Cam kết việc làm, thay đổi tư duy về giáo dục nghề nghiệp

GD&TĐ - Việc lựa chọn ngành, nghề cho tương lai rất quan trọng với học sinh. 

Cam kết việc làm sau tốt nghiệp trở thành yếu tố thu hút thí sinh vào cao đẳng.
Cam kết việc làm sau tốt nghiệp trở thành yếu tố thu hút thí sinh vào cao đẳng.

Vì thế, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp với nhiều chính sách ưu đãi về học bổng, cơ hội việc làm để thu hút thí sinh đăng ký học nghề.

Cam kết việc làm, giảm áp lực tuyển sinh

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước có 1.888 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: 397 trường cao đẳng, 433 trường trung cấp và 1058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Con số cho thấy trong năm 2022, số lượng học cao đẳng khoảng 236.000 học sinh, theo lãnh đạo nhiều trường cho rằng, kết quả này phần lớn đến từ công tác truyền thông, trong đó có truyền thông về cơ hội và cam kết việc làm khi ra trường.

Trong năm học 2023 - 2024, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội có chỉ tiêu tuyển sinh hệ cao đẳng là 1.200 học sinh, hệ trung cấp là 400 học sinh. Tính đến thời điểm tháng 9/2023, trường đã đạt khoảng 75 - 85% chỉ tiêu tuyển sinh cả 2 hệ. Ở hầu hết các ngành, phía nhà trường đều thực hiện cam kết việc làm đối với các em học sinh.

Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết, phía nhà trường đã thực hiện chính sách cam kết việc làm cho sinh viên từ năm 2014 đến nay. Để thực hiện hiệu quả chính sách này, nhà trường đã hợp tác với các doanh nghiệp có mô hình phù hợp với các ngành đào tạo của nhà trường.

Theo ông Ngọc, chính sách cam kết việc làm nếu như được thực hiện tốt có thể giảm áp lực rất lớn đối với vấn đề đầu vào của các nhà trường hiện nay. Tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường cam kết được việc làm, giải quyết nhu cầu việc làm sau đào tạo khi ra trường sẽ là bài toán giúp cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đánh giá cao, đồng nghĩa với việc khâu tuyển sinh sẽ giảm áp lực đáng kể.

“Hiện, cơ hội việc làm với sinh viên cao đẳng rất rộng mở. Như tại Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, chính sách tuyển sinh đi liền tuyển dụng đang được nhà trường áp dụng, thí sinh đến nhập học năm nay sẽ nhận được phiếu đăng ký về nơi làm việc trong nước hoặc nước ngoài sau khi tốt nghiệp. Thí sinh muốn làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức... sẽ đăng ký học ngoại ngữ từ năm đầu”, ông Đồng Văn Ngọc chia sẻ.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, việc các trường thực hiện chính sách nhằm thu hút sinh viên là điều cần thiết hiện nay, khi cơ cấu kinh tế đã và đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ, sự phát triển ngành nghề trong xã hội ngày càng đa dạng hơn.

Điều quan trọng là cần tăng cường quản lý, kiểm định chất lượng các ngành nghề. Bên cạnh cơ chế chính sách ưu đãi về học bổng, miễn 100% học phí học nghề, ký túc xá miễn phí… điều cốt lõi để người học tin tưởng chọn học nghề vẫn là đảm bảo việc làm cho các em đúng như cam kết.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Học sinh có xu hướng chọn trường nghề

Hiện nay, xu hướng chọn học ở các trường nghề được học sinh quan tâm hơn và thực tế hơn khi xác định học nghề để lập nghiệp. Đặc biệt, lợi thế nhất của trường nghề hiện nay chính là vừa cho các học sinh học văn hóa từ cấp THCS lại vừa có thể hỗ trợ học nghề, ra trường có thể đi làm được luôn, ổn định kinh tế đời sống cho học sinh.

Điển hình như trường hợp của em Nguyễn Hoàng Linh quê tại huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Linh đang theo học tại Trường Đại học Giao thông Vận tải, nhưng đến năm thứ 3 đã phải nghỉ ngang vì không theo đủ các tín chỉ của trường.

“Em muốn đi làm sớm, chính vì thế em đã nghỉ ngang để đi học nghề, vì đi học nghề em vừa được học, vừa được thực hành trực tiếp để xem ngành nghề đó có phù hợp với mình hay không. Ở trường nghề thời gian đào tạo cũng ngắn nên em sớm được đi làm để có tiền lương tự nuôi bản thân cho mẹ em đỡ vất vả”, em Nguyễn Hoàng Linh chia sẻ.

Anh Võ Văn Phụng hiện là kỹ sư bảo trì của Công ty Samsung tại Bắc Ninh. 10 năm trước, khi tốt nghiệp THPT, anh Phụng chọn học trung cấp ngành Điện công nghiệp và dân dụng ở một trường cao đẳng tại TPHCM.

Theo anh Phụng, vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên anh chọn học trung cấp để tiết kiệm chi phí và mau ra trường làm việc. Điều may mắn là anh chọn được nghề phù hợp với sở thích mày mò, sửa chữa đồ điện của mình. Đến nay, thu nhập của anh được coi là ổn định khi nuôi vợ và 2 con nhỏ.

Ông Lê Văn Tuân - Giám đốc Trung tâm Phát triển nhân lực ACS cho rằng, trong thời buổi công nghệ hiện nay thì học là con đường duy nhất để có việc làm, ổn định cuộc sống, mỗi người đều phải có một nghề trong tay.

Theo ông Tuân, tỷ lệ lao động không có tay nghề ngày càng thấp và sẽ bị đào thải trong thời gian tới. Người lao động tay chân ngày càng khó tìm việc làm, nếu có việc thì thu nhập cũng không cao.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Tuân nhấn mạnh, các bạn trẻ phải biết tự đánh giá năng lực và sở thích của bản thân, điều kiện kinh tế gia đình để lựa chọn ngành nghề, cấp bậc học, trường học phù hợp.

“Những bạn học không giỏi hay điều kiện kinh tế gia đình không tốt để theo đuổi con đường đại học thì nên tìm kiếm một nghề phù hợp với bản thân để học, sớm ra trường lo kinh tế. Việc Chính phủ hỗ trợ học nghề là một lợi thế lớn, học nghề dễ kiếm việc cũng là lợi thế giúp các bạn trẻ sớm ổn định cuộc sống. Mỗi người có con đường thành đạt riêng, không ai giống ai, quan trọng nhất là tìm được con đường phù hợp với bản thân mình”, ông Tuân chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.