Sau 3 thập niên cải cách, mở cửa và 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo (2016 - 2020), Việt Nam được đánh giá là điểm sáng của thế giới về giảm nghèo. Tuy vậy, thành quả ấy chưa thực sự bền vững.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, chênh lệch giàu nghèo, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Một số địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. “Lõi nghèo” đang dồn vào khu vực miền núi khi tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 61,28% tổng số hộ nghèo cả nước vào cuối năm 2020.
Cùng với đó, cả nước hiện còn 81 huyện nghèo, 167 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Tỷ lệ nghèo ở đây rất cao so với bình quân chung cả nước. Đã vậy, khu vực này địa hình hiểm trở, chia cắt, thường xuyên chịu tác động nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh như vậy, tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững trong giai đoạn 2021 - 2025 là cần thiết nhằm từng bước nâng cao tính bền vững trong giảm nghèo, nâng cao đời sống cho một bộ phận người dân.
Với tổng nguồn vốn đề xuất thực hiện Chương trình là 90,2 nghìn tỷ đồng, Chính phủ đặt ra đến năm 2025 sẽ giảm 1/2 số hộ nghèo, giảm 1,5 triệu người nghèo/năm theo tiêu chí nghèo đa chiều; 50% số huyện nghèo, 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet…
Hơn 90 nghìn tỷ đồng là nguồn lực lớn và cần thiết để giảm nghèo đa chiều, bao trùm (tức là xóa bỏ nghèo đói cho tất cả mọi người, ở mọi nơi, mọi thời điểm và mọi chiều), bền vững. Tuy vậy, không nên nhìn nó như là chuyện “cần câu con cá” và “cách cho” vốn bắt nguồn và bám rễ theo tư duy giảm nghèo.
Khách quan và thực tế mà nói, nông thôn và miền núi - nơi sinh sống của phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo - có lợi thế nhất định của mình. Đó là các tiềm năng kinh tế - gồm cảnh quan đẹp, đa dạng văn hóa; quỹ đất cho nông nghiệp sạch và sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc sản và tiềm năng cho sản phẩm hữu cơ - nền tảng phục vụ cho du lịch xanh và nông nghiệp xanh.
Có thể nói, thật may mắn khi những “nguồn vốn” này chưa bị thất thoát căn bản và đây như là “nguồn lực để dành” cho giai đoạn tiếp theo của đất nước.
Vì thế, giảm nghèo trong giai đoạn mới cần tư duy theo hướng: Chiến lược nào để thu hút doanh nghiệp có thể kinh doanh hiệu quả để khai thác bền vững vốn văn hóa, vốn tài nguyên tự nhiên của vùng này?
Làm thế nào để doanh nghiệp ở thành thị, ở miền xuôi mang theo tư duy kinh tế thị trường, vốn và kỹ năng kinh doanh - hợp tác theo cách cùng có lợi với nguồn lực con người, nguồn lực văn hóa của nông thôn và miền ngược.
Nếu tiềm năng tự nhiên và văn hóa của các vùng “lõi nghèo” Tây Bắc, Tây Nguyên được sử dụng như một nguồn lực hiệu quả cho kinh tế, kinh tế vùng khởi sắc, cuộc sống của người dân sẽ thay da đổi thịt.