Giáo dục nghề nghiệp còn nhiều khó khăn

GD&TĐ - Tọa đàm Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT diễn ra chiều 22/12 tại Hà Nội.

Tọa đàm Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Tọa đàm Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Tọa đàm do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức.

Theo ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, giáo dục nghề nghiệp có nhiều chuyển biến.

Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển mạnh. Các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo được tăng cường. Bước đầu hình thành một số cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo chất lượng cao theo chuẩn quốc tế. Lao động Việt Nam từng bước tham gia, đảm nhận nhiều vị trí công việc trước đây do chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm...

Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phát biểu tại tọa đàm.

Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phát biểu tại tọa đàm.

Bên cạnh các kết quả đạt được, nhiều khó khăn trong giáo dục nghề nghiệp được Thứ trưởng Lê Tấn Dũng chia sẻ.

Trong đó có quy mô giáo dục nghề nghiệp còn nhỏ; cơ cấu ngành, nghề, trình độ đào tạo chưa phù hợp; chất lượng, hiệu quả đào tạo chưa cao, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành, nghề mới, kỹ năng tiên tiến.

Chính sách, pháp luật chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; nguồn lực đầu tư cho phát triển chưa tương xứng; năng lực quản lý nhà nước, nhất là ở địa phương còn hạn chế cũng là những khó khăn lớn với giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, gắn kết giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Hình thức, phương pháp tổ chức đào tạo chậm đổi mới, chưa đa dạng, linh hoạt. Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động chưa được chú trọng, chưa tạo cơ hội và khuyến khích người lao động tham gia học tập suốt đời…

Ông Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại tọa đàm.

Ông Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại tọa đàm.

Nhận định từ ông Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; tuy đạt những thành quả nhất định, nhưng triển khai chính sách pháp luật trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp 10 năm qua vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình đào tạo nguồn nhân lực nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng.

Từ kết quả giám sát nhiều năm qua của Quốc hội cho thấy, để có thể đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, cần quan tâm 3 mảng nội dung.

Thứ nhất: hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm đảm bảo giáo dục nghề nghiệp được phát triển mạnh mẽ.

Thứ hai: nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từ xây dựng đội ngũ, cơ sở vật chất đến chương trình đào tạo, đáp ứng phát triển xã hội, cách mạng khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế.

Thứ 3: xây dựng quan hệ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, theo hướng doanh nghiệp vừa là nơi đặt hàng, cùng tham gia đào tạo và cũng là nơi tiếp nhận, sử dụng sản phẩm của giáo dục nghề nghiệp. Làm rõ hơn chính sách việc làm nhằm cải thiện nhận thức xã hội với giáo dục nghề nghiệp.

Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá về vướng mắc, rào cản, đề xuất giải pháp phù hợp cho giáo dục nghề nghiệp. Trong đó vấn đề trọng tâm là hệ thống chính sách, pháp luật; quy hoạch và mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; liên thông, phân luồng; các điều kiện bảo đảm chất lượng; cơ chế tài chính đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp…

Đến nay, cả nước có 1.886 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó, có 1.196 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Số lượng tuyển sinh giai đoạn 2013-2023 đạt khoảng 21 triệu người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.