Giáo dục nghề nghiệp: Cần mở ngành, nghề mới để đáp ứng yêu cầu chất lượng

GD&TĐ - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết sẽ đào tạo khoảng 20 ngành nghề, kỹ năng phục vụ cho tương lai. Đây là những ngành nghề mà thị trường lao động hiện nay có thể chưa có.

Sắp tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ ban hành kế hoạch để triển khai chương trình các ngành nghề mới. Ảnh minh họa
Sắp tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ ban hành kế hoạch để triển khai chương trình các ngành nghề mới. Ảnh minh họa

Cần phân tầng chất lượng

Ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh, đối tượng chịu tác động của giáo dục nghề nghiệp là số học viên vào học trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng chính quy trong các nhà trường. Bên cạnh đó còn có một bộ phận rất lớn là những người đang làm việc trong thị trường lao động. Những đối tượng này được cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng nghề mang tính chất thường xuyên.

Ông Trương Anh Dũng cho biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng một chiến lược và dự kiến sẽ trình Thủ tướng phê duyệt ban hành. Trong đó, đặt mục tiêu quy mô giáo dục nghề nghiệp nâng lên gấp 2 - 3 lần so với hiện nay.

Hiện nay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp có 1.908 trường và trung tâm đào tạo. Trong đó, có khoảng 900 trường cao đẳng và trung cấp, còn lại là hơn 1.000 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Về quy mô đào tạo, mỗi năm tuyển sinh mới 2,2 triệu người. Nhưng trong số 2,2 triệu tuyển sinh mới này chỉ có 1/4 là trình độ cao đẳng và trung cấp đào tạo chính quy trong các nhà trường. 3/4 còn lại là diện đào tạo thường xuyên, đào tạo trình độ sơ cấp...

Ông Trương Anh Dũng nhận định, nhân lực qua đào tạo chỉ đạt 24,6% theo chiến lược. Muốn nâng tỷ lệ này lên thì quy mô hiện nay là quá nhỏ.

“Một đất nước với quy mô 55 triệu lao động, 100 triệu dân mà mỗi năm chỉ đào tạo 2,2 triệu lao động thì là con số quá nhỏ. Trong khi đó, Singapore tuyển sinh 60% vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Còn ở Úc, cứ 4 người dân thì có 1 người học nghề. Vì vậy, chúng tôi mong muốn quy mô này có thể nâng lên gấp đôi trong 5 năm tới và gấp 3 trong 10 năm tới”, ông Dũng nói.

Theo đó, ông Dũng cho rằng, trong quy mô đó sẽ phải phân tầng chất lượng. Sẽ có một nhóm chất lượng cao, thậm chí một bộ phận trong nhóm chất lượng cao đó còn tiếp cận với các nước phát triển theo tinh thần xây dựng chiến lược là bắt kịp, đi cùng và thậm chí vượt lên trên. Đó có thể là đào tạo những ngành nghề, kỹ năng tương lai để chuẩn bị cho phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, sẽ đào tạo một bộ phận khoảng 20 ngành nghề, kỹ năng phục vụ cho tương lai. “Đây là những ngành nghề mà trong thị trường lao động hiện nay có thể chưa có”, ông Dũng chia sẻ.

Để thực hiện được chiến lược với mục tiêu như vậy, theo ông Dũng, Tổng cục đang xây dựng quy hoạch, tổ chức, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Trong đó, nhiệm vụ quy hoạch cần làm là giảm khối công lập, sáp nhập những cơ sở kém hiệu quả và tăng khối ngoài công lập.

Tổng cục cũng đang xây dựng một loạt các chương trình, đề án để phục vụ cho chiến lược của quy hoạch này. Trong đó có đề án nâng tầm kỹ năng lao động. Bên cạnh đào tạo lao động chất lượng cao, ông Dũng cho hay, cũng phải tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số, người nghèo...

Ngoài ra, còn cần tính đến những giải pháp cho những vấn đề khác liên quan đến phát triển, đổi mới chương trình, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý. Đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường, đảm bảo chất lượng đội ngũ các trường, hội nhập quốc tế... 

Thêm các ngành nghề xuất phát từ yêu cầu thực tiễn

Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho hay, trong bối cảnh hiện nay, điều mà hệ thống giáo dục nghề nghiệp hướng tới không chỉ là theo kịp các nước mà phải có một số lĩnh vực ngành nghề đi trước. Vì vậy, cần hướng đến giúp người lao động được tiếp thu, làm chủ, vận hành các khoa học tiến bộ, công nghệ 4.0 trong hoạt động nghề nghiệp của họ. Theo ông Hùng, thông qua mô hình này, có thể tăng cường hơn sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, ông Hùng cũng thông tin, hệ thống đang tính tới khoảng 20 nghề mới, chưa hề xuất hiện trong danh mục nghề đào tạo mà xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn. Đặc biệt là sự phát triển của khoa học công nghệ đặt ra.

Đề cập về kế hoạch, tiến độ triển khai đề án này, ông Vũ Xuân Hùng cho biết: “Hiện tại, nó vẫn đang là đề án thí điểm của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp nên không có phân cấp, phân quyền gì cho các trường cả. Đồng thời, nó còn trải qua các bước khảo sát ngành nghề, lựa chọn các đơn vị đào tạo, sau đó mới tiến hành các bước tổ chức đào tạo.

Khi triển khai thực hiện đề án này thì các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò chính để phối hợp với các trường. Trong 20 ngành nghề được đề cập tới thì sẽ bám vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, những ngành nghề phải chuyển đổi nghề nghiệp.

Vì đây là đề án thí điểm nên các trường chưa làm gì cả, nó không giống như các ngành đào tạo đại trà, mà phải sau thời gian thí điểm mới tiến hành đến việc nhân rộng. Hiện tại, chỉ những trường nào đủ điều kiện, đủ tiêu chí sẽ được tham gia vào chương trình đào tạo trong giai đoạn thí điểm này”.

Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng thông tin: “Những ngành nghề đang được đề cập đến đều nằm trong Quyết định 1446/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sắp tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ ban hành kế hoạch để triển khai chương trình này”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ