Ngắm thú rừng qua "bẫy ảnh" ở Vườn Quốc gia Pù Mát

GD&TĐ - Thông qua hệ thống bẫy ảnh đặt tại Vườn Quốc gia Pù Mát (huyện Con Cuông, Nghệ An), hàng trăm bức ảnh động vật được chụp lại, thể hiện sự đa dạng sinh học ở nơi đây.

Cán bộ VQG Pù Mát đặt bẫy ảnh trong rừng.
Cán bộ VQG Pù Mát đặt bẫy ảnh trong rừng.

Cách thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) khoảng 160km về phía Tây Bắc, Vườn Quốc gia (VQG) Pù Mát có diện tích hơn 94.275ha nằm trải rộng trên 3 huyện Tương Dương, Con Cuông và Anh Sơn.

Bao đời nay, Pù Mát là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái. Theo tiếng Thái, Pù có nghĩa là đỉnh núi, Pù Mát là đỉnh núi cao nhất trong khu vực (1.841m). Dưới những cánh rừng nguyên sinh hoang sơ và hùng vĩ, Pù Mát có đa dạng sinh học vào loại bậc nhất của cả nước, với 1.121 loài sinh vật quý hiếm thuộc các nhóm thú, chim, bò sát, lưỡng cư, cá…

Trong số đó, có nhiều loài đặc trưng như: voi, voọc đen, sao la, mang lớn, mang Trường Sơn, chà vá chân nâu, vượn má vàng…

Ông Trần Xuân Cường – Giám đốc VQG Pù Mát cho biết, để xác định sự phân bổ, hiện trạng của các loài động vật, từ năm 1998 đến nay, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam (SVW) đã liên tục hợp tác với đơn vị thực hiện khảo sát bằng hệ thống bẫy ảnh tự động.

Hình ảnh ghi nhận được từ bẫy ảnh đã cho thấy hiện trạng của các loài thú có vú và các loài chim sống dưới đất trong khu vực, cung cấp cơ sở để đánh giá các hoạt động bảo tồn.

Cán bộ VQG Pù Mát cùng người dân đặt bẫy ảnh tại những vị trí thú rừng hay đi qua.
Cán bộ VQG Pù Mát cùng người dân đặt bẫy ảnh tại những vị trí thú rừng hay đi qua.

Trong giai đoạn từ năm 1998-2002, chương trình bẫy ảnh tự động được đặt tại 64 vị trí, thu được 556 bức ảnh của 50 loài thú, chim, bò sát. Trong đó, có những loài thú quý hiếm lần đầu tiên chụp ảnh trên thực địa tại Việt Nam như sao la, thỏ vằn Trường Sơn, voi, gấu chó, gấu ngựa, beo lửa, cầy vằn…

Từ năm 2018 đến nay, các cán bộ VQG Pù Mát đã đặt hơn 600 lượt bẫy ảnh đặt tại 320 trạm và 80 cụm. Kết quả đã ghi nhận được 82 loài của 33 họ thuộc các lớp thú, chim và lưỡng cư, bò sát. Trong đó, có 48 loài động vật nguy cấp, quý hiếm, 26 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, có 21 loài được ghi trong Danh lục đỏ IUCN…

2 cá thể voi Châu Á được chụp lại vào năm 2018.
2 cá thể voi Châu Á được chụp lại vào năm 2018.
Ngắm thú rừng qua "bẫy ảnh" ở Vườn Quốc gia Pù Mát ảnh 3

Đặc biệt, vào tháng 12/1999, bẫy đã chụp được hình ảnh của một cá thể hổ trưởng thành, các chuyên gia ước tính con hổ này có trọng lượng từ 150-170kg. Đây cũng là lần cuối hình ảnh một cá thể hổ sống trong rừng tự nhiên của Việt Nam được ghi lại.

Những tấm ảnh này đã thể hiện tính đa dạng sinh học của VQG Pù Mát, tạo tiếng vang lớn đối với các nhà khoa học khi thực hiện nghiên cứu bảo tồn các loài động vật hoang dã.

Các bẫy ảnh được đặt theo dạng lưới gồm các cụm và các trạm trải rộng trên diện tích vùng lõi của vườn, mỗi cụm cách nhau 1 km. Tại địa điểm đặt máy sẽ đặt 2 máy ảnh nằm đối diện nhau, cách nhau chừng 5-10m.

Máy ảnh được đặt song song với địa hình, cách mặt đất 10-30 cm. Điều này cho phép bẫy ảnh chụp được ảnh với góc rộng nhất, gia tăng khả năng phát hiện động vật khi đến gần.

Dưới mỗi bẫy ảnh được lót 1 lớp lá hoặc tấm nhựa mỏng để tránh bùn bắn lên khi trời mưa ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh. Ngoài ra, khu vực giữa 2 bẫy ảnh được dọn sạch lớp thực bì để tránh trường hợp bẫy ảnh tự động chụp cây cối khi có gió tác động.

Vị trí đặt máy ảnh được lưu lại bằng thiết bị GPS để sau này thu về dễ dàng hơn. Tùy từng chương trình, mục tiêu mà bẫy ảnh được đặt trong rừng có thời gian khác nhau. Thường bẫy ảnh từ lúc đặt đến lúc tháo về khoảng 2-3 tháng.

“Hiện tại, đơn vị đang đặt 40 máy ảnh trong rừng, khoảng 1 tháng sau sẽ thu máy về. Khi có động vật đi qua, máy ảnh sẽ dựa trên hệ thống cảm ứng hồng ngoại để chụp hình lại. Trước đây pin máy ảnh chỉ dùng được khoảng vài tuần nhưng bây giờ máy sử dụng công pin mới nên có thể đặt được 3-6 tháng. Để càng lâu thì số lượng ảnh lấy về chắc chắn sẽ càng được nhiều”, ông Cường nói thêm.

Cá thể hổ Đông Dương trưởng thành được chụp vào năm 1999.
Cá thể hổ Đông Dương trưởng thành được chụp vào năm 1999.
Khỉ mặt đỏ mẹ đang bế con.
Khỉ mặt đỏ mẹ đang bế con.
Hai cá thể hoẵng.
Hai cá thể hoẵng.
Năm 2019, bẫy ảnh chụp được hình ảnh đầu tiên về loài cầy vằn tại Khe Choăng, VQG Pù Mát.
Năm 2019, bẫy ảnh chụp được hình ảnh đầu tiên về loài cầy vằn tại Khe Choăng, VQG Pù Mát.
Loài voọc chà vá chân nâu
Loài voọc chà vá chân nâu

Ông Võ Công Anh Tuấn – Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, VQG Pù Mát cho biết, thông qua hệ thống bẫy ảnh được đặt tại vườn, đơn vị có được hình ảnh của nhiều loài động vật nguy cấp, quý hiếm.

"Theo báo cáo, đánh giá năm 2018 và 2021 thì cơ bản các loài đều tăng về số lượng, có những loài tăng lên số lượng cao. Qua đó cho thấy hệ động vật của vườn có sự phát triển thuận lợi. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là từ năm 1999 đến nay, chúng tôi chưa ghi nhận thêm được hình ảnh nào về loài hổ. Ngoài ra, trong 5 năm qua cũng không có thêm hình ảnh của loài sao la", ông Tuấn thông tin.

Khỉ mặt đỏ được thả về rừng sau khi cán bộ VQG Pù Mát cứu hộ, chăm sóc khỏe mạnh. (Những hình ảnh trên do Vườn Quốc gia Pù Mát cung cấp cho PV Báo GD&TĐ).
Khỉ mặt đỏ được thả về rừng sau khi cán bộ VQG Pù Mát cứu hộ, chăm sóc khỏe mạnh.
(Những hình ảnh trên do Vườn Quốc gia Pù Mát cung cấp cho PV Báo GD&TĐ).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ