Giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long: Vùng trũng… vươn mình

GD&TĐ - ĐBSCL thời gian dài là “vùng trũng” về giáo dục và đào tạo. Bằng quyết tâm và hành động, nhiều địa phương trong vùng đã bứt phá, vươn lên.

Sinh viên Trường ĐH Cần Thơ thực hành tại phòng thí nghiệm.
Sinh viên Trường ĐH Cần Thơ thực hành tại phòng thí nghiệm.

Quyết tâm và hành động

Trà Vinh, một trong những địa phương khó khăn nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được chia tách từ tỉnh Cửu Long năm 1992. Sau 30 năm tái lập tỉnh, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết: Những ngày đầu tái lập, tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Kinh tế thuần nông, sản xuất công nghiệp nhỏ lẻ, thương mại và dịch vụ kém phát triển; kết cấu hạ tầng cả thành thị và nông thôn yếu kém. Bên cạnh đó, trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực thấp; điều kiện ăn, ở, học hành, đi lại, chữa bệnh, hưởng thụ văn hóa của nhân dân còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo rất cao.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân vừa khắc phục những khó khăn về kinh tế - xã hội, hướng đến mục tiêu sớm đưa Trà Vinh thoát khỏi tỉnh nghèo. Năm 1992, chỉ có gần 1.800 cán bộ, công chức có trình độ đại học, cao đẳng trở lên. Đến nay đã có 2.280 cán bộ, công chức, viên chức có học hàm, học vị là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ; trên 14.300 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đại học và tương đương.

Địa phương cũng có gần 4.700 cán bộ, công chức, viên chức trình độ trung cấp, cao đẳng. Tỉnh đã đưa đi đào tạo, bồi dưỡng trên 141.000 lượt cán bộ, có nhiều người được đưa đi đào tạo ở nước ngoài, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Đến nay 100% trường học ở tỉnh Trà Vinh được kiên cố hóa, có 149/405 trường đạt chuẩn quốc gia; 106/106 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THPT. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ngày càng nâng cao về chất lượng và số lượng, có 99% đạt chuẩn và trên chuẩn.

Trường ĐH Trà Vinh có sự phát triển không ngừng; đang đào tạo 120 chương trình (trong đó, có 10 ngành bậc tiến sĩ; 25 ngành bậc thạc sĩ); là trường có số lượng chương trình đào tạo đạt kiểm định quốc tế cao so với các trường ở khu vực... Đây là nơi đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, góp phần tăng sản phẩm mới, năng suất, chất lượng lao động, thu nhập cho người dân Trà Vinh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ những ngày đầu tái lập tỉnh (năm 1992), Giáo dục tỉnh Vĩnh Long còn nhiều khó khăn. Bám sát quan điểm chỉ đạo của Trung ương, của Bộ GD&ĐT và chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Giáo dục Vĩnh Long đã không ngừng đổi mới và phát triển. Đến nay, diện mạo trường lớp có nhiều thay đổi theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Chất lượng giáo dục được nâng cao, vươn lên trở thành một trong 10 tỉnh có điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT cao nhất cả nước.

Vĩnh Long hiện có 107/107 xã, phường, thị trấn; 8/8 huyện, thị, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 5/8 huyện, thị, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; 3/8 huyện, thị, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Thanh, thiếu niên từ 15 đến 18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS đạt 96,5%; thanh, thiếu niên từ 18 đến 21, có bằng tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT… đạt tỷ lệ 80,45%.

Mạng lưới và quy mô trường học các cấp được mở rộng khắp các địa bàn, toàn tỉnh hiện có 412 trường học mầm non, phổ thông (tăng 69 trường so năm 1992). Ngoài ra, tỉnh còn có 8 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên.

Cơ sở vật chất trường học được củng cố theo hướng chuẩn hóa, đến nay đã xây dựng thay thế toàn bộ các điểm trường bằng tre lá và chuyển sang đầu tư xây dựng kiên cố, bán kiên cố đạt tỷ lệ 99,19%. 100% trường học có nhà vệ sinh, nước sạch sử dụng. Công tác đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được quan tâm, từ năm 1992 đến năm 2000, toàn ngành chỉ đầu tư xây dựng và phát triển được 4 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia; đến nay tỉnh có 254/412 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 61,65%.

Đội ngũ giáo viên tăng về số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 12.780 cán bộ quản lý, giáo viên cấp mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, tăng 6.545 cán bộ quản lý, giáo viên so năm 1992. Số lượng cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 là 89,66%, trên chuẩn tỷ lệ 20,41%…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết: Hai năm qua, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng ngành Giáo dục địa phương vẫn thực hiện được mục tiêu kép, hoàn thành nhiệm vụ năm học cũng như đảm bảo được chất lượng và sự an toàn cho giáo viên, học sinh.

Quy mô hệ thống mạng lưới trường lớp phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, tỷ lệ phòng học kiên cố là 90,91%. Triển khai Chương trình GDPT mới, tỉnh đã chuẩn bị về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kết quả triển khai những năm đầu tiên đạt yêu cầu đề ra…

Trường THCS Châu Hòa, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) xây dựng khang trang.

Trường THCS Châu Hòa, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) xây dựng khang trang.

“Điểm sáng” Đồng Tháp

Đồng Tháp là tỉnh “khuất nẻo” nhưng được đánh giá có chất lượng lao động cao nhất cả nước. Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 được công bố ngày 26/6/2022, về chỉ số đào tạo lao động, Hà Nội đạt cao nhất với 7,64 điểm; còn Đồng Tháp được đánh giá có chất lượng lao động cao nhất cả nước với 80% số lao động đáp ứng được hoàn toàn hoặc một phần nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.

Một số kết quả mà tỉnh Đồng Tháp đạt được sau 5 năm nỗ lực tăng chất lượng nhân lực ở địa phương như: Số lao động qua đào tạo đạt 70% (tăng gần 12% so với năm 2016), trong đó, tỷ lệ qua đào tạo nghề đạt 50% (tăng 8%). Số lao động nông thôn được đào tạo nghề nông nghiệp (dưới 3 tháng) là hơn 9.300 người, trong đó xấp xỉ 7.700 người đã học xong và được cấp chứng chỉ, người có việc làm đạt hơn 99%.

Mạng lưới giáo dục nghề nghiệp được phân bổ đều ở các địa phương trong tỉnh, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo được đầu tư đảm bảo. Từ năm 2016 đến nay, việc đào tạo lao động đi làm việc nước ngoài hiệu quả rất cao; tỷ lệ học sinh, sinh viên học trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm đạt khoảng 85%. Đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỷ lệ lao động có việc làm ở mức 80%.

Theo ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, xác định con người là trung tâm của mọi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Đồng Tháp, tạo động lực cho sự phát triển, đồng thời “đắp nền” cho giai đoạn mới.

Với thông điệp “đi làm thuê về làm chủ”, những năm gần đây, Đồng Tháp vươn lên thực hiện có hiệu quả chương trình đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tiếp tục đề ra mục tiêu đưa 7.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, phấn đấu hàng năm có ít nhất 1.500 lao động xuất cảnh, chủ yếu ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, gần đây đưa một số lao động sang các nước châu Âu…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.