Bệnh nhân hi hữu…
Khoảng 5 giờ 45 ngày 3/2, y bác sỹ khoa Cấp cứu (Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới, Quảng Bình) choáng khi chứng kiến cạnh bệnh nhân nhân Hà Huy Hiệu - 20 tuổi, trú tại xã Thanh Kỳ (Như Thanh, Thanh Hóa) đã bị vật nhọn đâm xuyên tim.
Bệnh nhân trong tình trạng khó thở, tràn máu vùng ngoài tim, có hội chứng ép tim cấp… và nguy cơ tử vong rất cao. Kết quả siêu âm ban đầu cho thấy, bệnh nhân bị vết thương sâu, xuyên từ thành trước ra thành sau tâm thất trái.
Trước tình hình đó, toàn bộ bác sỹ của các chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình, Ngoại tổng hợp, Gây mê… của bệnh viện đã được triệu tập và tất cả trang thiết bị đều được chuẩn bị sẳn sàng cho ca mổ này.
Vết thương khá phức tạp do tổn thương màng phổi và tổn thương xuyên qua thành sau tâm thất trái của tim và màng tim tụ máu cục… Để xử lý được vết thương, các bác sỹ phải cẩn trọng, chính xác trong quá trình mở lồng ngực, giải phẫu màng tim lấy máu cục, hút dịch máu và nhanh chóng khâu vết thương ở tim cho bệnh nhân…
Sau hơn 2 giờ đồng hồ căng thẳng, bệnh nhân Hiệu đã được các bác sỹ của Bệnh viện giành lại sự sống khi những mũi khâu cuối cùng kết thúc. Bệnh nhân Hiệu có những dấu hiệu hồi phục rất khả quan...
Cho đến ngày xuất viện, gia đình của Hiệu cũng không ngờ rằng con mình được các bác sỹ cứu sống một cách thần kỳ đến vậy. Ngày nhập viện, chị của Hiệu đi cùng đã thất thần khi biết được những tiên lượng của bác sỹ. Chỉ khi Hiệu được đưa ra khỏi phòng mổ và bắt đầu hồi tỉnh thì lúc đó chị mới thở phào nhẹ nhõm đôi chút…
Bãn lĩnh đáng tự hào
Bác sĩ Nguyễn Văn Mận thay mặt chi hội bảo trợ bệnh nhân nghèo của bệnh viện đã trao quà và tiền mặt cho bệnh nhân Hiệu |
Có thể nói, việc cứu sống Hiệu gần như là kỳ tích của đội ngũ bác sỹ của Bệnh viện, bởi vết thương này rất hy hữu, đòi hỏi các bác sỹ phải có chuyên môn cao và chẩn đoán nhanh, kịp thời tình trạng của bệnh nhân. Bên cạnh đó, sự quyết đoán đưa ra phương án xử lý chuẩn là những yếu tố tạo nên thành công của ca phẩu thuật.
Bác sỹ Nguyễn Xuân Đoàn – Phó Giám đốc Bệnh viện - chia sẻ: Trong quá trình phẩu thuật, khó nhất của việc xử lý vết thương chính là quá trình mở lồng ngực và khâu vết thương ở tim.
Việc này đòi hỏi trình kỹ thuật của các bác sỹ gây mê, hồi sức và đặc biệt đó là kỹ năng giải phẫu tim đòi hỏi độ chính xác cao để xử lý vết thương cứu sống bệnh nhân mà không gây ra những di chứng.
Đối với bác sỹ Nguyễn Văn Mận - Quyền Trưởng khoa Chấn thương – Chỉnh hình, người trực tiếp thực hiện ca phẩu thuật - thì đây không phải là lần đầu. Trong những năm công tác tại Bệnh viện, anh đã có không ít ca mổ tim, phổi khá thành công, cứu sống không ít bệnh nhân.
Bác sỹ Nguyễn Văn Mận cho biết: Đây là ca bệnh có vết thương khá hy hữu. Sau khi hội chẩn, tôi được lãnh đạo bệnh viện giao nhiệm vụ mổ trực tiếp. Tôi biết chắc chắn rằng chỉ một sai sót nhỏ thôi mạng sống của bệnh nhân sẽ khó giữ được.
Với kinh nghiệm, kiến thức có được khi tham gia học phẫu thuật lồng ngực - mạch máu tại Bệnh viện hữu nghị Việt - Đức (Hà Nội) tôi rất tự tin trong quá trình phẫu thuật.
Sau khi bênh nhân hồi tỉnh và hồi phục tốt trong lòng tôi có cảm giác rất hạnh phúc và cảm thấy những vất vả trong nghề hầu như tan biến, thay vào đó là có thêm động lực để học tập và cống hiến…
Có thể nói, đây là niềm tự hào của đội ngũ y bác sỹ của Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, khẳng định trình độ, tay nghề cao và trách nhiệm của mình đối với người bệnh.
“Nếu một bác sỹ, một cán bộ y tế thiếu trách nhiệm với người bệnh người lãnh hậu quả đầu tiên đó chính là người nhà của mình bởi họ là những bệnh nhân tìm đến mình đầu tiên" - Một cán bộ y tế tâm sự.