Trẻ mầm non và tiểu học của Hà Nội bao giờ có thể đến trường?

GD&TĐ - Đó là một trong số những nội dung được TS Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ sau khi kết thúc buổi diễn tập phương án đón học sinh trở lại trường sau Tết.

Việc đưa ra mốc thời gian dự kiến cho học sinh từ 5 - 11 tuổi đi học lại được nhiều bậc phụ huynh quan tâm.
Việc đưa ra mốc thời gian dự kiến cho học sinh từ 5 - 11 tuổi đi học lại được nhiều bậc phụ huynh quan tâm.

Học sinh được đến trường càng sớm càng tốt

Chiều 22/1, TS Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội cho biết: Đơn vị đã có những kịch bản, phương án nếu tình hình dịch bệnh thuyên giảm và tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 của học sinh từ 12 - 17 tuổi đạt tỷ lệ cao. Sở sẽ đề xuất với UBND thành phố cho học sinh từ khối 7 -  12 đến trường sau kỳ nghỉ Tết âm lịch 2022. 

Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, việc học sinh được trở lại trường học trực tiếp là nguyện vọng chính đáng của đa số phụ huynh.
Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, việc học sinh được trở lại trường học trực tiếp là nguyện vọng chính đáng của đa số phụ huynh.

"Hôm nay chúng tôi chỉ mời đại diện ngành giáo dục của 12 quận. Sở cũng chọn 2 quận, 2 huyện và 2 trường THPT trực thuộc để tổ chức diễn tập phương án đón học sinh. Sau đó, sẽ nhân rộng mô hình này theo từng quận/huyện và trường THPT, trong đó chú trọng khâu xử lý tình huống nếu phát hiện F0 trong trường học. Trước khi nghỉ Tết Nguyên đán, các đơn vị sẽ hoàn tất khâu diễn tập để có thể sẵn sàng đón học sinh trở lại trường sau Tết" - TS Trần Thế Cương nói. 

Đại diện ngành Giáo dục Thủ đô cũng bày tỏ mong muốn các em sớm được quay trở lại học trực tiếp thay vì trực tuyến như hiện nay. Được học trực tiếp sẽ giúp việc tương tác giữa thầy với trò, giữa học sinh với nhau và khả năng tiếp thu bài của các em thuận lợi hơn. Các bậc phụ huynh và học sinh cần tiếp tục thực hiện tốt khuyến cáo "5K" của ngành y tế để tự bảo vệ sức khỏe bản thân. 

Học sinh chưa tiêm có được đi học?

Một vấn đề được khá nhiều phụ huynh quan tâm, đó là với những em từ 12 - 18 tuổi chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 vì nhiều lý do khác nhau thì có được đến trường học trực tiếp cùng các bạn đã tiêm hay không?

Trước khi đón học sinh trở lại học trực tiếp, các trường sẽ diễn tập các phương án xử lý tình huống theo hướng dẫn liên ngành.
Trước khi đón học sinh trở lại học trực tiếp, các trường sẽ  diễn tập các phương án xử lý tình huống theo hướng dẫn liên ngành.

Ông Cương cho rằng: Việc cho con em đi học trực tiếp là mong muốn chính đáng của các bậc phụ huynh. Theo khuyến cáo của ngành Y tế, phụ huynh nên cho con tiêm vắc xin nhưng trên cơ sở tự nguyện. Trường hợp vì lý do khách quan khác nhau mà chưa tiêm sẽ không ảnh hưởng tới việc được tới trường học trực tiếp cùng các bạn. 

"Nếu em nào không thể tới trường học trực tiếp, nhà trường vẫn linh hoạt các hình thức dạy học trực tuyến kết hợp với trực tiếp. Việc dạy trực tiếp tại lớp hoàn toàn có thể kết nối trực tuyến tới tận nhà học sinh, đảm bảo trẻ có quyền bình đẳng về học tập và tiếp nhận kiến thức. Các bậc phụ huynh hoàn toàn yên tâm sẽ không có chuyện phân biệt đối xử giữa học sinh đã tiêm và chưa tiêm vắc xin" - người đứng đầu ngành Giáo dục Hà Nội khẳng định. 

Việc trẻ được học trực tiếp trên lớp sẽ hiệu quả hơn so với chỉ học online trong thời gian dài.
Việc trẻ được học trực tiếp trên lớp sẽ hiệu quả hơn so với chỉ học online trong thời gian dài.

Về việc đưa ra mốc thời gian dự kiến đón trẻ mầm non và tiểu học quay lại trường học, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh: "Với học sinh lứa tuổi mầm non và tiểu học của Thủ đô, chúng tôi cũng mong sớm có vắc xin phòng Covid-19 để tiêm cho các em. Chỉ khi được tiêm mới tạo ra được sức đề kháng cho học sinh quay trở lại trường học. Về kế hoạch tiêm cho đối tượng học sinh từ 5 - 11 tuổi, ngành Y tế Hà Nội đang chủ trì, phối hợp với các bên và báo cáo cấp trên để đợi nguồn vắc xin, sau đó sẽ triển khai trong thời gian thích hợp". 

Theo ý kiến từ một số chuyên gia giáo dục, hiệu quả từ dạy học trực tuyến không cao, học sinh không được giao tiếp trực tiếp, kết nối với bạn bè, thầy cô lâu ngày cùn mòn kỹ năng. Ngoài ra, các em còn bị ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe thể chất và tâm thần nên tạo ra sự mệt mỏi, căng thẳng cho cả người dạy và người học. Cha mẹ học sinh thì lo lắng, có người phải bỏ việc để ở nhà hỗ trợ con học online. Do đó, mong muốn của đa số bậc phụ huynh hiện nay là các em được đến trường càng sớm càng tốt. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.