Theo số liệu của một số nước có thu nhập cao nhất trong khu vực, đại dịch đã làm kết quả học tập tồi tệ hơn và gia tăng bất bình đẳng. Để giảm thiểu và khắc phục tác động tiêu cực lâu dài, các quốc gia cần thực hiện các chương trình phục hồi quá trình, bảo đảm ngân sách giáo dục và chuẩn bị cho những cú sốc trong tương lai.
Hậu quả nặng nề
Trong thời kỳ cao điểm của dịch Covid-19, 45 nước châu Âu và khu vực Trung Á đã đóng cửa các trường phổ thông, ảnh hưởng đến 185 triệu HS. Tình hình đột xuất khiến cho đội ngũ GV và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục không kịp chuẩn bị cho sự chuyển đổi này và phải khẩn trương phát triển các hệ thống dạy học từ xa.
Một trong những hạn chế của dạy học từ xa được triển khai gấp rút là thiếu sự tương tác giữa thầy và trò trong điều kiện phát sóng trực tiếp. Để cải thiện sự tương tác này, một số nước đã thể hiện sáng kiến và bổ sung các phương pháp khác như mạng xã hội, email, điện thoại và thậm chí cả bưu điện.
Các số liệu nghiên cứu ban đầu thu được ở Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ và Anh cho thấy kết quả học tập ngày càng xấu đi và bất bình đẳng gia tăng. Đáng lo ngại là tình trạng sa sút này còn trầm trọng hơn ở những HS xuất thân từ các gia đình có trình độ học vấn thấp.
Mặc dù có nền công nghệ rất phát triển, các nước châu Âu có thu nhập cao vẫn cho thấy kết quả học tập sa sút và sự bất bình đẳng ngày càng sâu sắc do việc chuyển đổi đột ngột sang dạy học từ xa. Từ đó suy ra, những hậu quả như vậy có thể còn thể hiện rõ rệt hơn ở các nước có thu nhập thấp hơn, nơi trình độ công nghệ yếu kém hơn nhiều và hầu hết các gia đình sống dưới mức nghèo khổ.
Ở ngoài xã hội, kết quả học tập sa sút có thể gây ra những khó khăn lớn hơn. Điểm thi thấp có thể là nguyên nhân tỷ lệ thất nghiệp cao trong tương lai. Ngược lại, kết quả học tập tốt sẽ làm cho mức thu nhập tăng đáng kể trong suốt cuộc đời. Nếu không có các biện pháp can thiệp, kết quả học tập sa sút do đại dịch Covid-19 gây ra sẽ tác động tiêu cực lâu dài đến tương lai của HS như: Giảm khả năng tiếp cận giáo dục ĐH, hạn chế cơ hội trên thị trường lao động và thu nhập thấp trong tương lai.
Các nhà giáo dục Ukraine đã đưa ra ba khuyến nghị chính nhằm giảm bớt ảnh hưởng của dịch Covid-19, cũng như xây dựng một hệ thống giáo dục bền vững hơn có thể đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai: Thực hiện các chương trình phục hồi quá trình giáo dục, bảo đảm ngân sách giáo dục và chuẩn bị cho những cú sốc trong tương lai.
Các chương trình phục hồi
Ngay bây giờ các chính phủ phải có sự trợ giúp cần thiết cho những HS chậm tiến để các em hoàn thành mục tiêu học tập đề ra. Bước đầu tiên là tiến hành đánh giá nhanh kết quả học tập để xác định những HS như vậy và nhu cầu cần trợ giúp của các em. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các chương trình dạy thêm 12 tuần có thể giúp HS đạt được kết quả bằng 3 - 5 tháng lên lớp bình thường. Ở Ý, HS trung học được dạy thêm trực tuyến 3 giờ /tuần có thể cải thiện 4,7% kết quả học tập về các môn Toán, Tiếng Anh và Tiếng Ý.
Với mục đích dạy học thường xuyên, Ukraine đã xây dựng nền tảng “Trường phổ thông Ukraine” dành cho HS từ lớp 5 - 11 học trực tuyến và kết hợp, gồm các bài học thuộc 18 môn học chính. Mặc dù vậy, các nghiên cứu khẳng định khó khăn hiện nay là việc tiếp cận Internet, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, hơn nữa, dư luận xã hội chưa thực sự ủng hộ dạy học từ xa. Ngoài các chương trình dạy học thường xuyên, Ukraine có thể xem xét khả năng đánh giá nhanh kết quả học tập để xác định những HS học kém cần sự trợ giúp thêm cho bắt kịp chương trình. Các chương trình dạy học cấp tốc hoặc dạy thêm có thể giúp khắc phục những thiếu sót trong dạy học.
Bảo đảm ngân sách
Do gặp nhiều khó khăn tài chính trong thời kỳ đại dịch, một số nước sẽ cắt giảm ngân sách, điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới những thành tựu trong việc tiếp cận giáo dục và cải thiện kết quả học tập những năm gần đây. Để phục hồi bền vững, điều quan trọng là ngân sách giáo dục phải được bảo đảm và các trường có nhu cầu kinh phí phải được hỗ trợ. Để giúp đỡ những HS khó khăn nhất, các chính phủ phải ưu tiên và dành phần lớn kinh phí và nguồn lực để hỗ trợ các trường đang tiến hành dạy học từ xa, đặc biệt là cho các nhóm dân cư nghèo và đại diện các dân tộc thiểu số. Cần phải thực hiện các biện pháp động viên các em đến trường, chẳng hạn như trao các học bổng.
Các chương trình phục hồi giáo dục sẽ không phát huy tác dụng nếu không có sự hỗ trợ tài chính đáng kể. Trong trường hợp ngân sách bị cắt giảm, các gia đình giàu vẫn có thể tiếp tục chi trả các dịch vụ giáo dục như học thêm nhưng những gia đình nghèo sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Để khắc phục điều đó, Vương quốc Anh đã thành lập một quỹ trợ giúp HS trị giá 1 tỷ bảng Anh, một phần quỹ này dành cho việc dạy thêm, ngoài ra còn có Chương trình dạy thêm quốc gia trị giá 76 triệu bảng Anh. Nghĩa là, để trở lại với trình độ học tập trước đây, nhà nước phải tốn rất nhiều tiền bạc.
Chuẩn bị cho những cú sốc
Chúng ta không những phải phục hồi hệ thống sau đại dịch mà còn phải tận dụng kinh nghiệm này để chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Để làm được điều đó, các nước cần phát triển năng lực xây dựng các mô hình dạy học kết hợp trong tương lai.
Các trường cần chuẩn bị tốt hơn để dễ dàng chuyển từ dạy học trực tiếp sang dạy học từ xa khi cần thiết. Điều này đòi hỏi xây dựng các chương trình dạy học linh hoạt có thể vừa dạy trực tiếp vừa dạy trực tuyến. Ngoài ra, đội ngũ GV cần được trang bị tốt hơn để sử dụng thiết bị công nghệ thông tin trong trường hợp nhà trường đóng cửa lâu dài.
Sử dụng thời kỳ hậu đại dịch để khôi phục các hệ thống giáo dục và phát triển sự bền vững của chúng là một nhiệm vụ ưu tiên. Đồng thời, điều quan trọng là phải xây dựng được một hệ thống giáo dục tương lai có thể sử dụng tốt hơn các mô hình dạy học kết hợp để tiếp cận tất cả HS ở trình độ của họ và bảo đảm các phương pháp dạy học cá nhân hóa.