Giáo dục Công dân toàn cầu theo hướng tiếp cận toàn trường tại Việt Nam

GD&TĐ - ‘Kế hoạch hành động triển khai Giáo dục Công dân toàn cầu theo hướng tiếp cận toàn trường tại Việt Nam’ là chủ đề của Hội thảo diễn ra sáng 15/7.

Môn học Giáo dục Công dân Toàn cầu (GCED) được giảng dạy cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 trên toàn hệ thống Vinschool. Ảnh: Website nhà trường.
Môn học Giáo dục Công dân Toàn cầu (GCED) được giảng dạy cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 trên toàn hệ thống Vinschool. Ảnh: Website nhà trường.

Hội thảo do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) phối hợp cùng Văn phòng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với 250 đại biểu tham gia.

Việt Nam đang tích cực thúc đẩy giáo dục công dân toàn cầu

Phát biểu khai mạc, GS.TS Lê Anh Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam nhấn mạnh, giáo dục công dân toàn cầu không còn xa lạ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự chuyển mình nhanh chóng của thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, giáo dục không còn đơn thuần là truyền thụ kiến thức, mà là hành trình hình thành tư duy độc lập, năng lực hành động có trách nhiệm và khả năng đóng góp tích cực cho thế giới hòa bình, bao trùm và bền vững.

img-1490.jpg
Toàn cảnh hội thảo.

Trong kỷ nguyên số, công dân thế hệ mới không chỉ cần hiểu biết các vấn đề toàn cầu, mà cần có năng lực số hóa mạnh mẽ để sống, học tập và làm việc trong xã hội ngày càng kết nối.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất cho người học là chiến lược đúng đắn của Việt Nam để hình thành những công dân thế hệ mới, sẵn sàng cho sự chuyển mình của đất nước.

Vì vậy, Việt Nam đang tích cực thúc đẩy giáo dục công dân toàn cầu, phát triển các năng lực cốt lõi tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, giao tiếp liên văn hóa; kỹ năng số, hợp tác trực tuyến, làm chủ công nghệ số; học tập suốt đời; ý thức toàn cầu và tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng trong nước và quốc tế.

img-1472.jpg
Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo.

GS.TS Lê Anh Vinh cho rằng, đây là những kỹ năng thiết yếu giúp thế hệ trẻ Việt Nam vượt ra ngoài ranh giới quốc gia, trở thành những công dân số toàn cầu trong thời đại hội nhập và trong giai đoạn vươn mình của đất nước.

Cũng theo GS.TS Lê Anh Vinh, tiếp cận toàn trường (WSA), với năm trụ cột – lãnh đạo nhà trường, chương trình học, sáng kiến học sinh, sự tham gia cộng đồng và phát triển chuyên môn giáo viên đã được ngành Giáo dục Việt Nam quan tâm trên các khía cạnh: Lồng ghép GCED vào chương trình hiện hành và hoạt động trải nghiệm; Tổ chức các sáng kiến học sinh tự đề xuất, tự thực hiện và tự đánh giá; Xây dựng mạng lưới cộng đồng giáo dục cùng đồng hành với nhà trường; đào tạo giáo viên qua mô hình giáo viên cốt cán; Địa phương hóa nội dung GCED trong các vấn đề từ giữ gìn văn hóa bản địa đến ứng phó với biến đổi khí hậu.

img-1487.jpg
GS.TS Lê Anh Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Yếu tố then chốt đưa giáo dục công dân toàn cầu đi vào chiều sâu

Từ thực tế, ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) khẳng định, việc xây dựng và nâng cao năng lực của đội ngũ nhà giáo là yếu tố then chốt để đưa giáo dục công dân toàn cầu đi vào chiều sâu, thực chất trong toàn bộ hoạt động của nhà trường.

Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã xây dựng và ban hành các chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng có lồng ghép các nội dung liên quan đến công dân toàn cầu.

Chẳng hạn như: giáo viên cần có tư duy phản biện, khả năng ứng dụng công nghệ, kỹ năng hợp tác và dạy học gắn với các vấn đề toàn cầu như môi trường, bình đẳng, phát triển bền vững.

img-1474.jpg
Ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (thứ hai từ trái sang) tham dự hội thảo.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, hiệu trưởng đóng vai trò dẫn dắt nhà trường xây dựng môi trường giáo dục toàn diện, tích hợp giáo dục công dân toàn cầu vào chương trình giáo dục, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho đội ngũ; Xây dựng văn hóa nhà trường hướng tới công bằng, dân chủ, bền vững và hội nhập.

Năm 2024, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục là đơn vị tham gia trực tiếp Hội thảo khu vực tại Thái Lan do UNESCO tổ chức, ông Phạm Tuấn Anh cho hay. Tại đây, Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm bước đầu về tiếp cận toàn trường trong triển khai giáo dục công dân toàn cầu; đồng thời kết xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Trong quá trình xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia giai đoạn 2025–2030, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục có vai trò quan trọng trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để thực hiện các chính sách giáo dục công dân toàn cầu thông qua phát triển đội ngũ.

Để giáo dục công dân toàn cầu thực sự trở thành một phần trong văn hóa nhà trường, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải là trung tâm của đổi mới. Việc đầu tư vào năng lực, thái độ và cam kết nghề nghiệp của đội ngũ chính là đầu tư cho chất lượng giáo dục bền vững trong tương lai.

img-1492.jpg
Bà Miki Nozawa – Trưởng ban Giáo dục, Văn phòng UNESCO Hà Nội chia sẻ tại hội thảo.

Nhận thấy, Việt Nam tích cực tham gia triển khai giáo dục công dân toàn cầu theo hướng tiếp cận toàn trường; bà Miki Nozawa – Trưởng ban Giáo dục, Văn phòng UNESCO Hà Nội nhìn nhận, Hội thảo hôm nay là diễn đàn để chia sẻ bài học kinh nghiệm về lộ trình, lồng ghép công dân toàn cầu vào nhà trường.

Bà Miki Nozawa tin tưởng, trường học không chỉ là nơi giảng dạy, mà còn là nơi trao quyền cho người học. Năm học tới, chủ trương dạy học 2 buổi/ngày không thu phí của Việt Nam là bước tiến quan trọng giúp cải thiện chất lượng giáo dục. Điều đó làm phong phú trải nghiệm trong dạy và học cho thầy – trò.

Hội thảo tham vấn Kế hoạch hành động triển khai "Giáo dục Công dân toàn cầu theo hướng tiếp cận toàn trường tại Việt Nam" gồm hai phiên: Phiên thứ nhất có chủ đề về giáo dục công dân toàn cầu – Từ xu hướng quốc tế đến thực tiễn tại Việt Nam. Phiên thứ hai có chủ đề về Hướng tới Kế hoạch hành động – Đối thoại và hợp tác vì giáo dục công dân toàn cầu với chia sẻ thực tiễn từ các cơ sở giáo dục.

img-1505.jpg
Đại biểu thảo luận trực tiếp tại hội thảo.
img-1504.jpg
Chuyên gia quốc tế tham luận tại hội thảo.

Hội thảo là một bước đi chiến lược trong lộ trình đưa Giáo dục công dân toàn cầu trở thành thực tiễn bền vững trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Mục tiêu của Hội thảo nhằm: tham vấn và hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về Giáo dục Công dân toàn cầu; Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt từ hội thảo khu vực tại Bangkok (2024), cùng bài học thực tiễn từ các địa phương tại Việt Nam; Giới thiệu và phổ biến Khuyến nghị năm 2023 của UNESCO về giáo dục vì hòa bình, Nhân quyền và Phát triển bền vững – văn kiện đã được Việt Nam cùng các quốc gia thành viên thông qua; Khuyến khích cách tiếp cận toàn diện (Whole-School Approach) để lồng ghép Giáo dục Công dân toàn cầu vào tất cả khía cạnh hoạt động nhà trường: chương trình, chính sách, môi trường học tập, phát triển chuyên môn giáo viên và gắn kết cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống HIMARS.

Mỹ dùng PrSM đối phó ai?

GD&TĐ - Mỹ bắt đầu sản xuất loạt tên lửa tấn công chính xác (PrSM), dành cho lực lượng đặc nhiệm đa miền (MDTF) ở châu Âu, Bắc Cực và châu Á.

Minh họa/INT

Canh bạc lớn

GD&TĐ - Ngày 12/7 là một dấu mốc lịch sử mới đối với New Caledonia và trong mối quan hệ giữa vùng đảo ở khu vực Nam Thái Bình Dương này với Pháp.