Đây là mong muốn của sinh viên Chu Thành Đạt, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội khi chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Quyết định số 1895/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021-2030”.
Hình thức giáo dục cần đa dạng, sinh động, trực quan hơn
Dưới góc nhìn người học, Chu Thành Đạt cho rằng, các phương pháp và hình thức giáo dục hiện nay chưa thực sự phù hợp với phần lớn đối tượng học sinh, sinh viên.
Không ít những buổi tọa đàm, chia sẻ về giáo dục lối sống, tuyên truyền về đạo đức, pháp luật Nhà nước và nâng cao nhận thức của sinh viên về chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã được tổ chức. Tuy nhiên, phần lớn các buổi tọa đàm đều diễn ra dưới hình thức 1-2 diễn giả chia sẻ, các bạn học sinh, sinh viên lắng nghe và ghi chú những thông tin cần thiết. Chính điều này đã làm mất đi tính tương tác hai chiều, khiến cho các học sinh, sinh viên dễ bị sao nhãng, dẫn đến việc tính hiệu quả của các buổi giáo dục đạo đức cách mạng, lối sống thích hợp bị giảm đi đáng kể.
Ngoài ra, nhìn chung ấn phẩm, tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền còn chưa thực sự sinh động, hấp dẫn sinh viên. Thay vì dành 2-3 tiếng đồng hồ nghiên cứu nội dung giáo trình “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin", “Tư tưởng Hồ Chí Minh" hay các tập Powerpoint slide kiến thức môn học dày đặc chữ viết, các bạn sinh viên có xu hướng sẽ bị thu hút bởi những tấm poster, infographic sinh động, nhiều màu sắc, tóm tắt nội dung, kiến thức quan trọng bằng một số từ khóa cần lưu ý.
Chia sẻ điều này, Chu Thành Đạt cho biết: Tại trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên nhà trường đã chú trọng triển khai những nội dung cập nhật quan trọng về giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống cho sinh viên nhà trường thông qua các áp phích, video ngắn; nội dung chính sách, đường lối được cụ thể hoá bằng những ví dụ, hành động cụ thể, dễ hiểu.
Sự áp dụng đa dạng các thông tin nói trên đã đem tới những thay đổi tích cực, thu hút sự chú ý của không ít sinh viên trong trường.
Chính số lượt tiếp cận bài viết, tương tác thả biểu tượng cảm xúc và bình luận, lượt chia sẻ bài viết trên trang fanpage Facebook chính thức của Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên nhà trường đã phản ánh phần nào tính hiệu quả trong việc đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục đạo đức cách mạng cho học sinh, sinh viên trong thời đại ngày nay.
Từ đó, Chu Thành Đạt mong muốn, trong tương lai những nội dung giáo dục về các quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước sẽ được phổ biến dưới nhiều hình thức sinh động, trực quan hơn, bao gồm nhiệm vụ học tập, sinh hoạt của tổ chức Đoàn; thông qua các hoạt động ngoại khóa (ví dụ như diễn đàn thanh niên, chiến dịch hè tình nguyện, hành quân về nguồn, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ…).
Bên cạnh các cuộc thi tìm hiểu về Đảng Cộng sản Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cuộc thi học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức rất thành công những năm trước đó, Đạt đề xuất triển khai các cuộc thi về thiết kế banner, poster về nội dung chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các hoạt động này hy vọng khơi dậy lòng ham học hỏi, tinh thần sáng tạo của sinh viên, từ đó nâng cao hiệu quả học tập các môn lý luận chính trị tại các trường đại học, cao đẳng, học viện nói riêng, cũng như gia tăng sự hiểu biết, ý thức, bản lĩnh chính trị của thanh niên Việt Nam nói chung về các vấn đề trên.
Tận dụng hiệu quả mạng xã hội
Với sự phát triển của internet, việc đăng tải và chia sẻ thông tin mà hầu như không gặp phải trở ngại nào. Cùng với tâm lý thích nổi tiếng, thích được chú ý khiến cho một bộ phận không nhỏ người dùng internet, đặc biệt là các bạn học sinh sinh viên ở độ tuổi đôi mươi, chưa đủ chín chắn, tìm mọi cách để đăng tải những thông tin gây sốc, những tít “giật gân”, câu view.
Chu Thành Đạt cho rằng, nếu không đủ tỉnh táo, tiếp nhận các thông tin trên cơ sở có chọn lọc và ý thức cảnh giác, phê phán, không giữ vững những phẩm chất đạo đức cách mạng, một bộ phận không nhỏ đoàn viên thanh niên Việt Nam sẽ bị dụ dỗ, lôi kéo vào những thói hư, tật xấu, những ham muốn tầm thường, từng bước xao nhãng và phai nhạt mục tiêu, lý tưởng của mình; ngại cống hiến, ham hưởng thụ, thói vô tâm, vô cảm và nhiều vấn nạn đạo đức khác sẽ xuất hiện.
Xuất phát từ thực trạng đáng báo động nói trên, Chu Thành Đạt đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh triển khai với các trường phổ thông, trường đại học, cao đẳng, học viện trên toàn quốc về việc học tập, tuyên truyền Luật An ninh mạng năm 2018 thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, hoạt động ngoại khóa, các hình thức giới thiệu, tuyên truyền dễ tiếp thu như đã được đề cập trước đó.
Với việc trang bị một cách đầy đủ kiến thức về quy định của pháp luật trong việc sử dụng, hệ lụy từ việc sử dụng không gian mạng, học sinh, sinh viên có thể điều chỉnh hành vi, cách ứng xử với bạn bè, gia đình và xã hội một cách phù hợp.
Bên cạnh đó, đại diện sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đồng thời đề xuất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam để triển khai các chương trình, cuộc thi tìm hiểu về tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thanh niên.
Dưới góc nhìn của một sinh viên đã từng tham gia một số cuộc thi kiến thức trực tuyến do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức, Đạt tin tưởng rằng, cần sự thay đổi nhất định về hình thức dự thi để hạn chế tình trạng một bộ phận đoàn viên, thanh niên vì bệnh thành tích mà lợi dụng sơ hở về mặt kỹ thuật để đạt điểm số cao trong các bài thi trắc nghiệm trực tuyến.
Thêm vào đó, việc tổ chức các cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến khiến việc học tập, tìm hiểu, tiếp nhận thông tin của đoàn viên, thanh niên trở nên thụ động khi các bạn dựa dẫm quá nhiều vào các công cụ tìm kiếm trong quá trình làm bài thi. Những nội dung, kiến thức mà các bạn có được từ các câu hỏi trong đề thi cũng vì thế chỉ mang tính chất tạm thời và không có tính hệ thống.
Từ những quan sát trên, Chu Thành Đạt cho rằng, các cuộc thi mang tính chất tuyên truyền, cổ động, giáo dục như cuộc thi tìm hiểu về tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thanh niên nói trên nên được tổ chức dưới nhiều hình thức, hạng mục khác nhau, giúp các bạn đoàn viên thanh niên có thể phát huy sở trường của mình một cách sáng tạo.
Thay vì chỉ dừng lại ở các bài thi trắc nghiệm 30 câu, 50 câu truyền thống, các nội dung thi về sáng tác tranh/ảnh nghệ thuật, dựng video, radio tuyên truyền, podcast, các tiểu phẩm hài, truyện ngắn dở khóc dở cười về thanh niên trong thời đại số chắc hẳn sẽ thu hút sự tham gia đông đảo của nhiều đối tượng đoàn viên, thanh niên tham gia dự thi.
Những nội dung, thông điệp được truyền tải qua các kênh thông tin kể trên sẽ mang góc nhìn “rất trẻ, rất thanh niên”, giúp cho những nội dung tuyên truyền đôi khi vốn khô khan, khó tiếp thu trở nên sinh động, dễ hiểu, dễ áp dụng trong đời sống hàng ngày - điều mà các bài thi trắc nghiệm, viết luận tìm hiểu về chủ trương, chính sách khó lòng có thể sánh bằng.
Thông qua đây, Đạt cũng mong muốn cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần thường xuyên cập nhật các xu thế mới trên internet, biết tận dụng mạng xã hội (ví dụ Zalo, Facebook, Instagram, Tiktok) và biến nó trở thành một công cụ hữu hiệu để tập hợp thanh niên và tổ chức các phong trào hoạt động thanh niên, như tăng cường các hình thức kết nối, tương tác thân thiện trên các nền tảng nói trên.