Nhận diện 'điểm nghẽn' giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long

GD&TĐ - Dù đã nỗ lực, song Đồng bằng sông Cửu Long chỉ mới thoát “trũng” về GD-ĐT. 

Điểm lẻ Trường Tiểu học ở huyện U Minh (Cà Mau) có 2 phòng học đã xuống cấp. Nhưng xóa điểm lẻ thì học sinh nhà xa bỏ học.
Điểm lẻ Trường Tiểu học ở huyện U Minh (Cà Mau) có 2 phòng học đã xuống cấp. Nhưng xóa điểm lẻ thì học sinh nhà xa bỏ học.

Trước mắt vẫn còn thách thức; trong đó “điểm nghẽn” hàng đầu là chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất.

Điểm nghẽn nhân lực

Phát biểu tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030 diễn ra vào tháng 6/2022 tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ nếu lấy con người là trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu; là nguồn lực cho sự phát triển thì đây cũng là điểm nghẽn lớn nhất.

Đặc biệt là vấn đề nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; nhất là đào tạo đội ngũ cán bộ các cấp năng động, sáng tạo, tự tin, tận tụy còn nhiều trăn trở… Một trong những nguyên nhân chính cản trở tiến trình “hóa rồng” của miền Tây Nam Bộ là “điểm nghẽn” về nhân lực mà trong thời gian tới, các cấp, các ngành phải tập trung tháo gỡ.

Mặc dù đã cố gắng trong phát triển kinh tế, quan tâm tới các vấn đề xã hội, trong đó có GD-ĐT, tuy nhiên giáo dục vùng vẫn còn nhiều khó khăn. Đến hết năm 2020, tỷ lệ lao động khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã qua đào tạo có chứng chỉ chiếm hơn 15%, thấp hơn nhiều so với trung bình chung cả nước là 24,5%.

Tại Hội nghị về nhân lực khu vực công cho Đồng bằng sông Cửu Long do Trường Đại học Kinh tế TPHCM tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long cuối tháng 8/2022, GS.TS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM, nêu số liệu giai đoạn 2015 - 2020 cho thấy tổng số cán bộ có trình độ đại học trở lên ở vùng chỉ chiếm chừng 31%, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình cả nước là 48,1%.

Toàn vùng có 17 trường đại học (6 trường ngoài công lập), 26 trường cao đẳng, 62 cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp chủ yếu đào tạo về kỹ thuật, kinh doanh, quản trị, nông nghiệp, du lịch, môi trường… nhưng phần lớn phục vụ cho khu vực tư. “Với bức tranh hiện nay, chúng ta có thể thấy công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công vẫn còn khoảng trống”, GS.TS Sử Đình Thành nhận định.

Chia sẻ về “điểm nghẽn” GD-ĐT, ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - người có nhiều năm công tác trong ngành Giáo dục, nhìn nhận: “Xuất phát điểm giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long thấp, ngoài yếu tố có tính lịch sử, vấn đề căn cốt của vùng là thời gian qua chưa làm tốt công tác đánh giá cơ cấu, phân bổ nguồn nhân lực để có quy hoạch, điều chỉnh đáp ứng kịp thời cho phát triển kinh tế và sự tiến bộ của xã hội…”.

Nguồn nhân lực tỉnh Long An so với mặt bằng chung của vùng có tỷ lệ khá cao, với 75% công chức, viên chức có trình độ đại học trở lên. Tuy nhiên, nhân lực chất lượng cao khu vực công vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Từ năm 2005, tỉnh Long An có chương trình đào tạo nguồn nhân lực trong khu vực công.

Tuy nhiên, cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học còn thấp, số lượng có trình độ tiến sĩ chỉ chiếm 0,03% và thạc sĩ chỉ 5%. Tỉnh còn thiếu cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi cũng như nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực; tính chuyên nghiệp, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế hạn chế...

Tỉnh Tiền Giang dù đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch liên quan đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực công, song thực tế vẫn thiếu cán bộ đầu ngành có trình độ, năng lực và chuyên môn giỏi. Theo ông Nguyễn Đình Thông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang, năm 2008, tỉnh có 13 tiến sĩ, 334 thạc sĩ và 9.188 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đại học. Tuy nhiên, đến tháng 6/2022, tỉnh cũng chỉ tăng lên được 49 tiến sĩ, 1.555 thạc sĩ và 15.831 người có trình độ đại học.

Một trong những nguyên nhân chính cản trở tiến trình “hóa rồng” của miền Tây Nam Bộ là “điểm nghẽn” về nhân lực. Trong ảnh sinh viên Khoa Nông nghiệp Trường ĐH Cần Thơ thực nghiệm.

Một trong những nguyên nhân chính cản trở tiến trình “hóa rồng” của miền Tây Nam Bộ là “điểm nghẽn” về nhân lực. Trong ảnh sinh viên Khoa Nông nghiệp Trường ĐH Cần Thơ thực nghiệm.

Cơ sở vật chất gặp khó

Một số nguyên nhân dẫn tới hạn chế trong phát triển giáo dục của Đồng bằng sông Cửu Long là chi ngân sách địa phương cho giáo dục còn thấp. Cơ cấu chi bất hợp lý, mầm non ít, bậc phổ thông, đặc biệt trung học khá hơn… Thực tế từ Giáo dục địa phương, bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang, cho hay: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh An Giang nói riêng chỉ mới thoát “trũng” về GD-ĐT. Nguyên nhân do xuất phát điểm thấp về mặt bằng dân trí, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn cộng với một bộ phận người dân sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi quan niệm cũ, ít quan tâm đầu tư cho con em học hành.

Do đó, công tác GD-ĐT thời gian qua có nhiều điểm rào cản hơn so với một số vùng trong cả nước. Trong đó, 2 nội dung quan trọng mang tính chất quyết định là yếu tố nguồn lực và cơ sở vật chất phục vụ cho đổi mới - đây chính là thách thức lớn đối với An Giang.

Bà Trần Thị Ngọc Diễm dẫn chứng: Mặc dù cơ sở vật chất, trường học đã được địa phương đặc biệt quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, sự gia tăng quy mô học sinh. Nhiều đơn vị chưa đủ phòng học để tổ chức dạy 2 buổi/ngày, nhất là mầm non và tiểu học khi thực hiện Chương trình GDPT 2018. Phương tiện dạy học, sân chơi, bãi tập ở một số trường chưa đáp ứng được yêu cầu; nhiều công trình, phòng học cùng thiết bị được đầu tư trước đây đã xuống cấp.

Một số điểm trường, vùng khó khăn thiếu nhà vệ sinh đạt chuẩn, trong khi nguồn ngân sách được cấp cho ngành còn hạn hẹp. Do thiếu kinh phí đầu tư thiết bị dạy học, xây dựng trường, lớp theo kế hoạch, cơ sở vật chất cho ngành học mầm non hiện tại vẫn chỉ cơ bản đảm bảo cho phổ cập mầm non 5 tuổi; trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi ra lớp chỉ ở mức 10%, nhà trẻ khoảng 5 - 7% số trẻ trong độ tuổi.

Để bảo đảm tối thiểu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ Chương trình GDPT mới giai đoạn 2021 - 2025, ngành Giáo dục An Giang đã tổ chức rà soát sơ bộ nhu cầu từ mầm non đến phổ thông với kinh phí gần 7 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, khả năng cân đối ngân sách của tỉnh giai đoạn 1 chỉ bố trí được khoảng 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách để thực hiện đầu tư phòng học, phòng học bộ môn Tin học cho cấp tiểu học giai đoạn 2021 - 2025.

Nếu trong giai đoạn thực hiện chương trình, ngoài nguồn nêu trên, không được bổ sung thêm, An Giang sẽ gặp nhiều khó khăn để giúp học sinh có cơ hội thụ hưởng những điều kiện giáo dục mới, đặc biệt là học sinh vùng nông thôn.

Theo đại diện Sở GD&ĐT Tiền Giang, qua thống kê đầu năm học, toàn tỉnh có 517 cơ sở giáo dục từ bậc học mầm non đến THPT, trong đó có 8.164 phòng học (7.403 phòng học kiên cố, chiếm tỷ lệ 90,7% so với tổng số phòng). Bên cạnh những thuận lợi thì thực trạng cơ sở vật chất trường lớp vẫn còn không ít khó khăn, như: Một số địa phương còn nhiều phòng học xuống cấp, chưa được xây dựng mới. Nhiều điểm trường do thiếu phòng học nên không có điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; một số trường còn thiếu diện tích đất, thiếu phòng chức năng, phòng hành chính quản trị, bàn, ghế cũ, hư hỏng...

Một khó khăn đặc thù của địa hình sông nước là kênh rạch chằng chịt, khiến miền Tây Nam Bộ có số điểm trường nhiều nhất cả nước và là khu vực duy nhất có điểm trường ở cả bậc THPT. Bài toán sắp xếp trường lớp là đòi hỏi cấp thiết với khu vực này để nâng cao chất lượng giáo dục…

“Những điểm nghẽn của giáo dục như việc phân bổ nguồn lực đầu tư còn hạn chế, thiếu đồng bộ, giải pháp chưa đủ mạnh. Đối với nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách thì thiếu định hướng, thông tin; đưa ra khuyến cáo không kịp thời… Mặc dù, chúng ta rất cố gắng, nhiều chính sách an sinh xã hội được triển khai, nhưng tác dụng và hiệu quả chưa được như mong muốn”, ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh.

Dòng người từ TPHCM đổ về quê trong thời gian xảy ra dịch Covid-19.

Dòng người từ TPHCM đổ về quê trong thời gian xảy ra dịch Covid-19.

Chảy máu chất xám

Tại tỉnh Bạc Liêu, song song với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đương nhiệm, tỉnh mạnh dạn triển khai chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác. Trong 10 năm thực hiện, Bạc Liêu đã dành 75 tỷ đồng để chi trả các chế độ chính sách nhằm đưa trí thức trẻ về công tác ở xã, phường. Tuy nhiên, qua thời gian, đội ngũ trí thức trẻ về cơ sở vì nhiều nguyên nhân nên hao hụt rất nhiều. Đến nay, mặc dù liên tục thực hiện nhiều chủ trương đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ở các nhiệm kỳ, nhưng theo thống kê thì trên 10.000 cán bộ của tỉnh có trình độ từ đại học trở lên cũng chỉ có 27 tiến sĩ; 750 thạc sĩ và 40 bác sĩ chuyên khoa II.

Trong khi nguồn nhân lực tại chỗ vừa thiếu vừa yếu thì vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn phải đối mặt với hiện tượng chảy máu chất xám trầm trọng. PGS Đàm Sao Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, thông tin: Nhiều sinh viên ở miền Tây sau khi học xong không muốn trở về quê với suy nghĩ ở lại Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều cơ hội, thu nhập tốt hơn.

Vấn đề này đang đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải có chiến lược đào tạo cho toàn vùng để vừa thu hút nhân lực trình độ cao trở về quê hương, vừa tăng cường đào tạo đối với những nhân lực trẻ ở tại địa phương trong quá trình khởi nghiệp, giúp họ thuận lợi phát triển kinh tế ngay tại quê hương.

Trong “Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright thực hiện. Thống kê cho thấy có hơn 1,1 triệu người đã di cư trong một thập niên qua (chủ yếu là đến TP Hồ Chí Minh). Trung bình mỗi năm 100 nghìn người rời khỏi vùng.

Theo chia sẻ của lãnh đạo địa phương và ngành Giáo dục, vấn đề đặt ra là phải nâng trũng, vun cao cho giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng làm cách nào thì cần phải được phân tích kỹ, thấu đáo, tìm ra nút thắt khách quan và chủ quan. Nếu không quyết tâm hóa giải những hạn chế của giáo dục thì khoảng cách giữa điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và cung cấp nguồn nhân lực sẽ ngày càng xa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ