đến nói chuyện và chia sẻ kiến thức phòng chống béo phì cho học sinh.

Singapore

Giờ học thể dục của học sinh tiểu học Singapore.
Giờ học thể dục của học sinh tiểu học Singapore.

Giáo dục thể chất tại Singapore gắn liền với giáo dục về sức khỏe và cuộc sống. Đơn cử, khi dịch Covid-19 mới xuất hiện tại Trung Quốc, Singapore đã đưa căn bệnh này vào giảng dạy trong trường học phổ thông.

Học sinh mầm non được dạy về kỹ năng vệ sinh cá nhân cơ bản, cách rửa tay và đeo khẩu trang đúng cách. Học sinh được tìm hiểu về mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19, lập thang đo mức độ sợ hãi trước căn bệnh này. Mục tiêu của các nhà trường là giáo dục học sinh, từ đó tuyên truyền về cho gia đình, người thân để cùng nhau nhận thức mối nguy hại và phòng tránh dịch bệnh.

Đến nay, khi trường học đã tái mở cửa, nhiều quốc gia vẫn chưa cho phép hoạt động thể dục, thể thao tập trung đông người. Song, Singapore khuyến khích học sinh tập thể dục nhưng chia lớp thành các nhóm nhỏ 4 - 5 người.

Khung chương trình phát triển giáo dục thể chất và thể thao tại Singapore hướng đến quốc gia năng động, phát triển năng lực thể chất cá nhân. Học sinh đều coi trọng, tham gia và nghiêm túc theo đuổi các hoạt động thể chất và các môn thể thao.

Từ cấp phổ thông, học sinh thể hiện năng khiếu thể thao sẽ được định hướng chuyên môn hóa, đào tạo chuyên sâu như tham gia thi đấu thể thao quốc gia và hướng tới sự nghiệp vận động viên chuyên nghiệp.

Với học sinh Singapore, đỗ vào trường đại học chất lượng không phải con đường duy nhất để thành công. Do đó, những em có năng khiếu thể thao rất quyết tâm tham gia hoạt động chuyên nghiệp để được theo đuổi đam mê và phát triển toàn diện trong phạm vi năng lực của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.