“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng
Đóng chân trên địa bàn được coi là cái nôi của cách mạng, trường THCS xã Mường Kim đã lựa chọn Nhà văn hóa Bản Lướt là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh. Từ các bài giảng trên lớp đến các minh chứng rõ ràng, học sinh được tận mắt chứng kiến những di tích lịch sử ông cha đã để lại.
Thầy Cao Mạnh Hùng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Để đảm bảo cảnh quan và góp phần giữ gìn di tích, Trường THCS xã Mường Kim đã xây dựng kế hoạch, xin ý kiến chỉ đạo của chính quyền địa phương và phối hợp với các tổ chức đoàn thể thực hiện việc chăm sóc, vệ sinh khu vực nhà văn hóa Bản Lướt. Qua đó, giáo dục mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn di tích lich sử chung”.
Theo đó, vào các dịp kỷ niệm hàng năm, nhà trường đã tổ chức cho học sinh tham quan, quét dọn và dâng hương tại Nhà văn hóa Bản Lướt.
Bản Lướt là cái nôi khai sinh và nuôi dưỡng Ban cán sự Ðảng Lai Châu, tiền thân của Ðảng bộ tỉnh Lai Châu và Điện Biên bây giờ. Tại Nhà Văn hóa bản, học sinh được tham quan và tìm hiểu về lịch sử Đảng bộ tỉnh Lai Châu. Đồng thời tìm hiểu về lãnh đạo Đảng bộ tỉnh Lai Châu qua mỗi nhiệm kì và hình ảnh các kì đại hội Đảng bộ tỉnh.
Em Hoàng Thị Vinh, học sinh lớp 9A7 chia sẻ: “Em rất tự hào khi được các già làng ở đây kể về những ngày bộ đội về bản lập căn cứ, hoạt động cách mạng bí mật. Lúc ấy, dân bản đã đoàn kết che giấu, mang lương thực, thực phẩm tiếp tế cho cán bộ. Rồi đến việc ra đời Ban Cán sự Ðảng Lai Châu, trong đó có cả đảng viên lớp đầu của Chi bộ Mường Kim tham gia hoạt động cách mạng”.
“Học bài học lịch sử qua di tích lịch sử giúp thế hệ trẻ thêm hiểu và trân trọng truyền thống đấu tranh anh hùng. Từ đó, hình thành ý thức trách nhiêm trong việc gìn giữ và trân trọng các di tích cách mạng trong cuộc sống. Từ đó, góp phần bồi đắp tình yêu nước, nuôi dưỡng tinh thần dân tộc và ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ” – thầy Hùng chia sẻ.
Từ những điều gian đơn
Như thường lệ, mỗi thứ 2 hàng tuần, học sinh trường THCS xã Mường Kim, huyện Than Uyên đều rạng rỡ trong những bộ trang phục truyền thống của dân tộc. Quy định về mặc trang phục dân tộc của trường đã có từ lâu. Và cho đến nay, chẳng cần phải nhắc nhở, quy định ấy đã trở thành thói quen của mỗi học sinh trong trường.
Theo thầy Cao Mạnh Hùng, với mục tiêu xây dựng môi trường học tập thân thiện và gìn giữ nét đẹp văn hóa vốn có, những năm qua, nhà trường đã duy trì hoạt động mặc trang phục dân tộc. Qua đó, giúp các em có thêm hiểu biết, trân trọng và tự hào về nét đẹp của dân tộc mình.
Được biết, trường THCS Mường Kim hiện có 1.052 học sinh, đa số đều là con em dân tộc Thái. Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa văn nghệ dân gian của trường đã được thành lập với mục đích gìn giữ nét đẹp trong văn hóa dân tộc.
Em Hoàng Thị Thu Hằng, học sinh lớp 6A6 chia sẻ: “Nhà trường thường mời các nghệ nhân ở trong huyện đến để dạy thầy cô và chúng em những điệu múa, bài hát dân gian, mang đậm nét văn hóa dân tộc. Từ đó, em hiểu thêm được những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình”.
Cũng theo Hiệu trưởng trường THCS Mường Kim, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được nhà trường triển khai dưới nhiều hình thức và xuyên suốt cả năm học. Nhà trường đã lồng ghép việc giáo dục cho học sinh với các hoạt động ngoài giờ lên lớp và kết hợp với môn học như: Giáo dục công dân, Hoạt động trải nghiệm.
Thông qua các giờ chào cờ đầu tuần, nhà trường thường tổ chức tuyên truyền pháp luật cho học sinh bằng cách “sân khấu hóa”, xây dựng các tiểu phẩm nhỏ. Nội dung các tiểu phẩm liên quan đến vấn đề mà trường tuyên truyền: Bảo vệ môi trường, bạo lực học đường, giới tính, Luật An toàn giao thông…
“Những hoạt động này nhằm đổi mới phương pháp và hình thức dạy học cho học sinh theo hướng trải nghiệm nhằm phát triển phẩm chất, năng lực. Bên cạnh đó, xây dựng môi trường học đường thân thiện, hiệu quả cho học sinh” – thầy Hùng cho biết.
Còn cô Nguyễn Thị Thanh Thủy, giáo viên môn Hoạt động trải nghiệm, trường THCS Mường Kim chia sẻ: “Không phải điều gì đó lớn lao, chúng tôi giáo dục học sinh từ các việc làm nhỏ. Thông qua các hoạt động trải nghiệm, nhân ái, tôi muốn giáo dục học sinh phải có những việc làm, hành động thể hiện sự lễ phép, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái…”.
Cô Thủy cũng bày tỏ, từ những điều giản đơn trong cuộc sống hằng ngày, học sinh hiểu được giá trị của những phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Từ đó, các em có những hành vi đẹp trong cuộc sống là điều mà thầy, cô nhà trường mong muốn nhất.