Huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc): Giải pháp giúp giảm nghèo bền vững

GD&TĐ - “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững” là tham luận của Đảng bộ huyện Lập Thạch gửi tới Đại hội tỉnh Vĩnh Phúc.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội giúp giảm nghèo bền vững tại huyện Lập Thạch. Ảnh: Thanh Ngân
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội giúp giảm nghèo bền vững tại huyện Lập Thạch. Ảnh: Thanh Ngân

Huyện Lập Thạch có dân số trên 137 nghìn người, trong đó trên 57% dân số trong độ tuổi lao động. Phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống luôn là nhiệm vụ hàng đầu của huyện. Vì vậy, bằng các giải pháp tích cực như chỉ đạo thực hiện các chương trình đào tạo, dạy nghề mới cho người lao động để đáp ứng yêu cầu về chất lượng, trình độ lao động của các nhà tuyển dụng; đẩy mạnh tuyên truyền, liên kết xuất khẩu lao động; tích cực thu hút các nhà đầu tư vào phát triển công nghiệp trên địa bàn.

Trong nông nghiệp, huyện chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Vùng sản xuất thanh long ruột đỏ, vùng chăn nuôi lợn trọng điểm. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, thương mại.…

Kết quả, trong 5 năm qua, đã thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư như: Công ty FWKK, Công ty cổ phần công nghiệp Á Mỹ, Công ty giầy Lợi tín, Công ty giầy Lập Thạch… lĩnh vực công nghiệp đã giải quyết việc làm cho trên 14.000 lao động, xuất khẩu được 1.061 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, lao động làm việc trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ ngày càng tăng, trong khi số hộ làm nông nghiệp thuần túy giảm dần.

Với những giải pháp tích cực, huyện hiện có hơn 95% số người trong độ tuổi lao động có việc làm ổn định; bình quân hàng năm huyện đã giải quyết việc làm cho gần 3.600 lao động. Cơ cấu lao động ở các ngành nghề có sự chuyển dịch tích cực, lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm 34,8% (tăng 15,8% so với đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020); thương mại, dịch vụ chiếm 22,5% (tăng 9,2% so với đầu nhiệm kỳ); nông nghiệp còn 35,4% (giảm 16,9% so đầu nhiệm kỳ). Đời sống của nhân dân trên địa bàn từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,05%, trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo diện chính sách người có công.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng chuyển dịch cơ cấu ngành, nghề và cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn vẫn còn chậm và không đồng đều giữa các vùng, các địa phương; trình độ tay nghề của lao động nông thôn vẫn còn thấp; trong công nghiệp số lượng lao động có trình độ tay nghề cao còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động; các tiềm năng cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch khai thác chưa được nhiều nên ảnh hưởng không nhỏ đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động và giải quyết việc làm cho người lao động của huyện.

Nguyên nhân của tình trạng trên đó là: Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ, chưa quan tâm, sâu sát để triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động; nhận thức của chính người lao động đối với việc lựa chọn ngành, nghề còn hạn chế, chủ yếu là lao động phổ thông. Bên cạnh đó, việc đào tạo chủ yếu mới chú trọng đến tạo việc làm theo chiều rộng, càng nhiều việc làm càng tốt mà chưa chú trọng đến chất lượng việc làm. Một số chính sách hỗ trợ việc làm chưa được hướng dẫn cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp tạo việc làm cho nhiều người lao động. Các chính sách, nội dung đào tạo nghề chưa thực sự phù hợp thực tế địa phương, nhu cầu doanh nghiệp và lao động tại cơ sở.

Cây thanh long ruột đỏ tại huyện Lập Thạch giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu
Cây thanh long ruột đỏ tại huyện Lập Thạch giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu

Để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, trong thời gian tới, huyện Lập Thạch tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các chương trình về phát triển kinh tế, giải quyết việc làm của Trung ương, tỉnh trên địa bàn; gắn kết các chính sách phát triển kinh tế và đầu tư với mục tiêu tạo thêm nhiều việc làm trong các ngành có năng suất lao động cao, phát triển việc làm phi nông nghiệp ở các vùng nông thôn và hỗ trợ lao động nông thôn học nghề mới khi đất nông nghiệp đang ngày càng bị thu hẹp, thúc đẩy chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại dịch vụ và du lịch.

Thứ hai, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phát huy lợi thế về đất đai đã được quy hoạch phát triển công nghiệp, nguồn lao động dồi dào, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển công nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho lao động; phát triển mạnh các loại hình dịch vụ đi đôi với việc nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ chất lượng cao; thực hiện đồng bộ các giải pháp để thu hút đầu tư phát triển khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Vân Trục với du lịch tâm linh... Đồng thời, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp hướng tới phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ cho nông nghiệp; phát triển các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Gắn quá trình xây dựng nông thôn mới với quá trình xây dựng đô thị.

Thứ ba, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo cho con em địa phương gắn với tăng cường giáo dục định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh để tạo nguồn lao động có sức khỏe, đạo đức, trình độ cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ tư, đổi mới công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là việc liên kết để đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trên địa bàn, hướng tới phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao của địa phương và đáp ứng nhu cầu các thị trường lao động trong nước và ngoài nước; gắn đào tạo nghề với triển khai các mô hình, dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho các cơ sở đào tạo nghề của Nhà nước, đặc biệt là các cơ sở ở tuyến huyện; phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý dạy nghề và hỗ trợ trực tiếp cho lao động nông thôn học nghề.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động. Trên cơ sơ đào tạo nghề có định hướng tới các thị trường lao động cụ thể, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa ngành chuyên môn của tỉnh với các địa phương để tuyên truyền, giới thiệu, tư vấn xuất khẩu lao động, lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín, năng lực tuyển dụng lao động đi làm việc tại nước ngoài, hướng vào các thị trường có thu nhập cao, an toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...