Thu hút người học đọc đến thư viện
Để tăng cường hiệu quả hoạt động của thư viện, cô Dương Thị Hồng Duyên, cán bộ phụ trách thư viện Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) nhấn mạnh đầu tiên đến việc thu hút người đọc đến với thư viện.
Giải pháp là cần tạo một môi trường đọc sách thân thiện bằng cách trang trí thư viện đẹp, bắt mắt; bố trí thư viện ở tầng 1, thuận tiện đi lại. Cán bộ thư viện cũng phải thân thiện, có chuyên môn để trả lời những câu hỏi và hướng dẫn học sinh.
Cũng cần tổ chức nhiều hoạt động phong phú tại thư viện, như đọc sách theo chủ đề, vẽ tranh, sáng tác truyện, đóng kịch theo tác phẩm, hóa trang theo nhân vật, viết cảm nhận sau khi đọc sách… giúp học sinh có nhiều thời gian tự học, tự do sáng tạo, và yêu thích việc đọc sách hơn.
Cùng với đó, thường xuyên tổ chức các hoạt động như tuyên truyền giới thiệu sách, điểm sách, trưng bày triển lãm sách, ngày hội sách… để khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Tìm hiểu sở thích và quan tâm của học sinh để bổ sung những sách, truyện, tài liệu đa dạng, phong phú, đáp ứng đúng nhu cầu
“Nhà trường xây dựng tủ sách trên các lớp học để giờ ra chơi 5 phút học sinh có thể ngồi trên lớp đọc sách. Hàng tuần, hàng tháng sẽ trao đổi sách trên lớp với sách trong thư viện để học sinh đọc được nhiều đầu sách mới
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện cũng rất cần thiết, như lập trang web riêng của thư viện; thường xuyên đăng những hoạt động, thông tin, sách hay để học sinh có thể tìm đọc; hoặc đăng tải link liên kết giúp học sinh có thể đọc sách trực tuyến trên mạng”, cô Dương Thị Hồng Duyên chia sẻ.
Với nội dung này, giải pháp thầy Đào Văn Phúc, Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) cho rằng, ngoài cách bày trí, hệ thống ánh sáng, bàn ghế, quạt mát…, thư viện nên có một số bộ máy tính và máy in hỗ trợ học sinh có nguyện vọng tìm tài liệu, in và học tại thư viện. Điều này thúc đẩy các em lên thư viện nhiều hơn.
Đặc biệt nhấn mạnh vai trò của người làm công tác thư viện, thầy Đào Văn Phúc cho rằng, cán bộ thư viện cần được bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ; chủ động xây dựng và đề xuất Ban giám hiệu các chương trình, kế hoạch, lịch hoạt động cho từng lớp trong tuần để học sinh lần lượt được tiếp cận với thư viện thường xuyên.
Bên cạnh đó, cần có chế độ chính sách phù hợp với nhân viên thư viện theo trình độ đào tạo để khuyến khích đội ngũ này học tập nâng cao trình độ.
Cán bộ thư viện cũng cần phối hợp với chuyên môn, với Đoàn thanh niên đẩy mạnh hoạt động quảng bá cho các dịch vụ thư viện, chẳng hạn: tổ chức các câu lạc bộ bạn đọc, xây dựng đội ngũ cộng tác viên là các bạn cán bộ lớp hay những bạn thường xuyên lên thư viện.
Hoặc tổ chức những cuộc thi về giới thiệu sách hay vẽ tranh theo chủ đề của sách, tổ chức các chuyên đề nói chuyện sách gắn với những ngày sự kiện lớn... để thu hút sự chú ý, quan tâm của học sinh. Đây là một hoạt động thiết thực bởi nó khơi gợi học sinh sở thích đọc sách và hình thành văn hóa đọc, học trong nhà trường.
Ngoài nguồn sách về chuyên môn, cán bộ thư viện có thể thăm dò các nhu cầu của học sinh về tài liệu nhằm đa dạng các nguồn tài liệu và có chính sách bổ sung hợp lý, phù hợp. Nguồn tài liệu này có thể do mua mới, hoặc quyên góp xã hội hóa, hay trao đổi luân chuyển sách giữa các thư viện với nhau.
Cán bộ thư viện cũng làm tốt công tác phối hợp với chuyên môn để không những học sinh mà cả cán bộ, giáo viên vẫn thường xuyên đến thư viện đọc, học thêm các nguồn tài liệu, từ đó tạo thêm cảm hứng và hiệu ứng đến với học sinh.
Hoạt động đọc sách tại thư viện Trường Tiểu học Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy, Nam Định). Ảnh: website nhà trường. |
Lên kế hoạch, triển khai kế hoạch hoạt động bài bản
Từ năm học 2010-2011, thư viện Trường THPT Trần Quang Khải, Hưng Yên đã được đánh giá thư viện chuẩn Quốc gia bởi cách sắp xếp, bố trí với kế hoạch hoạt động khoa học, bài bản, phát huy tối đa hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển, nâng cao chất lượng dạy-học của thầy trò nhà trường.
Để hoạt động của thư viện hiệu quả, thực chất, có chiều sâu, từ góc nhìn của người giáo viên, cô giáo Nguyễn Thị Giang Hương, giáo viên Trường THPT Trần Quang Khải đề xuất những giải pháp sau:
Thứ nhất, về công tác tổ chức và quản lý: Ban Giám hiệu thường xuyên chỉ đạo thực hiện đúng theo quy định của thư viện, thực hiện tốt chế độ báo cáo thường xuyên định kỳ về nhu cầu cần được bổ sung các loại sách, tạp chí, huy động nguồn kinh phí bổ sung sách cho thư viện.
Nhà trường phân công giáo viên chuyên trách thư viện, có nghiệp vụ quản lý thư viện quản lý sách thư viện và thời gian trực thư viện đáp ứng nhu cầu mượn, trả tài liệu của giáo viên, học sinh.
Có quy định thời gian để giáo viên phụ trách thư viện báo cáo kịp thời nhà trường về tổ chức, hoạt động của thư viện để Ban giám hiệu nắm bắt kịp thời, có kế hoạch điều chỉnh bổ sung tài liệu, kế hoạch hoạt động thư viện trường.
Thứ hai, xây dựng cụ thể kế hoạch hoạt động của thư viện. Thư viện nhà trường có kế hoạch hoạt động phù hợp với công việc của giáo viên, nhu cầu của học sinh, thường xuyên giới thiệu sách, thông báo sách mới nhập...
Thư viện thực hiện việc cho mượn, trả sách theo đúng quy định; có đầy đủ các loại hồ sơ, sổ sách để theo dõi mọi hoạt động của thư viện; thu thập, tích luỹ các nguồn tài liệu phong phú, đa dạng, đầy đủ tài liệu đọc, nghe, nhìn của nhiều lĩnh vực để có thể đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của giáo viên, học sinh.
Với chức năng góp phần cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục: Thư viện thường xuyên bổ sung các loại sách, tài liệu phù hợp chương trình giáo dục, phản ánh kinh nghiệm, sự tiến bộ của thế giới, các tài liệu được sắp xếp khoa học, dễ dàng tìm kiếm.
Học sinh cần được hướng dẫn sử dụng sách có hiệu quả; được khuyến khích học tập, nghiên cứu và phát triển, ứng dụng kiến thức nhận được một cách hữu ích trong học tập, cuộc sống.
Thứ ba, về quản lý thư viện: Sách, báo, tạp chí, bản đồ, tranh ảnh giáo dục, băng đĩa giáo khoa trong thư viện luôn được quản lý chặt chẽ, đảm bảo mĩ thuật và sử dụng thuận tiện, lâu dài.
Hàng năm nhà trường tiến hành kiểm kê tài sản của thư viện, làm thủ tục thanh lý các ấn phẩm đã bị rách nát, có nội dung thay đổi hoặc đã hết hạn sử dụng theo đúng nghiệp vụ thư viện.
Khuyến khích xã hội hoá để mỗi lớp học sinh chủ động xây dựng thư viện lớp, thuận tiện cho việc trao đổi, tìm hiểu thông tin ngay tại không gian lớp học.
Bên cạnh đó nhà trường sớm đẩy mạnh thư viện điện tử, thư viện được trang bị phần mềm quản lý để số hóa tài liệu nhằm phục vụ nhu cầu đọc, chia sẻ, tra cứu thông tin của thầy trò mọi lúc mọi nơi.