Những kết quả khảo sát này, theo 2 tác giả, có thể đóng góp như là những kinh nghiệm cho việc biên soạn bộ SGK đổi mới sắp tới ở Việt Nam.
Chú trọng hình thành, phát triển kĩ năng cho học sinh
Sách giáo khoa (SGK) quốc ngữ bậc trung học ở Hàn Quốc rất chú trọng việc rèn luyện kĩ năng cho học sinh. Việc hình thành và phát triển kĩ năng cho học sinh là một trong những mục đích chính của bộ sách. Điều này thể hiện ở cấu trúc của SGK, cách triển khai nội dung các chương/ bài học.
Các chương còn lại cung cấp kiến thức về văn học và ngữ pháp (Hàn ngữ), nhưng cách thức thực hiện cũng đều thông qua việc hướng dẫn hoạt động cho học sinh.
Quá trình hình thành và phát triển kĩ năng hoạt động đã được đưa vào xuyên suốt trong cả 3 bước: Tìm hiểu - Áp dụng - Thực hành; đặc biệt là bước Tìm hiểu. Vì thế, trong bộ SGK Quốc ngữ này, tính chủ động của học sinh được thể hiện rất rõ.
Những kĩ năng rèn luyện cho học sinh trong SGK rất đa dạng, gắn với đời sống, đặc biệt là đời sống hiện đại. Đó là kĩ năng tự giới thiệu, dùng phương tiện internet (website, blog) để giới thiệu mình; viết và biết đánh giá một bài phát biểu, bài phỏng vấn; xây dựng bài nói có hiệu quả; tóm tắt câu chuyện hoặc bài nghe, bài đọc; làm tờ rơi quảng cáo; thu thập tài liệu để thử viết bút ký; ...
SGK rất chú trọng rèn luyện những kĩ năng thông thường của học sinh, chẳng hạn phương pháp phát biểu (không nên nói dài nội dung, phần nói về bản thân hoặc điều người nghe không quan tâm) hoặc kĩ năng đánh giá bài phát biểu của người khác:
Về tiêu chuẩn đánh giá, bao gồm: Bài phát biểu có mục đích không, có phù hợp với hoàn cảnh không? Dùng tài liệu và giới thiệu có hiệu quả không? Có suy nghĩ cho người nghe không? Bản thân mình có thể đề ra tiêu chuẩn đánh giá. (Chương 1, Quốc ngữ 1 cấp 3).
Thể hiện quan điểm tích hợp trong việc dạy và học
SGK Quốc ngữ bậc trung học ở Hàn Quốc thể hiện quan điểm tích hợp trong việc dạy và học. Đó là việc tích hợp kiến thức trong nhiều lĩnh vực: sinh hoạt hằng ngày, khoa học, văn học - nghệ thuật, báo chí... ; tích hợp nội dung kiến thức và phương pháp (phương pháp nghe và nói, phương pháp tóm tắt văn bản, phương pháp thực hiện quá trình viết,...); tích hợp kiến thức và kĩ năng.
Qua những hướng dẫn hoạt động trong bài học, SGK tích hợp nhiều kĩ năng cần thiết cho học sinh. Trước hết, đó là sự tích hợp 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết trong văn bản thuộc nhiều phong cách chức năng khác nhau, đặc biệt là phong cách sinh hoạt hằng ngày và phong cách ngôn ngữ văn chương (các văn bản văn học).
Thông qua các kĩ năng này, SGK còn rèn luyện các kĩ năng khác cho học sinh như kĩ năng phân tích và tạo lập văn bản, kĩ năng lập luận, kĩ năng đánh giá, kĩ năng phân tích (vấn đề), kĩ năng giao tiếp (cách đọc hiểu, trình bày văn bản nói viết, rèn luyện ngôn ngữ), kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng lập kế hoạch ...
Thể hiện tính sư phạm trong việc biên soạn
SGK Quốc ngữ bậc trung học ở Hàn Quốc thể hiện tính sư phạm trong việc biên soạn. Cụ thể: Lời hướng dẫn các hoạt động (hoặc lời yêu cầu, câu hỏi) luôn được trình bày ngắn gọn, theo trình tự các bước tiến hành, thường có kèm theo ví dụ để học sinh có thể tham khảo và làm theo.
Ngôn ngữ dùng trong SGK có chọn lọc theo hướng cụ thể, dễ hiểu. SGK có chú ý làm cho bài học trở nên thú vị, sinh động đối với học sinh.
Điều này có thể thấy ở cách đặt các tiêu đề các chương như Cuộc gặp gỡ quý báu, Niềm vui với thơ văn; Vùng đất ngôn ngữ, vùng biển âm vị (chương 1, 3, 4 Quốc ngữ 1 cấp 2), Du lịch đi tìm ước mơ, Mắt nhìn thế gian, Người đẹp (chương 1, 3, 4 Quốc ngữ 1 cấp 3).
Có thể xem cách diễn đạt những lời yêu cầu sau: Kể chuyện cho các bạn nghe, tham khảo rồi thử chọn ra “Vua kể chuyện nhóm Người trở thành “Vua kể chuyện nhóm ” hãy thử trở thành “Vua kể chuyện lớp ”. (Chương 2 Quốc ngữ 1 cấp 2)
Phần sau là những từ ngữ sử dụng trong bài thơ này và bài thơ “Nếu chúng ta là mưa tuyết thì sao?”. Hãy thử chia ra và đặt từng từ ngữ đó vào “cái túi khẳng định ” và “cái túi phủ định ” được trình bày ở phía dưới. (Chương 3 Quốc ngữ 1 cấp 2)
SGK có chú ý đặc điểm lứa tuổi, thể hiện ở độ dài các văn bản được đưa vào 2 cấp lớp ( văn bản ở Quốc ngữ 1 cấp 2 ngắn hơn Quốc ngữ 1 cấp 3), loại văn bản được chọn lựa để đưa vào SGK (Quốc ngữ 1 cấp 2: nhiều văn bản sinh hoạt hằng ngày hơn, Quốc ngữ 1 cấp 3: nhiều văn bản văn học - nghệ thuật hơn).
Thể hiện quan điểm dạy học vừa chú ý cá thể và hợp tác
SGK thể hiện quan điểm dạy học vừa chú ý cá thể (vai trò của cá nhân), vừa chú ý hợp tác trong nhóm, lớp.
Trong hai quyển SGK mà PGS.TS Dư Ngọc Ngân và ThS Jeong Mu Young khảo sát, người học/người đọc có thể thấy rõ điều này.
Trong những lời yêu cầu, có thể gặp những từ ngữ như “giới thiệu một cách có cá tính, có sáng tạo” hoặc “tìm những cách biểu hiện sáng tạo nhằm để lại ấn tượng sâu đậm” (chương 1 SGK Quốc ngữ 1 cấp 2); hoặc học sinh thường được yêu cầu tự tìm các tài liệu có liên quan đến phần Thực hành.
Mặt khác, trong phần Áp dụng và Thực hành, SGK thường yêu cầu chia đội, chia nhóm để chọn chủ đề, chuẩn bị các bài tập và đánh giá thử quá trình thể hiện của bạn mình.
Những khảo sát và nhận xét ban đầu nói trên, PGS.TS Dư Ngọc Ngân và ThS Jeong Mu Young hi vọng có thể đóng góp như là những kinh nghiệm cho việc biên soạn bộ SGK đổi mới sắp tới ở Việt Nam.