Trong đó có việc mở ngành đào tạo và kiểm định chất lượng đào tạo.
Tiệm cận chuẩn của khu vực và thế giới
PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội) khẳng định: Chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học là căn cứ quan trọng để xây dựng Chuẩn chương trình đào tạo của các ngành/nhóm ngành/từng lĩnh vực đối với từng trình độ.
Thông tư cũng quy định quy trình xây dựng Chuẩn chương trình đào tạo; đồng thời là căn cứ quan trọng trong việc tạo ra một chuẩn tối thiểu về trình độ, năng lực của sinh viên tốt nghiệp trong cùng một ngành ở các trường khác nhau, đáp ứng nhu cầu của xã hội trong việc tuyển dụng nhân lực trong ngành. Mặt khác, tạo thuận lợi cho việc công nhận lẫn nhau và hội nhập quốc tế với khu vực cũng như trên thế giới.
Theo PGS.TS Vũ Thị Hiền, khi chúng ta xây được Chuẩn đầu ra tối thiểu cho các ngành một cách rõ ràng, tương thích với chuẩn mực của khu vực và thế giới thì chất lượng đào tạo cũng tăng lên; việc công nhận chương trình, môn học với các trường trên thế giới dễ dàng hơn, và nhất là, chất lượng nguồn nhân lực sẽ tăng lên, và có khả năng linh hoạt hơn trên phạm vi toàn cầu.
PGS.TS Vũ Thị Hiền cho rằng: Điểm mới là quy định khối lượng học tập tối thiểu đối với các chương trình đào tạo, như quy định khối lượng học tập tối thiểu đối với chương trình đào tạo đại học là 120 tín chỉ, chương trình đào tạo song ngành cộng thêm 30 tín chỉ, chương trình đào tạo ngành chính – ngành phụ phải cộng thêm 15 tín chỉ so với chương trình đào tạo đơn ngành tương ứng. Điều này tạo thuận lợi rất lớn cho Trường ĐH Ngoại thương, bởi trong thời gian tới nhà trường có định hướng mở các ngành theo hướng song ngành, ngành chính – ngành phụ. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để nhà trường xây cấu trúc chương trình một cách rõ ràng và thuyết phục được các bên liên quan.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Khoát – Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường ĐH Mỏ - Địa chất (Hà Nội), Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT đã kế thừa Thông tư số 07/2015/TT-BGDĐT về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học và quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Các quy định của Thông tư tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường thực hiện; trong đó có việc mở ngành, cũng như rà soát chương trình đào tạo theo hướng tiệm cận chuẩn của khu vực và thế giới.
Phát huy quyền tự chủ của các trường
PGS.TS Nguyễn Đức Khoát trao đổi: Trước đây để mở ngành đào tạo, các trường phải gửi hồ sơ lên Bộ GD&ĐT để được phê duyệt và cấp phép. Tuy nhiên, với quy định của Thông tư này, các trường chủ động khảo sát nhu cầu xã hội và căn cứ vào thực tiễn, thực lực để quyết định mở ngành. Tức là các trường được tự chủ, tự quyết, tự chịu trách nhiệm trong việc mở ngành.
“Trường ĐH Mỏ - Địa chất đã khảo sát, xây dựng Chiến lược đến năm 2030, định hướng phát triển từng ngành theo từng năm. Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT là khung pháp lý để nhà trường có cơ sở và quyết tâm triển khai thực hiện” - PGS.TS Nguyễn Đức Khoát nói.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đức Khoát, Thông tư trên quy định tường minh về chuẩn đầu ra, đầu vào ứng với từng chương trình đào tạo: Đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. VD: Chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo phải xác định rõ yêu cầu tối thiểu về trình độ, năng lực, kinh nghiệm phù hợp với từng trình độ, ngành và định hướng đào tạo mà người học cần đáp ứng để có thể học tập thành công và hoàn thành tốt chương trình đào tạo.
Khẳng định, Thông tư là bước tiến mới, PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) viện dẫn: Các định nghĩa, khái niệm được thể hiện cô đọng, rõ ràng. Trước đây, quy định về Chuẩn chương trình đào tạo nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau. Nay được gói gọn trong một văn bản, từ quy trình, yêu cầu tối thiểu cho đến chuẩn đầu ra, đầu vào và các yếu tố bảo đảm chất lượng khác.
“Có thể nói, Thông tư lần này vừa bảo đảm tính tự chủ, vừa là công cụ quản lý để nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp với thực tiễn và chất lượng đào tạo tốt hơn” - PGS.TS Bùi Đức Triệu trao đổi, đồng thời bày tỏ tâm đắc với các quy định Chương III của Thông tư, trong đó có quy định về xây dựng chuẩn chương trình cho các lĩnh vực và ngành đào tạo và hội đồng tư vấn khối ngành.
PGS.TS Bùi Đức Triệu cũng tán thành với quy định Chuẩn chương trình đào tạo phải được rà soát, chỉnh sửa, cập nhật định kỳ ít nhất một lần trong 5 năm. Trong trường hợp cần thiết, Bộ GD&ĐT quyết định rà soát, chỉnh sửa, cập nhật Chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành, khối ngành của từng lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu thay đổi của khoa học, công nghệ và xu thế phát triển ngành đào tạo. “Hy vọng những quy định này sẽ đem lại chuẩn mực mới, phát huy tính tự chủ, công tác quản lý và mang lại chất lượng tốt hơn cho các cơ sở giáo dục đại học và xã hội” - PGS.TS Bùi Đức Triệu nhấn mạnh.