Đa dạng hóa tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học: Lực đẩy để hội nhập

GD&TĐ - Kiểm định chất lượng (KĐCL) giáo dục đã và đang là xu thế chung nhằm khẳng định vị thế và chất lượng đào tạo của từng cơ sở GDĐH.

Trường ĐH Mở TPHCM đón đoàn đánh giá ngoài của tổ chức KĐCL FIBAA.
Trường ĐH Mở TPHCM đón đoàn đánh giá ngoài của tổ chức KĐCL FIBAA.

Để hội nhập với thế giới, các trường buộc phải tham gia sâu vào hệ thống KĐCL trong và ngoài nước. 

Cạnh tranh để nâng cao chất lượng kiểm định

Ngay sau việc cho phép thành lập và hoạt động 2 trung tâm KĐCL giáo dục tư nhân là Trung tâm KĐCL giáo dục Sài Gòn (trực thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư giáo dục TPHCM); Trung tâm KĐCL giáo dục Thăng Long (trực thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư giáo dục Hà Nội), Bộ GD&ĐT tiếp tục quyết định cho phép 3 tổ chức KĐCL nước ngoài được hoạt động tại Việt Nam. Đây đều là tổ chức kiểm định danh tiếng và kiểm định đa ngành nghề đào tạo trên thế giới gồm FIBAA, AQAS và ASIIN.

Hiện, 2 tổ chức KĐCL AQAS và ASIIN chưa nhiều trường tại Việt Nam tham gia. Nhưng hiện có 13 chương trình đào tạo bậc đại học, thạc sĩ của các trường tại Việt Nam được FIBAA kiểm định, công nhận đạt chuẩn. Trong đó, nhiều nhất là Trường ĐH Kinh tế TPHCM có 4 chương trình, ĐH Mở TPHCM có 4 chương trình đào tạo thạc sĩ, ĐH Bách khoa TPHCM có 4 chương trình, ĐH Trà Vinh có 1 chương trình.

Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, KĐCL là hoạt động tồn tại từ lâu trên thế giới và đang trở nên phổ biến ở Việt Nam. KĐCL là công cụ hiệu quả giúp các trường kiểm soát và bảo đảm chất lượng đào tạo. Sự đa dạng hoá tổ chức KĐCL cho phép các cơ sở GDĐH có thêm lựa chọn để đánh giá chất lượng đào tạo của mình. Mặt khác, nó tạo ra sự cạnh tranh ngay trong các tổ chức KĐGD, điều này mang lại nhiều lợi ích cho các cơ sở giáo dục, gia tăng cam kết chất lượng sau đào tạo với xã hội.

Thống kê của Bộ GD&ĐT cũng cho thấy rõ xu hướng đó. Tính đến hết 30/4/2021, cả nước có 192 chương trình đào tạo đạt chuẩn KĐCL trong nước và 216 chương trình đạt chuẩn KĐCL khu vực và quốc tế. Trong số này, phần lớn chương trình đào tạo được kiểm định và công nhận bởi Mạng lưới bảo đảm chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA).

Trường ĐH Kinh tế TPHCM trong đợt đón nhận chứng chỉ đạt chuẩn kiểm định chất lượng 4 chương trình của tổ chức FIBAA.
Trường ĐH Kinh tế TPHCM trong đợt đón nhận chứng chỉ đạt chuẩn kiểm định chất lượng 4 chương trình của tổ chức FIBAA. 

Chủ động và tự tin trong hội nhập

Hiện nay, ngoài chất lượng đào tạo, mục tiêu hội nhập với hệ thống đánh giá, xếp hạng các trường đại học có tiếng trên thế là nhu cầu thực tế của không ít trường, nhằm gia tăng chỉ số học thuật và nghiên cứu khoa học. Tất nhiên, để làm được việc đó, các trường đại học buộc phải khẳng định chất lượng qua tổ chức KĐCL giáo dục danh tiếng quốc tế.

Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh, hệ thống các trung tâm KĐCL giáo dục Việt Nam đang có đủ đáp ứng cho nhu cầu cần kiểm định của các trường. Tuy nhiên, việc gia tăng thêm các trung tâm KĐCL có yếu tố nước ngoài, trung tâm KĐCL tư nhân mang đến sự thúc đẩy rất lớn về mặt nâng cao chất lượng kiểm định. Bởi theo PGS.TS Vũ Quỳnh, để giành được những lợi thế trong cạnh tranh, các tổ chức KĐCL phải liên tục cải tiến, đổi mới các yếu tố, nâng cao uy tín của tổ chức trong hoạt động kiểm định.

“Việc có các tổ chức KĐCL độc lập từ nước ngoài vào sẽ giúp cho hệ thống KĐCL của chúng ta tốt hơn rất nhiều. Bởi với các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá khắt khe, sự tham gia của tổ chức KĐCL độc lập từ nước ngoài sẽ nâng cao tính chính xác, tính khách quan về chất lượng đào tạo. Đặc biệt, nó giúp gia tăng tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục, từ đó, thiết lập, củng cố niềm tin của xã hội đối với cơ sở giáo dục.

Mặt khác, thông qua bộ tiêu chuẩn, phương thức đánh giá của các trung tâm KĐCL độc lập từ nước ngoài sẽ giúp trường đại học Việt Nam tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Qua đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế. Nhìn một cách tổng thể, việc có các tổ chức KĐCL nước ngoài sẽ giúp cho hệ thống GDĐH Việt Nam có nhiều khởi sắc, làm sáng lên bức tranh giáo dục Việt Nam trên bản đồ giáo dục thế giới ”, PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh nói.

Cũng có chung góc nhìn, TS Đinh Thị Thanh Nga - Trưởng bộ môn Hành chính hình sự - Khoa Luật, Trường ĐH Sài Gòn cho biết: Trên thế giới, các trung tâm KĐCL giáo dục gần như bình đẳng như nhau. Trong đó, hoạt động của các trung tâm KĐCL công lập thậm chí không mạnh bằng trung tâm KĐCL tư nhân vì tư nhân muốn tồn tại phải khẳng định chất lượng, uy tín.

“Việc Bộ GD&ĐT cấp phép thành lập trung tâm KĐCL giáo dục tư nhân hay cho các tổ chức KĐCL giáo dục nước ngoài vào Việt Nam hoạt động là phù hợp xu thế hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, sau cấp phép, cần quản lý tốt hoạt động của những trung tâm này để  bảo đảm chất lượng”, TS Nga lưu ý.

Đánh giá về xu hướng tích cực khi đa dạng hóa các tổ chức KĐCL giáo dục, một kiểm định viên giáo dục thừa nhận đây sẽ là cú hích lớn cho công tác KĐCL giáo dục tại Việt Nam. “Trong bối cảnh công tác KĐCL giáo dục đang gặp không ít điều tiếng về sự “dễ dãi” trong đánh giá, quyết định cho phép 3 tổ chức KĐCL quốc tế vào Việt Nam hoạt động của Bộ GD&ĐT sẽ thúc đẩy thị trường KĐCL giáo dục của Việt Nam tốt hơn về chất lượng. Thực tế, mỗi tổ chức kiểm định đều có những tiêu chí, phong cách làm việc khác nhau. Tuy nhiên, khi một chương trình đào tạo, một trường đạt chuẩn kiểm định theo các khung và thang bậc đánh giá của quốc tế, thương hiệu và chất lượng đào tạo của đơn vị đó chắc chắn sẽ được nâng lên”, vị kiểm định viên nhấn mạnh.

Khi có sự cạnh tranh, kể cả trong lĩnh vực KĐCL giáo dục, tất yếu sẽ đẩy chất lượng tốt lên. Bởi đơn giản, nếu sản phẩm kiểm định không được thị trường đón nhận thì trung tâm hay tổ chức KĐCL dù trong hay ngoài nước, công lập hay tư nhân cũng sẽ bị loại trừ. - TS Đinh Thị Thanh Nga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nếu mô hình BT được nghiên cứu kỹ lưỡng, đổi mới, khắc phục những bất cập của giai đoạn trước vẫn có thể phát huy hiệu quả.

Chuyên gia mong 'hồi sinh' hợp đồng BT

GD&TĐ - Nhiều ý kiến gia cho rằng, nếu quy định được đổi mới toàn diện và khắc phục bất cập, thì hợp đồng BT sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả.