Tác động của biến chủng Covid-19 lên giáo dục đại học châu Á

GD&TĐ - Làn sóng Coivd-19 mới bùng phát tại châu Á, đặc biệt ở Đông Nam Á, đã cản trở việc tái mở cửa trường đại học, tiếp tục làm gián đoạn chương trình đào tạo trong năm thứ 2 liên tiếp.

Trưng dụng Trường Đại học Gadjah Mada, Indonesia, làm điểm cách ly.
Trưng dụng Trường Đại học Gadjah Mada, Indonesia, làm điểm cách ly.

Trưng dụng trường học

Khi số ca nhiễm tại Indonesia tăng kỷ lục, các bệnh viện, phòng khám rơi vào tình trạng quá tải. Nhiều bệnh nhân không có đủ nguồn cung oxy. Trước tình hình này, các trường đại học được chọn làm địa điểm cách ly lý tưởng bởi khuôn viên rộng lớn, biệt lập.

Trước khi Indonesia triển khai lệnh hạn chế sinh hoạt cộng đồng (PPKM) từ đầu tháng 7, các trường đại học đã chuyển từ dạy tập trung sang trực tuyến. Ký túc xá được trưng dụng làm khu vực cách ly dưới sự giám sát của Lực lượng đặc nhiệm quốc gia xử lý Covid-19.

Trường Đại học Gadjah Mada, thành phố Yogyakarta, được trưng dụng làm điểm cách ly với 137 phòng và 200 giường. Cơ sở thứ 3 của Trường Đại học Hồi giáo Bandung được sử dụng làm bệnh viện dã chiến, có thể chứa khoảng 500 bệnh nhân.

Một số trường đại học khác như Padjadjaran, thành phố Bandung, trưng dụng làm điểm xét nghiệm PCR miễn phí, điểm tiêm chủng và nơi ở cho giảng viên, sinh viên, nhân viên tự điều trị Covid-19.

Hỗ trợ sinh viên tối đa

Đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ 4, số người chết theo ngày tại Thái Lan đang tăng cao trong khi số ca lây nhiễm vẫn liên tục trên 10.000. Gần như toàn bộ thời gian của năm học 2020 - 2021, các trường đại học phải dạy trực tuyến.

Các tổ chức đại diện cho sinh viên quốc gia kêu gọi chính phủ giảm học phí để hỗ trợ các em trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Ngày 20/7, hội sinh viên từ 16 trường đại học trên khắp Thái Lan đã đệ trình lên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đại học kiến nghị giảm 30 - 50% học phí đến khi trường tái mở cửa. Các tổ chức cũng đề nghị mở rộng quỹ cho vay sinh viên, dành cho những đối tượng gặp khó khăn vì dịch Covid-19.

Sau đó, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết sẽ giảm học phí cho sinh viên dựa trên mức đóng hiện nay. Cụ thể, giảm 30% khi học phí từ 50.000 - 100.000 baht, giảm 10% khi học phí trên 100.000 baht. Chính phủ sẽ trợ cấp 60% trong khi Bộ Giáo dục Đại học chi trả phần còn lại.

Ngoài ra, các trường đại học cũng giảm 50% tiền ký túc xá, tiền mua gói Internet học trực tuyến. Tuy nhiên, các sinh viên đánh giá mức hỗ trợ này chưa đủ vì thu nhập của các em và gia đình bị cắt giảm nặng nề khi đất nước phong tỏa.

Tương tự, các trường đại học tại Malaysia đang tạm đóng cửa, sinh viên yêu cầu giảm học phí sau 18 tháng học tập gián đoạn. Bộ Giáo dục Đại học Malaysia cũng kêu gọi các trường đại học công lập giảm học phí, đặc biệt với những sinh viên gặp khó khăn về kinh tế. Bộ lưu ý các trường cũng nên giảm 10 - 35% phí dịch vụ, ký túc xá hay hoạt động khác.

Liên minh Giáo dục Đại học Đài Loan kêu gọi các cơ quan giáo dục, lao động tăng trợ cấp cứu trợ Covid-19 cho du học sinh. Là một phần của gói kích cầu được ban hành vào tháng 6, cơ quan giáo dục Đài Loan đang phân bổ hỗ trợ khẩn cấp, trợ cấp tiền thuê nhà ngoài khuôn viên trường cho sinh viên trong nước. Sinh viên quốc tế gặp khó khăn về tài chính dự kiến sẽ được hỗ trợ trong thời gian tới.

Sinh viên học trực tuyến.
Sinh viên học trực tuyến.

Quy định nghiêm ngặt trong khuôn viên trường

Từ tháng 7, Trung Quốc đóng cửa biên giới với các nước láng giềng sau khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại tỉnh Quảng Đông. Như vậy, du học sinh vẫn chưa thể trở lại quốc gia này để học tập kể từ đợt bùng phát vào tháng 1/2020.

Theo thống kê, nhóm du học sinh không thể nhập cảnh Trung Quốc đông nhất là sinh viên Ấn Độ, với khoảng 23.000 em. Trong đó, 20.000 em theo học chuyên ngành y khoa. Du học sinh Ấn Độ cùng nhóm sinh viên đến từ nhiều quốc gia đã vận động trường học, Chính phủ Trung Quốc và đại sứ quán để giải quyết tình trạng không thể nhập cảnh. Dù vậy, vấn đề này chưa được giải quyết.

Trong nước, Chính phủ Trung Quốc cũng đặt ra các quy định khắt khe trong trường học. Ngay cả những khu vực có ít hoặc không ghi nhận ca nhiễm Covid-19, một số trường vẫn yêu cầu sinh viên hạn chế rời khỏi khuôn viên của trường. Ký túc xá đặt lệnh giới nghiêm buổi tối, chỉ cho phép sinh viên có giấy xuất trình rời khỏi khu vực. Các quy định chỉ được nới lỏng vào cuối tuần.

Từ cuối tháng 3, các trường đại học ở thủ đô Bắc Kinh đã tổ chức tiêm chủng cho sinh viên, giảng viên, nhân viên nhà trường. Theo sau là các trường đại học tại những khu vực khác trên cả nước.

Trong khi đó, Sri Lanka bắt đầu tiêm vắc-xin Sinopharm cho sinh viên đi học nước ngoài. Với một số quốc gia không chấp nhận Sinopharm, các em sẽ được tiêm vắc-xin Pfizer thay thế. Đến nay, hơn 3.000 du học sinh Sri Lanka được tiêm chủng.

Tại các trường đại học trong nước, hiện vẫn đóng cửa, cán bộ giảng viên, nhân viên đang được tiêm chủng. Chính phủ dự kiến sẽ tái mở cửa trường học từ tuần đầu tiên của tháng 8 khi kế hoạch tiêm chủng cho giảng viên sắp hoàn thành. Đến nay, hơn 200.000 giáo viên các cấp được tiêm chủng.

Chưa có kế hoạch tái mở cửa

Các nhóm sinh viên tại Bangladesh đánh giá chính phủ chưa hoàn thành tốt vai trò triển khai các lớp học trực tuyến khiến việc học tập bị cản trở. Các em yêu cầu Bộ Giáo dục công bố lộ trình tái mở cửa trường học đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 và tiến độ học của sinh viên.

Bộ Giáo dục dự kiến tái mở cửa trường đại học từ ngày 13/6 nhưng phải hoãn lại vì tình hình dịch Covid-19 trở nên tồi tệ. Các trường vẫn dạy trực tuyến từ tháng 3/2021 trong khi các kỳ thi phải huỷ bỏ.

Đến nay, Bộ Giáo dục quốc gia này vẫn khuyến khích sinh viên sử dụng công nghệ thông tin để học từ xa và chưa có kế hoạch mở cửa trường học. Bangladesh đã bắt đầu tiêm chủng toàn quốc từ đầu tháng 7.

Theo University World News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.