Đẩy mạnh đào tạo trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp

GD&TĐ - Ứng dụng chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến đang là vấn đề “nóng” đối với GD-ĐT nói chung và đối với giáo dục nghề nghiệp nói riêng, việc thúc đẩy nhanh hơn ứng dụng công nghệ vào đào tạo đã trở thành xu hướng.

Một giờ giảng dạy trực tuyến tại Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội.
Một giờ giảng dạy trực tuyến tại Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội.

Tuy nhiên, để dạy và học trực tuyến một cách hiệu quả là vấn đề được đặt ra.

Thiếu hụt kỹ năng số

Khảo sát mới đây của Tiểu ban Giáo dục Nghề nghiệp - Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực về đào tạo trực tuyến cho thấy, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, có 69,5% số lượng giáo viên và 83,8% số lượng học viên giáo dục nghề nghiệp tham gia dạy và học thông qua các công cụ dạy học trực tuyến. Có 69,8% giáo viên đã được đào tạo, hướng dẫn giảng dạy trực tuyến. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã nhanh chóng áp dụng các công nghệ và học liệu số vào chương trình đào tạo. Đặc biệt là các khối ngành kỹ thuật về cơ điện tử, tự động hóa, ô tô...

Thực tế cho thấy, công việc của người lao động, công nhân kỹ thuật đang ngày càng gắn liền với việc sử dụng các phần mềm chuyên ngành. Trong tương lai, các kỹ năng sử dụng phần mềm chuyên ngành sẽ phổ biến hơn. Trong giáo dục nghề nghiệp, việc đầu tư cho các phần mềm chuyên ngành phục vụ giảng dạy của các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện còn chưa được chú ý đầu tư đúng mức. Phần lớn các phần mềm được giảng dạy còn lạc hậu, mang tính chất một chiều, giáo viên sử dụng công nghệ và học liệu để trình diễn cho học viên xem.

Nhà giáo hiện còn thiếu những kỹ năng liên quan đến phát triển chương trình, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển kỹ thuật số, đặc biệt thiếu phương pháp giảng dạy mới…

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ sở đào tạo nghề mới chỉ quan tâm đến bài giảng điện tử mà chưa chú trọng đến lưu trữ dữ liệu và kết nối với các mạng xã hội, tối ưu hóa quá trình giảng dạy vào thực tiễn…

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo trực tuyến. Các nhà thực hành, các thư viện, các bộ phận chứng chỉ vẫn chủ yếu thực hiện theo kiểu truyền thống, chưa điện tử hóa, chưa có thư viện số, phòng thực hành số.

Xây dựng hệ sinh thái số

TS Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Đáng khích lệ là hiện hệ thống giáo dục nghề nghiệp vẫn đang thực hiện tương đối tốt công tác đào tạo, tuyển sinh. Dịch bệnh covid chỉ là một yếu tố tác động thúc đẩy nhanh hơn việc ứng dụng công nghệ vào công tác dạy và học, đảm bảo không đứt gãy quá trình đào tạo. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều vấn đề được đặt ra xoay quanh công tác đào tạo trực tuyến, cụ thể là việc thay đổi nhận thức và phương pháp làm việc, do đó cần cách tiếp cận tổng thể để bảo đảm chất lượng đào tạo. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang hoàn thiện đề án về chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu này.

Theo TS Phạm Vũ Quốc Bình, chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp là xây dựng hệ sinh thái số, trong đó phải quan tâm đến các khía cạnh như: Thể chế, cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức chi trả cho các hoạt động phát sinh mới khi thay đổi trên môi trường không gian số trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Về chương trình tổ chức đào tạo, chương trình cần được thay đổi để phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội, yêu cầu phải tích hợp những cái mới vào những chương trình sẵn có. Chương trình đào tạo trong bối cảnh mới không giống như phương thức truyền thống, không thể mang nguyên chương trình đào tạo, giảng dạy trên lớp học truyền thống vào chương trình mới nữa.

Phương pháp dạy học đang tác động trực tiếp đến giáo viên, khi quản trị công nghệ trực tuyến được đưa vào giảng dạy thì phương pháp đào tạo, quản lý học sinh, sinh viên cũng phải khác đi. Hiện nay nền tảng hạ tầng học liệu số có rất nhiều, như vậy với việc sử dụng chung hệ thống chia sẻ dữ liệu, các nền tảng này cũng đặt ra yêu cầu mới cho học sinh, sinh viên về năng lực tiếp thu, cách tự học tập…

“Quan niệm cuối cùng vẫn là thay đổi nhận thức, thay đổi cách làm trong môi trường công nghệ số, chứ không phải làm cái cũ dựa trên ứng dụng công nghệ. Tận dụng công nghệ số để thay đổi kết quả một cách tích cực, thay đổi cách làm việc của từng cá nhân trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp” – TS Phạm Vũ Quốc Bình chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ