Giải pháp chủ động với nội dung, thời lượng, phương pháp dạy học

GD&TĐ - Tự chủ về nội dung và phương pháp dạy học là việc cô giáo Trần Thị Hoài Nam (Trường Tiểu học Diễn Kỷ - Diễn Châu, Nghệ An) và các đồng nghiệp đã và đang thực hiện nhằm đem lại hiệu quả giáo dục cao hơn.

Giải pháp chủ động với nội dung, thời lượng, phương pháp dạy học

Từ thực tế giáo viên gặp khó khăn về thời gian trên lớp khi thực hiện dạy học Toán, Tiếng Việt lớp 4, cô Nam đã mạnh dạn tự điều chỉnh nội dung, thời lượng và phương pháp dạy học cho phù hợp với lớp mình dạy.

Sau đây là những chia sẻ của cô giáo Trần Thị Hoài Nam

Tự chủ trong việc nắm bắt đối tượng và phân loại học sinh

Để điều chỉnh được nội dung và thời lượng dạy học cho phù hợp với lớp mình, trước hết giáo viên (GV) cần nắm được tình hình học sinh (HS) lớp mình: Có bao nhiêu em có thể đạt được ở mức chuẩn, bao nhiêu em cần được phát triển năng khiếu và phát triển được ở mức nào? phát triển năng khiếu gì?

Sau đó là điều kiện cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học có thể đáp ứng được đến mức nào và thiết kế bài học như thế nào cho phù hợp với các điều kiện trên là điều quan trọng nhất.

Vào đầu năm nhận lớp, tôi đã tổ chức khảo sát HS 2 môn Toán và Tiếng Việt với nội dung đề ra khoảng 80% mức độ đề đạt chuẩn, 20 % cho HS khá và giỏi.

Sau khi nhận được kết quả kiểm tra, cùng với nhận xét trong quá trình giảng dạy hàng ngày, đồng thời tôi cũng tham khảo thêm ở các GV cũ của những năm trước và phụ huynh HS để phân loại HS lớp 4A - Trường Tiểu học Diễn Kỷ.

Qua các kênh thông tin trên, tôi xác định được những em nào cần giáo dục để đạt đến chuẩn (các em còn “ non” ở kiến thức nào? “ non” về đọc, về viết hay về tính toán?) ở đối tượng này trong từng tiết học đều được chú ý kèm cặp hơn.

Những em đạt chuẩn ở mức vững chắc, sẽ phân công cho các HS giỏi giúp đỡ. Còn với đối tượng HS khá, giỏi giáo viên tranh thủ hết thời gian còn “dư” để giúp các em phát triển năng khiếu theo khả năng của mình.

Đồng thời, kết hợp các biện pháp dạy học với công tác chủ nhiệm để khuyến khích các em tự chủ trong việc nắm bắt kiến thức và phát huy hết khả năng học tập.

Tự chủ trong việc xây dựng thời khóa biểu

Để điều chỉnh được thời lượng dạy học trong một buổi, một ngày, một tuần,... việc đầu tiên là sắp xếp thời khoá biểu cho phù hợp để ngày học nào cũng có cả Toán, Tiếng Việt và các môn học khác; thời khoá biểu buổi một phù hợp với buổi hai.

Ở trường tôi các môn học Nghệ thuật, Năng khiếu, Tự chọn đều có giáo viên riêng thời khóa biểu cho các môn này là cơ cấu cứng, nên việc sắp xếp thời khóa biểu của lớp mình còn phụ thuộc vào thời khóa biểu chung của toàn trường.

Sau khi có thời khóa biểu chung của toàn trường tôi tự điều chỉnh, sắp xếp thời khóa biểu của lớp tôi sao cho trong một buổi, một ngày các môn học có thể sắp xếp điều chỉnh được về thời lượng.

Với thời khóa biểu đó trong một buổi học, hoặc trong một ngày học, giáo viên có thể điều chỉnh thời lượng từ môn học này sang môn học khác hoặc từ buổi sáng sang buổi chiều.

Cũng có khi nội dung bài học ở buổi một cần ôn tập củng cố kiến thức ngay cho HS, tôi chuyển tiết ôn tập từ buổi chiều sang buổi sáng để tiện ôn tập cho HS luôn.

Ví dụ sau tiết Toán của sáng thứ hai HS cần củng cố ngay kiến thức tôi chuyển tiết Ôn luyện của buổi chiều lên để ôn cho HS vừa giúp các em nắm bài tốt hơn vừa tiết kiệm được thời gian hơn.

Hoặc sau tiết Tập làm văn của sáng thứ năm cần có thêm thời gian để học sinh thực hiện hết yêu cầu cần đạt hay luyên tập thêm cho HS tôi chuyển tiết Ôn luyện của buổi chiều lên đổi cho tiết Luyện từ và câu sang buổi chiều nhằm giúp HS thuận lợi hơn trong khâu viết đoạn văn, bài văn ...

Như vậy việc sắp xếp thời khoá biểu cũng phải nghiên cứu sao cho tiện điều chỉnh giữa các môn học trong một ngày.

Các buổi chiều đều được xen kẽ giữa các môn học Năng khiếu, Tự chọn, Tiếng Việt và các tiết ôn tập nên việc điều chỉnh thời lượng dễ dàng hơn.

Các môn học Năng khiếu, Tự chọn, Nghệ thuật tuy thời lượng dạy học hầu hết 35 phút/ tiết nhưng họ phải thực hiện đổi tiết giữa lớp này với lớp khác nên thời lượng cũng vừa đủ trong khoảng 40 phút.

Tự chủ trong việc điều chỉnh nội dung, thời lượng dạy học

Nhiều năm học qua tôi đã thoát ly khỏi sách giáo viên (SGV) và Thiết kế bài giảng. Dựa trên quy định của Bộ GD&ĐT, tôi đã mạnh dạn thay đổi một số nội dung, điều chỉnh về thời lượng cho phù hợp với từng đối tượng HS để làm sao tất cả HS đều được học đồng thời nó cũng phù hợp với năng lực, sở trường của mình.

Dựa vào khả năng tiếp thu của HS lớp mình, dựa vào thiết bị, đồ dùng dạy học hiện có, tôi đã thiết kế bài giảng cho lớp mình để vừa đáp ứng chuẩn KT-KN vừa phát triển được năng khiếu cho HS, làm sao cho các em HS yếu, trung bình tiếp thu được bài và sao cho 14 em HS giỏi không lãng phí thời gian.

Dựa vào “Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học” và sau này là “Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức kỹ năng các môn học ở Tiểu học - Lớp 4”, tôi đã xác định mục tiêu cần đạt cho lớp mình trong từng bài, từng tiết học.

Để đạt được mục tiêu đó, tôi đã phải trăn trở, suy nghĩ xem nên thiết kế bài giảng như thế nào cho phù hợp cả về nội dung lẫn thời lượng.

Điều chỉnh các ngữ liệu, thông số, các thuật ngữ ...phù hợp với HS , điều kiện dạy học

Điều chỉnh được nội dung thời lượng dạy học sao cho phù hợp với HS, với điều kiện dạy học của lớp mình, mỗi tiết học, mỗi buổi học, GV đều phải đầu tư nhiều cho việc thiết kế bài giảng của mình.

Có khi nội dung đoạn văn, bài toán không phù hợp với đối HS trường mình tôi mạnh dạn chuyển nội dung của đoạn văn hoặc bài toán đó cho phù hợp.

Ngoài nội dung SGK, GV phải nghiên cứu tìm tòi thêm ở các loại sách tham khảo phục vụ cho dạy học.

Ví dụ 1: Để phù hợp với đồ dùng dạy học, các bài toán ở tiết “ Phân số và phép chia số tự nhiên” nên thay đổi đơn vị bài toán từ “ cái bánh” thành “hình tròn” để bài toán gần gũi với HS hơn, HS dễ hiểu hơn, GV sử dụng đồ dùng dạy học dễ dàng hơn.

Ví dụ 2: Để tránh thắc mắc của HS khi học đến tiết “Luyện tập chung” trang 176 - Toán 4, ở bài tập 1, có sách thì in: Đắc Lắc; Con Tum, có sách thì in: Đăk Lắc, Kon Tum, ngay ở bài “Viết tên người, tên địa lý Việt Nam” - Luyện từ và câu - GV đưa thêm những danh từ riêng này vào, vận dụng sách tham khảo để giải thích cho HS luôn.

Tự chủ trong việc chọn nội dung phù hợp để giao cho từng đối tượng HS

Theo chuẩn kiến thức - kỹ năng thì có một số nội dung, một số bài tập trong SGK HS không phải thực hiện hết. Nhưng làm sao để cho những HS trung bình đạt được chuẩn và HS khá giỏi không lãng phí thời gian thì mỗi GV cần phải suy nghĩ, lựa chọn.

Ví dụ : Tiết 4 Lịch sử Tuần 6- Bài: Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (Năm 40). Bài này tôi thiết kế thời lượng 35 phút.

Để thực hiện được với thời lượng đó và đáp ứng được yêu cầu của bài thì GV phải chuẩn bị sẵn lược đồ về diễn biến của cuộc khởi nghĩa.

Với nội dung bài này hai năm gần đây tôi thiết kế bài giảng theo kiểu “Kể chuyện lịch sử”. Sau khi học xong bài này tôi thấy HS nhớ được nội dung bài lâu hơn, có nhiều em kể lại được cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và kể đầy đủ, mạch lạc hơn.

Như vậy, trong một buổi học thời lượng cũng vừa đủ cho GV và HS thực hiện hết yêu cầu 4 tiết học.

Những tiết học như trả bài viết Tập làm văn cho HS là những tiết học từ xưa đến nay quyền tự chủ được giao hẳn cho GV nhưng làm thế nào để một giờ trả bài có hiệu quả không phải là dễ.

Để thực hiện được yêu cầu tiết trả bài trên GV phải chuẩn bị trước tất cả những câu văn, đoạn văn cần chữa cho HS lên bảng phụ hoặc soạn sẵn vào giáo án điện tử thì mới tiết kiệm được thời lượng dạy học đảm bảo cho những tiết học khác.

Tự chủ trong việc chọn nội dung cho buổi hai

Một số GV đã hiểu máy móc tinh thần chỉ đạo theo “Hướng dẫn dạy học 2 buổi/ ngày” là không đưa thêm nội dung, kiến thức mới vào dạy buổi 2 mà chủ yếu khai thác kiến thức đã có trong SGK, củng cố và rèn luyện các kỹ năng đã học. Do đó, chưa mạnh dạn trong việc nâng cao kiến thức theo nhu cầu học của HS.

Ở lớp tôi ngoài những tiết học được cơ cấu cứng ở buổi 2 như Ngoại ngữ, Tin học (4 tiết/ tuần) tôi đã tự chủ hoàn toàn trong việc lựa chọn nội dung cũng như sắp xếp thời khóa biểu (có thể thay đổi thời khóa biểu trong từng ngày, từng tuần cho phù hợp với nội dung dạy học buổi 1) cho hợp lý, không cắt bỏ chương trình.

Trong thực tế ở lớp tôi có rất nhiều em HS giỏi và cũng không ít HS đạt chuẩn nhưng chưa chắc chắn.

Việc chọn nội dung cho những HS trung bình và HS yếu dễ dàng hơn vì những em này chỉ cần tự giác ôn luyện để đạt chuẩn vững chắc là đã thành công rồi.

Còn những em HS khá, giỏi thì GV phải tạo cơ hội để các em phát triển khả năng của mình đồng thời tránh tạo áp lực nặng nề cho các em.

Tự chủ trong việc lựa chọn các phương pháp dạy học

Bên cạnh việc chủ động chọn nội dung, thời lượng cho phù hợp vời HS lớp mình, tôi quan tâm nhiều đến việc làm phong phú các hình thức dạy học nhằm chống nhàm chán đồng thời cũng tạo được nhu cầu học cho HS để phát huy tốt nhất vai trò chủ động sáng tạo, ý thức tự học, tự rèn của HS.

Trong từng tiết học, buổi học HS có thể được học đan xen nhiều hình thức: học cá nhân, học nhóm, học cả lớp; thay đổi các dạng bài tập khác nhau từ bài tập trắc nghiệm chuyển sang bài tập tự luận và ngược lại.

GV tạo điều kiện cho HS được sử dụng các loại đồ dùng trực quan trong các tiết học khác nhau như: tranh ảnh, vật mẫu, bảng con, thẻ, phiếu bài tập, vở ô li, ...

GV cần tạo điều kiện cho HS được gần gũi với thiên nhiên, với thực tế. Khi dạy các bài cần có sự quan sát thực tế thì GV phải chọn hình thức lên lớp sao cho mỗi HS đều được quan sát trực tiếp.

Ví dụ: Cho các em ra sân trường để được nhìn, được sờ vào các cây mà các em sẽ tả - khi dạy bài “ Luyện tập miêu tả cây cối” - Tập làm văn.

Cho các em ra sân trường để được thực hành cắm cọc tiêu, thực hành đo 10 bước chân của mình - khi dạy bài “ Thực hành gióng và đo đoạn thẳng trên mặt đất” – Toán.

Tùy vào điều kiện dạy học và tùy vào khả năng học tập của HS, trong từng tiết dạy hằng năm tôi đều rút ra kinh nghiệm cho mình trong phương pháp lên lớp để điều chỉnh cho những năm học sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ