"Dạy người" là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, thường xuyên, liên tục

GD&TĐ - Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng là nhiệm vụ quan trọng trong giáo dục đào tạo thế hệ trẻ, đòi hỏi phải có sự quan tâm đầu tư nguồn lực thích đáng.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị.

Chiều 28/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 1895/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021-2030”.

Đây là hội nghị quan trọng để triển khai Quyết định số 1895/QĐ-TTg nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, định hướng giải pháp, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021-2030.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Điểm cầu trung tâm tại Bộ Giáo dục và Đào tạo kết nối tới các tỉnh/thành và nhiều cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm; các đơn vị chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Tỉnh uỷ, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương,…

Tại điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đồng chủ trì hội nghị.

Nhiều chuyển biến tích cực trong giáo dục đạo đức, lối sống học sinh, sinh viên

Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết: Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội quan tâm.

Quan điểm chỉ đạo của Đảng về nhiệm vụ này được tập trung chỉ đạo từ Nghị quyết Trung ương 2 khóa 8; được phát triển, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu thực tế tại Đại hội Đảng toàn quốc các khóa và đặc biệt là Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Một trong các vấn đề quan trọng trong Nghị quyết 29-NQ/TW là chuyển mạnh quá trình giáo dục từ “nặng” về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục “trọng” về hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của người học; chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân.

Nội dung giáo dục toàn diện một lần nữa được khẳng định tại Kết luận số 51-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; trong đó yêu cầu: Đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Ngành Giáo dục đã chỉ đạo tăng cường công tác “dạy người”, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho thanh niên học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục; tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để thực hiện công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

Ngày 28/8/2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1501/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, Quyết định 1501/QĐ-TTg đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, giải pháp đặt ra trong Đề án đã khẳng định quyết tâm của ngành Giáo dục cùng các cơ quan bộ ngành Trung ương, các địa phương trong việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, thời gian qua vẫn còn một bộ phận thanh thiếu nhi có biểu hiện suy thoái, lệch lạc về phẩm chất đạo đức, lối sống như: thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà trường. Đáng ngại nhất là tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn ra phức tạp tại một số địa phương, còn hiện tượng học sinh đánh nhau, học sinh đánh giáo viên.

Hiện tượng thờ ơ, vô cảm, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai trái, tiêu cực không dám đấu tranh, không can ngăn mà còn quay video đưa lên mạng như là một sự cổ súy cho hành vi bạo lực. Học sinh, sinh viên Việt Nam được đào tạo lý thuyết tốt, nhưng thiếu kỹ năng mềm, thiếu tinh thần làm việc tác phong công nghiệp, làm theo nhóm.

"Thực tiễn triển khai Đề án 1501 đã khẳng định công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng là nhiệm vụ quan trọng trong giáo dục đào tạo thế hệ trẻ, đòi hỏi phải có sự quan tâm đầu tư nguồn lực thích đáng, coi đó là đầu tư cho tương lai của đất nước và cần ưu tiên đầu tư trước. Như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Công tác "dạy người" phải được coi là một nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, thường xuyên, liên tục”" - Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn Hội nghị.

Tiếp nối thành quả giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên

Ngày 11/11/2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt Quyết định số 1895/QĐ-TTg ban hành Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030”.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng: Sự tiếp nối từ Đề án 1501 đến Chương trình 1895 khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả, quyết liệt của cả hệ thống chính trị; cùng sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của các cấp bộ, ngành, địa phương, nhà trường, gia đình và toàn xã hội trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.  Chương trình 1895được ban hànhthực sự cần thiết, đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ.

Chương trình 1895 đã xác định những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực, đồng bộ, khả thi nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại của Đề án giai đoạn 2015-2020, nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021- 2030.

Về mục tiêu, Chương trình xác định 2 mục tiêu lớn. Một là,tiếp tục tăng cường, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, góp phần xây dựng thế hệ thanh niên, thiếu niên, nhi đồng kiên định lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng; tuân thủ pháp luật; có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội, có kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, tay nghề cao.

Hai là,khơi dậy trong thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tinh thần thi đua học tập, rèn luyện; ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp; đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 1895/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 1895/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 

Trên cơ sở mục tiêu tổng quát, Chương trình đã xác định 2 nhóm chỉ tiêu cơ bản gồm: Chỉ tiêu về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; Chỉ tiêu về khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên học sinh, sinh viên.

Để đạt được các mục tiêu, Chương trình đã đề xuất 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, cụ thể:

Đa dạng hoá nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền; nâng cao nhận thức của thanh niên, thiếu niên, nhi đồng và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến.

Tổ chức hiệu quả các phong trào hành động cách mạng của Đoàn, Hội, Đội trong và ngoài nhà trường để giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

Tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý và giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, văn hoá ứng xử cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

Xây dựng và thực hiện hiệu quả cơ chế phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội.

Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên, cộng tác viên phụ trách công tác tác giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng trong các cơ sở giáo dục, tổ chức Đoàn, Hội, Đội.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

Rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách hỗ trợ việc thực hiện chương trình giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

Bảo đảm các thiết chế và điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất đáp ứng nhiệm vụ giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Để bảo đảm hiệu quả, Chương trình đã quy định trách nhiệm thực hiện cụ thể cho các bộ, ngành: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, các bộ ngành khác, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức Hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh khẳng định: Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng là vấn đề có tính chiến lược, vừa giải quyết những vấn đề trước mắt vừa có giá trị định hướng lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần đầu tư cho tương lai của đất nước.

Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung vào các vấn đề sau:

Thứ nhất, từ các hoạt động thực tiễn và kết quả nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế của các chuyên gia, kết quả triển khai ở mỗi bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục và đào tạo, các đại biểu sẽ tập trung trao đổi, thảo luận, làm sâu sắc hơn những bài học kinh nghiệm, những cách làm sáng tạo, hiệu quả, những mô hình tiêu biểu trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ, giải pháp được đề xuất.

Thứ hai, phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, đề xuất phương pháp, cách thức cần tập trung thực hiện để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đặt ra trong Chương trình 1895. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ