Giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long:

Để miền Tây 'hóa rồng'

GD&TĐ - Làm gì để thoát khỏi “vùng trũng” về GD-ĐT đang là vấn đề được các chuyên gia, nhà quản lý ở Đồng bằng sông Cửu Long quan tâm.

Học sinh Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ) ngày khai giảng.
Học sinh Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ) ngày khai giảng.

Nhận diện điểm nghẽn, có giải pháp tháo gỡ là chìa khóa quan trọng để miền Tây “hóa rồng”.

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Tầm sư, thầy giỏi có trò giỏi

Giáo sư Võ Tòng Xuân.

Giáo sư Võ Tòng Xuân.

Tôi có nhiều dịp nghiên cứu quá trình phát triển giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới, từ Âu Mỹ đến châu Phi, thấy được cách nào đã làm cho nguồn nhân lực của một nước được đào tạo thành nhân tài góp phần tích cực vào phát triển đất nước. Bản thân cũng được đào tạo từ hệ thống giáo dục của Philippines và Nhật Bản, thấy được rõ ràng hơn những cách làm rất hiệu quả của các quốc gia này.

Sự phồn vinh của Singapore nói riêng và của các “con rồng châu Á” khác nói chung, kể cả Nhật Bản, đều bắt nguồn từ những người thầy đến từ châu Âu và Mỹ. Những người thầy này, từ thuở sơ khai đã được mời sang Singapore để thiết kế, xây dựng các trường đại học; được mời ở lại dạy học và mua hàng hóa của họ, giúp họ làm giàu. Đã đến lúc Việt Nam phải thấy thực tế đó, cần học trực tiếp từ thầy hơn là lẽo đẽo theo chân học trò để học lại. Cũng không chắc gì các học trò đó lại dạy hết cho chúng ta.

Quan trọng là phải đầu tư thích đáng cơ sở vật chất cho một số trường đại học trọng điểm: Gửi giảng viên và nghiên cứu sinh của các trường đi học ở các nước Âu, Mỹ. Bên cạnh đó, cần liên kết với các trường nổi tiếng của Mỹ, châu Âu và mời giáo sư của họ sang Việt Nam giúp cải tiến chương trình giảng dạy, nghiên cứu mảng chúng ta đang yếu.

Kế đến là đầu tư cơ sở vật chất cho trường học: “Giáo viên đổi mới” khi dạy theo “chương trình học đổi mới” cần được hỗ trợ bởi các phòng học khang trang, phòng thực tập đủ trang thiết bị, thư viện đủ sách báo và máy vi tính nối mạng Internet. Sang thời kỳ giáo dục đổi mới, chúng ta phải chấm dứt nạn dạy chay học chay, thư viện nghèo nàn...

Cần quan tâm đến vai trò của nhà trường trong công tác đào tạo nhân lực, chủ thể chính là đội ngũ nhà giáo. Chương trình đào tạo giáo viên giáo dục phổ thông của chúng ta đang ở trình độ phổ biến, chưa đồng đều. Vì trình độ chuyên môn và kỹ năng dạy của nhà giáo chưa đạt, kết hợp với sự cố gắng của học sinh còn yếu đã đưa học sinh phổ thông từ chỗ lưu ban đến ngồi nhầm lớp! Bây giờ, dạy học theo chương trình mới, gần như tất cả môn học sẽ đổi mới về nội dung kiến thức và phương pháp. Với trình độ giáo viên tốt nghiệp từ các trường sư phạm dạy theo chương trình cũ thì khó “kham” nổi chương trình mới.

Phải thẳng thắn nhìn nhận chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông của ta hiện nay để thiết kế lại chương trình đào tạo giáo viên sao cho mỗi giáo viên tốt nghiệp Chương trình đào tạo giáo viên mới phải đạt trình độ cơ bản chuẩn về tiếng Việt và tiếng Anh (hoặc Ngoại ngữ 1 khác) để dạy song ngữ, và các môn học mới thiết kế bởi Chương trình giáo dục phổ thông đã soạn thảo.

Ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: Cần tầm nhìn xa cho 5 năm, 10 năm

Ông Nguyễn Minh Luân (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau).

Ông Nguyễn Minh Luân (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau).

Vấn đề đầu tiên là phải khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là những môn còn thiếu trầm trọng ở cấp tiểu học, như Ngoại ngữ, Mỹ thuật, Tin học, Âm nhạc… Ở cấp trung học là Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Quốc phòng - An ninh và các môn tổ hợp đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngay cấp học mầm non cũng rất thiếu.

Tôi nghĩ, từng địa phương cần có chính sách đặt hàng, gắn liền với rà soát nhu cầu trước mắt và cho năm, mười năm tới. Chính sách đặt hàng nếu chúng ta làm tốt chắc chắn sẽ thu hút được học sinh giỏi đi theo nghề sư phạm. Việc này, Bộ GD&ĐT chỉ tạo cơ chế, không nên giữ vai trò điều phối; cứ giao cho địa phương và trường đại học tự phối hợp thực hiện.

Vấn đề nổi lên gần đây là nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ở các địa phương trong vùng thiếu trầm trọng; cả về số lượng và người đảm đương được công việc. Điều này không chỉ ở khu vực công, mà ngay cả khu vực tư cũng thiếu rất nhiều. Việc gì cũng vậy, điều kiện tiên quyết vẫn là con người và chuyển đổi số yêu cầu đó càng cao và cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhân lực số nhất định phải được các nhà hoạch định tính toán và có giải pháp mạnh mẽ để cả vùng không vấp phải những sai lầm tương tự và không bị thua ngay trên “sân nhà”.

Về giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trước tiên tập trung nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng lao động; gắn chiến lược phát triển nhân lực với kinh tế - xã hội. Tiếp đó, tiếp tục khuyến khích lao động tự học; cuối cùng làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài và xây dựng xã hội học tập cũng như mở rộng liên kết đào tạo trong nước và tăng cường hợp tác quốc tế…

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ: Nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên theo lộ trình

Ông Nguyễn Thực Hiện (Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ).

Ông Nguyễn Thực Hiện (Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ).

Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và thu hút nhân tài cho TP Cần Thơ là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Để đẩy nhanh phát triển nguồn nhân lực cho thành phố, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 09 ngày 29/12/2021 về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.

Nghị quyết đã đánh giá cụ thể tình hình, thách thức, khó khăn, hạn chế và nguyên nhân… và đề ra mục tiêu, giải pháp phù hợp với bối cảnh, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố.

UBND thành phố đã ban hành Chương trình số 07 ngày 1/4/2022 triển khai Nghị quyết số 09. Trong đó đối với lĩnh vực GD-ĐT, thành phố xác định mục tiêu nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS theo lộ trình Nghị định số 71/2020 của Chính phủ; phấn đấu có từ 5% giảng viên các trường cao đẳng và 20% giảng viên trường đại học đạt trình độ tiến sĩ trở lên...

Để gỡ “điểm nghẽn” nguồn nhân lực, thành phố tăng cường rà soát những bất cập về chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý để đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Nghiên cứu, tham mưu, xây dựng và ban hành chính sách thu hút và hỗ trợ đặc thù của địa phương cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Thực hiện tốt chế độ chính sách đối với giáo viên, nhất là chính sách tiền lương, tạo tiền đề cho đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, cống hiến cho ngành. Tiếp tục đầu tư kinh phí, trang bị phương tiện, điều kiện làm việc cho đội ngũ nhà giáo theo hướng hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; đào tạo văn bằng hai, đào tạo liên thông hoặc bồi dưỡng chuyển đổi môn học để bổ sung giáo viên cho những môn còn thiếu, môn đặc thù; gắn việc thực hiện trách nhiệm của giáo viên với quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để động viên, khích lệ đội ngũ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ