Làm rõ cơ chế tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ

GD&TĐ - Sáng 18/6, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn – Trưởng tiểu ban Giáo dục đại học - chủ trì Toạ đàm trực tuyến “Cơ chế tài chính cho các cơ sở GD Đại học thực hiện tự chủ”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại buổi toạ đàm
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại buổi toạ đàm

Toạ đàm do Tiểu ban Giáo dục đại học (Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực) tổ chức.

3 từ khoá quan trọng

Thứ trưởng đề nghị, Tiểu ban Giáo dục đại học cần tiếp tục có những đề xuất về cơ chế, chính sách, nhằm thúc đẩy tự chủ đại học đạt kết quả tốt, góp phần vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Phát biểu tại toạ đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, tự chủ đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, đổi mới quản trị và đổi mới các hoạt động trong các cơ sở đào tạo, cũng như trong công tác quản lý nhà nước.

Đạt được kết quả trên là nhờ có nghị quyết, những thay đổi trong luật, nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật, cùng sự nỗ lực rất lớn của các cơ sở GDĐH. Bên cạnh đó, có sự đóng góp không nhỏ của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, trong đó có Tiểu ban Giáo dục đại học.

Nhấn mạnh, tự chủ đã trở thành xu thế tất yếu, Thứ trưởng trao đổi: Hai vấn đề được coi là trụ cột của tự chủ đại học gồm: Quản trị đại học, quản lý Nhà nước và tài chính cho GDĐH. Trong đó, tài chính là vấn đề rộng, có liên quan đến cơ chế chính sách từ phía nhà nước và có những vấn đề thuộc về phía nhà trường.

Trước bối cảnh GDĐH đang chuyển từ cơ chế tập trung, bao cấp sang tự chủ, Thứ trưởng cho rằng, chúng ta đứng trước thách thức lớn. Trong quá trình đổi mới gặp một số vướng mắc, trong đó có vấn đề tài chính. Đây là vấn đề quan trọng, bởi muốn nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, thì phải tăng cường đầu tư cho giáo dục nói chung và GDĐH nói riêng.

Nhắc đến các từ khoá quan trọng: Chất lượng, hiệu quả và công bằng. Kèm theo công bằng là điều kiện công khai, minh bạch; Thứ trưởng nhấn mạnh: Muốn tăng chất lượng thì cần tăng nguồn lực tài chính cho GDĐH, tăng chi phí/1 sinh viên và phải sử dụng nguồn lực hiệu quả cao nhất

Trong bối cảnh hiện nay, việc huy động nguồn lực từ xã hội, doanh nghệp và các nguồn lực khác là rất quan trọng. Bằng cơ chế chính sách, có thể đẩy mạnh xã hội hoá. Chi cho GDĐH là chi cho đầu tư, mà đã chi cho đầu tư thì phải đạt hiệu quả và tạo sự công bằng xã hội.

Phát huy vai trò tự chủ, các cơ sở GDĐH cần xây dựng văn bản chính sách nội bộ để sử dụng các ngân sách hiệu hiệu quả. Theo đó, một trong những giải pháp quan trọng để tạo được sự đồng thuận của xã hội là công bằng, minh bạch, công khai.

Thứ trưởng lưu ý, không chỉ có chính sách học bổng cho sinh viên, các cơ sở GDĐH cần quan tâm đến những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có cơ chế về hỗ trợ học tập, hỗ trợ vay vốn…. để các em có cơ hội học tập. Công bằng với những sinh viên này này chính là tạo ra lợi ích lâu dài cho xã hội.

Cũng theo Thứ trưởng, cần phân rõ trách nhiệm giữa các bên: nhà nước, người học và xã hội. Ngoài vai trò điều tiết của Nhà nước, nếu tiếp cận theo hướng thị trường thì cần phân rõ vai trò, trách nhiệm theo quan hệ lợi ích và giá trị mang lại.

Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ có đề xuất kiến nghị để các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm, từng bước hoàn chỉnh cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để huy động được nguồn lực xã hội. Trong đó, có phân cấp và trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH, để sử dụng kinh phí hiệu quả, phù hợp với đa dạng của các trường.

Bộ GD&ĐT mong muốn, các bộ, ban, ngành Trung ương có tiếng nói với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ để những ý kiến sát thực được đưa vào nghị quyết, tạo hiệu quả lâu dài cho đất nước.

PGS.TS Đinh Văn Hải đại diện Trường ĐH Bách khoa Hà Nội phát biểu tham luận tại tọa đàm
PGS.TS Đinh Văn Hải đại diện Trường ĐH Bách khoa Hà Nội phát biểu tham luận tại tọa đàm

Tạo niềm tin cho người học và xã hội

Tham luận tại tọa đàm, PGS.TS Đinh Văn Hải – Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, nhà trường tiếp tục tìm mọi giải pháp để sử dụng nguồn kinh phí học phí nhằm cải thiện các điều kiện học tập cho người học một cách có hiệu quả nhất.

Phần kinh phí có được do tăng học phí hàng năm sẽ được sử dụng để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phòng học và các cơ sở thí nghiệm phục vụ đào tạo để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, uy tín và sức thu hút người học - yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển và tránh nguy cơ tụt hậu.

PGS.TS Đinh Văn Hải chia sẻ, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã xây dựng chính sách tài chính và hỗ trợ người học với mục tiêu quản lý hiệu quả, đảm bảo tuân thủ các quy định của nhà nước; tăng quyền chủ động và trách nhiệm của các đơn vị trong phát triển, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tạo động lực cho các đơn vị trực thuộc nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động đào tạo và nghiên cứu, tăng thu nhập cho cán bộ gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Đối với cán bộ, người học và xã hội, chính sách cũng đáp ứng cơ chế công khai, minh bạch và giám sát trong việc quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính, tạo điều kiện tối đa để cán bộ và người học thực hiện trách nhiệm xã hội, phát huy quyền dân chủ.

PGS.TS Vũ Cương – Trường ĐH Kinh tế Quốc dân: Công khai, minh bạch về tài chính để tạo niềm tin cho người học và xã hội đối với cơ sở đào tạo
PGS.TS Vũ Cương – Trường ĐH Kinh tế Quốc dân: Công khai, minh bạch về tài chính để tạo niềm tin cho người học và xã hội đối với cơ sở đào tạo

PGS.TS Vũ Cương – Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) cho rằng, việc công khai, minh bạch hóa trong lĩnh vực tài chính là cần thiết, tạo ra sức ép, buộc cá nhân, tập thể và các cấp quản lý phải tự giác tham gia vào quá trình đổi mới của nhà trường theo hướng hiệu quả, xây dựng uy tín trước người học và xã hội.

Nói cách khác, đó là yêu cầu bắt buộc để bảo đảm trách nhiệm giải trình của nhà trường với đội ngũ cán bộ, viên chức trong đơn vị, người học, Nhà nước, người tuyển dụng lao động và xã hội nói chung.

Công khai, minh bạch về tài chính để tạo niềm tin cho người học và xã hội đối với cơ sở đào tạo, đồng thời cũng là cơ sở giúp người học và xã hội thực hiện giám sát hoạt động quản lý tài chính nhằm sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn lực tài chính theo đúng quy định pháp luật, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của các cơ sở GDĐH chất lượng đối với người học và toàn xã hội.

Về lâu dài, đây cũng là một bước đi cần thiết để tăng cường công tác quản trị tại các trường đại học, giúp hệ thống GDĐH Việt Nam từng bước hội nhập ngang tầm với khu vực và quốc tế.

Buổi tọa đàm làm rõ những chính sách đã được ban hành và quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời, tập trung vào một số cơ chế chính sách then chốt trong tài chính GDĐH để thực hiện tự chủ, trong đó có cơ chế đặt hàng, cơ chế tài chính đối với người học… Đây đều là những vấn đề cấp bách. Trong quá trình triển khai, các cơ sở GDĐH đã có bước thử nghiệm, sau đó mới triển khai hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.