Những trăn trở của người làm công tác thư viện trường học

GD&TĐ - Thiếu thốn cơ sở vật chất, nguồn tài liệu, nhân lực và hoạt động chưa hiệu quả là những trăn trở với thư viện trường học hiện nay.

Cô trò Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Xuân Phú.
Cô trò Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Xuân Phú.

Cơ sở vật chất, nguồn tài liệu hạn chế

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của thư viện trường học, nhưng cô Dương Thị Hồng Duyên, cán bộ phụ trách thư viện Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, trên thực tế thư viện trường học chưa phát huy hết vai trò bởi còn gặp phải một số trở ngại, khó khăn.

Thứ nhất, với các trường học chưa được xây mới, diện tích thư viện không đủ để phân thành 3 phòng riêng biệt là phòng đọc giáo viên, phòng đọc học sinh và kho sách. Vì thường kết hợp chung với nhau nên cách bày trí, sắp xếp chưa được khoa học, đẹp mắt.

Thứ hai, bên cạnh một số trường Ban giám hiệu rất quan tâm đến hoạt động thư viện, cũng đâu đó có một số trường hoạt động thư viện chưa được quan tâm nhiều. Nguồn kinh phí để đầu tư cho thư viện tổ chức hoạt động, bổ sung sách truyện còn bị hạn chế, nên tài liệu chưa được phong phú và đa dạng.

Cũng trăn trở về cơ sở vật chất của thư viện, cô Nguyễn Thị Nhung, phụ trách thư viện Trường THPT Trần Quang Khải (Khoái Châu, Hưng Yên) cho biết, thực tế nhiều trường vẫn chưa có phòng thư viện riêng, thư viện còn tạm bợ, chật hẹp.

Vốn sách trong thư viện chưa phong phú, đa dạng mà phần lớn mới chỉ tập trung vào sách giáo khoa và sách tham khảo, sách phục vụ cho giáo viên theo chương trình học trên lớp.

Với yêu cầu thực tế hiện nay, các thư viện cần phải xây dựng một thư viện điện tử, đầu sách điện tử song song với thư viện truyền thống, tức là đầu tư hệ thống máy tính và mạng internet giúp học sinh tiếp cận với kiến thức và thông tin một cách nhanh nhất. Việc này là rất khó với hầu hết các thư viện; đặc biệt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa kinh phí đầu tư còn hạn chế.

Học sinh Trường Tiểu học Thị trấn Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ) trong ngày hội Sách và văn hóa đọc Việt Nam.

Học sinh Trường Tiểu học Thị trấn Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ) trong ngày hội Sách và văn hóa đọc Việt Nam.

Thiếu sức hút

Theo cô Nguyễn Thị Nhung, thư viện vốn là nơi lưu trữ, cung cấp, truyền bá thông tin tài liệu; là trung tâm sinh hoạt văn hóa, khoa học của nhà trường. Công tác thư viện đóng vai trò quan trọng trong định hướng và phát triển văn hóa đọc của thầy cô, học sinh… Nhưng hiện nay, nhiều thư viện trường học tồn tại như một kho chứa sách, ít được học sinh lui tới thường xuyên.

“Là những người làm công tác thư viện, chúng tôi luôn trăn trở về vấn đề này bởi thực tế hiện nay có nhiều thư viện và người làm công tác thư viện đang bị “bỏ quên. Học sinh chỉ đến thư viện với mục đích giải trí vào những lúc nghỉ giải lao, hay vào những ngày gần thi cuối kỳ”, cô Nguyễn Thị Nhung trăn trở.

Nói về nguyên nhân, ngoài những hạn chế về cơ sở vật chất, tài liệu, cô Nhung cho rằng, ngày nay với sự phát triển của Internet, học sinh có rất nhiều cách để tiếp cận thông tin dễ dàng, nhanh chóng thay vì phải đến thư viện tra cứu, tìm kiếm mất thời gian. Đồng thời, một bộ phận học sinh rất lười đọc.

Bên cạnh đó, đa số nhân viên trường học hiện nay trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế; hoặc là giáo viên kiêm nhiệm chưa được đào tạo, hoặc mới được đào tạo trung cấp, nên việc tổ chức hoạt động, công tác phục vụ bạn đọc còn nhiều khó khăn. Chế độ lương và phụ cấp thấp cũng ảnh hưởng đến tâm huyết với nghề của đội ngũ.

Cũng đưa ra những hạn chế như trên, cô Dương Thị Hồng Duyên, cho biết,hiện đa phần thư viện các trường học chỉ mở cửa phục vụ tại chỗ cho học sinh đến đọc và mượn sách trong giờ ra chơi. Những hoạt động chuyên môn như tuyên truyền giới thiệu sách, trưng bày triển lãm sách hàng tháng chưa thực hiện được thường xuyên.

Tại Trường Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (huyện Ea Kar, Đắk Lắk), cô Hiệu trưởng Lương Thị Hồng cũng chia sẻ, cơ sở vật chất, nguồn tài nguyên thư viện của nhà trường dù được đầu tư, bổ sung, sửa chữa hàng năm, nhưng vẫn còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới hiện nay. Chưa có không gian phục vụ riêng cho giáo viên và học sinh.

Học sinh chưa có thói quen tự đọc sách báo, đặc biệt sách báo giấy. Trong khi đó, việc tạo thói quen đọc sách và hình thành văn hóa đọc cho học sinh là một yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc định hướng các em tới thư viện. Phụ huynh học sinh chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển văn hoá đọc ở con em mình.

Chế độ lương và phụ cấp cho nhân viên thư viện chưa đảm bảo, chưa được thăng hạng mặc dù có công văn của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh.

Để tăng cường hiệu quả của thư viện trường học, theo cô Lương Thị Hồng, trước hết cần tăng cường thêm kinh phí để đầu tư cho thư viện; tuyên truyền cho phụ huynh học sinh về tầm quan trọng của việc đọc sách và bảo đảm chế độ lương, phụ cấp cho nhân viên thư viện theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.