Triển lãm trưng bày 30 tác phẩm bao gồm tranh lụa, màu nước và các ký họa tiêu biểu được chọn lọc từ các giai đoạn sáng tác chính. Bên cạnh đó là những câu chuyện phía sau mỗi bức tranh được thu âm trực tiếp từ lời kể của bà, phần nào đó bộc lộ thế giới quan và quá trình sáng tạo của người họa sĩ.
Triển lãm cũng là dịp ra mắt cuốn sách catalogue đầu tiên của họa sĩ Mộng Bích. Những góc nhìn đa chiều của các họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật, nhà hoạt động văn hóa về cuộc đời và tác phẩm của nữ hoạ sĩ. Điều này giúp người xem hiểu rõ hơn về người nghệ sĩ tài hoa, cũng như về những số phận đặc biệt của Tổ quốc Việt Nam, ở giữa hai thế kỷ.
Họa sĩ Mộng Bích (Nguyễn Thị Mộng Bích) sinh năm 1933, quê huyện Từ Liêm, Hà Nội. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (trung cấp 1956 - 1960, đại học 1965 - 1970). Từ 1960, bà là họa sĩ công tác tại Ty văn hóa Thái Nguyên. Từ 1970, chuyển về Hà Nội, là họa sĩ của báo “Độc lập”.
Trên thực tế, Mộng Bích là một trong số ít nữ họa sĩ đã kế thừa phong cách hiện thực truyền thống trong nghệ thuật vẽ tranh lụa.
Đối với bà, một bút pháp chân phương, chất biểu cảm của nền lụa (nhất là lụa thưa), những hòa sắc nền nã vàng nâu, xanh nâu điểm xuyết đỏ, tím – chính là những phương diện tốt nhất để thổ lộ tâm tình, và qua đấy tạo ra nhiều bức tranh đẹp: Mẹ con (1960), Chân dung cô gái Chăm (1980), Bà cháu (1985), Dệt vải Chăm (1990), Bà già (1993), Chân dung Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ (1995)…
Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 22/10 – 22/11/2020 tại L’Espace – Số 24 Tràng Tiền - Hà Nội.