Trong đó, có 53/63 tỉnh, thành phố cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học bắt đầu học trực tiếp từ ngày 7 - 14/2. Như vậy, tính từ thời điểm bùng dịch Covid-19 vào cuối tháng 4/2021 đến nay, trẻ mầm non và học sinh nhiều tỉnh, thành đã ngừng đến trường gần 10 tháng, khoảng thời gian tương đương một năm học.
Trở lại trường học trực tiếp sau 10 tháng, với trẻ mầm non, tiểu học, những ngày này không khác gì buổi tựu trường, với nhiều bỡ ngỡ. Các em buộc phải làm quen với những nền nếp sinh hoạt mới, từ việc thức dậy sớm hơn, chuẩn bị trang phục, di chuyển, giao tiếp bạn bè, thầy cô…
Không ít em rơi vào trạng thái tâm lý sợ sệt, e ngại đến chỗ đông người, thậm chí còn hoang mang, lo lắng, đối diện nguy cơ sang chấn tâm lý. Những ngày qua, trên các diễn đàn cha mẹ khá “nóng” những âu lo thắc thỏm: “Lo quá, bé nhà mình vô lớp thế nào cũng khóc. Giờ bé chỉ muốn học ở nhà”; “Học trực tiếp, thầy cô sẽ nghiêm khắc hơn, các bé đang dễ thở, tới đây biết làm sao?”…
Ông Nguyễn Đình Sơn, Hội Tâm lý học Giáo dục Hà Nội cũng khuyến cáo cha mẹ, giáo viên cần đề phòng những tình huống có thể xảy ra khi học sinh quay lại trường học như: Bạo lực học đường; áp lực, căng thẳng trong học tập; những trường hợp rối nhiễu đặc biệt trong học tập và cảm xúc; kết quả học tập sụt giảm… “Đặc biệt, giáo viên phải chuẩn bị cho cả tình huống học sinh nghi F0 có thể sẽ bị xa lánh, kỳ thị hoặc có những lời đồn tiềm ẩn tạo ra một loại bạo lực học đường”, ông Sơn lưu ý.
Để giảm “sốc” cho trò, Bộ GD&ĐT trong công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức dạy học trực tiếp đã đặc biệt nhấn mạnh các cơ sở giáo dục về việc tổ chức hoạt động tư vấn tâm lý, tăng cường hoạt động thể chất, giáo dục kỹ năng, củng cố, bù đắp kiến thức trước khi dạy kiến thức mới, phân nhóm học sinh để hỗ trợ hiệu quả trong những ngày đầu học sinh quay trở lại trường.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý: “Khi trở lại trường, các nhà trường đừng đưa các em ra đánh giá đã học được gì trong đầu, đừng căng thẳng quá, mà đầu tiên làm quen môi trường học, học cách tự phòng chống dịch cho bản thân, lấy lại tinh thần tâm lý thư thái. Đừng nhồi nhét ngay, không đưa ngay cho các em phiếu khảo sát, các loại đánh giá, về phương diện chuyên môn là chưa phù hợp, cân đong đo đếm chất lượng là công việc cần phải tiếp tục”.
Quán triệt chỉ đạo của Bộ, những ngày qua bên cạnh chuẩn bị kỹ lưỡng phương án phòng dịch và dạy học các trường còn sẵn sàng nhiều giải pháp hỗ trợ tâm lý học sinh và cả giáo viên. Trong những buổi sinh hoạt chuyên môn đầu năm của giáo viên mầm non và khối 1, chiếm nhiều thời gian nhất vẫn là chia sẻ các tình huống sư phạm khi trẻ “bất hợp tác”.
Song song với việc động viên đội ngũ vượt khó, tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giải quyết tình huống, các trường còn chủ trương dành một vài buổi cho đến một tuần để “giảm sốc” cho trò, tổ chức các buổi giao lưu, tìm hiểu. Tổ tư vấn tâm lý học đường được kích hoạt, sẵn sàng phát huy vai trò hoạt động ở mức cao nhất. Nhiều trường còn mạnh dạn thiết kế lại không gian lớp học, sân trường, rộng mở các câu lạc bộ ngoại khóa để tạo cảm giác thân thiện, bồi dưỡng kỹ năng cho học sinh.
Sự nỗ lực của mỗi nhà trường, thầy cô đã và đang từng bước giảm “sốc” cho trẻ mầm non và học sinh trên hành trình trở lại trường học trực tiếp. Thế nhưng, để học trò mỗi ngày đến trường là một ngày an toàn, một ngày vui trọn vẹn rất cần sự ủng hộ, đồng hành, khích lệ của các bậc phụ huynh và xã hội.