Tuổi thơ của họ gắn liền với sự bần hàn, người phải đi làm con nuôi, người phải làm thuê trả nợ, nhưng ý chí học tập đã giúp họ ghi danh bảng vàng, trở thành những vị đại quan nổi tiếng triều Lê.
Làm con ở trừ nợ, dành tiền nuôi mẹ
Lưu Ngạn Quang sinh khoảng năm 1457, quê xã Viên Khê, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Thiên (nay thuộc làng Thanh Oai, Đông Khê, Thanh Hóa). Từ Viên Khê, cha của Lưu Ngạn Quang chuyển về Cổ Bôn, khi đến làng Dà - Cổ Bôn trong người chỉ có hai bàn tay trắng nghèo nàn, đói rách nên phải đi ở hết nhà này sang nhà khác.
Một cô gái làng Dà mồ côi cha mẹ, thấy người đàn ông ấy chăm chỉ hiền lành, chịu khó nên hai người tự nguyện thương nhau không cần cưới hỏi gì. Sau một năm chung sống dưới túp lều tranh ở đầu làng, vợ chồng thuận hòa và sinh được cậu con trai đặt tên là Lưu Ngạn Quang.
Sớm mồ côi cha từ nhỏ, Lưu Ngạn Quang phải sống những ngày tháng cực nhọc cùng mẹ ở một vùng quê nghèo. Tuổi thơ phải đi ở hết nhà này tới nhà khác để trừ nợ và dành tiền nuôi mẹ. Khi trừ nợ xong, cậu bé trở về làng làm thuê cùng mẹ.
Nhìn cảnh làm thuê cuốc mướn, ráo mồ hôi là hết tiền mua gạo, không có tương lai gì nên Lưu Ngạn Quang nảy ra ý định đi buôn. Nhưng ông nhanh chóng mất hết vốn, trở thành tay trắng vì lúc đó xã hội còn nhiều bóc lột bất công. Từ đó, ông quyết chí đi học, dù khi ấy đã 21 tuổi.
Từ đó, cứ ban ngày ông đi làm thuê, ban đêm đi học. Những khi quá khó khăn, ông lại tranh thủ chạy chợ kiếm thêm chút cơm cháo để phụng dưỡng mẹ nhưng vẫn không sao nhãng học hành. Nhờ sáng dạ thông minh lại có quyết tâm học để thoát cảnh nghèo túng dưới đáy xã hội nên ông ra sức học ngày học đêm, tay không lúc nào rời quyển sách.
Thầy dạy thấy vậy thương tình không lấy tiền công, dân làng thấy cảnh cậu thanh niên chăm chỉ, ai cũng mến phục. Cũng vì có ý chí hơn người nên Lưu Ngạn Quang được người bán nước thương tình gả con gái để có thêm người đỡ đần việc nhà. Kể từ đó, vợ chồng họ yên ổn, ban ngày cùng nhau đi làm, ban đêm thiếp ngồi quạt mát cho chàng dùi mài kinh sử.
Sau 3 năm mải miết học tập, vào năm Lưu Ngạn Quang tròn 24 tuổi gặp lúc triều đình mở khoa thi Hương, ông từ biệt mẹ và vợ vác lều chõng đi thi, quả nhiên đỗ ngay Hương cống. Quyết học để thi, quyết thi phải đỗ, sau khi đỗ thi Hương, Lưu Ngạn Quang lên kinh tiếp tục sự học nhờ sự đùm bọc của mẹ hiền, vợ thảo.

Ông vượt qua kỳ thi Hội để có tên trong danh sách thi Đình. Đó là khoa thi năm Tân Sửu (1481) đời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức thứ 12, Lưu Ngạn Quang ứng thí đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (tức Hoàng giáp).
Văn bia đề danh khoa thi này do Hàn lâm viện Thị thư kiêm Tú lâm cục Tư huấn Nguyễn Xung Xác vâng sắc soạn, cho biết khoa thi này nhà Lê lấy 40 tiến sĩ. Hàng Đệ nhất giáp, gồm: Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ, Bảng nhãn Lưu Hưng Hiếu, Thám hoa Nguyễn Doãn Địch.
Hàng Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân có 8 người, Lưu Ngạn Quang tên đứng thứ 3 sau Ngô Văn Cảnh và Vũ Khắc Minh. Kể từ ấy, gia cảnh bần hàn của Lưu Ngạn Quang chấm dứt, ông bắt đầu sự nghiệp quan trường, đem tài trí ra phò vua giúp nước.
Các nguồn sử liệu đánh giá, Lưu Ngạn Quang là vị quan rất mực thanh liêm. Vốn xuất thân bởi gia cảnh bần hàn dưới đáy xã hội cùng những va vấp trong suốt thời niên thiếu và trưởng thành khi nay đây mai đó bươn chải kiếm sống nên ông nhìn thấu xã hội và những khổ cực của người dân.
Vì thế, từ khi nhậm chức quan, ông ra sức làm nhiều điều phúc đức cho dân. Bởi sự thanh liêm, chính trực mà ở tuổi 25 ông đã được vua Lê Thánh Tông bổ nhiệm giữ chức Giám sát Ngự sử, Lễ bộ Tả thị lang.
Sử sách và gia phả dòng họ không rõ năm mất của Tiến sĩ Lưu Ngạn Quang, song công lao của ông được chính sử “Đại Việt sử ký toàn thư” nhắc đến như một tấm gương sáng về học thức, tận tụy, trung thành và phụng sự triều đình, quốc gia.

Vươn lên trong khó nghèo
Người có gia cảnh nghèo túng không kém Lưu Ngạn Quang là Đinh Thúc Thông, vốn người làng Gián Khẩu, huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay. Đinh Thúc Thông sinh năm 1442, hơn Lưu Ngạn Quang 15 tuổi. Ông xuất thân trong một gia đình nghèo khó, từ nhỏ đã phải đi làm thuê cho gia đình giàu có ở làng Vũ Lăng thuộc tổng Bình Lăng, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, thừa tuyên Sơn Nam (nay thuộc xã Chương Dương, Hà Nội). Đây cũng là quê hương thứ hai của Đinh Thúc Thông.
Do thông minh, ham học nên người chủ cho ông cùng với các trẻ trong nhà được thầy đồ dạy học. Lớn lên, ông đi thi Hương đỗ Cử nhân. Năm Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463), triều Lê mở khoa thi Hội, ông đỗ trúng cách, được vào thi Đình, đỗ ngay Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp).
Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Quý Mùi (1463) do Hàn lâm viện Thị giảng Đông các Hiệu thư Đào Cử vâng sắc soạn, miêu tả rằng, khoa thi “đông tới 1.400 người, để cùng nhau đua tranh tài nghệ trong chốn xuân vi, hạng xuất sắc chọn được 44 người. Ngày 16 tháng Hai, Hoàng thượng ngự ở hiên điện thân hỏi về đạo trị nước của các bậc đế vương; sai bọn Nguyễn Lỗi làm Đề điệu, Quốc Tử Giám Tế tửu Lê Niệm cùng trông coi công việc.
Sáng hôm sau, Hàn lâm viện Thừa chỉ học sĩ Nguyễn Như Đổ, Hàn lâm viện Thừa chỉ học sĩ Nguyễn Vĩnh Tích, Tế tửu Nguyễn Bá Ký dâng quyển lên đọc, Hoàng thượng ngự lãm, định thứ bậc cao thấp. Ngày 22, vua ngự điện Kính Thiên, cho gọi loa xướng tên người thi đỗ. Quan bộ Lễ rước bảng vàng ra yết ngoài cửa Đông Hoa để cho các sĩ tử xem tên. Lại ban áo mũ, yến tiệc để tỏ ý yêu mến đặc biệt, ơn sủng thật trọng hậu”.
Đây là một trong những khoa thi quy tụ nhiều danh sĩ đại tài bậc nhất trong lịch sử khoa bảng, trong đó hàng Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ được ban cho Lương Thế Vinh (Trạng nguyên), Nguyễn Đức Trinh (Bảng nhãn), Quách Đình Bảo (Thám hoa). Hoàng giáp Đinh Thúc Thông đứng thứ 12 trong số 15 người hàng Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân.

Có giai thoại kể rằng, nửa sau thế kỷ 15 làng Quán Vinh và làng Gián thuộc xã Quán Vinh, huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên, thừa tuyên Sơn Nam. Sau này, làng Quán Vinh thuộc xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư; làng Gián thuộc xã Gia Trấn, huyện Gia Viễn. Làng Gián truyền rằng, Đinh Thúc Thông nguồn gốc là người làng Gián, vì nhà nghèo phải về làng Quán Vinh làm con nuôi một gia đình, khi lên 9 tuổi cha nuôi mất, mẹ phải gửi ông lên Hà Đông làm con nuôi.
Sau khi học hành, đỗ đạt làm quan vinh quy bái tổ, khi về làng, biết được quan nghè Đinh Thúc Thông vốn là con nhà mõ nghèo hèn nên các hào trưởng không tổ chức nghênh đón theo luật lệ, vì thế ông rất giận. Sau khi dâng hương cha mẹ và gia tiên, Đinh Thúc Thông rời đi, trước khi đi ông mang cối đá ra ném tại ngã ba sông và thề rằng: “Bao giờ đá nổi lông chìm, làng Gián mới nên học hành”.
Làng Quán Vinh lại cho rằng, họ Đinh là họ đầu tiên ở làng Quán Vinh, vì vậy ông gốc là làng Quán Vinh sau lên làng Gián làm con nuôi. Sau khi học hành, đỗ đạt làm quan vinh quy bái tổ, hào trưởng cho rằng ông mới đỗ đạt chưa lập công gì nên tiếp đón đạm bạc, ông buồn và giận vứt nghiên xuống ao nói thề rồi bỏ đi.
Tuy nhiên, đó chỉ là những câu chuyện lưu truyền, còn đối với nhân dân làng Gián và làng Quán Vinh, Hoàng giáp Đinh Thúc Thông luôn là một vị quan tài giỏi. Sau khi đỗ đạt, ông được triều Lê bổ nhiệm vào làm việc ở Hàn lâm viện, giữ chức Hiệu lý làm nhiệm vụ hiệu lý kinh tịch, văn thư, sau lại thăng lên làm Hàn lâm viện Trực học sĩ.
Năm 1470, ông được cử làm Án sát Nghệ An, phụ trách việc kiện tụng, thanh tra. Năm Nhâm Thìn niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1472), Đinh Thúc Thông và ba vị văn thần khác được vua Lê Thánh Tông cử làm quan độc quyển trong kì thi Đình, sau được thăng đến chức Thượng thư, là một trong 6 vị quan đứng đầu 6 bộ của triều đình thời vua Lê Thánh Tông.

Bảng vàng bia đá lưu truyền mãi
Các nguồn sử liệu và địa chí tại Ninh Bình cho biết, sau khi Hoàng giáp Đinh Thúc Thông qua đời, trên nền nhà cũ của cha mẹ ông, nhân dân xã Quán Vinh xưa đã xây dựng ngôi miếu thờ vào thế kỷ 16, nằm bên trái đường Tiến Yết, đối diện với chùa Quán Vinh khi đi vào cố đô Hoa Lư.
Người đứng ra hưng công xây dựng và cúng tiến ruộng đất, thu hoa lợi hàng năm xung vào việc cúng tế là Thiên hộ Đinh Bá Đạt, người họ Đinh ở xã Quán Vinh. Sau đó, đến năm 1606, Tiến sĩ Phạm Văn Quý là người cùng quê với Đinh Thúc Thông đứng ra xây dựng và tu sửa lại ngôi miếu thờ.
Sang thời Nguyễn, Đốc học Phạm Viết Cao cùng dân làng Quán Vinh đóng góp tiền của tu sửa miếu Đinh Thúc Thông to đẹp hơn. Mười chín năm sau, năm Canh Tý (1840), ông Tú Mềm Phạm Viết Tạo là trưởng nam của Đốc học Phạm Viết Cao đứng ra xây dựng lại miếu thờ Đinh Thúc Thông bằng đá. Sau này, con trai của Tú Mềm lại tiếp tục tôn tạo miếu thờ và cho khắc bia để lưu truyền.
Còn với Hoàng giáp Lưu Ngạn Quang, sử liệu cho biết, khi về hiển tổ, ông ở với vợ kế tại thôn Đa Biểu và thôn Sơn Phú ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa). Sau khi qua đời, thi hài ông được an táng tại đây nên họ Lưu (tổ Lưu Ngạn Quang) hiện có 3 nơi là: Đa Biểu, Thanh Oai và Cổ Bôn.
Ngoài công lao với triều Lê, với đất nước, tương truyền Lưu Ngạn Quang cũng là một trong những người có công khai phá làng Thanh Oai. Làng này có tên cũ là Thanh Đàm, sau Lưu Ngạn Quang đổi tên làng thành Thanh Oai theo tên làng Tả Thanh Oai ở huyện Thanh Trì, Hà Nội với ý là ngôi làng có truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ đạt.
Sự nghiệp của Tiến sĩ Lưu Ngạn Quang còn được lưu truyền cho đến ngày nay: “Kim bảng thạch bi truyền bất hủ/ Thái Sơn, Bắc Đẩu ngưỡng duy cao” (Bảng vàng bia đá lưu truyền mãi/ Công đức như núi Thái Sơn, sao Bắc Đẩu).
““Người người đều anh tài” đó là do cái tâm dạy người không biết mệt. “Sao không trồng người?” đó là lời giáo huấn rất dễ hiểu. Hoàng thượng cổ vũ nhân tài, chấn hưng văn trị. Kẻ sĩ sinh ở đời gặp gỡ đấng thánh minh, trang điểm tiếng tăm văn chương, tắm gội thấm nhuần giáo hóa; thừa buổi gặp hội gió mây, ngước trông vừng nhật nguyệt; lên đường vinh quí, bước chân vào hạng anh hùng; tên khắc bia đá, để lại lâu dài. Những người được đề danh vào bia đá này, cố nhiên phải lấy đạo nghĩa đức hạnh để tu dưỡng bản thân, phải dùng văn học mà trau dồi tâm tính…”, trích Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm Tân Sửu (1481) – năm Lưu Ngạn Quang thi đỗ Hoàng giáp.