Lan tỏa văn hóa ứng xử trong giáo dục nghề nghiệp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, Đề án “Xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”, đã lan tỏa hình ảnh nhà trường văn minh, văn hóa, thân thiện của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và học sinh, sinh viên…

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị

Ngày 16/9/2021, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” và biểu dương các mô hình văn hoá ứng tiêu biểu.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của 500 đại biểu đại diện lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc.

Báo cáo tại hội nghị, ông Đỗ Năng Khánh – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Sau 3 năm triển khai, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được thực hiện sâu rộng đến nhà giáo, cán bộ quản lý, học sinh, sinh viên với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đưa ra nhiều điểm mới, nhiều mô hình  văn hóa ứng xử được triển khai hiệu quả, mang lại giá trị, ý nghĩa trong xây dựng văn hóa ứng xử, giáo dục truyền thống cho đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên.

Kết quả có 97% cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng và ban hành Bộ quy tắc ứng xử; 95% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tuyên truyền, phổ biến, học tập các nội dung liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong nhà trường, gia đình và cộng đồng; 90% cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc đạt tiêu chuẩn xanh, sạch đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện,…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các bài tham luận, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện, đưa ra các giải pháp, các mô hình triển khai thực hiện trong thời gian qua. Qua đó, đánh giá góp ý, để hoàn thiện và có thể áp dụng, nhân rộng triển khai thực hiện, nhằm đem lại hiệu quả trong việc triển khai thực hiện Đề án trong giai đoạn tiếp theo.

Tặng bằng khen cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp có mô hình văn hóa ứng xử tiêu biểu
Tặng bằng khen cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp có mô hình văn hóa ứng xử tiêu biểu

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận ý kiến từ các nhà quản lý, giáo viên, học sinh, sinh viên chia sẻ về xây dựng văn hóa ứng xử trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, công tác phối hợp triển khai thực hiện.

Đánh giá cao các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động xây dựng các mô hình xanh, sạch, đẹp, giữ gìn cảnh quan cơ sở giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện xanh, sạch, đẹp đạt tiêu chuẩn đã được Hội đồng xét chọn và đề nghị biểu dương, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhiệt liệt chúc mừng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là 15 mô hình của 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen tại hội nghị.

Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án trong giai đoạn còn lại nhằm hoàn thành và vượt các mục tiêu đề ra vào năm 2025, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đề nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chỉ đạo hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo khung quy định chung đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm bảo ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện, phù hợp đối với cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên và văn hóa đặc trưng của các vùng miền;…

Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng  xử trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện; tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử.

Đối với các em học sinh, sinh viên, tích cực xây dựng thói quen lối sống lành mạnh khi ngồi trên ghế nhà trường cũng như lúc trưởng thành ra thị trường lao động; tạo lập hành vi, lối sống đẹp, tạo dựng hình ảnh, tâm thế học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp trong mắt bạn bè, nhà trường và xã hội cũng như cộng đồng quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.