U ám và đầy rẫy những dọa nạt – công chúng không khỏi rùng mình trước các bức họa của Lê Thúy. Họa sĩ đã diễn tả đúng những gì đang xảy ra xung quanh chúng ta – sự im lặng đến chói tai – dù những cây đàn hiện diện chủ đạo trong cuộc triển lãm.
Im lặng đến chói tai
Đó là triển lãm cá nhân của Lê Thúy, kéo dài đến đầu tháng 1/2021 mới kết thúc. Chuỗi âm thanh của những cây đàn không dây, như một sự sắp xếp không có chủ ý đã và đang mang đến cho người xem tranh những bất ngờ, khó đoán định nhưng mau chóng thức tỉnh.
Với thông điệp gửi tới công chúng những bi kịch xảy ra với thế giới khiến con người tàn lụi. Sự ích kỷ, vô cảm, nỗi sợ hãi khi đối đầu với cái ác đã khiến con người im lặng cầu an. Thông điệp bằng tranh nhưng khiến chúng ta nhớ tới những câu thơ của cô giáo Phạm Thị Xuân Khải trong thi phẩm “Mùa xuân nhớ Bác”: Có mắt giả mù, có tai giả điếc/… Bởi lẽ đấu tranh – tránh đâu cho được? Đồng chí không bằng đồng tiền/Bằng lòng vẫn hơn bằng cấp.
Sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa, từng có tuổi thơ ở nông thôn, nên Thúy có sự gắn bó và trải nghiệm sâu sắc với khung cảnh cuộc sống làng quê. Những chi tiết miêu tả về nông thôn của Thúy không nhàm chán, không giả tạo. Ngược lại, công chúng dễ nhận thấy qua từng nét cọ ngập tràn sự đấu tranh sinh tồn, có chút gì đó hơi điên và kinh dị.
Kỹ thuật sơn mài nhiều lớp được áp dụng trên mặt đàn nguyệt, đàn bầu, đàn tứ, đàn sến... Sơn mài truyền thống hòa quyện cùng nhạc cụ cổ truyền đã tạo sự bắt mắt cả trong hình dáng lẫn màu sắc. Nó không chỉ là những bức tranh sơn thủy có tình có ý, mà còn ẩn trong đó tấm lòng Việt Nam – tâm hồn phụ nữ truyền thống.
Tuy là một sự sắp đặt, mang chủ ý sáng tạo tinh tế được giấu kỹ, nhưng công chúng dễ dàng nhận ra những cảm xúc chênh vênh, bất an và giằng xé của người nghệ sĩ. Với những cây đàn không dây, họa sĩ Lê Thúy xót xa nhìn về quá khứ mà như cách nói của nhà văn Nguyễn Tuân là vang bóng một thời. Cô gợi cho công chúng nhớ về những thanh âm đẹp đẽ của thiên nhiên thuần khiết. Cô mộng tưởng về thời hồng hoang, khi mà dấu chân con người chưa đạp đổ những tạo vật trời ban.
Xem triển lãm im lặng đến chói tai, người yêu nghệ thuật chợt nhớ đến một triển lãm cách đây không lâu của 10 nghệ sĩ thị giác mang tên “Cục im lặng”. Thế nhưng, sự khác nhau quá rõ rệt, một bên im lặng thành cục, không có nhúc nhích và hoàn toàn lặng yên. Bên còn lại cũng im lặng đấy nhưng chói tai, ngã ngửa và phải hét lên bằng sự thấu cảm tự đáy lòng.
Hòa âm bằng màu sắc
Nghệ thuật là vậy! Không có một ràng buộc, trói giữ nào. Nó cho phép nghệ sĩ tung tẩy để sáng tạo, nhưng dù thế nào tác phẩm cũng phải đem lại những nét đẹp – nhân văn phủ bên trên một câu chuyện, dù là trong tương lai hay trầm tích quá khứ. Những cây đàn không dây của Lê Thúy cũng vậy. Nó gợi cho người xem nhớ về sự tích Bá Nha – Tử Kỳ. “Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn”, người ta vỡ lẽ lý do Bá Nha đập vỡ cây đàn vào đá.
Với 39 cây đàn không dây, được phủ lên những họa tiết thuần Việt như mái đình, chùa làng – một đặc trưng Bắc Bộ là ngụ ý quá khứ vàng son. Biết bao nhiêu danh tích, sau tu bổ thành công trình mới; biết bao nhiêu thiền tự đã thương mại hóa cho Phật ngoảnh mặt; và còn biết bao nhiêu giá trị cổ truyền rơi vào quên lãng.
Người xem ngơ ngác trước những sự thật hiển nhiên diễn ra trước mắt, và rồi khi đối diện với tác phẩm “Giọt nước mắt” với hình dáng của chiếc đàn bầu mới ngỡ ra sự vô cảm của bản thân. Dù “Giọt nước mắt” là tâm sự nhói lòng, hay là bất lực của người nghệ sĩ nhưng đem lại cho công chúng một ý niệm về sự rung cảm, xót xa trước những mất mát mà dù vô tình hay cố ý, cũng là lỗi của con người.
Năm 2016, Lê Thúy có triển lãm “Chốn bình yên” với những bức tranh lụa cực đẹp. Nhưng cô nói: “Với tôi, chỉ là một bức tranh đẹp, tôi không muốn. Có thể thời gian sau tôi không tài nào vẽ được như thế này nữa, có thể tôi vẽ hoa lá cành, con người hay trừu tượng chẳng hạn. Nhưng thời gian này, tôi chỉ suy nghĩ nếu tôi không vẽ, không thể hiện ý nghĩ của mình thì thật là sự lừa dối không chấp nhận được”.
Ý nghĩ của một họa sĩ, nhạc sĩ hay bất cứ ai có tâm hồn đẹp sẽ dẫn dắt cuộc chơi. Nghệ thuật là một cuộc chơi không có điểm dừng, nhưng nó cho phép người chơi có thể dừng lại. Vấn đề là, nếu dừng lại thì ý niệm nghệ thuật cũng sẽ phôi phai, cái đẹp như bông hoa tàn lụi, và tình người giống con sông ô nhiễm.
Lê Thúy dùng hội họa để thể hiện âm nhạc rất chí lý. Âm nhạc có 7 nốt nhạc, hội họa cũng có 7 màu. Nhạc có hòa âm thì họa có hòa sắc; nhạc có phối âm thì họa có phối sắc. Trong các bản nhạc, có những ký hiệu cho sắc thái như khoan thai, dịu nhẹ, mạnh mẽ, dấu ngân (dôi), dấu lặng thì trong một bức tranh cũng có những điều tương tự.
Lê Thúy đã hiểu tường tận nhạc tính để thông qua hội họa, cô hòa âm thành một bản nhạc. Có lúc lặng im, có lúc chói tai nhưng trên tất cả là thông điệp về sự sống được biểu đạt bằng tính nhân văn sâu sắc trên nền tảng của nghệ thuật làm người.