Lai Châu: Linh hoạt các hình thức giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh

GD&TĐ - Nhiều năm qua, ngành GD&ĐT Lai Châu đặc biệt chú trọng đến việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Toàn ngành đã linh hoạt vận dụng nhiều giải pháp với mong muốn giúp các em có nền tảng đạo đức tốt.

Tiết học vui của học sinh trường Tiểu học Thị trấn Tam Đường.
Tiết học vui của học sinh trường Tiểu học Thị trấn Tam Đường.

Giáo viên chủ nhiệm là "nòng cốt"

Thầy Cao Hồng Thanh, Hiệu trưởng Trường phổ thông DTBT THCS Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn cho biết: “Công tác chủ nhiệm lớp đóng vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh. Giáo viên chủ nhiệm là người trực tiếp theo dõi học sinh trong quá trình học tập và rèn luyện để uốn nắn, nhắc nhở các em kịp thời. Đồng thời, còn là người nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh, biết rõ về điều kiện và hoàn cảnh của từng em để có biện pháp giáo dục phù hợp”.

Cũng theo thầy Thanh, cần đề cao vai trò trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm bởi vì họ chịu trách nhiệm về toàn bộ các mặt hoạt động của lớp và là cầu nối tin cậy nhất giữa nhà trường và phụ huynh.

“Là giáo viên chủ nhiệm lớp như chúng tôi thì vừa phải có tinh thần trách nhiệm, tình thương yêu với trò song vẫn phải nghiêm khắc, công bằng. Ngoài ra, cũng cần phải linh hoạt với những em có hoàn cảnh khó khăn. Với học sinh cá biệt cũng vậy”, cô Lường Thị Hỏa, giáo viên Trường phổ thông DTBT THCS Nậm Pì chia sẻ.

Cô Nguyễn Thanh Hương - Hiệu trưởng trường Tiểu học số 2 thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên cho biết: “Trong lớp học, giáo viên chủ nhiệm là tấm gương để học sinh noi theo. Mọi hành động, suy nghĩ, ứng xử của giáo viên sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến học sinh. Bởi thế, khi đến trường, lên lớp, giáo viên phải có những tác phong tốt để làm gương cho học trò”.

Theo cô Hương, giáo viên là người truyền cảm hứng cho học sinh qua mỗi bài giảng. Để có được điều đó, họ cần có sự đầu tư kỹ lưỡng với mỗi bài giảng chứ không phải lên lớp theo kiểu tùy cơ ứng biến. Người dạy tận tâm bao nhiêu thì người học sẽ ghi nhận và nỗ lực bấy nhiêu. 

Trường Tiểu học số 2 thị trấn Tân Uyên
Trường Tiểu học số 2 thị trấn Tân Uyên.

Giáo dục thông qua các môn học

Những năm qua, ngành GD&ĐT Lai Châu đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Hoạt động này thông qua các môn học với quan điểm thiết thực, hiệu quả. Đặc biệt là trong môn Đạo đức, Giáo dục công dân và những hoạt động trải nghiệm…

Cô Bùi Thị Mai Hương (Tổng phụ trách đội – Trường Tiểu học Thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường) chia sẻ: Trong các buổi sinh hoạt Đội, Đoàn, các em rất hứng thú tham gia vì mang tính tập thể cao, học sinh gần gũi, đoàn kết cùng nhau tham gia hoạt động. Mỗi buổi sinh hoạt Đội – Sao nhi đồng là các em được giao lưu, học hỏi được nhiều điều hay, biết phân biệt đúng - sai, cái hay, cái tốt. Các em được rèn kĩ năng giao tiếp, ứng xử. Từ đó, học sinh tự tin, mạnh dạn hơn và có trách nhiệm trong công việc cũng như trong các hoạt động giáo dục”.

“Trong tiết học Đạo đức, giáo viên thường xuyên cho học sinh liên hệ thực tế. Mục đích là để học sinh kể lại những việc mà mình đã làm được, sau đó cả lớp trao đổi, bàn bạc. Đây là cách giáo dục hiệu quả, nêu cao tính tự giác cho trò”, cô Phan Thị Nga, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phúc Khoa , huyện Tân Uyên nói.

Thầy Đào Văn Chiến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Than, huyện Than Uyên cho biết: “Ngoài việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ học tập trên lớp, chúng tôi đã chú trọng dạy học theo hướng trải nghiệm, để học sinh được tham quan những di tích lịch sử ở địa phương, tạo cho các em vui để học, học mà vui. Đây cũng là hình thức giáo dục đạt hiệu quả rất cao, vì học sinh được học tập trong môi trường rất thoải mái”.

Hoạt động trải nghiệm
Thông qua hoạt động trải nghiệm, học sinh được học mà vui, vui mà học.

Gia đình – nhà trường – xã hội

Ông Vũ Trường Tới, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Uyên nói: “Những phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của học sinh được hình thành và phát triển trong các môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội. Trong mối quan hệ đó, nhà trường được xem là trung tâm, chủ động, định hướng trong việc phối hợp, huy động sức mạnh giáo dục từ phía gia đình và xã hội”.

“Với chúng tôi thì nhà trường thường xuyên trao đổi với gia đình về tình hình học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của học sinh. Từ đó, cùng bàn bạc với cha mẹ học sinh để có giải pháp tốt nhằm giáo dục phẩm chất, đạo đức cho học sinh”, cô Phan Thị Nga (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phúc Khoa) nói.

Cũng theo cô Nga, việc phối kết hợp giữa nhà trường, các đoàn thể với cha mẹ học sinh phải tiến hành thường xuyên, liên tục. Quá trình phối kết hợp phải đảm bảo hài hòa và linh hoạt. Từ đó, tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp, hiệu quả.

Cô Nguyễn Thanh Hương - Hiệu trưởng trường Tiểu học số 2 thị trấn Tân Uyên bộc bạch: “Vào đầu năm học,  phối hợp với các tổ chức đoàn thể của địa phương như: Hội đồng Đội, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc xã… cùng cam kết giáo dục học sinh. Phối hợp trong phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Cần có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội
Cần có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh.

“Các trường trên địa bàn đều xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa phù hợp với tình hình, đặc điểm của đơn vị. Thông qua việc thực hiện quy tắc ứng xử, giáo viên, cán bộ, nhân viên đã tạo được sự gần gũi đối với học sinh. Đồng thời, thực hiện nếp sống cởi mở, trách nhiệm, trung thực, dân chủ, đúng mực trong giao tiếp với cha mẹ học sinh, đồng nghiệp, khách đến trường” – ông Vũ Trường Tới chia sẻ.

Cũng theo ông Tới, đơn vị này cũng chỉ đạo các trường thường xuyên nắm bắt tâm tư của từng đối tượng học sinh. Định kỳ tổ chức hoạt động đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường, cán bộ, nhà giáo với học sinh thông qua các hình thức phù hợp. Từ đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh để kịp thời xử lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ