Giáo dục đại học đạt nhiều kết quả quan trọng trong điều kiện dịch bệnh

GD&TĐ - Sáng 24/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Giáo dục đại học năm 2021. Hội nghị trực tuyến với điểm cầu tại Bộ GD&ĐT kết nối khoảng 500 điểm cầu tại các trường đại học và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội nghị.

Nhiều nỗ lực trong bối cảnh đặc biệt

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, cho biết: Năm học 2020-2021 là năm có nhiều sự kiện đặc biệt, diễn ra trong bối cảnh toàn quốc chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và Kết luận 51-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030; năm học thứ 2 thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, và một số văn bản quy phạm pháp luật khác.

Đây cũng là năm thứ 2 toàn ngành Giáo dục triển khai nhiệm vụ năm học trong điều kiện hết sức đặc biệt, rất khó khăn do đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh đó, hệ thống giáo dục đại học không những ứng phó tốt với dịch bệnh mà còn chủ động, tích cực cùng các địa phương trong cả nước thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Thực hiện chuyển nhanh sang giảng dạy và học tập trực tuyến, tổ chức linh hoạt việc đào tạo, đánh giá kết quả học tập, theo Thứ trưởng, đến thời điểm này, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đã hoàn thành nhiệm vụ năm học, trong đó có tham gia công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Riêng một số trường khu vực miền Trung, miền Nam đang gặp rất nhiều khó khăn; 1 số trường thuộc khối y dược, công an, quân đội đang thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các tỉnh phía Nam nên chưa thể kết thúc năm học.

Chia sẻ khó khăn, thách thức với các nhà trường, địa phương, thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng ghi nhận những đóng góp của các cơ sở giáo dục đại học trong thực hiện mục tiêu “kép”: Vừa thực hiện nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao; vừa tham gia công tác phòng chống dịch; trong đó đặc biệt ghi nhận nỗ lực của các trường khối y dược, công an, quân đội.

Năm 2020-2021, Thứ trưởng cũng cho biết, với đa số các cơ sở giáo dục đại học công lập còn là năm đầu tiên của nhiệm kỳ lãnh đạo mới. Các trường đã rất nỗ lực trong xây dựng mô hình quản trị nhà trường - mô hình quản trị hoàn toàn mới; thực hiện tự chủ và trách nhiệm giải trình trong mọi hoạt động, từ tài chính, tổ chức nhân sự… theo đúng quy định của pháp luật.

“Khó khăn, thách thức là rất lớn, khối lượng công việc khổng lồ, nhưng phần lớn các cơ sở đều chủ động và triển khai tốt; tập thể lãnh đạo đoàn kết, phát huy dân chủ và sức mạnh nội lực, đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong nhiều hoạt động tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu và đóng góp với xã hội. Bên cạnh đó, cũng còn cơ sở tỏ ra lúng túng, thậm chí còn có những quan điểm, nhận thức chệch hướng.” - Thứ trưởng nhận định.

Về phía Bộ GD&ĐT đã nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật với tư duy đổi mới trong quản lý nhà nước về GD-ĐT. Đến nay, hầu hết các văn bản quan trọng đã được ban hành và sẽ được ban hành sớm ngay trước thềm năm học mới.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng đề nghị cần nhìn nhận, đánh giá đúng, thực chất; ghi  nhận những kết quả, thành tựu đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời nêu rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc; phân tích và chỉ rõ nguyên nhân trong quá trình thực hiện. Trên cơ sở đó, xác định rõ phương phướng và quán triệt triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm học 2021-2022 và những định hướng lớn trong năm tới.

Môt số vấn đề cần tập trung thảo luận được Thứ trưởng gợi ý. Trong đó việc đầu tiên làm thế nào để có chương trình hành động để thực hiện nhiệm vụ cụ thể triển khai các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ trong giai đoạn mới, bối cảnh mới?

Thứ 2: Tự chủ đại học vẫn đang ở trong thời kỳ quá độ; chúng ta đang triển khai, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. Với các nhà trường thì nỗ lực xây dựng những văn bản quy định nội bộ của trường và kiện toàn các vị trí lãnh đạo chủ chốt; triển khai các văn bản quy phạm pháp luật mới, đặc biệt những quy chế liên quan đến tuyển sinh, đào tạo và những quy định về cán bộ, giảng viên, tài chính… Có rất nhiều khó khăn vì tự chủ đại học là vấn đề mới với nhiều cơ sở giáo dục đại học.

Thứ 3: Chúng ta đang đứng trước giai đoạn mới, trong bối cảnh mới. Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa xác định rõ thời điểm nào sẽ kết thúc. Do đó, cần xác định những nhiệm vụ, giải pháp đột phá, quyết liệt chuyển trạng thái của ngành GD-ĐT nói chung, hệ thống giáo dục đại học nói riêng, để phù hợp, thích ứng trong bối cảnh mới, đưa hệ thống giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là một trong những động lực then chốt để phát triển kinh tế xã hội của đất nước, như Nghị quyết của Đảng đã đề ra.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Những kết quả quan trọng

Báo cáo kết quả chủ yếu của giáo dục đại học năm học 2020-2021, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy cho biết: Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, giáo dục đại học đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, cả về đào tạo và tuyển sinh. Những chính sách về tự chủ đại học từng bước được triển khai tốt; năng lực đội ngũ và thành tích nghiên cứu khoa học được tăng cường; vị trí trong các bảng xếp hạng quốc tế được duy trì… Cùng với đó, các cơ sở giáo dục đại học còn có đóng góp đáng kể cùng các địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Nhấn mạnh kết quả về thực hiện tự chủ đại học, theo bà Nguyễn Thu Thủy, trong năm học vừa qua, tự chủ đại học được tăng cường; mô hình quản trị đại học đã có sự chuyển biến; tăng quyền chủ động và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học trong mọi mặt hoạt động từ tài chính, nhân sự và chuyên môn học thuật; dẫn đến bức phá trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo ra diện mạo mới cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Một kết quả đáng ghi nhận là đến nay đã có 142/175 cơ sở giáo dục đại học công lập kiện toàn hội đồng trường; trong đó, 34/35 đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT đã kiện toàn hội đồng trường.

Tên tuổi của một số cơ sở giáo dục đại học Việt Nam (ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM, trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Tôn Đức Thắng, Duy Tân) tiếp tục có tên trong một số bảng xếp hạng có uy tín của thế giới trong năm 2021 như Times Higher Education (THE), Center of World University Rankings (CWUR) ở một số tiêu chí đánh giá cụ thể.

Giáo dục đại học cũng tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý thực hiện tự chủ đại học theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật sửa đổi, trong năm 2021.

Bộ GD&ĐT đã tiếp tục rà soát, chỉnh sửa bổ sung và ban hành mới một số văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam và Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, gắn với yêu cầu hội nhập quốc tế và nâng cao chất lượng đào tạo; duy trì những quy định hiệu quả có tính ổn định lâu dài; khắc phục những hạn chế, tồn tại của các văn bản đã ban hành trước đây, bảo đảm tinh gọn, có tính hệ thống và đẩy mạnh liên thông giữa các trình độ giáo dục đại học.

Trong tình hình dịch bệnh Covid -19, các cơ sở giáo dục đại học đã áp dụng phương thức giảng dạy và học tập trực tuyến linh hoạt trong tổ chức đào tạo và đánh giá kết quả học tập; từ đó vừa hoàn thành kế hoạch năm học, vừa bảo đảm an toàn, phòng chống dịch bệnh; đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đại học.

Công tác tuyển sinh được triển khai bảo đảm quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo theo đúng quy định của pháp luật. Công nghệ thông tin được ứng dụng triệt để, giúp công tác tuyển sinh bảo đảm khoa học, khách quan, công khai, minh bạch; đồng thời giảm tối đa thí sinh ảo và giúp kiểm soát tình trạng vượt chỉ tiêu.

Hầu hết các cơ sở đào tạo đều sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021. Phần mềm tuyển sinh tiếp tục phát huy hiệu quả, giúp thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất;

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Cụ thể: việc triển khai tự chủ đại học còn chậm, có nơi còn lúng túng. Còn chậm đổi mới phương pháp dạy và học để khai thác thế mạnh của công nghệ. Một số cơ sở đào tạo tuyển sinh tốt, nhưng chưa đầu tư về các điều kiện bảo đảm chất lượng tương xứng với quy mô đào tạo (thiếu nguồn lực); trong khi đó, một số trường hoạt động kém hiệu quả, tuyển sinh thấp so với năng lực. Số lượng chương trình đào tạo của giáo dục đại học được kiểm định chưa tăng nhiều.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy phát biểu tại hội nghị.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy phát biểu tại hội nghị.

Nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới

Chia sẻ về định hướng năm học 2021-2022, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy cho biết: Giáo dục đại học sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học. Trong đó, khẩn trương rà soát, cập nhật các quy định của Đảng, pháp luật có liên quan để xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của trường; Đề án vị trí việc làm; Quy định đào tạo các trình độ giáo dục đại họi; Quy định về nghiên cứu khoa học; Quy định về bảo đảm chất lượng bên trong…

Đồng thời, khẩn trương thành lập Hội đồng trường theo quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Khẩn trương kiện toàn Hiệu trưởng, Ban giám hiệu và các chức vụ quản lý khác trong nhà trường theo (với các trường đã thành lập Hội đồng trường). Tập trung rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP. Công khai, minh bạch; thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật.

Công tác bảo đảm chất lượng tiếp tục được chú trọng. Về phía Bộ GD&ĐT, sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này; cũng như các chính sách để kiện toàn, củng cố, tăng cường hệ thống kiểm định chất lượng; đẩy mạnh hoạt động bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng; tích cực triển khai Khung trình độ quốc gia VQF, xây dựng chuẩn chương trình đào tạo.

Mục tiêu đến năm 2025, trên 35% chương trình đào tạo nói chung, 100% chương trình đào tạo giáo viên ở tất cả các trình độ được kiểm định. Phấn đấu có 2 cơ sở giáo dục đại học lot top 100 và 10 cơ sở lọt top 400 Châu Á; 4 cơ sở giáo dục đại học lọt top 1000 thế giới.

Năm học tới, giáo dục đại học cũng sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số. Theo đó, Bộ GD&ĐT và các cơ sở GD-ĐT tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu giáo dục đại học. Nhà trường rà soát và thực hiện số hóa thông tin, quản lý theo chuẩn dữ liệu cơ sở dữ liệu giáo dục đại học. Ban hành Thông tư quy định quản lý, xây dựng, sử dụng cơ sở dữ liệu...

Về công tác tuyển sinh, bà Nguyễn Thu Thủy thông tin sẽ cơ bản giữ ổn định năm 2025 với một số cải tiến về mặt kỹ thuật; đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học. Đối với các trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GD&ĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường hoặc tổ chức các trung tâm khảo thí độc lập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ