Giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ: Nghệ thuật của sự dẫn dắt và khơi gợi

GD&TĐ - Để hoạt động Đoàn, câu lạc bộ đội nhóm… ở cơ sở giáo dục đại học thực sự hấp dẫn, thu hút, đòi hỏi các “thủ lĩnh” phải có sự sáng tạo, đổi mới, cập nhật tình hình thực tiễn.

Liên chi đoàn Khoa Điện tử - Viễn thông (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) và Liên chi đoàn Khoa Tiếng Nga (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng) xây dựng khu vui chơi cho trẻ em xã miền núi Phước Gia (Hiệp Đức, Quảng Nam).
Liên chi đoàn Khoa Điện tử - Viễn thông (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) và Liên chi đoàn Khoa Tiếng Nga (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng) xây dựng khu vui chơi cho trẻ em xã miền núi Phước Gia (Hiệp Đức, Quảng Nam).

Chị Nguyễn Thị Kim Ánh – Phó Bí thư Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Đà Nẵng trao đổi với Báo GD&TĐ về kinh nghiệm tổ chức hoạt động Đoàn “đạt” đến tiêu chí giáo dục, định hướng tư tưởng cho đoàn viên, sinh viên. 

- Theo chị, phong trào hoạt động Đoàn, câu lạc bộ (CLB) đội nhóm có vai trò thế nào trong việc giúp SV lĩnh hội kiến thức xã hội, kỹ năng sống…?

- Hiện, hầu hết trường ĐH đều thành lập đội Công tác xã hội (CTXH) với tinh thần luôn đi đầu trong các chương trình tình nguyện, hoạt động nhân đạo, chung sức vì cộng đồng. 

Theo nhận xét của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn khi tuyển dụng nhân sự, SV nào tham gia tích cực hoạt động Đoàn, sinh hoạt đội nhóm, công tác xã hội, tình nguyện… đều có kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng phối hợp, lắng nghe cũng rất tốt. Kỹ năng làm việc nhóm cần thiết cho công việc của một người trong xã hội mới, luôn đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cá nhân trong một hệ thống, không những để học hỏi, phát triển, mà còn đóng góp cho tập thể. 

Học kỹ năng sống cũng giống như học bơi, phải xuống nước mới tập được. Có SV dù học qua các khóa học kỹ năng sống, nhưng để những kiến thức học đã trở thành kỹ năng ứng xử, thành thói quen thì chỉ vài ba buổi thực hành không đủ. Việc tham gia sinh hoạt các CLB đội nhóm, phong trào hoạt động Đoàn chính là cơ hội để tích lũy và hình thành kỹ năng sống cũng như giúp SV tiếp cận với đời sống xã hội, làm giàu thêm các kiến thức xã hội, củng cố kiến thức chuyên môn. 

Chị Nguyễn Thị Kim Ánh – Phó Bí thư Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Đà Nẵng.
Chị Nguyễn Thị Kim Ánh – Phó Bí thư Đoàn, Phó Chủ tịch     Hội Sinh viên ĐH Đà Nẵng. 

- Tuổi trẻ thời nào cũng đầy lửa nhiệt tình, vấn đề còn lại là phải có chất xúc tác để họ thể hiện. Theo chị, làm thế nào để giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ cũng như khơi gợi được ý thức dấn thân, tinh thần vì cộng đồng cho SV?

- Bất kỳ thời đại nào, thanh niên cũng có lý tưởng sống. Tuy nhiên, tùy tình hình cụ thể mà lý tưởng sống của thanh niên ở mỗi kỳ cũng khác nhau. Ngày nay, thế hệ trẻ phải nỗ lực học tập để có kiến thức, kỹ năng, trau dồi đạo đức để có thể lập thân lập nghiệp, cống hiến cho cộng đồng, xã hội. Từ chỗ tự kiếm việc làm cho bản thân, thông qua các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, SV được tạo nền tảng để khi có cơ hội, có thể tạo việc làm cho chính mình, cho người khác và góp phần tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội. 

Tuổi trẻ, dù là thời nào, cũng đều đi liền với sự năng động, sáng tạo và tinh thần cống hiến. Chỉ cần có chất xúc tác, họ sẽ thể hiện được nó. Và điều này tùy thuộc vào khả năng dẫn dắt, khơi gợi của cán bộ Đoàn. Như cách Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng phát động Dự án Green Uni về thay đổi tư duy, thúc đẩy hành động, xây dựng một cộng đồng sống xanh cho sinh viên. Dự án được đông đảo SV hưởng ứng để dần hình thành thói quen tích cực trong cuộc sống như cách sử dụng, tiết kiệm tài nguyên…

Ngoài việc tổ chức cho SV tham gia hoạt động tình nguyện, đội nhóm công tác xã hội, việc các trường ĐH triển khai nhiều phương pháp dạy học thông qua hoạt động thực tiễn, phục vụ cộng đồng là một cách tích hợp giáo dục trách nhiệm xã hội cho SV. 

- Thời gian qua, ĐH Đà Nẵng hướng SV tham gia các hoạt động xã hội và xem đây là một trong những tiêu chuẩn để xét tốt nghiệp, xét học bổng. Chị có thể chia sẻ về hiệu quả của mô hình này? 

- Để tạo động lực, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo trong sinh viên và nâng cao chất lượng về NCKH, công bố quốc tế, Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên ĐH Đà Nẵng đã tham mưu cho ĐH Đà Nẵng có cơ chế để SV, học viên cao học, nghiên cứu sinh có cơ hội đề xuất và thực hiện các công trình NCKH,  ý tưởng về khởi nghiệp và sáng tạo với đầu ra là sản phẩm cụ thể theo quy định ĐH Đà Nẵng được đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học cấp ĐH Đà Nẵng.

Bên cạnh hỗ trợ vật chất, công trình xây dựng và bảo vệ môi trường, tuổi trẻ ĐH Đà Nẵng đã có các phương thức tình nguyện khác nhau tùy theo đặc điểm kinh tế - xã hội ở từng địa phương, như: Chuyển giao mô hình nuôi trùn quế tự động kết hợp xử lý rác thải từ chăn nuôi cho người dân xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang); hỗ trợ giống và công nghệ trồng nấm sò tím cho huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam)... Với các địa phương phát triển du lịch, các tình nguyện viên đã thiết kế website quảng bá mô hình du lịch sinh thái (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng); thực hiện video quảng bá du lịch và thiết kế ấn phẩm du lịch (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam); vẽ bích họa trang trí trên bờ kè chắn sóng (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). 

Hiện Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên Đại học Đà Nẵng và các đơn vị trực thuộc quản lý hơn 65 CLB, đội, nhóm. Các trường đại học thành viên, đơn vị trực thuộc của ĐH Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động ngoại khóa cho SV. Đây là cách giúp đoàn viên, SV nâng cao hơn nữa nhận thức về trách nhiệm xã hội; trang bị kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cho SV có thể thực hiện tốt các hoạt động xã hội, hoạt động ngoại khóa; rèn luyện đoàn viên, SV tính năng động, chủ động trong việc hợp tác, tổ chức và dẫn dắt các hoạt động xã hội ngoại khóa. 

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong duy trì và tổ chức hoạt động của các CLB, đội nhóm là kinh phí gần như phải xã hội hóa hoàn toàn. Trong khi đó, SV phải dành thời gian cho học tập, ít kinh nghiệm và kỹ năng vận động tài trợ. Các CLB, đội nhóm chủ yếu phải dùng tiền từ các hoạt động gây quỹ tự mình tổ chức là chủ yếu. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ