Vì vậy, nếu tổ chức tốt sinh hoạt chuyên môn thì sẽ góp phần nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên.
Đó là chia sẻ của cô Bùi Thị Kim Chi – Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Lào Cai).
Quan tâm đến mục tiêu phát triển chuyên môn
Kinh nghiệm của cô Chi là, trong tập huấn, sinh hoạt luôn quan tâm đến mục tiêu phát triển chuyên môn cho mọi giáo viên. Khâu cuối cùng của quy trình là tác động thực tế, làm thay đổi thực tế.
Đó chính là làm cho giáo viên thấy rõ, sau mỗi tiết dự giờ, cả người dạy và người dự đều phải tự suy ngẫm tìm giải pháp tác động lại thực tế thiết kế (sáng tạo lại kế hoạch bài học).
Tuy nhiên để đạt được kết quả như mong muốn, trước hết giáo viên phải xác định mục tiêu từ lúc quan sát khi dự giờ: Cần quan sát ở vị trí nào? quan sát gì?
Trong quá trình quan sát, mỗi giáo viên cần dự kiến và tìm minh chứng để phân tích các nguyên nhân tác động đến tâm lý, hành vi và các tình huống học tập của học sinh.
Cùng với sự chia sẻ của đồng nghiệp, cả người dạy và người dự đều phải suy nghĩ để tìm ra các giải pháp sáng tạo để nâng cao hiệu quả bài học.
Cô Bùi Thị Kim Chi (ngoài cùng) tham dự một tiết học ngoại khóa với các em học sinh |
Bồi dưỡng kĩ năng phân tích giờ dạy cho giáo viên dự giờ đồng nghiệp
Trước khi phân tích giờ dạy, giáo viên được xem lại băng đĩa hình ghi lại toàn bộ tiến trình của tiết dạy. Trong quá trình xem đĩa cần khẳng định lại thông tin để làm minh chứng cho việc trao đổi, chia sẻ sau giờ dạy.
Định hướng cho người dự buổi thảo luận, chia sẻ chuẩn bị thông tin trước khi buổi thảo luận bắt đầu: Khi thảo luận, nội dung trao đổi cần tập trung vào việc nhận xét các hoạt động học tập của học sinh.
Hoạt động nào hiệu quả, hoạt động nào chưa hiệu quả? Câu hỏi nào hay? Tình huống nào tốt? Học sinh nào, nhóm nào hoạt động hiệu quả, lí do? Học sinh nào chưa tập trung chú ý vào việc học, vì sao?...
Giáo viên dự giờ cũng cần trao đổi về những khả năng học sinh đạt được trong thực tế giờ học rồi đem đối chiếu với ý định của giáo viên dạy.
Thảo luận trong nhóm nhỏ (với các buổi tổ chức sinh hoạt chuyên môn toàn trường có đông giáo viên tham dự) trước khi tham gia phần thảo luận, chia sẻ chung toàn trường.
“Với vai trò chủ trì phần thảo luận, tôi luôn khích lệ giáo viên chủ động, tự nguyện có ý kiến chia sẻ với đồng nghiệp về những cảm nhận của mình về các tình huống diễn ra trên cơ sở đã ghi chép, ghi nhớ được (đảm bảo 100% số người dự giờ được chia sẻ).
Vai trò của người chủ trì đặc biệt quan trọng nên từ vị trí điều khiển, giọng nói nét mặt, cử chỉ phải đều phải thể hiện sự thân thiện, gần gũi” – cô Chi tâm sự.
Cũng theo cô Chi, trong quá trình thảo luận, chia sẻ mà cán bộ, giáo viên gặp khó khăn thì người chủ trì phải gợi mở, khích lệ người nói được nói lên hết những phân tích của mình cùng với việc quan sát để nhớ lại các tình huống của bài học.
Cần tạo cơ hội cho tất cả người dự được phát biểu; cần tìm hiểu ý nghĩa của những ý kiến đóng góp nhằm làm sáng tỏ những gì họ muốn phát biểu thì mọi người sẽ học hỏi được nhiều điều.
Người chủ trì cần nhạy cảm trong điều hành, giúp cho người nói tự tin để nêu nhận xét. Nếu cần thiết cần có gợi ý đúng lúc (chẳng hạn gợi ý họ có thể kể một câu chuyện về một em nào đó, hoặc một nhóm nào đó gần với họ nhất...)
Bồi dưỡng kĩ năng phân tích giờ dạy cho giáo viên dạy minh họa
Để làm được điều này, kinh nghiệm của cô Chi là: sau mỗi tiết dạy, cô cùng thảo luận với giáo viên dạy minh họa về những điều mà người dạy quan tâm sau khi được nghe đồng nghiệp dự giờ chia sẻ. Lắng nghe họ trình bày những suy nghĩ của mình về những tình huống đã diến ra trong giờ học và nguyên nhân của nó.
Cô Chi dẫn giải: Chẳng hạn trong tiết dạy bài "Từ trái nghĩa", có ý kiến nhận xét "có một học sinh rất sôi nổi trong học tập song không phát biểu được khái niệm về từ trái nghĩa".
Tôi đặt câu hỏi cho giáo viên: Tại sao khi ngữ liệu đã được thay đổi ngắn gọn hơn, gần gũi hơn mà em học sinh khá đó lại không phát biểu được khái niệm mặc dù trước đó đã có một vài học sinh nói đúng khái niệm? (và giáo viên đã nhận ra mình làm quá nhanh phần phân tích, so sánh nghĩa của từ).
Nhờ đó mà đã Khuyến khích giáo viên trình bày giải pháp để khắc phục khó khăn học sinh gặp phải khi tham gia các hoạt động của tiết học.
Tiếp tục củng cố cho giáo viên của trường các nội dung cơ bản của đổi mới sinh hoạt chuyên môn để giáo viên nắm được ưu điểm của việc đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo mô hình “Sinh hoạt chuyên môn mới”; đồng thời, nhận thức rõ đổi mới sinh hoạt chuyên môn (SHCM) là quyết sách quan trọng nhằm thay đổi trường học, tạo ra sự chuyển biến nhanh hơn, rõ hơn chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu quả giáo dục.