Giải cứu thú giữa rừng già

GD&TĐ - Huyện Tây Giang (Quảng Nam) có gần 92 ngàn hecta rừng tự nhiên, trong đó phần lớn là rừng nguyên sinh.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Đây cũng là nơi có số lượng quần thể cây di sản lớn nhất Đông Nam Á, thành chỗ trú ẩn an toàn cho nhiều loài động vật quý hiếm.

Thế nhưng, các nhà hàng “đặc sản thú rừng” mọc lên nhan nhản đã thành lực hút đối với một số người Cơ Tu. Họ vào rừng đặt bẫy để bắt các loài thú quý hiếm rồi bán cho các quán, như một cách để “tăng thu nhập”.

Trước tình trạng săn bắt thú rừng ngày một gia tăng, Đội tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy (CPT) được thành lập tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Giang với 5 thành viên. Hoạt động của Đội có sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).

Công việc vô cùng vất vả và hiểm nguy vì phải liên tục di chuyển giữa rừng già, song những hoạt động có ý nghĩa của họ đã lập tức thu hút nhiều thanh niên là đồng bào Cơ Tu tham gia.

Từ 5 thành viên ban đầu, sau hơn một năm hoạt động, đến nay Đội đã có 25 người, hầu hết là thanh niên Cơ Tu, chỉ duy nhất đội trưởng Hứa Nguyễn Minh Tuấn (1999) là người Kinh, bỏ công việc ổn định và gần nhà ở thị xã Điện Bàn lên đây tham gia giải cứu thú rừng.

Nhiệm vụ của các thành viên của biệt đội này là hằng ngày vào rừng để giải cứu những con thú bị mắc bẫy, thu gom số bẫy mà họ phát hiện, đồng thời báo với lực lượng kiểm lâm nếu thấy lâm tặc xuất hiện trong rừng.

Vì là rừng nguyên sinh nên các thành viên của Đội luôn phải đối mặt với những hiểm nguy như bị muỗi, vắt, rắn độc cắn, gặp lũ quét bất chợt vào mùa mưa, ăn uống kham khổ lại phải đi bộ liên tục giữa rừng già nên rất dễ bị lạc nếu không có kinh nghiệm của chính những thanh niên người Cơ Tu trong Đội.

Những thanh niên này không chỉ có kinh nghiệm đi rừng, phát hiện các loại bẫy được ngụy trang rất khéo, họ còn là những tuyên truyền viên tích cực trong bộ tộc về việc nên từ bỏ đặt bẫy thú rừng.

Cũng không phải dễ dàng gì người Cơ Tu từ bỏ công việc bẫy thú rừng như một tập tục lâu nay nhưng nhờ kiên trì giải thích rằng săn bắt động vật quý hiếm là vi phạm pháp luật nên dần dần người Cơ Tu đã bỏ được thói quen đó.

Hơn 8 ngàn chiếc bẫy thú rừng được Đội giải cứu thu lượm sau hơn một năm lăn lộn trong những cánh rừng nguyên sinh vùng Tây Giang cùng hàng chục loài động vật quý hiếm đã được giải cứu khỏi những chiếc bẫy.

Nhưng có lẽ thành công hơn cả không chỉ là số lượng thú được giải cứu, số bẫy thu được, mà cái chính là làm cho những già làng ở đây thông tỏ rồi chấm dứt việc săn bắt thú rừng.

Mỗi tháng Đội giải cứu phải liên tục đi xuyên rừng 20 ngày, đêm phải mắc võng ngủ lại giữa rừng. Mỗi người mang theo 20kg gồm đồ dùng cá nhân và lương thực, thực phẩm suốt thời gian họ lưu lại trong rừng.

Việc làm rất có ý nghĩa và mang lại hiệu quả như thế nhưng họ chỉ nhận được 5 triệu đồng mỗi tháng! Nếu không có đam mê với rừng, chẳng ai có thể gắn bó lâu dài với công việc vất vả này cả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ