Một thực tế là, nhiều trường trung học tại Hàn Quốc không đáp ứng đủ chân chơi bãi tập cho HS học môn Thể dục.
Nguy cơ đến sức khỏe học sinh
Ở Hàn Quốc, các vấn đề sức khỏe tâm thần độ tuổi thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ cao (16%). Thực trạng này được dự báo sẽ trở thành nguy cơ đứng hàng thứ ba ở thanh thiếu niên vào năm 2030. Các vấn đề tâm lý ở quốc gia này có xu hướng bắt đầu ở tuổi vị thành niên. Năm 2016, 42,4% thanh thiếu niên bị căng thẳng cao độ, trong đó tự tử là nguyên nhân tử vong lớn nhất.
Do áp lực học tập cao, HS trung học tại Hàn Quốc buộc phải dành khoảng 15 giờ mỗi ngày cho việc học, bao gồm học ở trường, làm bài tập về nhà và học thêm tại các trường luyện thi. Khối lượng công việc nặng nề này có thể dẫn đến mức độ căng thẳng cao. Bên cạnh đó, các yếu tố liên quan đến ý định tự tử có thể xuất phát từ nội tâm, giữa các cá nhân và cộng đồng với nhau. Ví dụ, sự ủng hộ của xã hội và thành tích học tập cao có liên quan đến ít căng thẳng hơn, trong khi sức khỏe và chỉ số khối cơ thể cao có liên quan đến căng thẳng cao.
Một nghiên cứu được thực hiện nhằm điều tra xem việc tham gia rèn luyện thể chất dự đoán ý định tự tử và căng thẳng ở học sinh trung học Nam Hàn Quốc như thế nào. Dữ liệu phân tích lấy từ một khảo sát dựa trên trang web về Hành vi rủi ro của thanh niên Nam Hàn Quốc lần thứ 12 năm 2016 (gọi tắt là KYRBS).
Nghiên cứu dựa trên hai yếu tố tác động đến việc tự tử và căng thẳng của HS. Yếu tố thứ nhất gồm có sức khỏe, ủng hộ của xã hội, chỉ số khối cơ thể, thành tích học tập, tình trạng kinh tế gia đình và tham gia rèn luyện thể chất. Yếu tố thứ hai gồm có điều chỉnh phù hợp với loại trường học và năm học.
Kết quả cho thấy, các HS nam có biểu hiện tiêu cực giữa sức khỏe, thành tích học tập, tình trạng kinh tế gia đình, ủng hộ của xã hội, đối với việc rèn luyện thể chất (tần suất hơn 2 lần/tuần), dễ nảy sinh ý định tự tử. Các HS nữ có biểu hiện tiêu cực giữa sức khỏe, thành tích học tập, ủng hộ của xã hội, chỉ số khối cơ thể, dễ có ý định tự tử.
Nhìn chung ở hai đối tượng, căng thẳng có liên quan tiêu cực đến sức khỏe, sự ủng hộ của xã hội, thành tích học tập, tình trạng kinh tế gia đình và rèn luyện thể chất (tần suất hơn 2 lần/tuần). Phát hiện này cho thấy việc tham gia rèn luyện các môn thể chất giúp giảm thiểu ý định tự tử và căng thẳng ở HS trung học.
Lợi ích của môn giáo dục thể chất
Một số lợi ích giữa môn giáo dục thể chất và sức khỏe tâm thần đã được ngành giáo dục Hàn Quốc báo cáo. Ví dụ, những HS thường xuyên tham gia rèn luyện thể chất thường có thành tích học tập cao hơn. Đồng thời, tăng cường rèn luyện thể chất liên quan đến giảm nguy cơ gây béo phì và mắc bệnh tim mạch.
Khi rèn luyện thể chất, HS có thái độ và quan điểm tích cực đối với các hoạt động thể chất nói chung. Sự tương tác giữa GV với HS cũng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của HS. Do vậy, rèn luyện thể chất được coi là một nền tảng quan trọng để thúc đẩy các giá trị (ví dụ: Lối sống năng động), đồng thời giảm ý định tự tử và căng thẳng cho HS.
Mặc dù rèn luyện thể chất có nhiều lợi ích nhưng nhiều HS trung học ít có khả năng tham gia hoạt động thể chất bên ngoài trường học (hoạt động thể chất mạnh, khoảng hơn 27 phút/tuần, hoạt động thể chất vừa phải, khoảng 37 phút/tuần). Tuy nhiên, khi HS tham gia vào các chương trình rèn luyện thể chất ở mức độ cao ở trường, sẽ tham gia nhiều hơn bên ngoài trường học. Điều này ngụ ý cần phải xác minh vai trò tiềm năng của môn giáo dục thể chất đối với sức khỏe tâm thần của HS.
“Nhà trường cần quan tâm hơn đến những gì HS và phụ huynh mong muốn, để việc lập kế hoạch và cung cấp các chương trình quản lý sức khỏe có hiệu quả hơn”, Yun Young-ho, Giáo sư của Văn phòng Sức khỏe Xã hội tại Đại học Y khoa Quốc gia Seoul cho biết.
Những vấn đề còn tồn tại
Theo báo cáo từ Văn phòng Phát triển Chính sách dành cho Sức khỏe Xã hội tại Đại học Y khoa Quốc gia Seoul, mặc dù có mối liên hệ chặt chẽ giữa việc nâng cao sức khỏe và các hoạt động thể chất, nhưng phần lớn các trường học không cung cấp đầy đủ các chương trình về giáo dục thể chất cho HS.
Có khoảng 58% các trường được khảo sát cho thấy, vẫn còn tình trạng môn thể dục của HS bị thay thế bằng các buổi tự học để chuẩn bị cho các kỳ thi tuyển sinh đại học. Chỉ có phân nửa các trường trung học quan tâm đến rèn luyện thể chất và tham khảo ý kiến sức khỏe của HS với phụ huynh, và 51,6% trường có thực hiện các cuộc khảo sát về sức khỏe.
Có gần 55% trường khuyến khích HS tham gia các chương trình liên quan đến sức khỏe, trong khi chỉ 48,4% trường thông báo có cho HS các kế hoạch nâng cao sức khỏe dài hạn.
Có khoảng cách rõ rệt giữa HS và nhà trường đối với việc nhận thức các chương trình học liên quan đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Sự gia tăng khoảng cách giữa hai nhóm thậm chí còn nhiều hơn so với việc liệu các trường học có cung cấp đủ các hoạt động câu lạc bộ thể thao và các chương trình sau giờ học hay không.
Khảo sát này được thực hiện trên 2.500 HS của 30 trường THCS và THPT trên cả nước. Kết quả khảo sát được công bố tại một hội nghị chính sách về y tế học đường được tổ chức mới đây tại Nam Hàn Quốc.