Khai mạc triển lãm “Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội”

GD&TĐ - Sáng 9/10 tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước) đã tổ chức Lễ khai mạc “Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội” với hơn 130 tài liệu được trưng bày giới thiệu về các làng nghề, phố nghề giai đoạn thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.

Triển lãm “Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội” được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tổ chức nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long- Hà Nội. Những mảnh ghép trong tài liệu, tư liệu trưng bày tại triển lãm này và qua lời kể của những người thợ nghề về câu chuyện làng nghề lên phố bán hàng, lập đình, lập nghiệp sẽ cho người xem thấy một bức tranh về làng nghề - phố nghề giai đoạn thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.

Triển lãm bố cục thành hai chủ đề chính: Từ làng nghề ra phố và Đấu xảo - Tinh hoa làng nghề. Những thành ghép trong tài liệu, tư liệu trưng bày tại triển lãm này và qua lời kể của những người thợ nghề về câu chuyện làng nghề lên phố bán hàng, lập đình, lập nghiệp tái hiện bức tranh về làng nghề - phố nghề giai đoạn thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.

Từ làng nghề ra phố nghề tài liệu trưng bày tại phần này phản ánh nhiều nội dung phong phú xung quanh việc thợ thủ công ở nhiều làng nghề thuộc các tỉnh quanh Hà Nội đã tới làm ăn buôn bán và tạo thành các phố chuyên nghề. Họ hội tụ thành phường nghề và lập đền thờ tổ như ở quê gốc, tạo nên một tầng lớp thị dân với những nhu cầu mới, có tác động sâu sắc đến văn hóa đất Thăng Long.

Dưới triều Nguyên, mặc dù Thăng Long không còn là kinh đô, không phải là trung tâm kinh tế nhưng các làng nghề truyền thống vẫn luôn phát triển, cung ứng các vật phẩm cho nhà vua và triều đình. Bên cạnh những chính sách thuế khóa được ban hành, nhà Nguyễn cũng có những chính sách thiết thực nhằm phát triển nghề thủ công tại vùng đất Thăng Long - Hà Nội.

Nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục (thôn Bình Lăng, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín) đang hướng dẫn cho những vị khách “nhí” tới triển lãm cách thêu tranh.
Nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục (thôn Bình Lăng, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín) đang hướng dẫn cho những vị khách “nhí” tới triển lãm cách thêu tranh.

Sau khi Hà Nội trở thành nhượng địa của Pháp, chính quyền thành phố đã quy hoạch và quản lý hoạt động sản xuất, buôn bán đối với nghề thủ công. Sự quy hoạch và những chính sách mới đã làm xáo trộn cuộc sống và hoạt động buôn bán của thành phố vốn đã sinh hoạt và vận hành như thế cả trăm năm, nhưng đồng thời cũng mang đến những hướng đi và cơ hội mới cho họ từ chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp của chính quyền Pháp.

Toàn bộ tài liệu, tư liệu, hình ảnh và hiện vật được trưng bày tại phần này phản ánh hành trình các làng nghề thủ công Việt Nam tham gia chợ đấu xảo trong nước cũng như quốc tế, những bước tiến của người thợ thủ công trên con đường chinh phục thị trường thế giới và chủ động tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội nâng cao tay nghề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ